Tài liệu giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học

Chuyên mụcĐề cương ôn tập, Thảo luận pháp luật Luật Giáo dục đai học năm 2012

Ngày 19/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Chủ tịch nước ký Lệnh số 13/2018/L-CTN ngày 03/12/2018 công bố Luật. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.

 

>>> Tải về máy: Tài liệu giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

1. Phát huy các kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục đại học năm 2012

a) Những kết quả đạt được

Luật Giáo dục đại học (GDĐH) được Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012 là đạo luật đầu tiên điều chỉnh về GDĐH. Luật GDĐH năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Giáo dục nghề nghiệp (năm 2014) và Luật Phí và Lệ phí (năm 2015). Qua 05 năm thực hiện, Luật GDĐH năm 2012 đã thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của GDĐH Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và GDĐH nói riêng. Cụ thể:

Luật GDĐH năm 2012 xác định mục tiêu “Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế”, phù hợp với yêu cầu, điều kiện của đất nước. Hệ thống các cơ sở GDĐH đã phát triển đa dạng loại hình với 170 trường công lập, 60 trường tư thục và 05 trường có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, có 04 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài và 05 trường tư thục được thành lập trong giai đoạn này, góp phần phát triển GDĐH ngoài công lập, nâng tỷ lệ loại hình này lên 25% tổng số trường trong hệ thống, trong đó một số trường đã khẳng định được vị trí trong nước và quốc tế. Cùng với quá trình đổi mới phương thức tuyển sinh, việc đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ ngày càng tăng (năm 2012, tổng số giảng viên GDĐH là 59.672 người với tỷ lệ tiến sĩ chiếm 14,27%; đến năm 2017, số lượng giảng viên là 72.792 người, trong đó có 16.514 tiến sĩ, chiếm 22,68%). Nhờ đó, cơ hội tiếp cận GDĐH của toàn dân đã được nâng lên với quy mô 1.767.879 sinh viên đại học chính quy năm 2017). Số lượng công trình khoa học và số bài báo quốc tế của giảng viên các trường đại học cũng đã tăng nhanh những năm qua, hình thành 945 nhóm nghiên cứu trong các cơ sở GDĐH, trong đó có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh. Đó là những thành tựu bước đầu, cần hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh hơn trong thời gian tới để phù hợp với  yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tự do dịch chuyển lao động ngày càng mở rộng trong khu vực và toàn thế giới, có ảnh hưởng sâu sắc tới việc đào tạo nhân lực của mỗi quốc gia.

Luật GDĐH năm 2012 cũng đã đặt nền móng pháp lý cho tự chủ đại học, điều mà vào năm 2012 vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam .Theo đó, cơ sở GDĐH đã được giao quyền tự chủ đối với một số vấn đề cơ bản như: thành lập, sáp nhập, giải thể các tổ chức thuộc trường, xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các quy định về đảm bảo chất lượng, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo và cấp bằng…. Luật còn có quy định thể hiện tư duy mới về việc “Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”. Trên cơ sở đó, từ năm 2014 đến 2018 đã có 23 trường đại học công lập được thực hiện thí điểm chủ trương tự chủ đại học ở mức độ cao theo Nghị quyết của Chính phủ. Chính sách thí điểm tự chủ bước đầu đã thu được những kết quả rất tích cực. Vì vậy, cơ chế mới này cần phải tiếp tục hoàn thiện và thể chế hóa trong thời gian tới.

Luật GDĐH năm 2012 đã bước đầu đổi mới quản lý nhà nước để thực hiện tự chủ đại học thông qua các quy định khung để hình thành một số chuẩn chất lượng như chuẩn mở trường, mở ngành, chuẩn giảng viên, chuẩn các điều kiện bảo đảm chất lượng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chuẩn quốc gia đối với cơ sở GDĐH… Các chuẩn chất lượng này đã trở thành những công cụ quản lý hữu hiệu để thực hiện tự chủ đại học, giảm thiểu cơ chế hành chính trong quản lý GDĐH.

Luật GDĐH năm 2012 cũng là văn bản đầu tiên quy định tương đối rõ nét về công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng tạo cơ sở pháp lý nhằm nâng cao chất lượng GDĐH, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tính đến hết 2017 đã có 5 trung tâm kiểm định chất lượng được thành lập và 4 trung tâm đã đi vào vào hoạt động; 60 trường đại học và 7 ngành đào tạo đã đạt kiểm định chất lượng quốc gia, 5 trường và 95 ngành đào tạo được kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định quốc tế, một số trường đại học của Việt Nam đã có tên trong các bảng xếp hạng uy tín của khu vực. Năm 2017, có 5 trường lọt vào nhóm 380 trường đại học xuất sắc nhất của châu Á. Người học được mở rộng cơ hội tiếp cận với nền giáo dục bậc cao, phục vụ nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Do đó, có thể khẳng định, Luật GDĐH năm 2012 đã có nhiều quy định đổi mới trong GDĐH, đặt nền móng pháp lý ban đầu đối với tự chủ đại học, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDĐH nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của GDĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, thực tế những năm qua đã cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ cũng như sự vận động, biến đổi không ngừng của đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế – xã hội trên toàn thế giới. Giáo dục đại học cần có môi trường pháp lý phù hợp hơn để bắt kịp và thích ứng với những thay đổi này. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với dự báo thay đổi cơ cấu ngành nghề, phương thức sử dụng lao động; sự bùng nổ của các hình thức đào tạo từ xa tận dụng triệt để những lợi thế của khoa học công nghệ dẫn đến những thay đổi về quan điểm, tiêu chí về trường đại học; xu hướng học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập… đã tác động không nhỏ tới quá trình đào tạo nhân lực trình độ cao. GDĐH ngày nay không chỉ phát triển trong phạm vi quốc gia mà còn phải có tính cạnh tranh toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, sau 05 năm thi hành, Luật GDĐH năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn quản lý, tổ chức và hoạt động GDĐH trong điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Cùng với yêu cầu thực hiện các chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH của Đảng và Nhà nước, những hạn chế, bất cập này của Luật GDĐH năm 2012 đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH.

b) Một số hạn chế, bất cập:

Luật GDĐH năm 2012 chưa quy định rõ về quyền tự chủ đại học và quản trị đại học. Hoạt động của cơ sở GDĐH vẫn còn mang nặng tính hành chính hóa, chưa thực sự chủ động, sáng tạo, kịp thời trong quản trị và tổ chức thực hiện. Vì thế, tự chủ đại học chưa thực sự hiệu quả. Các quy định của Luật GDĐH năm 2012 cũng chưa thể hiện rõ trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ sở GDĐH.

Về quản trị đại học, mặc dù Hội đồng trường là thiết chế quản trị đại học quan trọng nhưng thành phần, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường trong trường đại học công lập chưa được quy định rõ ràng nên trên thực tế hoạt động còn mang tính hình thức. Hội đồng trường chưa có thực quyền trong quyết định nhân sự hiệu trưởng và các vấn đề quan trọng của trường.

Các quy định về tài chính, tài sản đã không hoàn toàn phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học. Mức học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở đào tạo. Luật GDĐH năm 2012 chưa quy định quyền liên doanh, liên kết, hình thành doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của cơ sở GDĐH. Cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ sở GDĐH còn mang tính bình quân giữa các trường đại học công lập, chưa gắn với tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả đầu ra nên chưa phát huy được tính cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH.

Quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn (đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế…) của các cơ sở GDĐH còn bị hạn chế, chưa phát huy được năng lực chủ động, sáng tạo của cơ sở GDĐH và đội ngũ các nhà khoa học trong công tác đào tạo, khoa học và công nghệ để đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao, có tính “đột phá chiến lược” để phát triển nền kinh tế đất nước.

