Tiểu luận Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo luật Hình sự Việt Nam – Lý luận và thực tiễn. Tài liệu được gửi đến Hocluat.vn từ bạn Phạm Thị Hòa <phamhoal***@gmail.com>.
Các nội dung liên quan:
- Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi tại Bộ luật Hình sự 2015
- Chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền an toàn tình dục của trẻ em và sự tương thích trong BLHS
- Các tội xâm hại tình dục trẻ em trong Bộ luật Hình sự năm 2015
1. Đề tài thuộc chuyên ngành luật mà bản thân yêu thích:“Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo luật Hình sự Việt Nam – Lý luận và thực tiễn”.
2. Lý do yêu thích đề tài
Việc quy định tội phạm nói chung và các tội xâm phạm tình dục nói riêng trong Bộ luật hình sự Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng vì các quy định đó đã góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên trong những năm gần đây số lượng các vụ án xâm phạm tình dục lại có xu hướng tăng về số lượng cũng như tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quy định và áp dụng pháp luật về các tội xâm phạm tình dục trong thời gian vừa qua, góp phần hoàn thiện pháp luật hình sự trong thời gian tới, nhằm đáp ứng được nhu cầu, đấu tranh phòng chống nhóm tội phạm này thì việc nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề lý luận, quy định về các tội xâm phạm tình dục, làm rõ những ưu điểm cũng như hạn chế, bất cập trong những quy định và thực tiễn áp dụngnhóm tội phạm này, từ đó có cơ sở để đưa ra những kiến nghị hoàn thiện các quy định về các tội xâm phạm tình dục trong pháp luật hình sự Việt Nam là điều cần thiết.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo luật Hình sự Việt Nam – Lý luận và thực tiễn” là vấn đề mang tính thời sự.
3. Tài liệu tham khảo
- Bộ luật Hình sự nước Việt Nam 1985.
- Bộ luật Hình sự nước Việt Nam 1999.
- Bộ luật Hình sự nước Việt Nam 2015.
- Bộ luật Hình sự nước Việt Nam 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Bộ luật Tố tụng hình sự nước Việt Nam 2003.
- Bộ luật Tố tụng hình sự nước Việt Nam 2015.
- Luật Thi hành án hình sự 2010:
- Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
- Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
- Nhà xuất bản Tư pháp, “Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 – Phần các tội phạm – Quyển 1”:
- Từ điển tiếng việt, NXB Hồng Đức, 2010.
- Đinh Văn Quế, “Bình luận khoa học hình sự”, Trường ĐH luật Hà Nội, 22/08/2014 Trần Văn Biên và TS. Đinh Thế Hưng (đồng chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Thế giới, 2017.
- TSKH Lê Cảm, “Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần chung)”, NXB ĐHQG Hà Nội, 2007.
- TSKH Lê Cảm, “Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm)”, NXB ĐHQG Hà Nội, 2007.
- TS Nguyễn Ngọc Hòa, “Tội phạm và cấu thành tội phạm”, NXB Tư pháp, 2013.
- TS Nguyễn Xuân Yêm, “Tội phạm học Việt Nam”, tập 2, NXB Công an nhân dân.
- TS. Nguyễn Xuân Yêm, “Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm”, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2001.
- Trần Quang Tiệp, “Đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam”, NXB Tư pháp, 2003.
- Ngô Thị Oanh (chủ biên), “Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm)”, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010.
- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia https://www.wikipedia.org/
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp http://m7uoj.gov.vn/Pages/home.aspx
*Tài liệu nước ngoài:
- Bộ luật Hình sự Thụy Điển.
- Bộ luật Hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
- Bộ luật Hình sự Hà Lan.
- http://legislationline.org/download/action/download/id/4247/file/RF_CC_1996_am03.2012_en.pdf
- https://www.unicef.org/vietnam/vi/c%C3%B4ng-%C6%B0%E1%BB%9Bc-li%C3%AAn-h%E1%BB%A3p-qu%E1%BB%91c-v%E1%BB%81-;quy%E1%BB%81n-tr%E1%BA%BB-em ;
- https://www.crin.org/en/home/rights/convention ;
- https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0277953605001176 ;
- https://www.ohchr.org/EN/UDHR/Documents/UDHR_Translations/eng.pdf ;
- https://www.ncjrs.gov/App/Publications/abstract.aspx?ID=42792;
- https://digitalcommons.ilr.cornell.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1007&context=child .
*Tóm tắt nội dung, phân tích ưu, nhược điểm:
1. Bộ luật Hình sự nước Việt Nam 1985:
- Nội dung: Đây là BLHS Việt Nam đầu tiên và cũng là Bộ luật đầu tiên của chúng ta được ban hành. Khi BLHS này có hiệu lực thi hành thì cũng là lúc sự nghiệp đổi mới bắt đầu.
- Ưu điểm: Bộ luật hình sự 1985 kế thừa và phát triển Luật hình sự của Nhà nước ta từ Cách mạng tháng Tám đến nay. Tổng kết những kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm và có dự kiến tình hình diễn biễn của tội phạm trong thời gian tới. Bộ luật hình sự thấu suốt quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta do giai cấp công nhân lãnh đạo, thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiến quyết đấu tranh chống tội phạm; thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta là xử phạt người phạm tội không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội; thể hiện tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa và lòng tin vào khả năng cải tạo con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Nhược điểm: BLHS năm 1985 với ý nghĩa là nguồn duy nhất trong đó quy định tội phạm và hình phạt được xây dựng trên cơ sở kinh tế xã hội của nền kinh tế bao cấp và trên cơ sở thực tiễn của tình hình tội phạm của thời kì đó. Ngay khi ra đời, BLHS đã ở trong tình trạng không phù hợp với chủ trương đổi mới cũng như những đòi hỏi của đổi mới. Để đáp ứng và phục vụ công cuộc đổi mới luật hình sự buộc phải có những thay đổi mang tính phát triển.
2. Bộ luật Hình sự nước Việt Nam 1999:
- Nội dung: Bộ luật hình sự 1999 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những nguyên tắc, chế định pháp luật hình sự của nước ta, nhất là của Bộ luật hình sự năm 1985, cũng như những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong nhiều thập kỷ qua của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Ưu điểm: Bộ luật hình sự thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm và thông qua hình phạt để răn đe, giáo dục, cảm hoá, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện; qua đó, bồi dưỡng cho mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tham gia phòng ngừa và chống tội phạm.
- Nhược điểm: Sau một thời gian dài thi hành, Bộ luật Hình sự 1999 đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý. Hạn chế cả về mặt kỹ thuật lập pháp lẫn tình hình thực tế khách quan như: nhiều nội dung trong BLHS được quy định chung chung không cụ thể, rõ ràng dẫn tới việc áp dụng thiếu thống nhất chưa tạo sự đồng thuận. Mặt khác, có nhiều hành vi nguy hiểm cần được xử lý hình sự nhưng chưa được tội phạm hóa. Do đó, tổng kết việc thi hành BLHS là hết sức cần thiết nhằm tập hợp những khó khăn, vướng mắc để từ đó tìm ra các biện pháp tháo gỡ, khắc phục giúp hoàn thiện BLHS
3. Bộ luật Hình sự nước Việt Nam 2015:
- Nội dung: Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015.Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội phạm và hình phạt, có ý nghĩa bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
- Ưu điểm: Đánh dấu một bước tiến mới trong kỹ thuật lập pháp, cơ bản đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập cũng như phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.
- Nhược điểm: Tuy nhiên, qua nghiên cứu thấy có một số điểm chưa rõ và khó áp dụng, cần phải có sự hướng dẫn cụ thể từ các ngành trung ương.
4. Bộ luật Hình sự nước Việt Nam 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:
- Nội dung: Bộ luật Hình sự hợp nhất số 01/VBHN-VPQH (Hợp nhất Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Bổ sung Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
- Ưu điểm: Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS 2015), được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới, khoa học, chặt chẽ, thống nhất và tiến bộ.
- Nhược điểm: Luật mới ban hành và đi vào thực tiễn nên cần các văn bản hướng dẫn cụ thể, kịp thời.
5. Bộ luật Tố tụng hình sự nước Việt Nam 2003:
- Nội dung: Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, của các cơ quan, tổ chức và công dân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
- Ưu điểm: Bộ luật tố tụng hình sự 2003 góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Các thủ tục về giám đốc thẩm đã phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động tư pháp ở Việt Nam, hiệu quả áp dụng đã được ghi nhận thông qua các báo cáo tổng kết công tác hàng năm của Ngành Toà án.
- Nhược điểm: Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động giám đốc thẩm của các cơ quan tiến hành tố tụng thấy, các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục giám đốc thẩm nói chung, quy định về thủ tục phiên toà giám đốc thẩm nói riêng vẫn còn những vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu, hoàn thiện. Vì vậy, việc nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục phiên toà giám đốc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp là rất cần thiết.
6. Bộ luật Tố tụng hình sự nước Việt Nam 2015:
- Nội dung: Ngày 27/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và Nghị quyết thi hành Bộ luật. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân được Quốc hội thông qua. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.
- Ưu điểm: Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới, là đạo luật cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS năm 2003 để khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm cho Tòa án nhân dân thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
- Nhược điểm: Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành BLTHS năm 2015, nhận thấy còn một số vướng mắc, bất cập cẩn phải sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn để bảo đảm cho việc áp dụng thống nhất pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng.
7. Luật Thi hành án hình sự 2010:
- Nội dung: Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
- Ưu điểm: Luật Thi hành án hình sự ra đời đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và lĩnh vực thi hành án nói riêng. Thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của nhà nước ta đối với người chấp hành án. Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đảm bảo quyền tự do – dân chủ của công dân. Góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ trật tự xã hội và an ninh quốc gia.
- Nhược điểm: Bên cạnh những ưu điểm trên thì luật Thi hành án hình sự cũng tồn tại nhiều vướng mắc cần được khắc phục. Những vấn đề như chậm ban hành các văn bản hướng dẫn hoặc hướng dẫn thiếu cụ thể, thiếu thống nhất về căn cứ hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; thời điểm tính thời gian thử thách của án treo; căn cứ hoãn, tạm đình chỉ thi hành án do bị án bị bệnh nặng, già yếu; cách tính thời hạn tù còn lại đối với tù chung thân sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn và giảm thời hạn lần đầu.
8. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020:
Đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, việc ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật từ nay đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 là vô cùng thiết yếu.
Nhìn chung hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống. Cơ chế xây dựng, sửa đổi pháp luật còn nhiều bất hợp lý và chưa được coi trọng đổi mới, hoàn thiện. Tiến độ xây dựng luật và pháp lệnh còn chậm, chất lượng các văn bản pháp luật chưa cao. Việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chưa được quan tâm đầy đủ. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu.
9. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020:
Nghị quyết 49 được Ban chấp hành trung ương Đảng thông qua ngày 2/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Công tác tư pháp có nhiều thay đổi theo hướng tích cực; chất lượng hoạt động tư pháp đã được nâng lên một bước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, còn một số điểm yếu vẫn chưa khắc phục được. Công tác tư pháp còn bộc lộ nhiều hạn chế. Chính sách hình sự, chế định pháp luật dân sự và pháp luật về tố tụng tư pháp còn nhiều bất cập. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các cơ quan tư pháp còn bất hợp lý. Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu; trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí có một số cán bộ sa sút về phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Vẫn còn tình trạng oan, sai trong điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của cơ quan tư pháp còn thiếu thốn, lạc hậu.
10. Nhà xuất bản Tư pháp, “Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 – Phần các tội phạm – Quyển 1”:
Nhà xuất bản Tư pháp vừa xuất bản cuốn “Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 – Phần các tội phạm – Quyển 1” của nhóm tác giả là các chuyên gia về pháp luật hình sự do GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Luật Hà Nội, chủ biên. Đây cũng là công trình liên kết giữa Nhà xuất bản Tư pháp và Nhà sách Dân Hiền, chuyên về sách luật tại Hà Nội. Bên cạnh giới thiệu, phân tích để điều luật sáng rõ nhằm dễ hiểu, dễ thực hiện thì các tác giả luôn đề cao tinh thần phản biện khoa học, đưa ra những nhận xét, chỉ ra những điểm bất cập, không phù hợp của điều luật nhằm giúp cơ quan soạn thảo có thể tiếp thu để đề xuất sửa đổi bổ sung khi có điều kiện.
11. Từ điển tiếng việt, NXB Hồng Đức, 2010:
Công trình khoa học từ điển giải nghĩa tiếng Việt được biên soạn và cách thức tổ chức làm việc quy mô rất công phu, từ ngữ được giải thích chính xác, trình bày khoa học, hợp lý. Dựa vào khối lượng ngữ liệu đồ sộ và hệ thống lý luận từ điển học được đúc kết được qua nhiều năm nghiên cứu, kết hợp hài hòa giữa tính hàn lâm và đại chúng trong một công trình, cuốn sách đã xử lý từ đồng âm, đa nghĩa hợp lý, đầy đủ và chính xác, đưa ra nhiều ví dụ phong phú, đa dạng, chuẩn mực và mang tính điển hình rất cao.
12. Trần Văn Biên và TS. Đinh Thế Hưng (đồng chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Thế giới, 2017:
Bên cạnh giới thiệu, phân tích để điều luật sáng rõ nhằm dễ hiểu, dễ thực hiện thì các tác giả luôn đề cao tinh thần phản biện khoa học, đưa ra những nhận xét, chỉ ra những điểm bất cập, không phù hợp của điều luật nhằm giúp cơ quan soạn thảo có thể tiếp thu để đề xuất sửa đổi bổ sung khi có điều kiện.
13. TSKH Lê Cảm, “Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần chung)”, NXB ĐHQG Hà Nội, 2007:
Nội dung cơ bản của Giáo trình bao gồm: khái niệm, nguyên tắc, nhiệm vụ, các đạo luật của Luật Hình sự; tội phạm, cấu thành tội phạm; khách thể, chủ thể của tội phạm; mặt khách quan, mặt chủ quan của tội phạm; các giai đoạn thực hiện tội phạm; đồng phạm; các tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi; trách nhiệm hình sự và hình phạt; hệ thống hình phạt; quyết định hình phạt; miễn, giảm trách nhiệm hình sự và xóa án tích; trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.
14. TSKH Lê Cảm, “Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm)”, NXB ĐHQG Hà Nội, 2007:
Giáo trình Luật Hình sự (Phần các tội phạm) đã phân tích, làm rõ các dấu hiệu pháp lý của từng cấu thành tội phạm cụ thể, phân biệt sự khác nhau giữa các cấu thành tội phạm trong BLHS, nhất là những cấu thành tội phạm có những dấu hiệu pháp lý gần giống nhau. Qua đó, góp phần nắm được bản chất của từng tội phạm được quy định trong BLHS để có thể lựa chọn đúng các quy phạm pháp luật hình sự khi giải quyết các tình huống thực tiễn.
15. TS Nguyễn Ngọc Hòa, “Tội phạm và cấu thành tội phạm”, NXB Tư pháp, 2013:
Cuốn sách là những phân tích dưới các khía cạnh khác nhau về tội phạm. Qua đó, làm rõ được những vấn đề tội phạm hình sự khi xét về nội dung chính trị – xã hội và nội dung pháp lý, về các yếu tố hợp thành, về hình thức phản ánh trong luật, về tình hình và nguyên nhân phát sinh và cuối cùng là những biện pháp phòng ngừa tội phạm.
16. TS Nguyễn Xuân Yêm, “Tội phạm học Việt Nam”, tập 2, NXB Công an nhân dân:
Tội phạm học chuyên ngành (tập 2 ) góp phần bổ sung, phát triển hệ thống lý luận Tội phạm học. Là kim chỉ nam trong công tác thực tiễn, trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm của ngành Công an và các cán bộ thực thi pháp luật trong các cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển…và là nguồn tài liệu tham khảo trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng, chống tội phạm của Đảng và Nhà nước ta.
17. TS. Nguyễn Xuân Yêm, “Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm”, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2001:
Quyển sách “Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm” dùng tham khảo cho các cán bộ nghiên cứu, cán bộ thực tiễn, học viên, sinh viên, nghiên cứu sinh các cơ quan, nhà trường trong nghiên cứu, học tập và tổ chức đấu tranh phòng chống tội phạm. Nội dung có 2 phần chính. Phần 1: Những vấn đề chung của tội phạm học (Tội phạm học đại cương) gồm 10 chương; Phần 2: Phòng ngừa các tội phạm cụ thể gồm 36 chương.
18. Trần Quang Tiệp, “Đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam”, NXB Tư pháp, 2003:
Nội dung cuốn sách “Đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam” đề cập đến khái niệm đồng phạm và các loại người đồng phạm. Bên cạnh đó, làm rõ các hình thức đồng phạm và phân tích chi tiết trách nhiệm hình sự trong đồng phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam.
19. Ngô Thị Oanh (chủ biên), “Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm)”, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010.
Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm) cung cấp khá đầy đủ kiến thức cơ bản về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc xử lý tội phạm. Qua đó, xác định các vấn đề có liên quan đến tội phạm trong Luật Hình sự. Giáo trình có sự gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn thông qua các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền và thực tiễn xét xử ở nước ta. Về hình thức, giáo trình được trình bày theo cơ cấu rõ ràng, logic và dễ hiểu.
20. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia https://www.wikipedia.org/:
Đây là một công cụ với mục đích chính cho phép mọi người đều có thể viết bài bằng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau. Wikipedia đang là công trình tham khảo viết chung lớn nhất và phổ biến nhất trên Internet và hiện tại được xếp hạng trang web phổ biến thứ 5 trên toàn cầu.Wikipedia thuộc về tổ chức phi lợi nhuận Wikimedia Foundation. Sự rộng rãi, cặn kẽ về mặt từ ngữ, bên cạnh là tính năng được cập nhật liên tục, đã làm Wikipedia trở thành nguồn tham khảo hữu ích đối với hàng triệu người.
Việc dùng Wikipedia như nguồn tham khảo đã gây ra tranh luận vì tính rộng rãi của nó có thể không đúng, hoặc có những ý kiến không có căn cứ rõ ràng. Nó cũng bị chê vì đặt cao ý kiến số đông hơn là kiến thức chuyên môn của người viết khi được so sánh với những bách khoa toàn thư thông thường.
21. Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp http://moj.gov.vn/Pages/home.aspx
Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp là điểm truy cập duy nhất của Bộ Tư pháp trên môi trường mạng (địa chỉ truy cập trên Internet: www.moj.gov.vn hoặc www.botuphap.gov.vn) liên kết tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và ứng dụng nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, phục vụ hoạt động tác nghiệp, phối hợp của các cá nhân, đơn vị trong ngành Tư pháp; giới thiệu Bộ Tư pháp và các lĩnh vực hoạt động của Bộ; tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và trong lĩnh vực Tư pháp nói riêng; cung cấp, trao đổi thông tin giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành.
22. Bộ luật Hình sự Thụy Điển:
Bộ luật Hình sự của Thụy Điển được thông qua năm 1962 có hiệu lực kể từ 01/01/1965 sửa đổi bổ sung gần nhất vào 01/05/1999. Bộ luật gồm ba phần và 38 Chương. Các tội về tình dục được quy định tại Chương 6 của Bộ luật.
Tuy nhiên, đây là tài liệu nước ngoài khó dịch được sát với nghĩa thực tế.
23. Bộ luật Hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa:
Bộ luật hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ II, ngày 01/7/1979, có hiệu lực từ ngày 01/01/1980. Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự này được sửa đổivào năm1997, có hiệu lực từ ngày 01/10/1997. Sau đó, từ năm 1997, Bộ luật hình sự Trung Quốc được sửa đổi, bổ sung vào năm1999, 2001, 2002 và gần đây nhất là 2005 tại Hội nghị lần thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Đại đại biểu nhân dân toàn quốc khóa X.
Đây là văn bản pháp luật thể hiện lĩnh vực hoạt động lập pháp của các nhà làm luật Trung Hoa, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà làm luật Việt Nam cũng như người nghiên cứu quan tâm đến khoa học pháp lý.
Tuy nhiên, về kinh tế, văn hoá, xã hội không tương đồng. Đây là tài liệu nước ngoài nên khó dịch sát nghĩa thực tế.
24. Bộ luật Hình sự Hà Lan:
Đây là tài liệu nước ngoài khó dịch được sát với nghĩa thực tế.
25. http://legislationline.org/download/action/download/id/4247/file/RF_CC_1996_am03.2012_en.pdf:
Bộ luật hình sự Liên bang Nga được Đuma Quốc gia thông qua ngày 24/5/1996 và tổng thống Liên bang Nga ký Luật số 64 ngày 13/6/1996 “Về việc thi hành Bộ luật hình sự của Liên bang Nga” có hiệu lực từ ngày 01/01/1997. Đây là căn cứ pháp lý để xác định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, đây là tài liệu nước ngoài khó dịch được sát với nghĩa thực tế.
26. https://www.unicef.org/vietnam/vi/c%C3%B4ng-%C6%B0%E1%BB%9Bc-li%C3%AAn-h%E1%BB%A3p-qu%E1%BB%91c-v%E1%BB%81-;quy%E1%BB%81n-tr%E1%BA%BB-em :
Những vấn đề về quyền trẻ em.
27. https://www.crin.org/en/home/rights/convention :
Một số vấn đề tư pháp liên quan đến trẻ em.
28. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0277953605001176 :
Những phản ánh về giới tính trong bối cảnh xã hội của hãm hiếp trẻ em ở Nam Phi và Namibia.
29. https://www.ohchr.org/EN/UDHR/Documents/UDHR_Translations/eng.pdf:
Quyền con người.
30. https://www.ncjrs.gov/App/Publications/abstract.aspx?ID=42792 :
Một số biện pháp phòng chống tội phạm.
31. https://digitalcommons.ilr.cornell.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1007&context=child :
Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em là một công ước quốc tế quy định các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990.
MỤC LỤC
Mở đầu
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TỘI HIẾP DÂM NGƯỜI DƯỚI 16 TUỔI TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
1.2. Dấu hiệu pháp lý của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
2.3. Kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi trong Bộ luật Hình sự Việt Nam
Kết luận
Danh mục tham khảo
MỞ ĐẦU
1. Tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực đề tài
Cho đến giai đoạn này thì đã có nhiều công trình nghiên cứu về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Cụ thể như sau:
“Các tội xâm phạm tình dục trẻ em dưới góc độ pháp lý hình sự – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” của tác giả Lê Đức Trịnh[1] ;
“Các tội xâm phạm tình dục trẻ em theo pháp luật hình sự Việt Nam -Lý luận và thực tiễn” của tác giả Cao Thị Mỹ Hằng[2] .
2. Lý do lựa chọn đề tài
Việc quy định tội phạm nói chung và các tội xâm phạm tình dục nói riêng trong Bộ luật hình sự Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng vì các quy định đó đã góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên trong những năm gần đây số lượng các vụ án xâm phạm tình dục lại có xu hướng tăng về số lượng cũng như tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quy định và áp dụng pháp luật về các tội xâm phạm tình dục trong thời gian vừa qua, góp phần hoàn thiện pháp luật hình sự trong thời gian tới, nhằm đáp ứng được nhu cầu, đấu tranh phòng chống nhóm tội phạm này thì việc nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề lý luận, quy định về các tội xâm phạm tình dục, làm rõ những ưu điểm cũng như hạn chế, bất cập trong những quy định và thực tiễn áp dụng nhóm tội phạm này, từ đó có cơ sở để đưa ra những kiến nghị hoàn thiện các quy định về các tội xâm phạm tình dục trong pháp luật hình sự Việt Nam là điều cần thiết.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo luật Hình sự Việt Nam – Lý luận và thực tiễn” là vấn đề mang tính thời sự.
3. Mục tiêu đề tài
Đề tài là tâm huyết của người đang hằng ngày đi tìm ánh sáng pháp luật. Qua đề tài, tác giả muốn làm rõ về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi dưới góc độ pháp lý – Hình sự. Đề tài cho mọi người thấy rõ diễn biến của tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi hiện nay, khai thác những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và đưa ra những giải pháp nhằm hướng công dân có những nhận thức, hành động đúng đắn và có lối sống tích cực hơn trong cuộc sống, biết cách tự bảo vệ bản thân và giáo dục con em mình. Đề tài còn đưa ra những kiến nghị về tội phạm hiếp dâm trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam, mong muốn hoàn thiện pháp luật, làm kéo giảm tội phạm này.
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu của đề tài dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác- Lênin về nhà nước và pháp luật, những quan điểm của nhà nước về phòng chống tội phạm. Là sự kết hợp giữa lí luận và thực tiễn. Dùng lí luận để phân tích những qui định của pháp luật, đồng thời dùng những ví dụ thực tiễn để làm rõ cho những lí luận. Phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp phân tích, chứng minh, phương pháp so sánh, phương pháp tổng hợp,… thêm vào đó là sự tham khảo ý kiến, bình luận của các luật gia, các nhà bình luận khoa học để nhận ra những điểm chưa phù hợp trong quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng nghiên cứu
Bài nghiên cứu làm rõ một số vấn đề lí luận cơ bản và những qui định của pháp luật về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Qua đó nêu ra những bất cập và một số giải pháp nhằm khắc phục những bất cập đó. Bộ luật Hình sự Việt Nam qua các thời kì, thực tiễn, những nạn nhân và người phạm tội của tội phạm này. *Phạm vi nghiên cứu
Với lượng kiến thức và kinh nghiêm thực tế còn hạn chế nên tác giả chỉ tập trung nghiên cứu tại địa phương sinh sống và các tỉnh lân cận. Truy cập, tìm hiểu các vùng, miền xa xôi qua các phương tiện thông tin đại chúng và internet.
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TỘI HIẾP DÂM NGƯỜI DƯỚI 16 TUỔI TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
1.1. Một số khái niệm cơ bản
1.1.1. Hiếp dâm
Là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân trái với ý muốn của họ.
1.1.2. Giao cấu
Là giao tiếp bộ phận sinh dục ngoài của giống đực vào bộ phận sinh dục của giống cái ở động vật[3].
Có rất nhiều cách hiểu về giao cấu nhưng theo chúng tôi để dễ hiểu và phù hợp với tính chất pháp lý thì giao cấu là hành vi đưa bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ.
1.1.3. Những hành vi quan hệ tình dục khác
Đây là một cụm từ gây ra rất nhiều tranh cãi trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng rất khó xác định như thế nào là hành vi quan hệ tình dục khác cũng như xác định khi có hành vi xảy ra thực tế trong vụ án. Từ đó, dễ dẫn đến oan, sai.
Qua nghiên cứu một số tài liệu, chúng tôi nhận thấy rằng những hành vi quan hệ tình dục khác với giao cấu là những hành vi quan hệ tình dục qua đường hậu môn, đường miệng và thủ dâm.
1.2. Dấu hiệu pháp lý của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
1.2.1. Định nghĩa
Hiếp dâm người dưới 16 tuổi được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến người dưới 16 tuổi trái ý muốn của họ hoặc giao cấu, thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới mười ba tuổi.
1.2.2. Dấu hiệu pháp lý
Đối với nạn nhân từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải xác định việc giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân, còn đối với nạn nhân dưới 13 tuổi thì dù nạn nhân có đồng ý hay không đồng ý giao cấu thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em.
Việc nhà làm luật quy định nạn nhân dưới 13 tuổi dù có đồng ý để người phạm tội giao cấu thì hành vi giao cấu này vẫn bị coi là phạm tội xuất phát từ luận điểm: ở độ tuổi dưới 13 trẻ em còn hết sức non nớt, yếu ớt, chưa có khả năng biểu lộ ý chí đúng đắn, dễ bị người khác lôi kéo, rủ rê, mua chuộc, khó có thể tự vệ được, nên cần được bảo vệ một cách đặc biệt nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường, lành mạnh của các em mà cần phải trừng trị thật nghiêm khắc đối với hành vi xâm phạm tình dục đối với các em.
