Thời hiệu thừa kế là nội dung được quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.
Các nội dung liên quan:
- Thời hiệu thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam
- Bàn về thời hiệu thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015
- Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của BLDS 2015
Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Bình luận về Thời hiệu thừa kế theo quy định của BLDS 2015
So với quy định thời hiệu về khởi kiện về thừa kế tại BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã có sự thay đổi đáng kể, trước hết là về cách dùng từ ngữ của điều luật.Tại Điều 645 BLDS năm 2005 có tên gọi “thời điểm khởi kiện về thừa kế” chủ yếu là quy định về thời hạn để người thừa kế khởi kiện trước Tòa án nhân dân. Nay BLDS năm 2015 đã quy định khái quát hơn thể hiện ngay ở tiêu đề của điều luật “thời hiệu thừa kế”. Tên điều luật phản ánh nội dung không chỉ đề cập đến nội dung thời hiệu chia di sản mà còn quy định thời điểm hưởng quyền đối với di sản (hệ lụy của việc hết thời hiệu chia di sản mà di sản không được chia). Cụ thể:
Thứ nhất, về thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế: người thừa kế có quyền yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế đối với bất động sản là 30 năm; đối với động sản là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Quy định này phù hợp với quy định về xác lập sở hữu theo thời hiệu tại Điều 236. Khoản 1 của điều luật trên đây dự liệu ba trường hợp:
– Hết thời hiệu chia di sản do người thừa kế chiếm hữu thì thuộc quyền sở hữu của người thừa kế.
– Nếu di sản không phải do người thừa kế chiếm hữu theo Điều 236 thì người đó xác lập quyền sở hữu với điều kiện việc chiếm hữu của người này phải là chiếm hữu ngay tình.
– Hết thời hiệu mà do người chiếm hữu không ngay tình thì di sản thuộc về Nhà nước.
Như vậy, để có cơ sở cho người thừa kế thực hiện quyền của mình trước cơ quan bảo vệ pháp luật, Điều 623 Bộ luật này quy định người thừa kế có quyền yêu cầu chia thừa kế đối với khối di sản người chết để lại trong thời hạn 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản. Hết thời hạn trên mà người thừa kế không thực hiện việc chia di sản thừa kế thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Nội dung này theo quy định của BLDS năm 2005 tại Điều 645 thì thời hiệu là 10 năm áp dụng chung cho cả tài sản là bất động sản và động sản. Quy định này là điểm mới tiến bộ và phù hợp với đặc trưng của pháp luật thừa kế trong việc thực hiện cũng như áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
Thứ hai, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Quy định này xác định thời hiệu khởi kiện của người thừa kế: Đối với chủ thể này, quyền yêu cầu chia di sản, quyền yêu cầu xác nhận quyền thừa kế là của chính bản thân họ; quyền yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Khi kết thúc thời hạn này thì người thừa kế mất quyền khởi kiện.
Thứ ba, thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Quy định này xác định thời hiệu cho chủ thể là người mang quyền yêu cầu đối với người để lại di sản trong quan hệ nghĩa vụ trước đó (quan hệ được xác lập khi người để lại di sản còn sống) nhưng khi người này chết chưa kịp thực hiện, chủ thể này có quyền yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ mà người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Khi kết thúc thời hạn này thì người đó sẽ mất quyền khởi kiện.
Theo quy định tại Điều 156 BLDS năm 2015 thì khi tính thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế theo quy định tại Điều 623 Bộ luật này không tính thời gian sau đây vào thời hiệu khởi kiện. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện:
Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện được trong phạm vi 10 năm hoặc 03 năm (trong phạm vi thời hiệu khởi kiện).
– Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự bị chết.
(Nội dung được trích dẫn từ Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 – PGS. TS. Nguyễn Văn Cừ – PGS. TS. Trần Thị Huệ, tr 956 – 958).
Các tìm kiếm liên quan đến Thời hiệu thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu thừa kế là gì, chế định thừa kế trong bộ luật dân sự 2015, vụ việc về hết thời hiệu khởi kiện thừa kế, các loại thời hiệu trong lĩnh vực thừa kế, quy định về thừa kế trước năm 1990, điều 133 bộ luật dân sự 2015, tiểu luận chế định thừa kế trong bộ luật dân sự 2015, ví dụ về thời điểm mở thừa kế
Để lại một phản hồi