Quản lý đào tạo còn chưa phù hợp với xu hướng quốc tế: Các quy định liên quan đến chương trình, tổ chức đào tạo, hình thức, phương thức, thời gian đào tạo, khối lượng kiến thức… chưa tương thích với nhau nên hạn chế trong liên thông và hội nhập quốc tế; hạn chế tính dịch chuyển của sinh viên và khả năng trao đổi về đào tạo giữa các quốc gia. Các cơ sở GDĐH chưa được tự chủ cao trong mở ngành đào tạo, liên kết, hợp tác quốc tế để phát triển các chương trình liên kết, cải tiến các chương trình đào tạo tiệm cận chuẩn mực quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Quản lý nhà nước còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện tự chủ đại học: Về mô hình, cơ cấu tổ chức của hệ thống các cơ sở GDĐH quy định tại Luật GDĐH có đại học quốc gia, đại học vùng (gồm các trường đại học thành viên có quyền tự chủ như các trường đại học khác) còn chưa thật phù hợp với thông lệ quốc tế, làm ảnh hưởng quá trình hội nhập quốc tế của GDĐH Việt Nam; bộ máy quản lý, quản trị chồng chéo, giảm hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, giảm mối liên kết và cộng hưởng sức mạnh giữa các trường trong đại học.

Những vướng mắc trên đã được chỉ ra trong quá trình thực hiện và tổng kết thi hành Luật GDĐH năm 2012, tổng kết thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017.

2. Thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập quốc tế

Việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học xuất phát từ chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH:

– Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã đề ra các nhiệm vụ đối với GDĐH về quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDĐH; thống nhất tên gọi các trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra; hoàn thiện mô hình đại học quốc gia, đại học vùng; đẩy mạnh xã hội hóa; đổi mới căn bản công tác quản lý GDĐH, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH; coi trọng quản lý chất lượng;

– Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) tiếp tục nêu rõ GDĐH phải thực hiện hiệu quả việc quy hoạch mạng lưới, Nhà nước tập trung đầu tư đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế; các trường trong Quân đội, Công an chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang; đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ, thực hiện quản lý, kế toán theo mô hình doanh nghiệp;

– Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017, áp dụng đối với 23 cơ sở GDĐH đã thu được kết quả tốt, cần thể chế hoá để áp dụng trong toàn hệ thống.

3. Xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nhằm phù hợp và đồng bộ với một số luật mới ban hành

Sau khi Luật GDĐH năm 2012 có hiệu lực thi hành, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 2013 và nhiều luật khác có liên quan đến GDĐH như: Luật Giá (2012), Luật Ngân sách Nhà nước (2015), Luật Đầu tư công (2014), Luật Tổ chức Chính phủ (2015), Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014), Luật Phí và Lệ phí (2015)… Vì vậy, ngoài việc phát huy những kết quả đạt được và khắc phục hạn chế bất cập còn tồn tại, việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH năm 2012 cũng nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các quy định của pháp luật nói chung và các quy định liên quan đến GDĐH nói riêng.

Từ những lý do nêu trên, việc ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH năm 2012 là quan trọng và cấp thiết.

II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

1. Mục tiêu

a) Xây dựng và ban hành Luật nhằm chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH của Đảng và Nhà nước; phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với GDĐH trong thời gian qua để giải quyết những vấn đề mới phát sinh đối với GDĐH, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐH để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức mới phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

b) Hoàn thiện khung pháp lý về GDĐH tạo ra sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong toàn hệ thống để huy động mọi nguồn lực phát triển GDĐH, nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước; đổi mới quản lý nhà nước, đổi mới quản trị đại học, quản lý đào tạo tiệm cận các chuẩn quốc tế để phát triển GDĐH theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa; tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH cạnh tranh bình đẳng, phát huy nội lực, linh hoạt, sáng tạo để nâng cao chất lượng GDĐH.