Tuổi của nạn nhân (người bị hiếp) là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Việc xác định tuổi của người bị hại trên cơ sở giấy khai sinh của họ nếu trường hợp mất giấy khai sinh hoặc không có giấy khai sinh thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng tất cả các biện pháp có thể được, để xác định tuổi thật của người bị hại. Cuối cùng nếu không còn cách nào để xác định tuổi thật của người bị hại, thì theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, tuổi của người bị hại sẽ được xác định như sau: Nếu chỉ biết tháng và năm sinh thì lấy ngày đầu tiên của tháng đó làm ngày sinh của người bị hại. Ví dụ: Chỉ biết người bị hại sinh vào tháng 05-1986, thì lấy ngày 01-05-1986 là ngày sinh của người bị hại; nếu chỉ biết năm sinh mà không biết ngày tháng thì lấy ngày đầu của tháng đầu tiên trong năm đó làm ngày sinh của người bị hại để tính tuổi. Ví dụ: Chỉ biết người bị hại sinh năm 1985 thì lấy ngày 01-01-1985 là ngày sinh của người bị hại.
Ngoài dấu hiệu về tuổi thì để cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi thì đòi hỏi phải có đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm: mặt khách quan, mặt khách thể, mặt chủ quan, mặt chủ thể.
1.2.2.1. Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội này bao gồm các dấu hiệu như sau:
Thứ nhất, có hành vi dùng vũ lực. Việc dùng vũ lực có thể được thực hiện bằng các hình thức sau: thực hiện trực tiếp bằng tay, chân như đấm, đá, bóp cổ, xé quần áo,…; thực hiện gián tiếp thông qua các công cụ vật chất như dùng dao dâm, chém, dùng gập để đập, dùng dây trói,… nhằm khống chế lại sự chống cự của nạn nhân để thực hiện hành vi giao cấu hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác.
Thứ hai, có hành vi đe dọa dùng vũ lực. Được hiểu là những hành vi uy hiếp tinh thần của nạn nhân làm cho nạn nhân khiếp sợ, tê liệt ý chí kháng cự. Việc đe dọa dùng vũ lực có thể là các hành vi dọa đánh, đập, dọa trả thù, dọa giết nạn nhân, người thân của nạn nhân,….
Thứ ba, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân. Tức là lợi dụng tình trạng nạn nhân đang có những nhược Điểm, khuyết Điểm về thể chất, tinh thần như bị ngất xỉu, bị bại liệt, bị mù lòa, bệnh tật, tâm thần,…để thực hiện hành vi giao cấu hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân. Lúc này nạn nhân không có khả năng kháng cự lại hoặc không biết được hành vi phạm tội của người phạm tội.
Thứ tư, là có những thủ đoạn khác để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân. Là các thủ đoạn, các hành vi mà người phạm tội thực hiện nhằm đưa nạn nhân vào tình trạng mất khả năng nhận thức, kiểm soát được hành vi hay đưa nạn nhân vào tình trạng mê man, mất khả năng kháng cự để thực hiện hành vi giao cấu hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác mà không được sự đồng ý của họ như cho uống thuốc kích dục, thuốc ngủ, thuốc mê, ép hít ma túy, chuốc say,… Các hành vi khách quan nêu trên chỉ được xem xét đối với các vụ mà nạn nhân từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Còn trong trường hợp nạn nhân là người dưới 13 tuổi thì không nhất thiết phải có một trong các hành vi nêu trên mới cấu thành tội hiếp dâm người 16 tuổi mà chỉ cần có hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác đối với người dưới 13 tuổi thì đã thỏa mãn mặt khách quan của tội này.
Cuối cùng, là trái với ý muốn của người bị hại. Đây là một dấu hiệu hết sức quan trọng mà thực tiễn xét xử không ít trường hợp khó xác định, vì về phía người bị hại, trong một số trường hợp do nhiều nguyên nhân khác nhau đã khai với các cơ quan tiến hành tố tụng không đúng với trạng thái tâm lý của mình, có người do có sự thoả thuận nhưng lại khai với nhà chức trách là mình bị hiếp, ngược lại có người bị hiếp thật, nhưng bị người phạm tội mua chuộc lại khai là có sự thoả thuận. Thông thường khi xác định tội phạm người ta xét đến ý thức chủ quan của người phạm tội, nhưng đối với tội hiếp dâm, thì ý thức chủ quan của người bị hại lại là vấn đề rất quan trọng để xác định có tội hay không có tội.
Để xác định việc giao cấu có trái với ý muốn của người bị hại hay không, ngoài lời khai của người bị hại, chúng ta còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như: mối quan hệ giữa hai người, thủ đoạn thực hiện tội phạm, hoàn cảnh cụ thể khi xảy ra việc giao cấu, nhân thân của cả hai người, ý kiến nhận xét của những cơ quan, tổ chức xã hội nơi hai người công tác, của bạn bè, của cha mẹ và các tình tiết khác của vụ án, tránh chủ quan phiến diện. Chỉ khi nào chứng minh việc giao cấu đó là trái với ý muốn của người bị hại (người phụ nữ) thì người có hành vi giao cấu (người đàn ông) mới bị coi là phạm tội hiếp dâm.
Dấu hiệu trái với ý muốn của người bị hại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội hiếp dâm, nhưng dấu hiệu này chỉ có ý nghĩa đối với trường hợp người bị hại từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, còn đối với trường hợp người bị hại chưa đủ 13 tuổi thì dù có trái ý muốn hay không, người có hành vi giao cấu với họ đều là phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Trong trường hợp người phạm tội không thể tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội do sự chống trả, kháng cự quyết liệt của người bị hại, sự phát hiện hoặc có nguy cơ bị phát hiện bởi người khác,…thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này trong trường hợp phạm tội chưa đạt.
1.2.2.2. Mặt khách thể
Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm, danh dự của người dưới 16 tuổi.
Hành vi nêu trên xâm phạm đến sức khỏe (bao gồm sứ khỏe về thể chất và sức khỏe về tinh thần), tính mạng của nạn nhân là người dưới 16 tuổi, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mỹ tục đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường về tâm, sinh lí của người dưới 16 tuổi.
1.2.2.3. Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Tức người phạm tội nhận thức rõ về hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra (đối với lỗi cố ý trực tiếp) hoặc không mong muốn hậu quả đó xảy ra nhưng cố tình để mặc cho hậu quả xảy ra (đối với lỗi cố ý gián tiếp).
Yếu tố động cơ và mục đích không bắt buộc phải có trong tội phạm này. Tuy nhiên, trong một vụ án thực tế về hiếp dâm người dưới 16 tuổi nếu tồn tại yếu tố động cơ và mục đích thì cần được xác định để làm rõ tính chất của vụ việc, ý đồ, mong muốn của người phạm tội. Từ đó, có hướng xử lí đúng đắn, triệt để, xác định hình phạt cụ thể.
1.2.2.4. Mặt chủ thể
Chủ thể của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là bất kì người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Mặc dù trong quy định của pháp luật không chỉ rõ chủ thể thực hiện hành vi này là nam hay nữ nhưng dựa trên thực tế hoàn cảnh và quá trình xét xử của Tòa án thì chủ thể ở đây chỉ có thể là nam thực hiện với nạn nhân là nữ. Còn chủ thể nữ sẽ bị truy cứu tội này với tư cách là người đồng phạm. Tuy nhiên trong khoa học pháp lý hình sự vẫn tồn tại hai lối suy nghĩ khác nhau về vấn đề này.
Quan Điểm thứ nhất cho rằng: chủ thể của Tội hiếp dâm là chủ thể đặc biệt chỉ có thể là nam giới. Còn nữ giới có thể đóng vài trò là đồng phạm trong tội này[4]. Quan Điểm thứ hai cho rằng: Chủ thể của tội hiếp dâm trẻ là là bất cứ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự[5].
Giải thích tại sao quan Điểm thứ nhất được đa số các nhà học luật đồng ý. xuất phát từ đặc điểm cấu trúc tâm sinh lý của bộ phận sinh dục cũng như cơ chế sinh lý khi giao hợp của nam giới và nữ giới có sự khác nhau đó là “nam cương nữ nhu” cho nên để có thể thực hiện được hành vi giao cấu trên thực tế thì cần phải có sự chủ động của nam giới. Khi thực hiện hành vi giao cấu mà người phụ nữ không đồng ý thì nam giới vẫn thực hiện được hành vi nếu như họ muốn. Muốn thực hiện hành vi giao cấu trên thực tế thì cần có sự cương dương của nam giới, “đây là một quá trình có sự tham gia của nhiều yếu tố như thần kinh, nội tiết, tâm lý… trong đó ham muốn đóng vai trò quan trọng”[6]. Còn nếu nam giới không đồng ý thì nữ giới không thể thực hiện được hành vi giao cấu. Bên cạnh đó trong thực tế những trường hợp nữ giới thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn của nam giới hầu như là không có, chính vì vậy quan Điểm cho rằng chủ thể của Tội hiếp dâm chỉ là nam giới còn nữ giới chỉ có thể là người đồng phạm nhưng không thể tham gia với vai trò là người thực hành là quan Điểm phù hợp hơn cả trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên cần phải nhìn nhận một cách tích cực về quan Điểm này. Bởi vì luồn quan Điểm được đa số mọi người đồng ý khá thuyết phục đối với việc quy định về tội phạm hiếp dâm trẻ em được các Bộ luật Hình sự năm 1999 trở về trước quy định còn đối với việc ghi nhận về tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi được Bộ luật Hình sự năm 2015 rõ ràng đã mở rộng hơn và chắc chắn phải mở rộng về chủ thể của tội phạm này. Theo đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã ghi nhận thêm cụm từ “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”, như đã giải thích ở trên thì những hành vi quan hệ tình dục khác rất đa dạng chẳng hạn như quan hệ tình dục qua đường miệng, đường hậu môn, thủ dâm,… những hành vi này thì bất kì chủ thể là nam hay nữ đều có thể thực hiện được. Mặc khác, thời gian gần đây vô số các trường hợp trẻ em là nam bị nam, nữ xâm hại tình dục hoặc trẻ em là nữ bị nữ xâm hại tình dục đã xảy rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Xuất phát từ sự phát triển của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới hiện nay, nhóm người này có đời sống tình dục vô cùng đa dạng, phong phú và họ thường thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác ngoài giao cấu. Chính vì lẽ đó lối giải thích theo hướng chủ thể của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi chỉ là nam đã quá cũ và không còn phù hợp với việc quy định của Bộ luật Hình sự 2015 và thực tế hiện nay.
Thêm nữa, đối với trường hợp giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác có sự đồng ý của nạn nhân (thuận tình) dưới 13 tuổi thì cả nam và nữ đều có thể thực hiện được các hành vi này. Vì trong trường hợp này có sự chủ động của hai bên thì nữ giới vẫn có thể thực hiện được hành vi phạm tội. Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 142, Bộ luật Hình sự 2015 quy định rằng: “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”, rõ ràng ở điều luật này không cầu điều kiện phải trái ý muốn của người dưới 13 tuổi thì mới phạm tội hiếp dâm. Tức là nếu có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi thì dù thuận tình hay không thuận tình thì vẫn phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Vì thế nếu loại chủ thể là nữ ra khỏi tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là một điều bất hợp lí.
Vì thế, tác giả hoàn toàn ủng hộ hướng nhìn nhận chủ thể của tội hiếp dâm nói chung và hiếp dâm người dưới 16 tuổi nói riêng là bất cứ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
1.2.3 Hình phạt
1.2.3.1. Khung một (Khoản 1)
Có mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Được áp dụng đối với người có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm này đã thực hiện hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ hoặc với người dưới 13 tuổi.
1.2.3.2. Khung hai (Khoản 2)
Có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp cụ thể sau đây:
– Có tính chất loạn luân (Điểm a). Được hiểu là người phạm tội đã hiếp dâm người dưới 16 tuổi là người có cùng dòng máu về trực hệ (như giữa cha mẹ với con cái; giữa ông bà nội, ngoại với cháu nội, ngoại) hoặc là người có quan hệ ruột thịt như anh, chị, em cùng cha mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
– Làm nạn nhân có thai (Điểm b). Hiếp dâm mà làm nạn nhân có thai là do hành vi hiếp dâm của người phạm tội mà nạn nhân có thai, tức là cái thai của nạn nhân là kết quả của việc giao cấu giữa người phạm tội với nạn nhân. Nếu nạn nhân tuy có bị hiếp dâm nhưng việc nạn nhân có thai lại là kết quả của việc giao cấu giữa nạn nhân với người khác thì người phạm tội hiếp dâm không phải chịu tình tiết “làm nạn nhân có thai”. Nói chung thực tiễn xét xử trường hợp phạm tội này thường xảy ra đối với người phạm tội thực hiện hành vi giao cấu với người bị hại nhiều lần, người phạm tội không từ chối cái thai trong bụng nạn nhân là của mình, nên rất ít khi phải trưng cầu giám định. Tuy nhiên, kết quả giám định cũng không phải chứng cứ duy nhất để xác định cái thai trong bụng nạn nhân có phải là của người phạm tội không. Vì vậy, để xác định nạn nhân có thai có đúng là do hành vi hiếp dâm gây ra không, cần phải đánh giá một cách khách quan toàn diện; chỉ khi nào có đủ căn cứ xác định nạn nhân có thai là do hành vi hiếp dâm gây ra thì người phạm tội hiếp dâm mới phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điểm b Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự.
– Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% (Điểm c). Trong quá trình thực hiện hành vi nếu người phạm tội đã sử dụng vũ lực tác động lên người nạn nhân hay do bị hiếp dâm mà nạn nhân ốm đau nặng, mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục,…được cơ quan giám định nạn nhân có tỷ lệ tổn thương từ 31% đến 60% thì áp dụng Điểm này. Sau khi bị xâm hại nạn nhân có thể bị ám ảnh bởi các hành vi đồi bại của người phạm tội từ đó dẫn đến trầm cảm, tự kỉ, rối loạn tâm thần ở mức độ nhẹ mà kết quả của cơ quan giám định cho thấy tỷ lệ tổn thương từ 31% đến 60% thì áp dụng điểm này. Vấn đề hậu quả của hành vi hiếp dâm gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân là một dấu hiệu mới, được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
– Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bện (Điểm d). Người phạm tội và người bị hại trong trường hợp này phải có mối quan hệ, trong đó người phạm tội có nghĩa vụ đối với người bị hại. Nghĩa vụ này xuất phát từ quan hệ chăm sóc như người nuôi dưỡng đối với người được nuôi dưỡng, quan hệ giáo dục như thầy giáo đối với học sinh, quan hệ chữa bệnh như thầy thuốc đối với bệnh nhân,…Khi xét đến các quan hệ này, cần chú ý là chỉ khi nào hành vi phạm tội của người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh đã lợi dụng sự chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh để hiếp dâm người được chăm sóc, được giáo dục hoặc được chữa bệnh thì mới thuộc trường hợp phạm tội này, nếu hành vi hiếp dâm không liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh thì không thuộc trường hợp phạm tội này.
