Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn tại BLHS 2015

Phương tiện giao thông đường thủy

Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn quy định tại Điều 274 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tương ứng với Điều … BLHS 1999.

 

Các nội dung liên quan:

>>> Xem thêm: Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng

 

Điều 274: Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn

1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Bình luận Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn

1. Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn là gì?

Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn là hành vi của người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.

2. Các yếu tố cấu thành của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn

 2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội phạm này có các dấu hiệu sau:

a) Về hành vi: Có hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn

Lưu ý: Phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn về kỹ thuật phải được xác định là rõ ràng, tức là có thể dễ dàng nhận biết ngay mà không cần phải qua kiểm tra kỹ thuật. Đây là dấu hiệu khách quan bắt buộc, cũng là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

b) Dấu hiệu khác: Có một trong các dấu hiệu sau:

– Làm chết người;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

– Hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nêu trên hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2.2. Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. Ngoài ra còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là người có trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông đường thủy.

3. Về hình phạt

Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 03 khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 1)

Có mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

b) Khung hai (khoản 2)

Có mức phạt tù từ 03 đến 10 năm

c) Khung ba (khoản 3)

Có mức phạt tù từ 07 đến 15 năm.

4. Hình phạt bổ sung 

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(Nội dung được trích dẫn từ Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) của Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp, trang 362, 363 ).

4/5 - (1 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.