Bình luận tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Chuyên mụcLuật hình sự Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Bình luận tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tương ứng với Điều … BLHS 1999.

Những nội dung liên quan:

>>> Bình luận khoa học:

Bình luận tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật:

Mục lục:

  1. Khái niệm
  2. Dấu hiệu pháp lý của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
  3. Hình phạt
Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là gì?

Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là hành vi thực hiện bắt, tạm giữ, tạm giam người không đúng với qui định của pháp luật. Trái pháp luật có thể là không đúng thẩm quyển nhưng đúng thủ tục mà pháp luật quy định.

Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách;

h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%.

Phạm tội thuộc trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

2.1. Khách thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xâm phạm quyền tự do thân thể của con người là một trong những nội dung quan trọng của quyền tự do của con người cũng như quyền tự do, dân chủ của công dân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

2.2. Mặt khách quan của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Tội phạm được thực hiện dưới 3 dạng hành vi bắt, giữ hoặc giam người với bản chất là cản trở, hạn chế hoặc tước đoạt quyền tự do thân thể của người khác. Theo các quy định của nhà làm luật, tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có cấu thành tội phạm phức hợp, theo đó mặt khách quan của tội phạm mô tả ba hành vi. Chủ thể có thể thực hiện tất cả ba hành vi trên hoặc cũng có thể chỉ thực hiện một hoặc hai trong số đó thì vẫn phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 157 Bộ luật hình sự.

Hậu quả nguy hiểm cho xã hội không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội song lại có ý nghĩa khi Tòa án cân nhắc để quyết định hình phạt hoặc cũng rất có thể trở thành tình tiết để định khung hình phạt.

2.3. Mặt chủ quan của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Dấu hiệu động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội.

2.4. Chủ thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Chủ thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Trừ trường hợp chủ thể cố tình làm sai lệch sự đúng đắn của hoạt động tố tụng hoặc thi hành án nên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện những hành vi nói trên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình thì không phạm tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật mà phạm tội lợi dung chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật theo quy định cùa Điều 377 Bộ luật hình sự.

3. Mức hình phạt của Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Người phạm tội theo Khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức; lợi dụng chức vụ quyền hạn; đối với người thi hành công vụ; phạm tội 02 lần trở lên hoặc đối với 02 người trở lên; đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách; hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45 % thì bị phạt  tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự.

Trường hợp phạm tội mà làm nạn nhân chết hoặc tự sát; hoặc tra tấn , đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân; hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm theo quy định tại Khoản 3 Điều 157 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, chủ thể phạm tội còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại Khoản 4 Điều 157 Bộ luật hình sự.

(Nội dung được trích dẫn từ: Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017- TS. Trần Văn Biên; TS. Đinh Thế Hưng – tr 196-197)


Các tìm kiếm liên quan đến Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội bắt giữ người trái pháp luật 2015, tội bắt giữ người trái pháp luật 2018, tội bắt giữ người trái pháp luật 1999, xử lý hành vi bắt giữ người trái pháp luật, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ, điều 377 bộ luật hình sự 2015, điều 377 blhs 2015, điều 157 bộ luật hình sự 2015

4.5/5 - (58 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền