Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện theo BLTTDS 2015

Tòa án giải thích luật

Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.

 

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:

a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này;

c) Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật này;

d) Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.

Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

 

Bình luận Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện theo BLTTDS 2015

Việc xây dựng các quy định về thẩm quyền của Tòa án các cấp phải phù hợp với quy định về tổ chức hệ thống Tòa án. Theo luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 thì hệ thống Tòa án Việt Nam được tổ chức theo 4 cấp là Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh, cấp cao và tối cao. Trong đó, thẩm quyền sơ thẩm thuộc về Tòa án nhân dân cấ huyện và Tòa án nhân dân cấp Tỉnh; thẩm quyền phúc thẩm thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp cao; thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc về Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, quy định tại Mục 2 Chương III (từ Điều 35 đến Điều 42 BLTTDS 2015) chỉ đề cập đên hai loại thẩm quyền của Tòa án các cấp là thẩm quyền sơ thẩm và phúc thẩm mà không đề cập đến thẩm quyền giám đốc thẩm tái thẩm của Tòa án.

Việc xác định những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án câp huyện hay Tòa án cấp tỉnh hiện nay được thiết lập nhằm đáp ứng hai yêu cầu là tạo Điều kiện thuận lợi cho đương sự tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình đồng thời Điều hòa áp lực công việc giữa các cấp Tòa án. Do vậy, Điều 35 BLTTDS 2015 hiện nay đã đi theo hướng mở rộng thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án cấp huyện và xác định hầu hết các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động thuộc thẩm quyền dân sự của Tòa án đều thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án cấp huyện. Tuy nhiên, dựa vào tính phức tạp của một số loại vụ việc đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Tòa án hoặc theo yêu cầu về sự vô tư khách quan trong tố tụng, Điều 35 BLTTDS 2015 đã quy định Tòa án cấp huyện không có thẩm quyền sơ thẩm đối với một số loại vụ việc nhất định mà thẩm quyền này sẽ thuộc về Tòa án cấp tỉnh.

Xét về nguyên tắc thì cá tranh chấp, yêu cầu có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc nghiên cứu cho thấy vẫn tồn tại một biệt lệ về thẩm quyền sơ thẩm đối với các tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân, gia đình giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của một nước cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam. Do vậy theo quy định tại khoản 4 Điều 35 BLTTDS 2015 thì Tòa án nhân dân câp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam có thẩm quyền sơ thẩm đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.

Điều 35 BLTTDS 2015 về căn bản vẫn thừa kế các quy định tại Điều 33 BLTTDS 2004, sửa đổi 2011 về thẩm quyền dân sự của Tòa án câp huyện. Tuy nhiên, Điều 35 BLTTDS 2015 đã mở rộng thẩm quyền dân sự của toà án cấp huyện đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể người lao động và người sử dụng người lao động (khoản 2 Điều 32); tranh chấp liên quan đến lao động (khoản 3 Điều 32) và tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp (khoản 4 Điều 32)

 


Các tìm kiếm liên quan đến Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh, thẩm quyền của tòa án trong tố tụng dân sự 2015, bộ luật tố tụng dân sự 2015, xác định thẩm quyền của tòa án, thẩm quyền xét xử của tòa án theo bltths 2015, sơ đồ tổ chức tòa án nhân dân 2014, sau khi thụ lý vụ án thẩm quyền của tòa án không thay đổi, thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp cao

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.