Dịch vụ giám định thương mại trong Luật Thương mại 2005

Chuyên mụcLuật thương mại, Thảo luận pháp luật Dịch vụ giám định thương mại

Theo quy định tại Điều 254 Luật Thương mại năm 2005 thì dịch vụ giám định thương mại được hiểu là “hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện những công việc cần thiết để xác định tình trạng thực tế của hàng hóa, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng”. 

Như vậy, có thể thấy rằng, Luật Thương mại năm 2005 đã mở rộng khái niệm giám định so với Luật Thương mại năm 1997, theo đó giám định không chỉ bao gồm giám định hàng hóa mà còn gồm cả giám định dịch vụ. Đây là một điểm mới liên quan đến dịch vụ giám định trong Luật thương mại năm 2005.

 

1.2. Đặc điểm của dịch vụ giám định thương mại

Dịch vụ giám định thương mại có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, chủ thể tham gia quan hệ dịch vụ giám định thương mại gồm có 2 bên, đó là người kinh doanh dịch vụ giám định và khách hàng là người yêu cầu giám định hàng hóa hoặc dịch vụ. Theo đó người kinh doanh dịch vụ giám định thương mại bắt buộc phải là thương nhân và phải thỏa mãn các điều kiện pháp luật quy định. Còn người có yêu cầu giám định thương mại thì không bắt buộc phải là thương nhân. Họ có thể là các tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước…có nhu cầu giám định hàng hóa hay dịch vụ để phục vụ cho mục đích của mình.

 

Thứ hai, nội dung của hoạt động giám định thương mại đó là mọi hoạt động liên quan đến việc thẩm định, xác định số lượng, chất lượng bao bì, giá trị hàng hóa, xuất xứ, tổn thất, độ an toàn, tiêu chuẩn vệ sinh, phòng dịch, kết quả thực hiện dịch vụ, phương pháp cung ứng dịch vụ và các nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng (Điều 255 Luật Thương mại năm 2005).

 

Thứ ba, kết luận trong hoạt động giám định thương mại được xác lập dưới hình thức văn bản với tên gọi là chứng thư giám định. Đây là văn bản xác định tình trạng thực tế của hàng hóa, dịch vụ theo các nội dung giám định được khách hàng yêu cầu. Chứng thư giám định là văn bản xác định tình trạng thực tế của hàng hóa, dịch vụ theo các nội dung giám định được khách hàng yêu cầu. Chứng thư giám định phải có chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định, chữ ký, họ tên của giám định viên và phải được đóng dấu nghiệp vụ được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Chứng thư giám định chỉ có giá trị đối với những nội dung được giám định. Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả và kết luận trong chứng thư giám định. Giá trị pháp lý của chứng thư giám định được quy định tại Điều 261 và Điều 262 Luật Thương mại năm 2005.

 

Thứ tư, dịch vụ giám định là một hoạt động thương mại – là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại với tư cách là một nghề nghiệp độc lập và thường xuyên và được trả thù lao.

 

Thứ năm, cơ sở pháp lý của dịch vụ giám định thương mại đó là hợp đồng giám định thương mại.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ giám định thương mại

Như đã phân tích ở trên, dịch vụ giám định là một hoạt động thương mại. Điều kiện kinh doanh dịch vụ giám định thương mại được quy định tại Điều 257 Luật Thương mại năm 2005. Theo đó, Luật Thương mại năm 2005 đã bổ sung một số quy định liên quan tới vấn đề này nhằm tăng cường năng lực của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại để nâng cao chất lượng của hoạt động này trên thị trường. Kinh doanh dịch vụ giám định thương mại phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật

Như vậy, thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại bắt buộc phải tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định thương mại thường được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Hộ kinh doanh là thương nhân nhưng không phải là doanh nghiệp vì vậy không được kinh doanh dịch vụ này. Thương nhân nước ngoài thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định thương mại tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định thương mại hoạt động độc lập và chuyên kinh doanh dịch vụ này, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh dịch vụ giám định thương mại. Đây là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

 

– Có giám định viên đủ tiêu chuẩn để thực hiện việc giám định thương mại

Tiêu chuẩn của giám định viên được quy định tại Điều 259 Luật Thương mại năm 2005, cụ thể giám định viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

  • Có trình độ đại học hoặc cao đẳng phù hợp với yêu cầu cảu lĩnh vực giám định;
  • Có chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực giám định trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ chuyên môn;
  • Có ít nhất 3 năm công tác trong lĩnh vực giám định hàng hóa, dịch vụ;

 

Giám định thương mại là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có thể thấy rằng việc Luật Thương mại năm 2005 quy định về tiêu chuẩn của giám định viên như trên là khá chặt chẽ, do đặc thù của lĩnh vực này khá phức tạp, đòi hỏi phải có chuyên môn, kiến thức thì mới có thể thực hiện hoạt động giám định chính xác và có hiệu quả được. Luật Thương mại năm 2005 quy định giám đốc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định công nhận giám định viên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

 

– Có khả năng thực hiện quy trình, phương pháp giám định hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế hoặc đã được các nước áp dụng một cách phổ biến trong giám định hàng hóa, dịch vụ đó

Xuất phát từ đặc thù của hoạt động giám định thương mại cho nên đây là một điều kiện bắt buộc đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ này. Giám định là một hoạt động mang tính đặc thù và đòi hỏi khoa học kĩ thuật, chuyên môn nghiệp vụ cao. Tầm quan trọng của dịch vụ giám định không chỉ liên quan đến số phận của hàng hóa, dịch vụ hay doanh nghiệp có hàng hóa, dịch vụ cần giám định mà trong nhiều trường hợp nó còn liên quan đến cả tính mạng con người – hậu quả của việc giám định không đúng. Chính vì vậy, đây là điều kiện hết sức quan trọng trong hoạt động giám định thương mại. Luật Thương mại năm 2005 yêu cầu đối với doanh nghiệp là thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại phải có khả năng cũng như phương pháp, quy trình thực hiện việc giám định hàng hóa, dịch vụ chuyên môn mà mình kinh doanh.

 

Hoàn thiện quy định pháp luật về dịch vụ giám định thương mại

Luật Thương mại năm 2005 quy định về dịch vụ giám định nói chung và điều kiện kinh doanh dịch vụ giám định thương mại nói riêng có nhiều điểm mới và ngày càng hoàn thiện hơn so với Luật Thương mại năm 1997. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định thương mại trong thời gian tới, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định pháp luật về dịch vụ giám định thương mại, cụ thể:

 

Nghiên cứu, bổ sung quy định trong Luật về việc giám đốc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định thương mại bắt buộc phải là giám định viên. Luật Thương mại năm 2005 quy định cụ thể về tiêu chuẩn của giám định viên và quy định giám đốc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định công nhận giám định viên mà không quy định cụ thể Giám đốc doanh nghiệp có bắt buộc phải là một giám định viên hay không? Như vậy, nếu Giám đốc doanh nghiệp không nhất thiết phải là giám định viên (với tiêu chuẩn khá khắt khe tại Điều 259) thì lấy đảm bảo gì để Giám đốc doanh nghiệp đó có thẩm quyền công nhận giám định viên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

 

Quy định các điều kiện kinh doanh dịch vụ giám định thương mại theo hướng cụ thể, chi tiết. Bởi các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ giám định hiện hành khá chung chung, chưa được hướng dẫn cụ thể làm cho việc hiểu và áp dụng trong thực tiễn chưa thống nhất. Cụ thể là quy định về điều kiện chuyên môn của giám định viên; điều kiện có khả năng thực hiện quy trình, phương pháp giám định hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế hoặc đã được các nước áp dụng một cách phổ biến trong giám định hàng hóa, dịch vụ đó; điều kiện để thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định có thể được yêu cầu giám định bởi cơ quan nhà nước. Đặc biệt, bổ sung cụ thể, hướng dẫn chi tiết nội dung điều kiện thứ 3 đối với kinh doanh dịch vụ giám định thương mại “có khả năng thực hiện quy trình, phương pháp giám định hàng hóa…”. Quy định này góp phần tăng tính chính xác trong kết quả giám định, bảo vệ lợi ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ này, tuy nhiên lại quá chung chung, chưa cụ thể, chi tiết, việc xác định thế nào là “có khả năng” chưa được làm rõ.

 

Sửa đổi, bổ sung quy định về chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong trường hợp chứng thư giám định có kết quả sai đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định chung về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 300 và Điều 303 Luật Thương mại năm 2005 và tạo cơ chế răn đe hợp lý đối với hành vi cấp chứng thư giám định có kết quả sai của doanh nghiệp làm dịch vụ giám định. Nên sửa đổi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 266 Luật Thương mại năm 2005 để không còn sự nhầm lẫn; sự phân biệt yếu tố lỗi trong quy định tại Điều 266 Luật Thương mại năm 2005 không logic với Điều 300 và Điều 303 Luật Thương mại năm 2005.
Ngoài ra cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc trang bị các máy móc, trang thiết bị cần thiết tối thiểu cho hoạt động giám định là một trong các tiêu chuẩn này đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại, quy định về thẻ giám định viên…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trường Đại học Luật Hà NộiGiáo trình Luật Thương mại (tập 2), NXB. CAND, Hà Nội, 2006.
  2. Luật Thương mại năm 2005.
  3. Nghị định của Chính phủ số 20/2006/ NĐ – CP ngày 20/2/2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại.
  4. Luật Doanh nghiệp năm 2014
đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền