Các cuộc thảo luận về thuế tài sản ở Việt Nam tuy mới bắt đầu, nhưng đã có hiện tượng nhiễu thông tin do cách hiểu khác nhau về loại thuế này. Trên thực tế, có nhiều hình thức thuế khác nhau được đề cập dưới phạm trù thuế tài sản, bao gồm thuế đánh vào việc nắm giữ tài sản, thuế đánh vào việc chuyển giao tài sản và thuế đánh vào lợi tức của tài sản. Việc đánh thuế tài sản dưới các hình thức khác nhau được áp dụng ở hầu hết các quốc gia, nhưng thuế đánh vào việc nắm giữ tài sản của cá nhân đến nay là không phổ biến. Mặc dù vậy, đang có các lập luận đáng chú ý về việc đánh thuế đối với toàn bộ tài sản của cá nhân và pháp nhân nhằm đối phó với xu hướng bất bình đẳng đang gia tăng trong xã hội và trên phạm vi toàn thế giới.
Abstract: Discussions on the wealth taxation in Vietnam have started, there has been information distortion due to different interpretations of such a tax. This article provides information on the conceptual categories as well as the trends of wealth taxation in the world to contribute to a common starting point for subsequent discussions. The results of the studies referred to in the article show that there are various forms of taxation that fall under the scope of wealth taxes, including tax on the holding of capital or wealth; tax on the transfer of capital or tax on the appreciation of capital or wealth. The taxation of wealth in various forms is applied in most countries around the world. But the form of wealth holding taxes up to now is not prevalent.There are, however, significant arguments for taxation on the wealth holding of individualsand corporations to counteractthe inequality increasing in society and across the world.
Bất kỳ một đề xuất đánh thuế nào cũng sẽ gây sự chú ý của dư luận, nhưng đề xuất thuế tài sản thì thường gây tranh cãi. Người làm chính sách không thể làm ngơ trước các chất vấn như: tôi làm ra tiền tôi đã nộp thuế thu nhập rồi; tôi mua sắm tôi phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt; tôi mua đất tôi cũng phải nộp thuế, lệ phí; tôi bán đất tôi lại cũng phải nộp thuế; để làm được ngôi nhà tôi cũng đã phải trả các loại phí và thuế rồi; vậy sao còn đánh thuế trên những gì tôi đã nộp thuế? Để trấn an dư luận, các nhà làm chính sách thường viện dẫn đến các lý do như: trên thế giới đã có 174/193 quốc gia đánh thuế tài sản, ngân sách nhà nước đang khó khăn do hội nhập kinh tế quốc tế làm giảm nguồn thu thuế xuất nhập khẩu, v.v..
Điều cần thiết trước khi hỏi và trả lời, trước hết cần xác định thế nào là thuế tài sản cũng như xu hướng áp dụng thuế đó trên thế giới.
1. Quan niệm “thuế tài sản”
Trên thế giới, có nhiều loại thuế khác nhau được đề cập dưới phạm trù “thuế tài sản” (wealth taxes)[1]. Trong báo cáo tóm tắt nghiên cứu “Thuế tài sản: các vấn đề và thực tiễn trên thế giới” năm 2013, giáo sư Chris Evans (Trường Kinh tế Úc, Đại học New South Wales) cho rằng: “Có thể có ba hình thức thuế tài sản (đôi khi được gọi là thuế vốn – các thuật ngữ có thể hoán đổi cho nhau). Người ta có thể đánh thuế việc nắm giữ vốn hoặc tài sản (như trong thuế tài sản hàng năm, hay trong thuế giá trị ròng hoặc tài sản ròng); và/hoặc người ta có thể đánh thuế việc chuyển giao vốn hoặc tài sản (như trong thuế di sản, thuế quà tặng); và/hoặc người ta cũng có thể đánh thuế vào lợi tức của vốn hoặc tài sản (như trong thuế lợi tức vốn [Capital Gains Tax – CGT]). Đặc trưng của thuế vốn hoặc thuế tài sản là về nguyên tắc chúng liên quan đến toàn bộ phạm vi hoặc chủng loại tài sản: tiền mặt và số dư ngân hàng; bất động sản như nhà ở; tài sản cá nhân như đồ trang sức, tranh ảnh, đồ nội thất, ô tô và du thuyền; cổ phần và phần vốn góp; và tài sản kinh doanh”[2].
Trong khi đó, một số nghiên cứu khác về thuế nhìn nhận “thuế tài sản” chỉ là loại thuế hàng năm đánh vào giá trị tài sản ròng của cá nhân hay pháp nhân và là thuế đánh vào việc nắm giữ tài sản của cá nhân hay pháp nhân. Nghiên cứu của giáo sư người Pháp Eric Pichet (Bordeaux Business School) công bố trong bài báo “Các hậu quả kinh tế của thuế tài sản Pháp” (The Economic Consequences of the French Wealth Tax)[3] đề cập đến “Impôt de Solidarité sur la Fortune”(ISF) là loại thuế tài sản đánh vào giá trị tài sản ròng của cá nhân. Trong chuyên khảo “Lý luận chung về thuế” (Allgemeine Steuerlehre) của giáo sư người ĐứcStefan Homburg (Leibniz University of Hanover)[4] cũng đề cập đến thuế tài sản (Vermögensteuer)[5] là một loại thuế hàng năm đánh vào toàn bộ giá trị tài sản ròng của cá nhân và pháp nhân. Như vậy, các nghiên cứu trên đều có phân biệt rõ ràng giữa “thuế tài sản” (Vermögensteuer) với các loại “thuế liên quan đến tài sản” (vermögensbezogene Steuer). Các loại thuế như thuế đất (Grundsteuer), thuế ô tô (Kraftfahrzeugsteuer), thuế kinh doanh (Gewerbesteuer), thuế nhà ở thứ hai (Zweitwohnungsteuer), thuế chó (Hundesteuer), thuế di sản (Erbschaftsteuer), thuế quà tặng (Schenkungsteuer) là các loại thuế liên quan đến tài sản. Trong đó, có loại thuế đánh vào việc nắm giữ tài sản như thuế đất, thuế nhà ở thứ hai; có loại thuế đánh vào việc chuyển giao tài sản như thuế di sản, thuế quà tặng; và cũng có loại thuế đánh vào lợi tức vốn như thuế kinh doanh.
Ở Đức, một tài sản có thể bị đánh thuế hai lần bởi hai loại thuế có cùng bản chất, như thuế đất (thuộc loại thuế liên quan đến tài sản) và thuế tài sản. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy, theo quan điểm phổ biến, không phải là đánh thuế trùng, bởi mục đích đánh thuế của các loại thuế này khác nhau. Thuế đất đánh vào mọi trường hợp nắm giữ tài sản là đất, trong khi giá trị đất đó còn có thể thuộc đối tượng chịu thuế của thuế tài sản, nếu tổng giá trị tài sản ròng bao gồm giá trị đất của người nộp thuế vượt ngưỡng thuế tài sản. Với ngưỡng thuế tài sản khá cao, thuế tài sản ởPháp[6] và Đức[7] còn được gọi là “thuế nhà giàu” hay “thuế triệu phú”.
Với quan niệm về “thuế tài sản” rộng như nghiên cứu của giáo sư Chris Evans đề cập, có thể nói nhiều quốc gia trên thế giới đã đánh thuế tài sản. Tuy nhiên, chỉ có một số ít quốc gia đánh thuế đối với toàn bộ giá trị ròng của tài sản của cá nhân hay pháp nhân.
Việt Nam cũng đã đánh thuế tài sản dưới hình thức này hay hình thức khác. Ví dụ, thuế đánh vào thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là hình thức thuế đánh vào việc chuyển giao tài sản, mặc dù theo luật thuế Việt Nam hiện hành thì đây là loại thuế đánh vào thu nhập. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp là hình thức thuế đánh vào việc nắm giữ tài sản là quyền đối với bất động sản. Việt Nam chỉ chưa có thuế đánh vào giá trị ròng của toàn bộ tài sản của cá nhân hay pháp nhân mà thôi. Đề xuất thuế tài sản của Bộ Tài chính[8], nếu chỉ giới hạn ở đối tượng chịu thuế là đất (chính xác hơn là giá trị quyền sử dụng đất), nhà và công trình xây dựng hay ô tô, du thuyền, cũng chỉ là hình thức thuế đánh vào việc nắm giữ một hoặc một số loại tài sản. Tuy nhiên, việc đặt tên thuế là “thuế tài sản” là chưa hợp lý.