– Phạm tội hai lần trở lên (Điểm đ). Được hiểu là có tất cả hai lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Đồng thời trong các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đang còn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng được xem là phạm tội hai lần trở lên trong trường hơp người phạm tội hiếp dâm từ hai lần trở lên đối với cùng một nạn nhân là người dưới 16 tuổi.
– Đối với hai người trở lên (Điểm e). Là trường hợp một người đã hiếp dâm từ hai người trở lên hoặc nhiều người cùng hiếp dâm từ hai người trở lên. Đây là trường hợp có nhiều người bị hiếp, trong đó ít nhất mỗi người bị hiếp một lần, còn người phạm tội có thể là một người hoặc nhiều người. Vì vậy khi xác định hành vi phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải phân biệt:
Nếu có một người hiếp dâm từ hai người trở lên và tất cả nạn nhân chỉ bị hiếp một lần, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm e Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự.
Nếu có một người hiếp dâm từ hai người trở lên, trong đó có nạn nhân bị hiếp một lần, có nạn nhân bị hiếp nhiều lần, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả hai Điểm đ và Điểm e Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự.
Nếu có nhiều người phạm tội (phạm tội có tổ chức hoặc là đồng phạm thông thường), trong đó có nhiều người bị hiếp nhưng tất cả nạn nhân chỉ bị hiếp một lần thì tất cả người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm e Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự. Nếu là phạm tội có tổ chức thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm a Khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự. Nếu có một người bị hai người trở lên hiếp thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm b Khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự.
– Tái phạm nguy hiểm (Điểm g). Người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi bị coi là tái phạm nguy hiểm nếu đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi thuộc một các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự. Hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
1.2.3.3. Khung ba (Khoản 3)
Có mức phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
– Có tổ chức (Điểm a). Hiếp dâm người dưới 16 tuổi có tổ chức cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác. Các dấu hiệu của phạm tội có tổ chức được quy định tại Khoản 2 Điều 17 Bộ luật Hình sự. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Khái niệm đồng phạm được Bộ luật Hình sự nước ta ghi nhận tại Điều 17 với định nghĩa là “có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm là đồng phạm”, nhưng phạm tội có tổ chức lại là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ hơn; Phạm tội có tổ chức bao gồm nhiều người cùng tham gia, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có tổ chức, hiện hành vi hiếp dâm một người dưới 16 tuổi. Cũng được xem là nhiều người cùng hiếp dâm một người trong trường hợp có hai người trở lên bàn bạc với nhau là tất cả sẽ thay phiên nhau hiếp dâm một người, nhưng trong quá trình thực hiện tội phạm thì chỉ một hoặc một số người thực hiện hành vi hiếp dâm.
Trong trường hợp có từ hai người trở lên cấu kết chặt chẽ với nhau để tổ chức, giúp sức cho một người trong số họ hiếp dâm thì không được xem là nhiều người hiếp dâm một người mà là trường hợp phạm tội có tổ chức. Nhưng nếu trong trường hợp này có hai người trở lên cùng thực hiện hành vi hiếp dâm thì những người này đồng thời phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hai trường hợp: phạm tội có tổ chức và nhiều người hiếp dâm một người theo Điểm a, b Khoản 3 của điều luật này.
– Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi (Điểm c). Đây là một điểm hoàn toàn mới được Bộ luật Hình sự ghi nhận. Thấy rõ mức độ nguy hiểm và đối tượng phạm tội cần phải được pháp luật trừng trị một cách nghiêm khắc nhất nên các nhà làm luật đã ghi nhận điều này. Việc ghi nhận rõ đối với người dưới 10 tuổi của các nhà làm luật cũng cho ta thấy rõ được đây là trường hợp cần phải được đặc biệt quan tâm và bảo vệ. Hành vi hiếp dâm người dưới 10 tuổi là hành vi phạm tội mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phải chịu hình phạt thích đáng nhất. Nguyên tắc áp dụng Điểm này là khi xử phạt người phạm tội nếu độ tuổi của nạn nhân càng nhỏ thì mức án mà người phạm tội phải gánh chịu càng cao.
– Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên (Điểm d). Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp hiếp dâm người dưới 16 tuổi gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ, tỷ lệ thương tật của nạn nhân trong trường hợp này là từ 61% trở lên và người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm d Khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Gây rối loan tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên cũng là một điểm mới được Bộ luật Hình sự ghi nhận. Hậu quả của hành vi hiếp dâm của người phạm tội rất có thể để lại dư chấn nặng nề trong tinh thần và hành vi của nạn nhân như tâm thần, rối loạn nhận thức,…Việc xác định mức độ còn phụ thuộc vào kết quả giám định của cơ quan y tế có chuyên môn. Quy định điều này cho thấy rằng nếu mức độ hậu quả mà người phạm tội mang lại cho bị hại càng cao thì hình phạt mà người phạm tội phải gánh chịu càng nặng.
– Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội (Điểm đ). Người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm, tức là cố ý lây truyền HIV cho người khác bằng hành vi hiếp dâm, làm cho tính chất và mức độ của hành vi hiếp dâm nguy hiểm hơn nhiều so với trường hợp hiếp dâm bình thường.
Khi áp dụng tình tiết này đối với người phạm tội cần chú ý một số điểm như sau:
Nếu có căn cứ cho rằng người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm thì mới áp dụng tình tiết này, nếu người phạm tội bị niễm HIV thật nhưng họ hoàn toàn không biết, sau khi phạm tội cơ quan Y tế mới xét nghiệm thấy người phạm tội bị nhiễm HIV thì không áp dụng tình tiết này đối với người phạm tội. Đây là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội, nên các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác định người phạm tội biết rõ mình bị nhiễm HIV thì mới thuộc trường hợp này.
– Làm nạn nhân chết hoặc tự sát (Điểm e). Xét trường hợp này ở hai khía cạnh.
Thứ nhất, làm nạn nhân chết. Đây là trường hợp nạn nhân do bị hiếp dâm mà chết. Đây là trường hợp do bị bị hiếp cùng với tuổi nhỏ, sức chịu đựng của nạn nhân yếu mà dẫn đến chết, thông thường trường hợp này xảy ra đối với nhiều người cùng hiếp một người. Nếu nạn nhân bị chết không phải là do bị hiếp mà do nguyên nhân khác thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội phạm tương ứng với hành vi làm cho nạn nhân bị chết. Nếu hành vi của người phạm tội có đủ dấu hiệu của tội giết người thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người và tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Trong trường hợp nếu lúc đầu người phạm tội đã dùng vũ lực đối với nạn nhân, sau đó thực hiện hành vi hiếp dâm rồi bỏ mặc dẫn đến nạn nhân chết thì không xem là hiếp dâm người dưới 16 tuổi làm nạn nhân chết mà người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội giết người và hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Thứ hai, làm nạn nhân tự sát. Cần xác định rõ ở đây có phải nguyên nhân của việc nạn nhân tự sát là do bị hiếp dâm hay không. Tuy nhiên để xác định điều này thì không phải là một chuyện dễ dàng. Nạn nhân của tội hiếp dâm chủ yếu là phụ nữ, đặc biệt nạn nhân cụ thể ở đây là người dưới 16 tuổi, một độ tuổi quá nhỏ để nhận thức đúng đắn một vấn đề, luôn có những suy nghĩ lệch lạc, nông cạn và bồng bột trong tư duy. Mặc khác sự ám ảnh bởi những hành vi đáng sợ mà người phạm tội gây ra, sự mặc cảm, e ngại với gia đình, bạn bè cùng với chế độ phong tục tập quán còn mang nặng sự trinh tiết. Tất cả những điều này rất dễ làm nạn nhân nghĩ quẩn mà tự sát. Đây cũng là đặc điểm của tội hiếp dâm nói chung và hiếp dâm người dưới 16 tuổi nói riêng ở nước ta mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải thận trọng khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, nếu xét thấy cần thiết thì phải xét xử kín để giữ cho nạn nhân tránh khỏi những dị nghị gây bất lợi cho họ.
Cần hiểu rằng nếu nguyên nhân dẫn đến việc nạn nhân tự sát là do bị hiếp dâm thì áp dụng Điểm này, còn việc nạn nhân tự sát có dẫn đến hậu quả làm nạn nhân chết hay không, không phải là dấu hiệu bắt buộc để xác định tình tiết phạm tội này. Tuy nhiên nếu nạn nhân tự sát và dẫn đến chết thì mức hình phạt sẽ cao hơn trường hợp nạn nhân tự sát mà không chết.
1.2.3.4. Khung bốn (Khoản 4)
Người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Đây là hình phạt bổ sung đi kèm với hình phạt chính. Người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính tuy nhiên có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
1.2.4. Trách nhiệm dân sự
Ngoài các hình phạt mà người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi phải gánh chịu theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hoặc thân nhân của nạn nhân bao gồm các thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm hay thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm và thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm nếu có thiệt hại xảy ra trên thực tế theo quy định của Điều 590, 591,592 Bộ luật Dân sự 2015.
Thông qua Chương 1 đã làm rõ những khái niệm cơ bản đến phân tích rõ về các dấu hiệu pháp lý, hình phạt cho đến tìm hiểu những quy định về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi trong Bộ luật Hình sự Việt Nam qua các thời kì và một số nước trên thế giới. Chương này đã cho chúng ta nhận thây những ưu, nhược Điểm về việc ghi nhận tội phạm này trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Thấu hiểu những khía cạnh khác nhau của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tất cả những điều đó là nền tảng để nghiên cứu sâu hơn về thực tiễn áp dụng và đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tội danh này.
CHƯƠNG 2: THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ TỘI HIẾP DÂM NGƯỜI DƯỚI 16 TUỔI TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
2.1. Thực tiễn áp dụng các quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm phạm tình dục đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Có thể thấy rằng sự hợp lý của một điều luật hay bộ luật không chỉ được phản ánh thông qua nội dung được quy định trong luật mà còn được đánh giá thông qua thực tiễn áp dụng điều luật đó. Chính vì vậy khi xem xét, đánh giá các tội xâm phạm tình dục trong Bộ luật Hình sự thì cần thiết phải xem xét các tội phạm này được áp dụng trên thực tế như thế nào. Đây là bảng số liệu thống kê tình hình tội phạm xâm phạm tình dục trong những năm gần đây:
Năm | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | ||||||
Tội
danh |
Số
Vụ án |
Số Bị Cáo
|
Số
Vụ án |
Số Bị Cáo
|
Số
Vụ án |
Số Bị Cáo
|
Số
Vụ án |
Số Bị Cáo
|
Số
Vụ án |
Số Bị Cáo
|
Số
Vụ án |
Số Bị Cáo
|
Tội
hiếp dâm (Điều 111) |
322 | 468 | 322 | 511 | 272 | 416 | 282 | 405 | 285 | 416 | 332 | 430 |
Tội
hiếp dâm trẻ em (Điều 112) |
595 | 677 | 488 | 559 | 483 | 562 | 498 | 561 | 558 | 651 | 656 | 751 |
Tội
cưỡng dâm (Điều 113) |
5 | 5 | 4 | 4 | 7 | 19 | 4 | 9 | 4 | 17 | 7 | 7 |
Tội
cưỡng dâm trẻ em (Điều 114) |
4 | 6 | 3 | 4 | 2 | 3 | 9 | 10 | 5 | 5 | 2 | 2 |
Tội
Giao cấu với trẻ em (Điều 115) |
287 | 305 | 364 | 378 | 390 | 411 | 424 | 444 | 596 | 613 | 694 | 733 |
Tội
dâm ô đối với trẻ em (Điều 116) |
128 | 131 | 131 | 132 | 148 | 157 | 126 | 127 | 144 | 145 | 206 | 208 |
Tội
mua dâm người chưa thành niên (Điều 256) |
6 | 15 | 15 | 21 | 1 | 2 | 9 | 12 | 12 | 17 | 6 | 9 |
Tổng | 1347 | 1607 | 1312 | 1588 | 1302 | 1568 | 1352 | 1568 | 1604 | 1864 | 1903 | 2140 |
Tình hình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về các tội xâm phạm tình dục từ năm 2008 đến 2013
(Nguồn: Tòa án Nhân dân Tối cao)
Từ bảng số liệu trên chúng ta có thể thấy rằng:
Thứ nhất, số lượng các vụ án, bị cáo xâm phạm tình dục xảy ra khá nhiều và luôn có sự ổn định qua các năm đồng thời không có sự thuyên giảm qua các năm.
Có thể thấy rằng, năm 2013 là năm số vụ án xâm phạm tình dục xảy ra nhiều nhất cũng như số lượng bị cáo chiếm tỷ lệ cao nhất so với các năm trước. Tổng số các vụ án hình sự sơ thẩm về các tội xâm phạm tình dục đã được xét xử trong sáu năm qua là 8820 vụ với tổng số bị cáo là 10335 người, trong đó dễ dàng nhận thấy Tội hiếp dâm trẻ emlà được áp dụng nhiều nhất trong các tội xâm phạm tình dục, chiếm 20,58% trong tổng số các tội phạm tình dục được xét xử, còn Tội cưỡng dâm trẻ em là tội được xét xử ít nhất, chỉ chiếm 0,28% trong tổng số các vụ án xâm phạm tình dục đã được xét xử (tuy nhiên con số này chưa phản ánh hoàn toàn chính xác về hành vi cưỡng dâm vì dấu hiệu “lợi dụng nạn nhân trong tình trạng quẫn bách” trong Tội cưỡng dâm cũng như Tội cưỡng dâm trẻ em rất khó để xác định).
Bên cạnh đó, theo báo cáo kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự của Bộ Tư Pháp sau 13 năm thì các tội phạm thuộc chương tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm là một trong những nhóm tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp về số lượng, phương thức và thủ đoạn phạm tội, số lượng các vụ án xâm phạm tình dục có sự ổn định qua các năm, đặc biệt là ở hai thành phố lớn nhất nước ta là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ở trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian qua cũng xảy ra nhiều vụ hiếp dâm trẻ em.
+ Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm vụ án Hình sự số 90/2011/HSST đối với bị cáo Nguyễn Thanh Trí sinh năm 1993 (Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương) cùng với bạn là Nguyễn Xuân Khánh Duy dụ dỗ đưa vào khách sạn Hương Tràm thay nhau thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn với Bùi Thị Ngọc Tuyền sinh năm 1997 (Thuận An, Bình Dương). Y bị tuyên án 13 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”[7].
+ Vụ án do Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1966 thường trú Vĩnh Long làm công nhân tại Bình Dương) có quan hệ tình cảm với bà Huỳnh Thị Ngọc Đính (sinh năm 1981 ngụ tại Dĩ An, Bình Dương). Hùng 3 lần dụ dỗ quan hệ với con gái bà Đính là Thái Thị Như Ý (sinh năm 2002). Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương tuyên án Hùng 20 năm về tội “Hiếp dâm trẻ em”[8].
+ Bị cáo Dương Khánh Nhơn (sinh năm 1975 quê Khánh Hòa làm thợ hàn tại Dĩ An, Bình Dương) dụ dỗ bé Dương Thanh Trúc (sinh năm 2003 ở với cha mẹ cùng dãy nhà trọ với Nhơn) vào phòng của Nhơn chơi. Nhơn đã nảy sinh ý định và thực hiện hành vi giáo cấu với Trúc. Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương tuyên án Nhơn 14 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”.[9]
Thứ hai, vẫn còn một số hạn chế nhất định trong việc xét xử các vụ án xâm phạm tình dục. Cụ thể:
– Việc xem xét các dấu hiệu định tội của cơ quan áp dụng pháp luật chưa được thống nhất dẫn đến việc áp dụng tội danh trong một số vụ án chưa được chính xác, có thể kể đến một số vụ án cụ thể như:
+ Vụ án do Huỳnh Văn Dũng (sinh năm 1983 tại thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện, theo bản án hình sự sơ thẩm số 754/2008/HSST ngày 19/09/2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên bị cáo Huỳnh Văn Dũng phạm “Tội dâm ô đối với trẻ em” (Khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự 1999). Tuy nhiên tại bản án số 1463/2008/HSPT ngày 23 tháng 12 năm 2008 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh sửa bản án hình sự sơ thẩm và xử phạt bị cáo Dũng phạm Tội hiếp dâm trẻ em theo Khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình sự 1999.
+ Vụ án do Đào Hoàng Phúc (sinh năm 1951) thực hiện, theo bản án hình sự sơ thẩm số 58/2209/HSST ngày 30 tháng 09 năm 2009, tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu tuyên bị cáo Phúc phạm Tội cưỡng dâm trẻ em (Khoản 2 Điều 114 Bộ luật Hình sự 1999). Tuy nhiên tại bản án số 961/2009/HSPT ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt bị cáo Phúc phạm Tội hiếp dâm trẻ em (Khoản 3 Điều 112 Bộ luật Hình sự 1999).
+ Vụ án do Trần Nhật Bằng (sinh 1979 tại Đồng Nai) thực hiện, theo bản án hình sự sơ thẩm số 35/2012/HSST ngày 23/04/2012 tuyên bị cáo Trần Nhật Bằng phạm Tội dâm ô đối với trẻ em (Khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự 1999). Tuy nhiên tại bản án hình sự số 664/2012/HSPT ngày 20 tháng 07 năm 2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xử phạt bị cáo Bằng phạm Tội Hiếp dâm trẻ em (Khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình sự 1999).
Việc đánh giá các tình tiết định khung cũng như các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ giữa các cơ quan áp dụng pháp luật chưa có sự thống nhất nên dẫn đến việc áp dụng hình phạt cũng có sự khác nhau. Trong số các vụ án được xét xử có kháng cáo hay kháng nghị về mức hình phạt được áp dụng ở tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm bên cạnh việc y án sơ thẩm thì cũng có nhiều trường hợp tăng hoặc giảm mức hình phạt, ví dụ như:
+ Bị cáo Mã Phi Hùng phạm Tội hiếp dâm trẻ em (Khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình sự 1999) bị tăng mức hình phạt từ 20 năm tù lên tù chung thân[10].
+ Vụ án Trần Trí Hùng và Lê Duy Hoài phạm Tội hiếp dâm trẻ em (Khoản 3 Điều 112 Bộ luật Hình sự 1999) trong đó bị cáo Trần Trí Hùng bị xử phạt tăng mức hình phạt từ 14 năm tù lên 20 năm tù[11].
+ Bị cáo Đinh Văn Hoàng phạm Tội hiếp dâm trẻ em đươc chuyển từ Khoản 4 Điều 112 sang Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Hình sự 1999, giảm mức hình phạt từ 9 năm thành 7 năm[12].
– Một số vụ án phạm tội xâm phạm tình dục xảy ra với nhiều tình tiết mới, phức tạp bắt đầu xuất hiện như là hành vi dùng vũ lực hay các thủ đoạn khác để thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người đồng giới, hành vi quan hệ tình dục giữa người cùng giới tính giữa người đã thành niên với trẻ em hay hành vi mua dâm người chưa thành niên giữa những người cùng giới tính…nhưng pháp luật lại chưa có quy định để điều chỉnh các hành vi này dẫn đến việc định tội trên thực tế gặp nhiều khó khăn, định tội danh không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Có thể kể đến một số trường hợp như:
+ Trường hợp thứ nhất: vào tháng 10/2013, một nam học sinh đang học lớp 9 đi học bơi ở một hồ bơi trên địa bàn quận Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh). Ngay buổi học đầu tiên khi em vào phòng tắm để tắm lại nước sạch và thay đồ thì em bị một nam thanh niên lạ mặt (Khoảng 30 tuổi) xông vào phòng khống chế, bịt chặt miệng nhằm cho em không la lên và sau đó lạm dụng tình dục em qua đường hậu môn. Hai buổi học bơi tiếp theo em vẫn bị nam thành niên này tiếp tục lạm dụng tình dục. Khoảng 6 tháng sau, do nam học sinh này có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi nên gia đình đã đưa em đi khám tại bệnh viện Nhi Đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh, xét nghiệm máu kết quả dương tính với HIV[13].
+ Trường hợp thứ hai: ngày 12/11/2007 Dinh Jonathan Peter (còn gọi là Đinh Tấn Bi, sinh năm 1963, quốc tịch Hoa Kỳ) nhập cảnh vào Việt Nam. Ngày 17/12/2007, Đinh Tấn Bi chạy xe trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 TP.Hồ Chí Minh thì gặp em Dương Công Minh (sinh ngày 22/01/1993) đi xe đạp cùng chiều nên hỏi chuyện làm quen và cho số điện thoại liên lạc. Đến 11 giờ ngày 17/01/2008, Tấn Bi chạy đến trường học của Minh hẹn chiều đi chơi. 16 giờ chiều Bi đến gặp Minh và rủ Minh về phòng trọ ở Bình Thạnh chơi, Bi dẫn cháu Minh lên giường, mở phim xem và dụ dỗ Minh cho quan hệ đồng tính rồi Bi sẽ mua điện thoại cho. Bi cởi quần áo của Minh, dùng tay và miệng kích thích dương vật của cháu Minh. Sau đó Bi quan hệ với Minh qua đường hậu môn nhưng Minh kêu đau nên Bi dừng lại. Hành vi của Bi bị phát hiện. Tại Bản án Hình sự sơ thẩm số 639/2008/HSST ngày 18/08/2008 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã xét xử tuyên bố bị cáo Dinh Jonathan Peter phạm Tội dâm ô đối với trẻ em theo Khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự[14].
Ngoài ra theo số liệu thống kê của của Tòa án Nhân dân Tối cao, trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2013 có 173 quyết định giám đốc thẩm các vụ án hình sự, trong đó số vụ án các tội xâm phạm tình dục có quyết định giám đốc thẩm là 5 vụ án[15].
Cụ thể là: Quyết định giám đốc thẩm số 09/2009/HS-GĐT ngày 29/07/2009 về vụ án hình sự Hàn Đức Long phạm Tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”; Quyết định giám đốc thẩm số 19/2008/HS-GĐT ngày 22/12/2008 về vụ án Phan Văn Quỳnh phạm các Tội “giết người” và “hiếp dâm”; Quyết định giám đốc thẩm số 03/2008/HS-GĐT ngày 01/04/2008 về vụ án Đinh Xuân Đắc bị xét xử về tội “hiếp dâm trẻ em”; Quyết định giám đốc thẩm số 14/2007/HS-GĐT ngày 04/06/2007về vụ án Lê Văn Mạnh phạm Tội “giết người”, “hiếp dâm” và “cướp tài sản” và Quyết định giám đốc thẩm số 02/2007/HS-GĐT ngày 05/2/2007 về vụ án Lê Bá Mai phạm các Tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”. Các vụ án xâm phạm tình dục có quyết định giám đốc thẩm này phần nào phản ánh hoạt động chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng còn những hạn chế nhất định cũng như một số quy định của luật chưa rõ ràng để chứng minh trên thực tế.
Tóm lại, từ các số liệu trên cho thấy tình hình tội phạm đang diễn biến ngày càng tăng về số lượng cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Thực tiễn áp dụng còn chưa thống nhất cũng như công tác điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn một số sai sót .Những hạn chế đó có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như từ chính công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm của các cơ quan tư pháp nhưng cũng có thể xuất phát từ chính các quy định trong Bộ luật Hình sự còn những bất cập, vướng mắc. Chính vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định trong Bộ luật Hình sự nói chung cũng như quy định về các tội xâm phạm tình dục nói riêng là một nhu cầu tất yếu.
2.2. Một số bất cập trong quy định, áp dụng tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi trong Bộ luật Hình sự hiện hành
2.2.1. Bất cập về chủ thể
Như tác giả đã trình bày trong nội dung thuộc Chương 1 của bài nghiên cứu, hiện nay trong khoa học pháp lý hình sự vẫn tồn tại một số quan điểm khác nhau về chủ thể của Tội hiếp dâm. Theo những nội dung mà tác giả đã phân tích thì nữ giới hoàn toàn vẫn có thể trở thành chủ thể của Tội hiếp dâm, bên cạnh đó cùng với sự phát triển nhiều mặt của xã hội thì nữ giới cũng có thể thực hiện hành vi này trên thực tế. Chính vì vậy việc quy định chủ thể tại điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 là “người nào…” là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên để có thể thay đổi được quan điểm xét xử hiện nay của nước ta thì nhất thiết cần phải ban hành văn bản hướng dẫn để thống nhất lại vấn đề chủ thể của Tội hiếp dâm.
Cũng giống như Tội hiếp dâm, hiện nay trong khoa học pháp lý hình sự vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau về chủ thể của Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Có quan điểm cho rằng chủ thể của tội này chỉ là nam giới nhưng cũng có quan điểm cho rằng chủ thể của tội này có thể là nam hoặc nữ vì một trong những trường hợp là giao cấu có yếu tố thuận tình. Tuy nhiên như đã trình bày tại nội dung Chương 1 bài nghiên cứu, dù là người phạm tội giao cấu thuận tình hay không thuận tình với trẻ em thì chủ thể của tội này vẫn có thể là nam hoặc nữ giới đồng thời trẻ em nam hay trẻ em nữ thì vẫn phải được pháp luật bảo vệ như nhau. Đây cũng là một bất cập trong việc xác định chủ thể của tội này vì có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Như vậy, cần có văn bản hướng dẫn thống nhất lại vấn đề chủ thể của Tội hiếp dâm trẻ em.
Những năm gần đây ở nước ta, một dạng hành vi mua dâm mới xuất hiện đó là hành vi mua dâm giữa những người cùng giới tính. Vụ việc xảy ra như sau: một người dân ở thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi đơn tố cáo đến Sở Lao động – thương binh và xã hội nói rằng cháu trai mình bị một ông giám đốc nhiều lần quan hệ tình dục dẫn đến bị nhiễm HIV. Đơn tố cáo sau đó đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra. Nội dung đơn tố cáo như sau: năm 14 tuổi qua môi giới của một người khác, cháu Thắng (sinh năm 1997 ở Gò Vấp) có gặp và quan hệ đồng tính với ông Minh (đã có vợ). Sau lần đó ông Minh có xin số điện thoại của Thắng để liên lạc. Từ năm 2011 đến năm 2013, ông Minh cùng Thắng vào khách sạn quan hệ nhiều lần. Có mấy lần ông Minh cùng rủ bạn bè quan hệ tập thể với cháu. Mỗi lần quan hệ xong ông ta trả cho Thắng từ 200.000 đến 500.000 đồng, tùy trường hợp chỉ quan hệ với ông hay nhiều người. Kết quả sau những lần đó, cháu Thắng đã bị nhiễm HIV và nhiều bệnh khác[16].
Hành vi mua dâm người đồng giới trong đó đối tượng bán dâm là người dưới 16 tuổi cũng là hành vi diễn ra khá phổ biến hiện nay và cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội cần được qui định vào trong Luật hình sự là tội phạm.
2.2.2. Bấp cập về hành vi khách quan
Hành vi khách quan của Tội hiếp dâm trẻ em (Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự) là hành vi giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân được thực hiện thông qua các thủ đoạn khác nhau. Đây cũng chính là dấu hiệu rất quan trọng để phân biệt hai tội này với các tội xâm phạm tình dục khác. Tuy nhiên hiện nay việc xác định như thế nào là giao cấu lại còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng nên hiểu hành vi giao cấu ở phạm vi hẹp tức là chỉ có sự tiếp xúc giữa bộ phận sinh dục nam và nữ, tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng nên hiểu hành vi giao cấu theo phạm vi rộng hơn bao gồm cả các hành vi tình dục qua đường miệng hay đường hậu môn. Việc tồn tại nhiều quan điểm khác nhau như vậy gây rất nhiều khó khăn trong công tác xét xử cũng như xử lý tội phạm.
Cho đến nay chỉ mới có một văn bản duy nhất mô tả cụ thể về hành vi giao cấu. Đó là Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử về Tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục số 329-HS2 ngày 11/5/1967 của Tòa án Nhân dân Tối cao.
Trong Bản tổng kết này đã đề cập đến khái niệm hành vi giao cấu như sau : “Giao cấu là chỉ cần có sự cọ xát trực tiếp dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào) với ý thức nhấn vào trong không kể sự xâm nhập của dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không là Tội hiếp dâm được coi là hoàn thành, vì khi đó nhân phẩm danh dự của người phụ nữ đã bị chà đạp”. Có thể thấy rằng văn bản này đã hướng dẫn khá rõ về hành vi giao cấu cũng như đề cập được nạn nhân chỉ là nữ tức là thừa nhận chủ thể là nam giới, cũng như xác định được giai đoạn hoàn thành của Tội hiếp dâm, bên cạnh đó theo tinh thần của văn bản hướng dẫn này thì khi nói đến hành vi giao cấu là có hành vi tiếp xúc giữa bộ phận sinh dục nam và nữ.
Cách định nghĩa này đã được ban hành rất lâu rồi nhưng vẫn có một phần nội dung thể hiện được quan điểm tiến bộ, góp phần bảo vệ quyền tự do tình dục cũng như danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ và các cơ quan xét xử của nước ta hiện nay vẫn xét xử theo tinh thần nội dung của bản tổng kết này. Tuy nhiên văn bản này đã ra đời rất lâu và không còn hiệu lực để áp dụng, đồng thời quan điểm về chủ thể cũng như hành vi khách quan của Tội hiếp dâm cũng như hiếp dâm trẻ em cũng đã có nhiều sự thay đổi, chính vì vậy ta cần xem xét lại thế nào là hành vi giao cấu.
Để có thể hiểu thế nào là hành vi giao cấu thì trước tiên cần phải xác định được phạm vi của hành vi giao cấu. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam “tình dục là hành vi tìm kiếm khoái cảm hoặc để sinh sản, có nội hàm rộng, không chỉ có nghĩa là giao hợp giữa người nam và người nữ mà còn bao gồm cả nhiều hành vi khác nhằm đem lại khoái cảm, bằng tay hay bằng miệng, ở vùng cơ quan sinh dục hay ở những bộ phận khác của cơ thể. Cũng vẫn là tình dục khi thực hiện hành vi tìm kiếm khoái cảm với bạn tình khác giới hay cùng giới với một hay nhiều hơn một người, tự mình gây khoái cảm (thủ dâm) hay gây khoái cảm cho nhau, mơ tưởng đến chuyện tình dục hay sử dụng dụng cụ chuyên dụng”[17].
Như vậy nếu theo cách hiểu về tình dục như vậy thì hành vi giao cấu nên hiểu theo nghĩa rộng tức là không chỉ là hành vi tiếp xúc giữa bộ phận sinh dục nam và nữ mà có thể là bằng tay hoặc bằng miệng…
Việc hiểu như thế nào là hành vi giao cấu rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến việc xác định đúng tội danh, giai đoạn thực hiện tội phạm cũng như quyết định hình phạt.
Vụ việc xảy ra vào trưa ngày 19/10/2012, Nguyễn Phước Thiện tổ chức uống rượu tại nhà cùng ông Phan Văn Dô và ông Phan Văn Thảnh. Uống được vài ly thì anh Thảnh về, một lúc sau Phùng văn Liêm đến. Khoảng 14h, ông Dô say nên nằm ngủ. Thiện và Liêm ngồi lại hút thuốc. Lúc này có cháu Dương Thị Cẩm Nhung sinh ngày 22/12/2004 ở cùng xóm qua nhà Thiện chơi. Thiện nảy sinh ý định quan hệ tình dục với Nhung nên kêu cháu Nhung đi vào buồng ngủ. Tại đây Thiện muốn quan hệ tình dục với cháu Nhung nhưng do âm hộ của cháu Nhung quá nhỏ nên Thiện chỉ dùng dương vật đưa ngoài âm hộ cháu Nhung. Khoảng 10 phút sau thì Liêm đi vào buồng, thấy vậy Thiện bỏ ra ngoài. Thấy cháu Nhung vẫn nằm trên giường không mặc quần nên Liêm nảy sinh ý định quan hệ tình dục với cháu Nhung, Liêm cởi quần ra và dùng ngón tay đưa vào bên trong âm hộ cháu Nhung, bị đau nên cháu Nhung đẩy Liêm ra thì Liêm đánh một cái vào mặt. Do bị đánh đau nên cháu Nhung khóc, còn Liêm vẫn chuẩn bị để thực hiện hành vi giao cấu thì bị bà Phan Thị Mưng (mẹ Thiện) phát hiện. Bị cáo Liêm thừa nhận nếu không bị bà Mưng phát hiện thì sẽ thực hiện hành vi giao cấu với cháu Nhung. Theo kết luận giám định số 221/GĐPY thì màng trinh của cháu Nhung bị rách ở điểm 2 giờ và 5 giờ. Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long xét xử và tuyên Thiện phạm tội “dâm ô đối với trẻ em (Khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự) và Liêm phạm tội hiếp dâm trẻ em theo Khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình sự ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử Liêm và Thiện cùng phạm tội hiếp dâm trẻ em (Khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình sự) ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. (Bản án số 661/2013/HSPT ngày 25/6/2013 “về xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 607/2013/HSPT ngày 8/5/2013 đối với bị cáo Nguyễn Phước Thiện và Phùng Văn Liêm” của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh)
Một vấn đề đặt ra nữa là khi quy định dấu hiệu trái ý muốn của nạn nhân trong luật có bao gồm cả trường hợp nạn nhân rơi vào tình trạng không thể biểu lộ được thái độ trái ý muốn của mình hay không (ví dụ như trường hợp cho nạn nhân dùng thuốc mê hay chuốc cho nạn nhân uống rượu say để thực hiện hành vi giao cấu thì nạn nhân không thể hiện được thái độ trái ý muốn của mình). Mặc dù thực tế các cơ quan áp dụng pháp luật đã áp dụng luật theo hướng dấu hiệu trái ý muốn của nạn nhân bao gồm cả trường hợp nạn nhân không biểu lộ được thái độ của mình. Tuy nhiên quy định của luật cần phải rõ ràng và chặt chẽ, tránh những lổ hỏng trong pháp luật dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, vi phạm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tại Điểm a Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 có qui định: “Dùng vũ lực, đe dọa dung vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thự hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ”. Thì hành vi “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” ở đây là quan hệ tình dục bằng miệng, qua đường hậu môn,… hay một hành vi cụ thể nào khác cần có văn bản hướng dẫn rõ ràng, chi tiết.
2.2.3. Bấp cập về loại cấu thành tội phạm
Có quan điểm cho rằng Tội hiếp dâm trẻ em là tội phạm có cấu thành vật chất, tuy nhiên quan điểm được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận hiện nay là Tội hiếp dâm trẻ em là tội phạm có cấu thành hình thức vì vậy tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hết các hành vi khách quan được quy định trong luật, tuy nhiên việc xác định hành vi giao cấu là hành vi, mục đích hay hậu quả thì vẫn chưa có sự thống nhất. Việc chưa thống nhất trong cách xác định cấu thành tội phạm của hai tội danh này đã dẫn đến việc xác định giai đoạn thực hiện tội phạm trên thực tế cũng chưa có sự thống nhất.
+ Trường hợp thứ nhất: khoảng 22 giờ 30 phút ngày 01/01/2012 Đinh Văn Hoàng (sinh năm 1991) đi đám cưới tại nhà ông Quang ở ấp Tân Quảng Đông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Cùng dự đám cưới có cháu Hồng Thị Như Quỳnh (sinh ngày 05/12/1999). Hoàng đến bàn Quỳnh xin làm quen và rủ Quỳnh nhảy nhạc nhưng Quỳnh không đồng ý. Quỳnh mượn điện thoại của chị bà con Nguyễn Huỳnh Như để nhắn tin cho người quen, Hoàng thấy vậy vừa hỏi mượn, vừa dùng tay lấy điện thoại của Quỳnh đang cầm đi ra khỏi đám. Quỳnh đi theo đòi lại nhưng Hoàng không trả và tiếp tục đi cách đám cưới khoảng 35 mét. Quỳnh chạy theo, Hoàng ôm Quỳnh và hôn vào miệng Quỳnh, dùng tay sờ ngực Quỳnh, Quỳnh đẩy Hoàng ra. Hoàng tiếp tục đẩy Quỳnh vào đám bạch đàn cách lộ khoảng 2 mét thì Quỳnh vấp ngã bất tỉnh. Hoàng dùng tay cởi nút quần jean và dây kéo quần của Quỳnh xuống, rồi đứng lên cởi dây thắt lưng và nút quần của Hoàng để thực hiện hành vi giao cấu với Quỳnh, lúc này ông Hồng Văn Tính đi tìm phát hiện Quỳnh đang nằm ngửa, còn Hoàng đang đứng mở thắt lưng với nút quần nên ông Tính đánh Hoàng và truy hô lên, Hoàng chạy về nhà và đến công an xã Nguyễn Việt Khái đầu thú. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 72/2012/HSST ngày 10/12/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau tuyên phạt Đinh Văn Hoàng phạm Tội hiếp dâm trẻ em, áp dụng Khoản 4 Điều 112, Điểm b, o, p Khoản 1 và 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự xử phạt Hoàng 9 năm tù. Sau đó Hoàng kháng cáo và Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Thành Phố Hồ Chí Minh áp dụng Khoản 1 Điều 112, Điểm b, o, p Khoản 1 và 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Hoàng 7 năm tù về Tội hiếp dâm trẻ em. (Bản án số 576/2013/HSPT ngày 28/5/2013 “về xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 558/2013/TLPT – HS ngày 24/04/2013 đối với bị cáo Đinh Văn Hoàng” của tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Thành Phố Hồ Chí Minh.)
+ Trường hợp thứ hai: Vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 10/04/2011, cháu Lê Thị Thùy Trinh (sinh ngày 17 tháng 11 năm 1999) sau giờ giải lao thì đi bộ ra đường Phạm Văn Chí mua bánh mì thì gặp Huỳnh Chí Hải (sinh năm 1973). Hải nói dối cháu Trinh là đi theo lấy đồ cho ba và sau đó thuê xe ôm chở hai người đến chung cư Hòa Bình, phường 14, quận 10. Tại chung cư Hải hù dọa bé Trinh là có mấy thằng “nghiện” ở đây và bảo Trinh xuống cầu thang thoát hiểm. Tại đây Hải kéo áo thun và áo ngực của Trinh ra nhưng Trinh không đồng ý và chống cự. Hải hù dọa Trinh “em muốn mình anh hiếp hay cả đám “nghiện” hiếp” và “muốn về nhà phải cho quan hệ giao cấu” nên Trinh sợ hãi không dám chống cự nữa. Sau đó Hải thực hiện hành vi giao cấu với bé Trinh. Sau khi nhận được tin báo, gia đình cháu Trinh và công an quận 10 phối hợp với bảo vệ chung cư Hòa Bình xem băng ghi hình thì phát hiện và bắt giữ Hải đang thực hiện hành vi phạm tội tương tự như trên đối với cháu Hà Bửu Liên. Cụ thể như sau: khoảng 9 giờ 50 phút ngày 16/4/2011, Hải thuê Honda ôm là anh Vũ chở Hải và cháu Liên (sinh ngày 25/2/1997) đến chung cư Hòa Bình để thực hiện hành vi hiếp dâm. Khi Hải đưa cháu Liên lên lầu 5 bảo cháu đứng chờ đợi để xuống gặp Vũ lừa gạt mượn tiền thì bị bảo vệ chung cư bắt giữ giao cho công an. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 325/2012/HSST ngày 12/9/2012 Tòa án nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh đã áp dụng điểm d khoản 3 Điều 112, điểm p khoản 1 Điều 46, Điều 18, Điều 52, Điều 47 Bộ luật Hình sự xử phạt Huỳnh Chí Hải 18 năm tù về “Tội hiếp dâm trẻ em”. Tại Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Thành Phố Hồ Chí Minh lại không đồng quan điểm với bản án sơ thẩm về việc áp dụng Điều 18 và Điều 52, Điều 47 Bộ luật Hình sự về giai đoạn phạm tội chưa đạt “Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng như trên án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh chỉ xử phạt bị cáo Hải 18 năm tù, dưới khung hình phạt Khoản 3 Điều 112 Bộ luật Hình sự là không có căn cứ. Xét án sơ thẩm cho rằng hành vi hiếp dâm Hà Bửu Liên là phạm tội chưa đạt là không đúng. Hiếp dâm là tội có cấu thành hình thức. Còn việc bị cáo không thực hiện hành vi giao cấu là ngoài ý muốn của bị cáo vì bị cáo bị bắt, không phải là phạm tội chưa hoàn thành như án sơ thẩm nhận định không có căn cứ pháp lý”. Vì vậy Tòa phúc thẩm đã tăng mức hình phạt từ 18 năm lên tù chung thân. (Bản án số 128/2012/HSPT ngày 23/11/2012 “về xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 85/2012/ HSPT ngày 18/10/2012 đối với bị cáo Huỳnh Chí Hải” của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Thành Phố Hồ Chí Minh).
Như vậy trong hai trường hợp trên việc áp dụng giai đoạn phạm tội chưa đạt có sự khác nhau trong thực tiễn. Ở trường hợp thứ nhất, rõ ràng người phạm tội chưa hề thực hiện hành vi giao cấu thì đã bị phát hiện thì theo lý luận cũng như quan điểm của tác giả thì đây là trường hợp phạm tội ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Thế nhưng trong bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm lại không đề cập đến vấn đề này cũng như khi áp dụng điều luật để định tội danh cũng như quyết định hình phạt lại không áp dụng Điều 18 và Điều 52 Bộ luật Hình sự. Ở trường hợp thứ hai thì cấp phúc thẩm và sơ thẩm có quan điểm trái chiều trong việc xác định giai đoạn thực hiện tội phạm đối với trường hợp nạn nhân là bé Liên. Trong hai quan điểm xét xử nêu trên, tác giả đồng ý với quan điểm xét xử của Tòa Sơ thẩm rằng đối với trường hợp bị cáo Hải hiếp dâm bé Liên thì Hải phạm tội ở giai đoạn chưa đạt chứ không phải giai đoạn tội phạm hoàn thành vì Hải chưa thực hiện được hành vi khách quan là hành vi giao cấu trái với ý muốn của bé Liên.