2. Quan điểm

a) Sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH năm 2012 để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước để tạo ra đổi mới từ trong nhận thức, tư duy quản lý và phương thức quản trị GDĐH nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

b) Đảm bảo tính toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, rà soát Luật GDĐH năm 2012 để phân loại những nội dung không còn phù hợp hay bất cập; từ đó, xác định những quy định cần sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính tổng thể của các chính sách cần sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 34/2017/QH14) để thực hiện tự chủ đại học và nâng cao chất lượng GDĐH.

c) Đảm bảo tính thực tiễn, thiết thực, khả thi trên cơ sở đánh giá quá trình thực hiện Luật GDĐH trong 05 năm qua để nhận diện rõ vướng mắc từ thực tiễn, giải quyết được những vấn đề “nút thắt” để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH, nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển GDĐH.

d) Đảm bảo tính kế thừa, chuẩn hoá, hiện đại hoá, phát triển và hội nhập, tạo ra bước đột phá mới trong GDĐH. Các nội dung của Luật GDĐH năm 2012 sau khi sửa đổi, bổ sung phải cụ thể hóa các nội dung cơ bản về GDĐH trong Luật Giáo dục, đồng thời, phải đảm bảo tương thích với xu hướng phát triển GDĐH trên thế giới để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực sự là khâu “đột phá chiến lược” cho phát triển kinh tế – xã hội.

III. BỐ CỤC, NỘI DUNG CƠ BẢN, NHỮNG ĐIỂM MỚI CĂN BẢN CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Xuất phát từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và tình hình thực tế, Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều/73 điều của Luật GDĐH năm 2012; giữ nguyên 37 điều; bổ sung 01 điều mới; bãi bỏ, thay thế một số cụm từ và chỉnh sửa một số điều về mặt kỹ thuật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng GDĐH , bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật hướng tới việc phân cấp, phân quyền rõ ràng giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở GDĐH . Theo đó, những vấn đề về tuyển sinh, chỉ tiêu, mở ngành hoặc bổ nhiệm nhân sự, định mức học phí là trách nhiệm và quyền của các trường đại học. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung xây dựng các chuẩn chất lượng, cơ chế, chính sách, hướng dẫn, tổ chức thực hiện; thúc đẩy cạnh tranh nâng cao chất lượng… và thông qua việc thanh tra, kiểm tra cùng với sự giám sát của xã hội để quản lý, phát hiện những cơ sở giáo dục vi phạm và áp dụng chế tài xử phạt theo đúng Luật định, công khai kết quả xử lý vi phạm để phòng ngừa chung.

Những thay đổi và điểm mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH so với Luật hiện hành, gồm:

1. Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học trong toàn hệ thống

Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 32 về quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, quy định gắn với trách nhiệm giải trình và sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan tới tự chủ đại học ở một số điều khác nhằm đổi mới quản lý nhà nước, giúp cơ sở GDĐH phát huy nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế. Một số nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:

– Về quyền tự chủ trong học thuật, hoạt động chuyên môn: Các cơ sở GDĐH được tự chủ mở ngành, tự chủ liên kết đào tạo ở trong và ngoài nước; tự chủ trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các cơ sở GDĐH.

– Quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự được tập trung ở nội dung sửa đổi quy định về hội đồng trường để có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng trường; Hiệu trưởng trường đại học tư thục do Hội đồng quản trị quyết định.

– Quyền tự chủ tài chính, tài sản thể hiện ở quy định về cơ sở GDĐH có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai khi tuyển sinh. Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả.

2. Đổi mới quản trị đại học

Luật đã sửa đổi, bổ sung 7 điều (Điều 14, 15, 16, 16a, 17, 18, 32) nhằm đổi mới công tác quản trị đại học theo hướng quy định rõ cơ chế quản trị trong trường đại học công lập tự chủ, trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Đối với các cơ sở GDĐH công lập tự chủ, sửa đổi, bổ sung các quy định để Hội đồng trường là hội đồng có thực quyền, thực hiện chức năng quản trị trong trường đại học tự chủ. Thành phần của Hội đồng trường cơ bản độc lập với bộ máy quản lý của hiệu trưởng, có các quyền của tổ chức quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường.

Đối với cơ sở GDĐH tư thục, cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, Luật quy định cơ chế quản trị tiệm cận với xu hướng quốc tế, bổ sung quy định về bộ máy quản lý theo tiêu chí chủ sở hữu, bổ sung các quy định phù hợp để khuyến khích đầu tư, phát triển các trường tư thục.