2. Xu hướng áp dụng thuế tài sản
Mặc dù “thuế tài sản” có thể được xem xét dưới phạm trù rộng, nhưng nghiên cứu của Chris Evans cũng cho thấy, tại nơi nó được áp dụng, thuế tài sản chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng thu thuế của mỗi quốc gia. Ví dụ, trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với 34 thành viên, khoản thu thuế kết hợp của các nước thành viên từ thuế tài sản hàng năm và thuế chuyển nhượng tài sản trung bình chỉ chiếm dưới 1% tổng thu thuế. Trong khi đó, rất khó đo lường được sự đóng góp của hình thức thứ ba của thuế tài sản – thuế lợi tức vốn (Capital Gains Tax) – trong tổng thu thuế, vì lợi tức vốn có thể được xem là một hình thức thu nhập và do đó thường được coi là một phần của cơ sở thuế thu nhập chứ không phải là cơ sở thuế tài sản. Ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UK), thu từ thuế lợi tức vốn cũng hiếm khi vượt quá 2% tổng thu thuế; và ở Úc – nơi mà chế độ thuế lợi tức vốn toàn diện hơn và không có số tiền miễn thuế hàng năm như ở UK – loại thuế này thường chỉ đóng góp từ 2% đến 4% thuế thu được[9].
Pháp là một trong số ít quốc gia đánh thuế tài sản đối với toàn bộ giá trị tài sản ròng của cá nhân (là hình thức thuế đánh vào việc nắm giữ tài sản). Theo một nghiên cứu của GS. Eric Pichet[10], “Mặc dù nỗ lực ‘làm mềm’ thuế tài sản ISF, trong kỳ lập pháp cuối cùng (2002-2007) tổng thu ISF đã tăng vọt, nhảy từ 2,5 tỷ euro năm 2002 lên 3,6 tỷ euro vào năm 2006. Tuy nhiên, chi phí thu thuế vẫn ở mức thấp (khoảng 1,6% số tiền thu được); việc không tăng ngưỡng chịu thuế cho phù hợp với lạm phát từ năm 1998 đến năm 2004 đã tạo ra khoản tăng thu vượt quá mong đợi là 400 triệu euro chỉ riêng trong năm tài chính 2004 cho Nhà nước Pháp; gian lận ISF chủ yếu liên quan đến việc đánh giá tài sản bất động sản dưới giá trị đã ổn định theo thời gian ở mức khoảng 28% tổng thu thuế, tương đương (với giả định khung pháp lý không thay đổi) khoản hụt thu ngân sách 700 triệu Euro trong năm 2004; giá trị vốn bị chuyển ra nước ngoài kể từ khi áp dụng ISF vào năm 1988 khoảng 200 tỷ Euro; ISF gây ra hụt thu ngân sách hàng năm là 7 tỷ euro, hay khoảng gấp đôi số tiền mà nó mang lại; thuế tài sản ISF có thể đã làm giảm tăng trưởng GDP 0,2% mỗi năm, hay khoảng 3,5 tỷ Euro (tương đương với với số tiền mà nó mang lại)”.
Cân nhắc về hậu quả kinh tế của loại thuế này, tháng 9/2017 chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron quyết định bãi bỏ ISF và thay thế bằng sắc thuế Impôt sur la fortune immobilière (IFI) (chỉ đánh vào bất động sản), có hiệu lực từ 01/01/2018[11],[12].
Ở Đức, Luật Thuế tài sản được ban hành năm 1952[13], chỉ chưa đầy 3 năm sau ngày lập quốc, sau nhiều lần sửa đổi, bản có hiệu lực hiện nay được công bố vào năm 1990[14]. Tuy nhiên, từ năm 1997, sau khi Tòa án Hiến pháp Liên bang tuyên một số nội dung của Luật này là không phù hợp với Hiến pháp, Chính phủ Liên bang Đức đã không hành thu thuế tài sản này[15].
Dưới sức ép của các đảng phái chính trị, từ đầu những năm 2000 đến nay, ở Đức liên tục diễn ra các cuộc tranh luận về việc tái đánh thuế tài sản. Gần đây nhất, trong cương lĩnh tranh cử, Đảng Cánh tả (Die Linkspartei) đưa ra điều kiện để tham gia vào chính phủ liên minh với Đảng Dân chủ xã hội và Đảng Xanh trong trường hợp chiến thắng cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang năm 2017 là tái đánh thuế tài sản trở lại. Đảng này đề xuất ngưỡng đánh thuế là 01 triệu Euro mỗi cá nhân và thuế suất là 5%. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ xã hội chỉ quyết nghị trong cương lĩnh tranh cử của mình về việc sẽ lập một ủy ban để xem xét việc tái đánh thuế tài sản.
Nhìn từ góc độ pháp lý, các chuyên gia thống nhất rằng, việc đánh thuế tài sản ở mức độ hợp lý là hợp hiến[16], nếu nó nhằm vào lợi tức có thể mong đợi của tài sản (target yields) chứ không nhằm vào giá trị thuần của tài sản (net value of assets). Còn việc thuế tài sản có được nhằm vào giá trị thuần của tài sản hay không thì vẫn là vấn đề còn tranh luận. Giáo sư Joachim Wieland (J.W. Goethe University), trong bản báo cáo ý kiến chuyên gia “Khung pháp lý cho việc tái đánh thuế tài sản” cho Liên hiệp Công đoàn ngành dịch vụ, đã nêu quan điểm rằng, thuế tài sản với tư cách là công cụ phân phối lại (redistribution instrument) hoàn toàn có thể là thuế đánh vào giá trị thuần của tài sản[17]. Như vậy, ở Đức, việc tái đánh thuế tài sản cũng như việc áp dụng cơ sở tính thuế cũng chưa được rõ ràng./.
Tài liệu tham khảo
- Evans, Chris (2013), “Wealth Taxes: problems and practice around the world”, Briefing paper, Centre on Household Assets and Savings Management (CHASM), available athttps://www.birmingham.ac.uk/Documents/college-social-sciences/social-policy/CHASM/briefing-papers/2013/wealth-taxes-problems-and-practices-around-the-world.pdf
- Pichet, Eric (2007), The Economic Consequences of the French Wealth Tax (September 15, 2008). La Revue de Droit Fiscal, Vol. 14, p. 5, April 2007, available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=1268381
- Wieland, Joachim, Rechtliche Rahmenbedingungen für eine Wiedereinführung der Vermögensteuer, Rechtsgutachten erstattet für ver.di, November 2003
- Piketty,Thomas (2015), Capital and Wealth Taxation in the 21stCentury, National Tax Journal, 68:2, pp. 449-458, available athttp://www.ntanet.org/NTJ/68/2/ntj-v68n02p449-458-capital-wealth-taxation-21st-century.html
- Piketty, Thomas (2014), Capital in the Twenty-First Century (original title: Le Capital au XXIe siècle; translator:Arthur Goldhammer), Harvard University Press, published inEnglish: April 15, 2014
- Homburg, Stefan (2015), Allgemeine Steuerlehre, 7. Auflage Verlag Vahlen 2015.
Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số14, kỳ 2 tháng 7/2018
[1] Bên cạnh thuật ngữ wealth taxes được hiểu là “thuế tài sản” trong phạm vi bài viết này, còn có thuật ngữ “property taxes” cũng thường được dịch và hiểu theo nghĩa là thuế tài sản. Tuy nhiên, “property taxes” là một phạm trù hẹp hơn so với weath taxes. Property taxes dùng để chỉ các loại thuế điều tiết vào các dạng tài sản cụ thể, thường được định danh và xác định quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng, như: đất đai, nhà ở, xe hơi, tàu thuyền…
[2] Evans,Chris, “Wealth Taxes: problems and practice around the world”, Briefing paper, Centre on Household Assets and Savings Management (CHASM), tr. 1, tại https://www.birmingham.ac.uk/Documents/college-social-sciences/social-policy/CHASM/briefing-papers/2013/wealth-taxes-problems-and-practices-around-the-world.pdf, truy cập ngày 17/5/2018.
[3] Pichet, Eric, “The Economic Consequences of the French Wealth Tax” (September 15, 2008). La Revue de Droit Fiscal, Vol. 14, p. 5, April 2007, available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=1268381
[4] Homburg,Stefan, Allgemeine Steuerlehre, 7. Auflage, Verlag Vahlen, 2015
[5] Luật Thuế tài sản của Đức (Vermögensteuergesetz in der Fassung der Bekanntmachung vom 14. November 1990 (BGBl. I S. 2467), das zuletzt durch Artikel 107 des Gesetzes vom 29. Oktober 2001 (BGBl. I S. 2785) geändert worden ist).
[6] Từ năm 2012, ngưỡng chịu thuế tài sản theo Luật Thuế tài sản ISF của Pháp là 800.000 Euro đối với mỗi cá nhân, trước đó là 1.300.000 Euro (xem: Christian Schubert, “Die Wohlhabenden werden zur Kasse gebeten”, Frankfurter Allgemeine Zeitung, 18/7/2012).
[7] Theo khoản 1 Điều 6 Luật Thuế tài sản của Đức (Vermögensteuergesetz in der Fassung der Bekanntmachung vom 14. November 1990 (BGBl. I S. 2467), daszuletzt durch Artikel 107 des Gesetzes vom 29. Oktober 2001 (BGBl. I S. 2785) geändert worden ist), ngưỡng chịu thuế tài sản đối với mỗi cá nhân là 120.000 DM (tương đương khoảng 60.000 Euro). Tuy nhiên, từ năm 1997 Chính phủ Liên bang Đức đã ngừng thu thuế tài sản, mặc dù Luật này vẫn còn hiệu lực (trên danh nghĩa) cho tới nay.
[8] Xem: Bộ Tài chính, Dự thảo Tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, ngày 17/4/2018, trên: http://www.mof.gov.vn
[9] Evans,Chris, tlđd, tr. 1.
[10] Pichet,Eric, tlđd (Abstract)
[11] Xem: https://www.service-public.fr/particuliers/vosdroits/N20074
[12] Xem luật này tại: Code général des impôts (CGI) (Bộ luật chung về thuế), Điều 964- 982 https://www.legifrance.gouv.fr/affichCode.do;jsessionid=FC812AAAC20FB509771A381C9A8435CF.tplgfr21s_3?idSectionTA=LEGISCTA000036384997&cidTexte=LEGITEXT000006069577&dateTexte=20180521
[13] Vermögensteuergesetz in der Fassung der Bekanntmachung vom 16. Januar 1952, Bundesgesetzblatt Jahrgang 1952 Teil I S. 28.
[14] Vermögensteuergesetz in der Fassung der Bekanntmachung vom 14. November 1990 (BGBl. I S. 2467), das zuletzt durch Artikel 107 des Gesetzes vom 29. Oktober 2001 (BGBl. I S. 2785) geändert worden ist.
[15] BVerfG-Beschluß vom 22.6.1995 (2 BvL 37/91) BStBl. 1995 II S. 655
[16] Tòa án Hiến pháp Liên bang (Đức) trong nghị quyết ngày 22/6/1995 (BVerfG-Beschluß vom 22.6.1995 (2 BvL 37/91) BStBl. 1995 II S. 655) đã nêu ra nguyên tắc chia đôi (Halbteilungsgrundsatz), theo đó tổng gánh nặng thuế của người nộp thuế không quá 50% tổng thu nhập và tài sản là hợp hiến. Tuy nhiên, về sau chính Tòa án Hiến pháp liên bang (Đức) không theo đuổi nguyên tắc này nữa, vì cho rằng không thể rút ra một nguyên tắc như vậy từ Hiến pháp hiện hành.
[17] Wieland,Joachim, Rechtliche Rahmenbedingungen für eine Wiedereinführung der Vermögensteuer, Rechtsgutachten erstattet für ver.di, November 2003.
Phan Huy Hồng, PGS.TS. Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Để lại một phản hồi