Từ những phân tích trên, cần có sự thống nhất về loại cấu thành tội phạm để việc xác định giai đoạn thực hiện tội phạm trong Tội hiếp dâm cũng như Tội hiếp dâm trẻ em trên thực tế được thống nhất.
2.2.4. Bất cập trong các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội khi thực hiện các hành vi xâm phạm tình dục đều là lỗi cố ý. Lỗi cố ý tức là người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, nhận thức được hậu quả của hành vi đó và người phạm tội mong muốn thực hiện hành vi. Tuy nhiên trong các tội xâm phạm tình dục mà có đối tượng tác động là trẻ em thì trong lý luận đòi hỏi rằng để xác định được lỗi cố ý của người phạm tội, người phạm tội phải nhận thức được đối tượng mà mình đang hướng đến là trẻ em thì mới cấu thành các tội phạm này. Tuy nhiên thực tiễn xét xử hiện nay lại xét xử theo hướng dựa vào giới tính nạn nhân trên thực tế tức là nếu xác định nạn nhân là trẻ em thì người phạm tội sẽ phạm vào các tội xâm phạm tình dục mà đối tượng tác động là trẻ em, không phụ thuộc vào ý chí của người phạm tội là có biết hay không.
Một người khi thực hiện các hành vi xâm phạm tình dục người khác có thể biết nạn nhân là bao nhiêu tuổi vì một số lý do khác nhau như giữa người phạm tội và nạn nhân có quen biết nhau hay có quan hệ gia đình với nhau… Tuy nhiên có những trường hợp giữa nạn nhân và người phạm tội lại không quen biết nhau nên việc người phạm tội biết được độ tuổi của nạn nhân trong những trường hợp này là không khả thi. Tuy nhiên người phạm tội vẫn thực hiện hành vi của mình mà không quan tâm nạn nhân bao nhiêu tuổi, tức là người phạm tội biết hành vi xâm phạm tình dục là nguy hiểm, biết được rằng hành vi này sẽ gây ra những tổn hại nhất định cho nạn nhân nhưng người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện hành vi, tức là họ bất chấp nạn nhân là bao nhiêu tuổi, họ chấp nhận hậu quả pháp lý do hành vi của mình gây ra. Vì vậy việc xét xử các hành vi này về các tội xâm phạm tình dục trẻ em khi trên thực tế nạn nhân là trẻ em là hoàn toàn có cơ sở, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm cũng như bảo vệ được quyền lợi của nạn nhân. Vì vậy trong những trường hợp này đồng tình với quan điểm thực tiễn xét xử hiện nay.
Tuy nhiên, nếu trên thực tế có những trường hợp đặc biệt trong đó nạn nhân thuận tình cho người phạm tội thực hiện hành vi giao cấu nhưng lại bị nạn nhân lừa dối về độ tuổi thì lúc này cần phải xem xét khả năng nhận thức của người thực hiện hành vi về đối tượng tác động trong trường hợp này. Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu nếu thực tế người thực hiện hành vi chứng minh được là mình bị nạn nhân lừa dối về độ tuổi nên mới thực hiện các hành vi nguy hiểm và có những căn cứ cụ thể để chứng minh được thì lúc này sẽ giải quyết những trường hợp sai lầm.
Hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành cụ Tội hiêp dâm trẻ em (Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015). Vì vậy, những bất cập trên cần được nhanh chóng giải quyết, góp phần đi đến thắng lợi trên con đường dấu tranh phòng, chống tội phạm.
2.3. Kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi trong Bộ luật Hình sự Việt Nam
Nhằm đảm bảo công tác hoàn thiện pháp luật và công tác đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý luận về tội phạm hiếp dâm trẻ em trong Bộ luật Hình sự 2015 và các Bộ luật Hình sự từ năm 1999 trở về trước, thực trạng về tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi trong những năm gần đây và thấy được những bất cập trong việc quy định và áp dụng, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị sau đây:
2.3.1 Thay đổi tư duy xét xử
Thứ nhất, Chủ thể của tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi không chỉ là nam. Trong lịch sử xét xử của Tòa án Việt Nam trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực cho thấy rất ít các vụ án xét xử chủ thể của tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi là nữ mà chủ yếu chủ thể của tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi là nam. Đa số các thẩm phán và các nhà làm luật đều cho rằng: chủ thể của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là nam. Hơn nữa, pháp luật chưa từng có văn bản nào thừa nhận hay hướng dẫn chủ thể của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là chỉ là nam và bị hại chỉ là nữ giới. Rõ một điều rằng, các nhà “cầm cân nảy mực” của nước ta đang mang nặng một tư tưởng đi theo số đông và không dám tách mình ra khỏi số đông đó. Như những gì tác giả đã phân tích thì lối tư duy này vô cùng chai sạn và đã bị vo cứng. Đến khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, với những quy định mới có hướng mở rộng hơn thì không thể duy trì cách nhìn nhận và lối tư duy xét xử như thế này được. Tuy nhiên, trên thực tế đã từng có vụ án xét xử chủ thể của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là nữ. Bằng chứng: “cuối tháng 9/2014, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đưa 2 bị cáo Nguyễn Minh Tâm (17 tuổi) và Trương Thị Mỹ Châu (23 tuổi) phạm tội Hiếp dâm trẻ em ra xét xử phúc thẩm. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, Trương Thị Mỹ Châu bị xử phạt 9 năm tù, còn Nguyễn Minh Tâm lãnh 8 năm tù[18]”. Không chỉ ở Việt Nam mà tại một số quốc gia trên thế giới cũng đã đưa ra xét xử các chủ thể nữ phạm tội hiếp dâm: “Tòa án tiểu bang Michigan, Mỹ đang xét xử một vụ án hiếp dâm hy hữu mà nạn nhân là một chàng trai 19 tuổi. Còn thủ phạm là cô gái 17 tuổi có tên Lestina Marie Smith. Theo Dailymail, Lestina Marie Smith xuất hiện trong phiên tòa hồi tuần trước với cáo buộc 2 lần tấn công tình dục cấp độ 1.Theo hồ sơ của cảnh sát, vào ngày 11/1 vừa qua, Lestina đã sử dụng dao để uy hiếp một thanh niên 19 tuổi và buộc thanh niên này phải quan hệ tình dục với mình. Hiện tại, Lestina đang bị giam giữ tại Nhà tù Saginaw và không được quyền bảo lãnh. Nếu bị kết án, cô có thể sẽ phải ngồi tù chung thân[19]”. Điều này cho thấy rằng đã có những nhà làm luật, những thẩm phán, cơ quan điều tra và viện kiểm sát vẫn đồng tình với quan điểm: chủ thể của tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi là bất kì người nào có đủ năng lực hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Phát huy tinh thần đó, các thẩm phán, cơ quan điều tra, viện kiểm sát cùng các nhà làm luật cần phải nhìn nhận chính xác và thoát khỏi những ý nghĩ duy ý chí, đi theo đa số. Với thực trạng hiện này thì nạn nhân của tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi không chỉ là nữ mà còn là nam. Hơn thế, trên thực tế có vô số các vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi do nữ, người đồng tính nữ, người nữ chuyển giới sang nam thực hiện. Đối với người đồng tính nữ và người nữ chuyển giới sang nam thì giới tính sinh học được ghi nhận trong các giấy tờ vẫn là nữ, tuy nhiên xu hướng tính dục của họ là nam và có xu hướng thích quan hệ tình dục với nữ. Vì thế, nếu cứ duy trì một cách nghĩ và lối xét xử chủ thể của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi chỉ là nam là một việc hết sức nguy hiểm, đe dọa đến sự gia tăng của tội phạm này, tạo điều kiện cho người nữ tiếp tục phạm tội và tạo ra sự bất bình đẳng trong pháp luật. Cần nhìn nhận rõ ràng và mạnh mẽ rằng: chủ thể của tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi là bất cứ người nào có đủ năng lực hành vi dân sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Có như vậy mới tạo ra sự công bằng trong pháp luật, không bỏ sót người phạm tội, kéo giảm tội phạm này. Điều nay như một hồi chuông cảnh báo những người phạm tội là nữ đã, đang và có ý định phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi phải kiểm Điểm lại hành vi sai trái của mình.
Thứ hai, Cần phải cân nhắc kĩ lưỡng và có chế tài nhẹ hơn đối với những chủ thể có những sai lầm khi ý thức về độ tuổi của nạn nhân.
Với sự phát triển của xã hội và nhu cầu vật chất ngày càng đầy đủ hiện nay thì nhiều bé gái dưới 16 tuổi nhưng đã phát triển như một thiếu nữ đã thành niên. Hiện nay nhiều trẻ em được tiếp xúc với nhiều hình ảnh dành cho người lớn từ các sách báo, phim ảnh. Chính những hình ảnh này đã tác động lên tuyến yên, buồng trứng và tử cung làm bé gái dậy thì sớm. Nhìn bề ngoài của một người từ 14 tuổi đến 15 tuổi hiện nay rất khó để nhận biết các em nằm trong độ tuổi này vì trông vào dáng vẻ bề ngoài thì không khác gì một nữ sinh 17, 18 tuổi. Chính vì những điều này đã làm cho những chủ thể của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi lầm tưởng rằng mình đang thực hiện hành vi sai phạm này với một người đã thành niên. Trong cơn khao khát tình dục và sự không làm chủ được hành vi của mình cùng với những gì mà người phạm tội trông thấy thì việc lầm tưởng về độ tuổi của nạn nhân là điều rất dễ xảy ra hiện nay. Ví như vụ án bị cáo Lê Tuấn Anh tại Hà Nội xảy ra vào ngày 28/05/2011 đã phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi vì sự sai lầm là được sự đồng ý của bạn gái và lầm tưởng rằng cô bạn gái đã thành niên. Tuy nhiên lúc thực hiện hành vi giao cấu thì cô bạn gái chỉ mới 12 tuổi 8 tháng 7 ngày nên Lâm vẫn phải lãnh án về tội hiếp dâm trẻ em. Và khi đưa ra xét xử thì mọi người đều sửng sốt với vẻ ngoài và giọng nói của một cô gái chưa đầy 13 tuổi mà không khác gì một thiếu nữ thành niên.[20]
Mặc khác, trong một số vụ việc giao cấu thuận tình với người 13 tuổi thì có nhiều trường hợp nạn nhân không khai thật tuổi của mình với người phạm tội, đó cũng là một lí do khiến người phạm tội sai lầm và phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Đã có ý kiến cho rằng: trường hợp người phạm tội không biết nạn nhân là người dưới 16 tuổi do sự lầm tưởng có căn cứ (dựa vào quan hệ giữa người phạm tội và nạn nhân, hình dáng bên ngoài của nạn nhân, thông tin do nạn nhân và người khác cung cấp, điều kiện và hoàn cảnh phạm tội) nếu thực tế khách quan nạn nhân là người dưới 16 tuổi và ý thức chủ quan của người phạm tội lầm tưởng rằng không phải là người dưới 16 tuổi thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm về tội hiếp dâm chứ không phải là hiếp dâm trẻ em. Tuy nhiên, nhóm tác giả không đồng tình với quan Điểm này. Trong trường hợp thực tế nếu có những vụ việc có sự lầm tưởng có căn cứ thì chủ thể thực hiện hành vi đủ điều kiện để cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi thì vẫn xem là phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Nhưng trong trường hợp này cơ quan điều tra cần phải xem xét kĩ càng vấn đề và cơ quan xét xử cần xem xét một chế tài nhẹ nhàng, giảm mức hình phạt nhưng đủ sức răn đe người phạm tội.
2.3.2 Hoàn thiện các quy định của pháp luật
2.3.2.1 Nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn
Bộ luật Hình sự 2015 mới có hiệu lực và hoàn toàn chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể nào. Đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi được quy định tại điều 142 thì có hai Điểm mới được ghi nhận. Thứ nhất, việc quy định hành vi khách quan vi phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi được ghi nhận bằng cụm từ “hành vi quan hệ tình dục khác”, đây là một Điểm mới, hoàn toàn chưa được ghi nhận trong các Bộ luật Hình sự trước đây. Việc ghi nhận điều này gây ra nhiều sự tranh cãi, mông lung rằng những hành vi quan hệ tình dục khác là những hành vi nào? Và hành vi nào là vi phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi? Thứ hai, về định khung tăng nặng tại Khoản 2, Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 có ghi nhận rằng “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” và tại Khoản 3 của điều luật này quy định “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân trên 46%”. Đây là hai điểm định khung tăng nặng hoàn toàn mới được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự 2015. Điều này cũng làm cho nhiều nhà làm luật, cơ quan tư pháp cũng như người dân chưa thể hiểu rõ để áp dụng cho đúng. Chính vì những lẽ đó, nhà nước cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 nói chung và điều 142 Bộ luật Hình sự nói riêng. Điều này sẽ có lợi trong việc hiểu luật và áp dụng luật một cách chính xác, trách xảy ra sự mâu thuẫn bởi cách sử dụng luật ở nhiều nơi khác nhau. Làm cho Bộ luật Hình sự 2015 tiến bộ hơn.
2.3.2.2 Điều chỉnh lại quy định pháp luật
Thứ nhất, cần điều chỉnh lại hình phạt đối với hành vi giao cấu và thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi. Tại Khoản 4, Bộ luật Hình sự 1999 có quy định: “Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Tuy nhiên ở Khoản 1 Bộ luật Hình sự 2015 lại quy định “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người dưới 13 tuổi” thì chỉ phải chịu hình phạt tù từ 7 đến 15 năm. Việc ghi nhận cùng một hành vi khách quan vi phạm tội hiếp dâm trẻ em nhưng giữa Bộ luật Hình sự 1999 và Bộ luật Hình sự 2015 có sự chênh lệch quá lớn về hình phạt, giảm từ tội đặc biệt nghiêm trọng xuống tội rất nghiêm trọng. Việc quy định như vậy chưa thực sự thuyết phục và tạo được sức răn đe lớn đối với người đã, đang và sẽ có ý định phạm tội. Bởi vì người dưới 13 tuổi là người có tư duy và lối nghĩ vô cùng non nớt, với thể trạng sức khỏe yếu ớt và tâm lý vô cùng nhạy cảm. Việc xâm hại tình dục đối với người thuộc độ tuổi này cần được trừng trị một cách thích đáng. Chính vì những lẽ đó, hành vi giao cấu và thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người dưới 13 tuổi không thể ghép chung một hình phạt cùng với các hành vi khách khác của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Cần phải quy định hành vi giao cấu và thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người dưới 13 tuổi thành một điểm định khung tăng nặng ở một Khoản khác, cụ thể là Khoản 2 với ghi nhận rằng “đối với người từ đủ 10 tuổi đến dưới 13 tuổi” cùng mức hình phạt từ 12 đến 20 năm tù. Bởi vì tại Khoản 3 đã có quy định nếu phạm tội đối với người dưới 10 tuổi thì gánh chịu hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Việc ghi nhận này rất cụ thể, dễ hiểu và mức hình phạt được phân loại theo từng độ tuổi tạo nên sự thuyết phục cao, giàu sức răn đe người phạm tội.