3. Đổi mới quản lý đào tạo

Luật sửa đổi, bổ sung 05 điều (Điều 33, 34, 9, 50, 52) nhằm đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế thông qua việc xây dựng một số khái niệm tương đồng với quốc tế, xây dựng các chuẩn GDĐH như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở GDĐH… làm công cụ quản lý nhà nước, tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường trong khu vực và trên thế giới. Căn cứ vào kết quả kiểm định, năng lực của trường và nhu cầu xã hội, các trường có quyền tự chủ mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng…

Để đảm bảo chất lượng đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh, Luật bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm quyền quyết định cho phép mở các ngành này; thẩm quyền phê duyệt đề án liên kết đào tạo với nước ngoài đối với ngành đào tạo giáo viên, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khoẻ; thẩm quyền quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên, ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề.

4. Đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học

Luật sửa đổi, bổ sung 14 điều (Điều 4, 6, 7, 9, 11, 12, 20, 21, 38, 42, 45, 54, 68, 69) nhằm đổi mới công tác quản lý nhà nước trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học, bao gồm:

– Quy định các loại cơ sở đào tạo trong hệ thống GDĐH gồm: đại học, trường đại học (bao gồm trường đại học và học viện) với các tiêu chí đặc trưng:

 Đại học là cơ sở GDĐH  đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, trong đó có đào tạo sau đại học đến trình độ tiến sĩ ở một số lĩnh vực thế mạnh; có cơ cấu linh hoạt bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu thành viên và/hoặc các trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ; có khoa và một số đơn vị trực thuộc khác, theo nhu cầu phát triển.

Với các quy định về đại học như trên, các cơ sở GDĐH ngoài công lập cũng có thể trở thành đại học nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Cùng với cơ chế mới về phân bổ nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả, thực hiện tự chủ đại học… quy định này sẽ góp phần phát triển các cơ sở GDĐH ngoài công lập ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trường đại học, học viện là chế định chung, học viện là một loại trường đại học. Quy định như vậy để phù hợp với thực tế hiện nay ở Việt Nam khi hầu hết các trường đại học, học viện về cơ bản có chức năng đào tạo như nhau (đào tạo một hoặc nhiều lĩnh vực, có khoa, bộ môn và một số đơn vị trực thuộc khác). Nhiều nước trên thế giới cũng không có sự phân biệt rõ về nội hàm của tất cả các cơ sở GDĐH theo tên gọi mà vẫn có một số cơ sở GDĐH có tên gọi riêng khác với đa số các cơ sở khác trong hệ thống để giữ “thương hiệu”, tôn trọng tên gọi và quá trình phát triển trong lịch sử của mỗi trường. Do đó, hệ thống cơ sở GDĐH theo Luật gồm đại học, trường đại học để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam.

– Quy định về quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH theo Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 19-NQ/TW.

– Quy định việc xếp hạng các cơ sở GDĐH theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam; trong đó, thay việc phân tầng theo quy định hiện hành bằng xếp hạng cơ sở GDĐH vì lý do quy định về phân tầng trong Luật hiện hành chưa phù hợp với xu hướng quốc tế và không khả thi trong thực tiễn. Theo Luật, pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Trong Luật, hệ thống sẽ được phân thành hai loại: cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu và cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng, căn cứ vào định hướng, mục tiêu, kết quả đào tạo, nghiên cứu của các cơ sở GDĐH. Trên cơ sở đó, các trường có định hướng dài hạn để đầu tư, phát triển; Nhà nước xây dựng chính sách, quy hoạch đối với mỗi loại để đáp ứng yêu cầu đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của đất nước.

– Quy định rõ các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo và cấp văn bằng, kiểm định chất lượng… để các trường tự chủ thực hiện, yêu cầu minh bạch thông tin, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong GDĐH. Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục được quy định với trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan.

