Thủ tục giải quyết việc dân sự trong BLTTDS 2015

Tố tụng dân sự

BLTTDS 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung về thủ tục giải quyết việc dân sự. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi bình luận những nội dung được sửa đổi, bổ sung như: việc thay đổi người tiến hành tố tụng khi giải quyết việc dân sự; thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết việc dân sự; quyết định giải quyết việc dân sự; kháng cáo, kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự; những người tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự; thủ tục tiến hành phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự trong BLTTDS năm 2015.

1. Về việc thay đổi người tiến hành tố tụng khi giải quyết việc dân sự

Để đảm bảo cho quá trình giải quyết việc dân sự khách quan và đúng đắn thì những người tiến hành tố tụng phải thật sư vô tư, khách quan trong quá trình giải quyết việc dân sự. Do đó nếu có căn cứ cho thấy họ không vô tư, khách quan trong khi tiến hành tố tụng thì họ có thể phải bị thay đổi. Vì vậy, Điều 368 BLTTDS năm 2015 tiếp tục kế thừa quy định về thay đổi người tiến hành tố tụng khi giải quyết việc dân sự. Tuy nhiên, khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011 lại chỉ đề cập đến thủ tục thay đổi thư ký Tòa án trước khi mở phiên họp mà không quy định về thủ tục thay đổi thư ký phiên họp tại phiên họp giải quyết việc dân sự. Điều này là chưa hợp lý bởi tại phiên họp các đương sự mới thực hiện quyền yêu cầu thay đổi thư ký phiên họp của mình thì Thẩm phán hoặc hội đồng giải quyết việc dân sự phải xem xét, giải quyết. Vì vậy, khoản 2 Điều 368 BLTTDS năm 2015 đã bổ sung quy định về thay đổi thư ký phiên họp ở tại phiên họp như sau:

– Trường hợp việc dân sự do một Thẩm phán giải quyết thì việc thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp do Chánh án của Tòa án đang giải quyết việc dân sự đó quyết định;

– Trường hợp việc dân sự do Hội đồng giải quyết việc dân sự gồm ba Thẩm phán giải quyết thì việc thay đổi thành viên Hội đồng, Thư ký phiên họp do Hội đồng giải quyết việc dân sự quyết định.

Tuy nhiên, trong trường hợp Thẩm phán, Thư ký phiên họp hoặc các thành viên của hội đồng giải quyết việc dân sự bị thay đổi tại phiên họp thì khoản 2 Điều 368 BLTTDS năm 2015 lại không quy định rõ là phiên họp bị hoãn hay vẫn tiến hành họp. Thiết nghĩ, TANDTC cần có hướng dẫn là trong trường hợp này phiên họp bị hoãn vì không có Thẩm phán điều khiển phiên họp cũng như không có thư ký ghi biên bản phiên họp đồng thời việc hoãn phiên họp sẽ tạo điều kiện cho Thẩm phán thay thế có thời gian nghiên cứu hồ sơ để giải quyết việc dân sự chính xác và đúng pháp luật.

Ngoài ra, khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011 quy định việc thay đổi kiểm sát viên tại phiên họp do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định cũng chưa hợp lý. Bởi tại phiên họp, mọi quyết định đều phải do Thẩm phán hoặc Hội đồng giải quyết việc dân sự quyết định chứ Viện trưởng Viện kiểm sát không có quyền quyết định. Hơn nữa, nếu tại phiên họp mà phải thay đổi kiểm sát viên thì phiên họp có bị hoãn không hay vẫn tiến hành phiên họp thì khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011 cũng không có quy định. Điều này dẫn đến Tòa án không có cơ sở pháp lý giải quyết nếu yêu cầu thay đổi kiểm sát viên được chấp nhận ở tại phiên họp. Do đó, khoản 3 Điều 369 BLTTDS năm 2015 quy định tại phiên họp, việc thay đổi Kiểm sát viên do Thẩm phán, Hội đồng giải quyết việc dân sự quyết định. Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên thì Thẩm phán, Hội đồng giải quyết việc dân sự ra quyết định hoãn phiên họp và thông báo cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát bố trí Kiểm sát viên khác thay thế. Hoãn phiên họp sẽ giúp Kiểm sát viên được thay thế có thời gian nghiên cứu hồ sơ việc dân sự để việc kiểm sát được hiệu quả.

2. Về thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết việc dân sự

BLTTDS năm 2015 về cơ bản vẫn quy định trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp như khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011 nhưng có sự thay đổi là Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết việc dân sự thì còn phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ việc dân sự ngay sau khi kết thúc phiên họp. Ngoài ra, phiên họp giải quyết việc dân sự do 1 Thẩm phán tiến hành hoặc hội đồng giải quyết việc dân sự gồm 3 Thẩm phán tiến hành nên Điều 369 BLTTDS năm 2015 quy định người điều khiển phiên họp và ra quyết định giải quyết việc dân sự là Thẩm phán hoặc hội đồng giải quyết việc dân sự chứ không chỉ quy định như khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011 là Thẩm phán điều khiển phiên họp và ra quyết định giải quyết việc dân sự.

Xem:  Quyền tố tụng của đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

3. Về quyết định giải quyết việc dân sự

Về cơ bản quyết định giải quyết việc dân sự quy định tại Điều 315 BLTTDS năm 2004 tiếp tục được quy định tại khoản 1,2 Điều 370 BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, khoản 3,4  Điều 370 BLTTDS năm 2015 đã bổ sung các quy định sau:

– Quyết định giải quyết việc dân sự có hiệu lực pháp luật của Tòa án có liên quan đến việc thay đổi hộ tịch của cá nhân phải được Tòa án gửi cho UBND nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân đó theo quy định của Luật Hộ tịch.

–  Quyết định giải quyết việc dân sự có hiệu lực pháp luật của Tòa án được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), trừ quyết định có chứa thông tin quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.

Có thể nói rằng các quy định mới này nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch của quyết định giải quyết việc dân sự, đảm bảo tất cả mọi người đều thuận lợi biết về phán quyết của Tòa án cũng như thực hiện việc hiện đại hóa các hoạt động tố tụng của Tòa án.

4. Về kháng cáo, kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự

Với nguyên tắc bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì Điều 371 BLTTDS năm 2015 tiếp tục kế thừa quy định về kháng cáo, kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự tại Điều 316 BLTTDS năm 2004. Tuy nhiên, về người có quyền kháng cáo đối với quyết định dân sự thì Điều 371 BLTTDS năm 2015 không quy định về quyền kháng cáo của người đại diện của đương sự trong việc dân sự. Điều này là chưa thực sự hợp lý bởi đương sự trong việc dân sự có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc kháng cáo (ủy quyền kháng cáo yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển…) trừ việc dân sự phải do chính các đương sự thực hiện (việc dân sự liên quan đến nhân thân của các đương sự). Hoặc người đại diện theo pháp luật của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan kháng cáo.

5. Về thời hạn kháng cáo, kháng nghị

Nhằm đảm bảo cho đương sự có đủ thời gian cần thiết để suy nghĩ và quyết định xem mình có nên kháng cáo không cũng như để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì khoản 1 Điều 372 BLTTDS năm 2015 đã nâng thời hạn kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm đối với quyết định giải quyết việc dân sự từ 7 ngày lên 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp họ không có mặt tại phiên họp xét đơn yêu cầu thì thời hạn mười ngày được tính từ ngày họ nhận được quyết định hoặc quyết định đó được thông báo, niêm yết.

Tuy nhiên, Điều 372 BLTTDS năm 2015 không có quy định về kháng cáo quá hạn. Thiết nghĩ, nếu các đương sự trong vụ án dân sự được kháng cáo quá hạn thì đương sự trong việc dân sự cũng được quyền kháng cáo quá hạn để đảm bảo sự bình đẳng giữa các đương sự trong vụ án dân sự và việc dân sự. Theo đó, khi người có quyền kháng cáo vì lí do chính đáng như ốm đau, tai nạn… lí do bất khả kháng mà không thực hiện được quyền của mình thì Tòa án xem xét lí do có thể chấp nhận kháng cáo quá hạn. Điều này cũng cần được hướng dẫn cụ thể.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 317 BLTTDS năm 2004, thời hạn kháng nghị đối với quyết định giải quyết việc dân sự của Viện kiểm sát cùng cấp là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười lăm ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định giải quyết việc dân sự. Tuy nhiên, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp lại được nâng lên là 10 ngày trong BLTTDS năm 2015 (khoản 2 Điều 372), giữ nguyên thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp dài hơn so với Viện kiểm sát cùng cấp vì thông thường khi phát hiện ra sai sót hoặc có vi phạm trong việc ra quyết định của Tòa án nhưng quá thời hạn thì Viện kiểm sát cùng cấp sẽ báo cáo để Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị, tạo điều kiện để sửa sai kịp thời về thủ tục tố tụng đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật.