Thứ hai, phân hóa hình phạt đối với hình vi hiếp dâm người chưa đủ 13 tuổi. Tại Điểm a Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rằng: “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi” với khung hình phạt từ 7 năm đến 12 năm tù. Nghĩa là dù giao cấu thuận tình hay không thuận tình (trái ý muốn) với người dưới 13 tuổi thì đều chịu một hình phạt như nhau. Nhóm tác giả thấy rằng việc quy định như vậy là chưa công bằng với người phạm tội. Vì nguyên tắc của luật Hình sự theo hướng có lợi cho người phạm tội. Như những gì nhóm tác giả đã phân tích ở mục 2.3.1 thì bởi vì có sự đồng thuận giao cấu của nạn nhân nên người phạm tội mới có cơ hội dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội, cùng với sự nhận thức sai lầm về độ tuổi của nạn nhân. Sự đồng thuận giao cấu của nạn nhân cũng là sự tiếp sức cho suy nghĩ lệch lạc, vi phạm pháp luật của người phạm tội. Chính vì thế, Bộ luật Hình sự cần có sự phân hóa cụ thể về hinh phạt trong trường hợp “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi” có yếu tố thuận tình hay trái ý muốn.
Để tránh được những thiếu sót trong việc ban hành luật cũng như làm pháp luật hiệu quả nhất thì tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã nhấn mạnh rằng:
“Nâng cao trình độ và năng lực làm luật của Quốc hội. Tăng hợp lý tỉ lệ đại biểu chuyên trách, có trình độ, hiểu biết về pháp luật; xác lập cơ chế bảo đảm thực hiện quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trong việc chuẩn bị, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn cách thức thảo luận, thông qua luật, pháp lệnh.
Tăng cường hoạt động giải thích luật, pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các bộ trưởng trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật. Chính phủ tập trung xem xét, quyết định những vấn đề mang tính quan Điểm, chính sách và những vấn đề liên ngành còn có ý kiến khác nhau; tăng cường kiểm tra đối với văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành và địa phương ban hành để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy giúp việc cho Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật. Củng cố bộ phận pháp chế bộ, ngành, địa phương; thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội”.
Điều này cho thấy rằng Đảng và Nhà nước thật sự quan tâm đến việc kiện toàn pháp luật, song vẫn chưa làm được. Bằng chứng là các văn bản pháp luật mới được ban hành gần đây luôn có những sự thiếu sót đáng tiếc. Bộ máy ban hành pháp luật của nước ta cần đươc chú trọng hơn nữa và việc ban hành pháp luật cũng cần đầu tư cả về nội dung lẫn hình thức, cần xem xét và cần nhắc kĩ lưỡng trước khi ban hành để tránh có sự sai sót, làm mất lòng tin của nhân dân vào pháp luật và hiệu quả của pháp luật không cao.
2.3.3 Cơ quan tiến hành tố tụng cần xử lí hiệu quả tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi không nằm trong danh sách các tội chỉ được khởi tố vụ án khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của của bị hại dưới 18 tuổi, người có nhược Điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết[21]. Vì thế khi có vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi xảy ra trên thực tế thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải nhanh chóng tiến hành các hoạt động tố tụng và đưa người phạm tội ra ánh sáng pháp luật, trả lại sự công bằng cho bị hại. Trên thực tế đã xảy rất nhiều vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi nhưng người phạm tội vẫn ngẩn ngơ trước pháp luật. Chẳng hạn như vụ án “ngày 11-02, Công an huyện Thới Bình (Cà Mau) cho biết đang làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé gái tên K. (13 tuổi), ngụ ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình. Thông tin ban đầu, chiều 10-2, người nhà phát hiện em K. uống thuốc tự vẫn nên nhanh chóng đưa em đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cấp cứu. Tuy nhiên, K. đã tử vong vào lúc 6 giờ sáng 11-02. Cũng theo gia đình nạn nhân, trước đó vào tháng 11-2016, gia đình K. đã tố giác em bị một người hàng xóm xâm hại tình dục và K. đã khai với cơ quan công an rằng, em đã nhiều lần bị xâm hại. Tuy nhiên, cơ quan công an đã không khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng không có cơ sở. Theo người nhà nạn nhân, trước khi chết, K. có nói không muốn sống vì nhục nhã với hàng xóm[22]” là một ví dụ điển hình cho việc xử lí chưa thật sự có hiệu quả tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Cơ quan điều tra và Tòa án phải xử lí nghiêm minh, triệt để, nhanh chống đúng người, đúng tội để răn đe, giáo dục người phạm tội và toàn thể nhân nhân. Đặc biệt đối tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi thì nhất quán không được phép lơ là, buông lơi tội phạm do tính chất và mức độ nguy hiểm của nó.
Cần phải ý thức và hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó. Trong nghị quyết số 48 NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã đề cập rằng:
“Trọng tâm là hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của toà án nhân dân, bảo đảm toà án xét xử độc lập, đúng pháp luật, kịp thời và nghiêm minh; phân định thẩm quyền xét xử của toà án sơ thẩm và toà án phúc thẩm phù hợp với nguyên tắc hai cấp xét xử. Hoàn thiện cơ chế quản lý toà án nhân dân địa phương theo hướng bảo đảm tính độc lập giữa các cấp toà án trong hoạt động xét xử.
Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của viện kiểm sát nhân dân theo hướng bảo đảm thực hiện tốt chức năng công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Nghiên cứu hướng tới chuyển thành viện công tố.
Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, kết hợp chặt chẽ giữa trinh sát, điều tra ban đầu với hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra.” Làm được những điều đó thì pháp luật nước ta mới được xem là tiên tiến và người dân mới an tâm làm việc, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước.
Thông qua Chương 2, xuất phát từ những tình trạng trong thực tiễn về vấn đề hiếp dâm người dưới 16 tuổi, từ đó tác giả đã chỉ ra những bất cập và một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện hơn các quy định trong Bộ luật Hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Với những kiến nghị của tác giả, nó phù hợp với ý chí và nguyện vọng của người dân, làm cho Bộ luật Hình sự tiến bộ, đồng thời giúp cho việc tiến hành về tố tụng, xét xử dễ dàng hơn. Góp phần giúp cho công tác đấu tranh phòng chống tội đạt hiệu quả, giàu sức, răn đe, giáo dục người phạm tội cũng như mọi công dân khác để ngăn chặn và hạn chế tình trạng tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi diễn ra như hiện nay.
KẾT LUẬN
Một đất nước được xem là phát triển khi nước đó phát triển toàn diện các mặt như kinh tế, văn hóa, xã hội. Đối với mặt xã hội, thì không thể không nói đến tình trạng tội phạm ngày nay, trong đó có tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Độ tuổi này được xem là chưa phát triển toàn diện về mặt thể chất lẫn tinh thần đồng thời trẻ em được xem là những mầm non tương lai của đất nước, là lực lượng nòng cốt cho việc xây dựng đất nước sau này nên được pháp luật Việt Nam nói riêng và pháp luật của các nước trên thế giới nói chung bảo vệ và khi có tội phạm xảy ra thì xem xét và xử lí nghiêm khắc. Tuy nhiên ngày nay số lượng các vụ án xảy ra vẫn còn rất nhiều.
Qua đó, bài viết của tác giả về “Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi dưới góc độ pháp lý hình sự – Lý luận và thực tiễn” đã góp phần làm rõ được các yếu tố cấu thành tội phạm của tội phạm này và nhìn nhận chung các quy định về tội danh này qua các thời kì trong nước và quy định của một số nước trên thế giới. Từ đó, rút ra được những sự khác nhau để từ đó có thể học hỏi. Đồng thời đưa ra các vấn đề thực tiễn hiện nay, các bất cập và đưa ra một số kiến nghị từ đó góp phần vào việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em cũng như người phạm tội và nhằm hạn chế số lượng tội phạm này. Đối với tình hình tội phạm ngày này diễn ra ngày càng phức tạp đòi hỏi chúng ta cần phải tích cực, chủ động trong việc điều tra nghiên cứu để bổ sung và sửa chữa nhiều hơn góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ luật Hình sự nước Việt Nam 1985.
- Bộ luật Hình sự nước Việt Nam 1999.
- Bộ luật Hình sự nước Việt Nam 2015.
- Bộ luật Hình sự nước Việt Nam 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Bộ luật Tố tụng hình sự nước Việt Nam 2003.
- Bộ luật Tố tụng hình sự nước Việt Nam 2015.
- Luật Thi hành án hình sự 2010:
- Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
- Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
- Nhà xuất bản Tư pháp, “Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 – Phần các tội phạm – Quyển 1”:
- Từ điển tiếng việt, NXB Hồng Đức, 2010.
- Đinh Văn Quế, “Bình luận khoa học hình sự”, Trường ĐH luật Hà Nội, 22/08/2014 TS. Trần Văn Biên và TS. Đinh Thế Hưng (đồng chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Thế giới, 2017.
- TSKH Lê Cảm, “Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần chung)”, NXB ĐHQG Hà Nội, 2007.
- TSKH Lê Cảm, “Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm)”, NXB ĐHQG Hà Nội, 2007.
- TS Nguyễn Ngọc Hòa, “Tội phạm và cấu thành tội phạm”, NXB Tư pháp, 2013.
- TS Nguyễn Xuân Yêm, “Tội phạm học Việt Nam”, tập 2, NXB Công an nhân dân.
- TS. Nguyễn Xuân Yêm, “Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm”, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2001.
- Trần Quang Tiệp, “Đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam”, NXB Tư pháp, 2003.
- Ngô Thị Oanh (chủ biên), “Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm)”, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010.
- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia https://www.wikipedia.org/
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp http://m7uoj.gov.vn/Pages/home.aspx
- Bộ luật Hình sự Thụy Điển.
- Bộ luật Hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
- Bộ luật Hình sự Hà Lan.
- http://legislationline.org/download/action/download/id/4247/file/RF_CC_1996_am03.2012_en.pdf
- https://www.unicef.org/vietnam/vi/c%C3%B4ng-%C6%B0%E1%BB%9Bc-li%C3%AAn-h%E1%BB%A3p-qu%E1%BB%91c-v%E1%BB%81-;quy%E1%BB%81n-tr%E1%BA%BB-em ;
- https://www.crin.org/en/home/rights/convention ;
- https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0277953605001176 ;
- https://www.ohchr.org/EN/UDHR/Documents/UDHR_Translations/eng.pdf ;
- https://www.ncjrs.gov/App/Publications/abstract.aspx?ID=42792;
- https://digitalcommons.ilr.cornell.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1007&context=child .
[1] Lê Đức Trịnh (2010), Các tội xâm phạm tình dục trẻ em dưới góc độ pháp lý hình sự – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM.
[2] Cao Thị Mỹ Hằng (2010), Các tội xâm phạm tình dục trẻ em theo pháp luật hình sự Việt Nam -Lý luận và thực tiễn, Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM.
[3] Từ điển tiếng việt, trung tâm từ điển ngôn ngữ 1992
2 Trường Đại học Luật TP.HCM (2013), Giáo trình Luật Hình Sự Việt Nam – Phần các tội phạm (Quyển 1), Nxb Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr. 112. Đại học quốc gia Hà Nội – Khoa luật (2007), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần các tội phạm, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội,tr. 142. Trường Đại học Luật Hà Nội (2011).
3 Nguyễn Đức Mai (Chủ biên) (2010), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 – Phần các tội phạm, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 113.
[6] Trần Quán Anh, Nguyễn Bửu Triều (2002), Bệnh học giới tính nam, Nxb Y học, tr.395.
[7] Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, bản án số 5/2012/HSST ngày 13 tháng 1 năm 2012.
[8] Tòa án nhân dân tỉnh Binh Dương, bản án số 53/2012/HSST ngày 29 tháng 6 năm 2012.
[9] Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, bản án số 03/2012/HSST ngày 12 tháng 1 năm 2012.
[10] Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, bản án số 661/2012/HSPT ngày 20/7/2012.
[11] Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, bản án số 105/2012/HSPT ngày 21/11/2012.
[12] Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, bản án số 576/2013/HSPT ngày 28/5/2013.
[13] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20140414/rinh-mo-o-ho-boi/602653.html
[14] Tòa Phú thẩm Tòa án Nhân Dân tối cao tại tp Hồ Chí Minh, bản án số 1177/2008/HSPT ngày 20 tháng 10 năm 2008 xét xử phúc thẩm “vụ án hình sự thụ lý số 1034/2008/HSPT ngày 1 tháng 10 năm 2008 đối với bị cáo Dinh jonathan peter”.
[15] http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/545500/3377352
[16]http://www.baomoi.com/Be-trai-bi-xam-hai-Ban-chat-la-hiep-dam-nhung-chi-xu-dam-o/104/13229651.epi
[17] Hội đồng biên soạn từ điển bách khoa (2002), Từ điển Bách khoa Việt Nam – Tập 2, Nxb Từ điển Bách khoa, tr. 117-118.
[18]http://www.doisongphapluat.com/dia-phuong/tin-phap-luat/nhung-phu-nu-tung-pham-toi-hiep-dam-a54061.html
[19] http://eva.vn/tin-tuc/thieu-nu-17-tuoi-doi-mat-voi-an-chung-than-vi-toi-hiep-dam-c73a297479.html
[20] https://www.tin247.com/duoc_ban_gai_cho_yeu_van_pham_toi_hiep_dam-6-21861064.html
[21] Khoản 1 điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[22] http://eva.vn/tin-tuc/tin-nong-nghi-an-be-gai-13-tuoi-tu-van-vi-bi-xam-hai-c73a299102.html
Để lại một phản hồi