Trong chu kỳ kiểm định theo quy định, nếu cơ sở GDĐH không thực hiện kiểm định chương trình hoặc kiểm định chương trình không đạt yêu cầu thì trường phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo cho người học đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Sau 2 năm, nếu không thực hiện kiểm định lại chương trình hoặc kiểm định lại nhưng không đạt thì cơ sở GDĐH phải dừng tuyển sinh đối với chương trình đào tạo đó, phải đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.

Về tổ chức kiểm định chất lượng, các quy định được hoàn thiện để tổ chức kiểm định chất lượng độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở GDĐH, có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng GDĐH; bổ sung quy định về việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nhằm đảm bảo tính thống nhất, xác định rõ về năng lực để đảm bảo đồng đều kết quả đánh giá, kiểm định giữa các trung tâm kiểm định chất lượng.

– Về quản lý tài chính, tài sản: Luật sửa đổi, bổ sung 4 điều (Điều 64, 65, 66, 67) về tài chính, tài sản của cơ sở GDĐH theo hướng đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở GDĐH để tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ. Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác. Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.

Tài sản của cơ sở GDĐH công lập được quản lý, sử dụng theo nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công. Tài sản của cơ sở GDĐH tư thục, cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được quản lý, sử dụng theo nguyên tắc: Tài sản của Nhà nước và quyền sử dụng đất được Nhà nước giao cho cơ sở GDĐH không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào. Tài sản chung hợp nhất không phân chia bao gồm tài sản được viện trợ, tài trợ, hiến tặng, cho tặng và tài sản khác được pháp luật quy định là tài sản chung hợp nhất không phân chia, thuộc sở hữu của cộng đồng nhà trường, do hội đồng trường hoặc hội đồng đại học đại diện quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người chuyển giao quyền sở hữu tài sản (nếu có), không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.

IV. TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG THI HÀNH LUẬT

Ngay sau khi Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định phân công đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật; ban hành Danh mục những nội dung cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành hoặc đang soạn thảo cho phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH; ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật. Theo đó, mỗi văn bản xác định cụ thể các nội dung công việc, thời gian hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành tập trung triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm khi Luật có hiệu lực thi hành các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật cũng được Chính phủ ban hành, cụ thể:

– Xây dựng Nghị định quy định chi tiết và thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH.

– Xây dựng Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của cơ sở GDĐH công lập.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiến hành rà soát những nội dung trong Danh mục những nội dung cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với Luật, nội dung rà soát gồm:

– Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH.

– Quy định về điều kiện mở ngành đào tạo, trình tự, thủ tục mở ngành, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo, cho phép mở ngành đối với các cơ sở giáo dục được tự chủ mở ngành đào tạo.

– Quy chế tuyển sinh, nguồn tuyển sinh trình độ đại học từ học sinh tốt nghiệp, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp; quy định tiêu chí, nguyên tắc, quy trình xác định chỉ tiêu tuyển sinh; quy định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên và chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở GDĐH; quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

– Quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng; nguyên tắc việc in phôi, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng GDĐH; trách nhiệm và thẩm quyền cấp văn bằng của cơ sở GDĐH Việt Nam khi liên kết đào tạo với cơ sở GDĐH nước ngoài; trách nhiệm của cơ GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện việc cấp văn bằng GDĐH tại Việt Nam; điều kiện, trình tự, thủ tục công nhận văn bằng GDĐH do cơ sở GDĐH nước ngoài cấp.

– Quy chế đào tạo các trình độ của GDĐH.

– Thông tư quy định về giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

– Quy định tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm các chức danh của giảng viên theo thẩm quyền; tỷ lệ giảng viên cơ hữu tối thiểu của cơ sở GDĐH; quy định tiêu chuẩn giảng viên thực hành, giảng viên của một số ngành chuyên môn đặc thù; quy định chuẩn giảng viên, cán bộ quản lý.

– Quy định Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH và yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo.

Tổng cộng gồm 13 văn bản (01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 12 Thông tư) cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhằm phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH.

Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền