Tổng hợp các thuật ngữ pháp lý dễ gây nhầm lẫn trong lĩnh vực hình sự

Pháp luật hình sự

Trong lĩnh vực hình sự có một số thuật ngữ dễ gây nhầm lẫn, nếu không chú ý sẽ dẫn tới việc các bạn sử dụng lẫn lộn các thuật ngữ này với nhau. Do đó, bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn phân biệt được các thuật ngữ này.

 

Các nội dung liên quan:

 

1. Khởi tố vụ án – Khởi tố bị can

Khởi tố vụ án là khởi tố về hành vi có dấu hiệu phạm tội.

Khởi tố bị can là khởi tố về cá nhân hoặc pháp nhân có dấu hiệu phạm tội.

Khởi tố vụ án có trước khởi tố bị can, nhưng thực tế cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành hai quyết định này cùng một thời điểm ngay khi xác định tại sự việc, sự kiện phạm tội có dấu hiệu tội phạm thì cũng đồng thời xác định được ngay người thực hiện hành vi phạm tội. (như trường hợp bắt tội phạm quả tang).

2. Bị can –  bị cáo

Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự.

Bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.

3. Miễn trách nhiệm hình sự – Loại trừ trách nhiệm hình sự – Miễn hình phạt – Miễn chấp hành hình phạt

Miễn Trách nhiệm hình sự là việc người phạm tội không phải chịu các hậu quả pháp lý hình sự từ hành vi phạm tội khi có các căn cứ theo luật định (nhưng có thể chịu các trách nhiệm về dân sự và hành chính). Người phạm tội đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm nhưng không phải chịu TNHS.

Ví dụ: người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo, người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại; người phạm tội tự thú,…

Miễn hình phạt là việc người phạm tội không phải chịu hình phạt về tội mà mình bị kết án. Hành vi của người phạm tội đã cấu thành tội phạm và bị tuyên án là có tội nhưng không bị áp dụng hình phạt.

Ví dụ: người phạm tội được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1, 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 và đáng được khoan hồng đặc biệt.

Loại trừ trách nhiệm hình sự là việc người nào đó có hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nhưng không bị coi là phạm tội và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ví du: người thực hiện hành vi gây hậu quả thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng; sự kiện bất ngờ; tình thế cấp thiết; gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội; tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; và thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên.

Miễn chấp hành hình phạt là việc người bị kết án không phải chấp hành một phần hoặc toàn bộ hình phạt của bản án đã tuyên khi họ có đủ các điều kiện do Bộ luật Hình sự quy định.

Ví dụ: người bị kết án được Nhà nước đại xá, đặc xá.

4. Đầu thú – Tự thú

Đầu thú là việc người phạm tội tự nguyện ra trình diện sau khi bị phát hiện về hành vi phạm tội.

Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện ra trình diện trước khi bị phát hiện về hành phạm tội.

5. Dẫn giải – Áp giải

Dẫn giải là việc cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Áp giải là việc cưỡng chế người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử.

6. Phạm tội 02 lần trở lên –  Tái phạm

Phạm tội 02 lần trở lên (BLHS 1999 gọi là phạm tội nhiều lần) là người phạm tội đã có từ 2 lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội đều có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, đồng thời trong các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội

7. Tình thế cấp thiết – phòng vệ chính đáng

Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Phòng vệ chính đáng là chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích của Nhà nước, của mình và của người khác.

8. Vô ý do cẩu thả – Vô ý vì quá tự tin

Lỗi vô ý do cẩu thả là lỗi của chủ thể đã không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của họ có thể gây ra và việc không thấy trước đó hoàn toàn do chủ quan của chủ thể đã không có sự thận trọng cần thiết. Người phạm tội đã không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội là do chủ quan của họ.

Lỗi vô ý vì quá tự tin là lỗi của chủ thể tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn thực hiện và đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

9. Tạm giữ – tạm giam

Dựa vào đối tượng bị áp dụng để phân biệt;

Tạm giữ áp dụng với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc người bị bắt theo quyết định truy nã.

Tạm giam áp dụng đối với bị can, bị cáo.

10. Che giấu tội phạm – Không tố giác tội phạm

Che giấu tội phạm là việc biết về hành vi phạm tội sau khi hành vi phạm tội đã được thực hiện, người che giấu không có hứa hẹn gì trước với người phạm tội.

Không tố giác tội phạm là việc biết rõ hành vi phạm tội sẽ, đang và đã diễn ra nhưng vẫn giữ im lặng.

3/5 - (2 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.