6. Về chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị

Điều 373 BLTTDS năm 2015 bổ sung quy định về chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị nhằm tạo điều kiện cho các Tòa án áp dụng một cách thống nhất cũng như đảm bảo Tòa án giải quyết việc dân sự chính xác, đúng pháp luật.

Để Tòa án, các bên đương sự chuẩn bị các điều kiện để tiến hành, tham gia giải quyết việc dân sự theo thủ tục phúc thẩm thì việc chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị cũng phải thực hiện trong khoảng thời gian nhất định. Thời hạn chuẩn bị chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được kháng cáo, kháng nghị. Trong thời hạn chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị Thẩm phán căn cứ vào khoản 2 Điều 373 BLTTDS năm 2015 và Điều 361 BLTTDS năm 2015 để thực hiện các công việc chuẩn bị cho việc mở phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự.

Xem:  Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự

Ngoài ra, trong thời hạn chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị, theo khoản 2 Điều 373 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án ra một trong các quyết định sau:

– Quyết định đình chỉ giải quyết việc xét đơn yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm nếu người kháng cáo rút đơn kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị;

– Quyết định mở phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự.

Tuy nhiên, Điều 373 BLTTDS năm 2015 chưa quy định về nội dung quyết định mở phiên họp phúc thẩm. Điều này dẫn đến đương sự muốn thực hiện quyền thay đổi Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên họp trước khi mở phiên họp cũng không thực hiện được bởi không biết nội dung quyết định mở phiên họp. Do đó, căn cứ vào Điều 361 BLTTDS năm 2015 TANDTC cần hướng dẫn quyết định mở phiên họp phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 290 BLTTDS năm 2015.

Ngoài ra, trong thời hạn chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị, Thẩm phán có được ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết việc xét đơn yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm không? Có được ra quyết định đình chỉ giải quyết việc xét đơn yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm trên cơ sở các căn cứ khác không (người yêu cầu rút yêu cầu…)? Về vấn đề này, căn cứ Điều 361 BLTTDS năm 2015 TANDTC cần có hướng dẫn việc ra quyết định đình chỉ việc giải quyết đơn yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm, tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm, Tòa án áp dụng những quy định về việc đình chỉ, tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự để thực hiện.

7. Những người tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự

Điều 374 BLTTDS năm 2015 bổ sung quy định về những người tham gia phiên họp nhằm tạo điều kiện cho các Tòa án áp dụng một cách thống nhất cũng như đảm bảo quyền tham gia phiên họp của các đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Giống như phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự, để Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật thì Viện kiểm sát tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự. Tuy nhiên, khi kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm. Bởi vì, trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Viện kiểm sát bắt buộc phải tham gia phiên họp để chứng minh kháng nghị của mình là có căn cứ và hợp pháp. Còn trong các trường hợp khác thì phiên họp phúc thẩm là để giải quyết yêu cầu kháng cáo nên Viện kiểm sát vắng mặt không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của các đương sự.

Để tránh phiên họp phúc thẩm bị hoãn nhiều lần, nhanh chóng giải quyết kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm thì khoản 2, 3 Điều 374 BLTTDS năm 2015 quy định:

– Người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt có lý do chính đáng thì Tòa án hoãn phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự, trừ trường hợp người kháng cáo yêu cầu giải quyết vắng mặt họ.

– Người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ kháng cáo và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết phúc thẩm việc dân sự đối với yêu cầu kháng cáo của họ, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.

– Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch mà vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp hay vẫn tiến hành phiên họp.

Tuy nhiên, quy định tại Điều 374 BLTDS năm 2015 chưa giải quyết được một số vấn đề sau:

– Người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì Tòa án hoãn phiên họp phúc thẩm hay vẫn tiến hành họp;

– Người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt nhưng có người đại diện thì Tòa án hoãn phiên họp phúc thẩm hay vẫn tiến hành họp;

– Người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách thì Tòa án hoãn phiên họp phúc thẩm hay vẫn tiến hành họp.

– Người kháng cáo và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều là các đương sự trong việc dân sự. Nhưng người kháng cáo vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Tòa án sẽ hoãn phiên họp phúc thẩm còn người có liên quan vắng mặt lần thứ nhất có lí do chính đáng thì vẫn có thể tiến hành họp. Điều này là không đảm bảo sự bình đẳng về quyền tham gia phiên họp giữa các đương sự trong việc dân sự.

Xem:  Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha cho con khi không có tranh chấp

– Nếu phiên họp có sự tham gia của người đại diện của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nhưng những người này lại vắng mặt khi được Tòa án triệu tập hợp lệ thì Tòa án có hoãn phiên họp phúc thẩm không hay vẫn giải quyết việc dân sự vắng mặt họ.

Trong các trường hợp này, Tòa án áp dụng Điều 363 BLTTDS năm 2015 để vận dụng các quy định về việc hoãn phiên tòa phúc thẩm để giải quyết. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc giải quyết việc dân sự thì TANDTC cần có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này theo hướng đảm bảo quyền tham gia phiên họp phúc thẩm của các đương sự.

8. Về thủ tục tiến hành phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự

Điều 318 BLTTDS năm 2004 chỉ quy định là thủ tục phúc thẩm quyết định giải quyết việc dân sự được thực hiện như thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về vụ án dân sự bị kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 đã quy định riêng thủ tục tiến hành phiên họp phúc thẩm xét kháng cáo, kháng nghị đối với việc dân sự, không còn quy định tương tự như thủ tục phúc thẩm vụ án dân sự. Quy định này là hợp lí vì bản chất vụ án dân sự và việc dân sự là khác nhau nên thủ tục khi giải quyết cũng không giống nhau. Theo Điều 375 BLTTDS năm 2015 thì thủ tục tiến hành phiên họp phúc thẩm được quy định cụ thể, chi tiết hơn. Do thành phần tham gia phiên họp phúc thẩm theo BLTTDS năm 2015 có thay đổi nên trình tự tiến hành phiên họp cũng được bổ sung. Theo đó, Thư ký phiên họp báo cáo sự có mặt của nhưng người tham gia phiên họp. Sau đó Thẩm phán chủ tọa sẽ khai mạc phiên họp, kiểm tra sự có mặt của người tham gia và giải thích quyền và nghĩa vụ của họ. Tiếp đó là những người tham gia phiên họp là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo, người kháng cáo hoặc đại diện của họ, kiểm sát viên trình bày nội dung kháng cáo, kháng nghị và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích của họ được triệu tập trình bày ý kiến về nội dung bị kháng cáo, kháng nghị có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Việc để cho những người có quyền và lợi ích liên quan đến kháng cáo, kháng nghị tham gia phiên họp trình bày ý kiến là đúng đắn không chỉ giúp Tòa án có cái nhìn khách quan, tổng thể để đưa ra quyết định chính xác mà còn phát huy quyền dân chủ của công dân. Ngoài ra, BLTTDS năm 2015 cũng quy định kiểm sát viên ngoài phát biểu ý kiến tại phiên họp phúc thẩm còn phải gửi văn bản phát biểu ý kiến sau khi kết thúc phiên họp.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 375 BLTTDS năm 2015, thì Hội đồng phúc thẩm xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị ngoài các quyền ra các quyết định tại khoản 5 Điều 280 BLTTDS năm 2011 còn được quyền ra các quyết định sau:

– Hủy quyết định giải quyết việc dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm và đình chỉ giải quyết việc dân sự;

– Đình chỉ giải quyết việc xét đơn yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm nếu tại phiên họp tất cả người kháng cáo rút đơn kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị.

Quy định mới này giúp Hội đồng phúc thẩm có cơ sở pháp lý để áp dụng khi tiến hành phiên họp tránh tình trạng lúng túng khi người kháng cáo, kháng nghị rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể khi nào thì Hội đồng phúc thẩm sẽ ra quyết định hủy quyết định giải quyết việc dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm và đình chỉ giải quyết việc dân sự.

Ngoài ra, tương tự như quyết định sơ thẩm giải quyết việc dân sự thì quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định và được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 370 BLTTDS năm 2015. Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự có hiệu lực pháp luật được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), trừ quyết định có chứa thông tin có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự nhằm công khai, minh bạch các quyết định giải quyết việc dân sự của Tòa án.

 

Nguồn: Tạp chí tòa án (tapchitoaan.vn)

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.