Sinh viên luật cần làm gì để có 04 năm Đại học thành công?

Sinh viên luật cần làm gì

Chào các bạn!

Hôm nay, có chút thời gian rảnh, mình ngồi viết ít dòng dành này cho những bạn sinh viên mới hoặc sắp làm sinh viên, đặc biệt là các bạn chuẩn bị làm sinh viên năm nhất ngành luật.

 

Các nội dung liên quan:

 

Những dòng này là quan điểm cá nhân của riêng mình, theo cách nhìn của mình, có thể không hợp hoặc không đúng với nhiều người. Thế giới này không ai giống ai hoàn toàn, nên chẳng thể khuôn mẫu hay so sánh nhau.

Hiện tại, mình đang làm việc tại Phòng tư vấn doanh nghiệp Công ty TNHH Thành Thái và Đồng nghiệp.

Trước đây mình học Đại học Luật Hà Nội (K37 – HLU) – cũng giống như số lượng lớn bạn sẽ đọc được bài viết này, mình học ở ngôi trường có con đường ngắn nhất đến với Thành Công. Chắc chắn đó là ngôi trường có con đường ngắn nhất đến Thành Công, nó gần phố Thành Công, hồ Thành Công, tập thể Thành Công,… thôi. Còn “thành công” theo ý nghĩa là “đạt được kết quả, mục đích” thì bản thân mình không dám chắc chắn mình đã thành công ở những việc gì, vì để đến được thành công không dễ dàng chút nào cả. Mình chỉ không hối hận về nghề nghiệp và con đường mình đang đi. Tại bài viết này, mình sẽ nói qua với các bạn về một số cạm bẫy các bạn có thể gặp phải, một số lời khuyên và một số điều mình chắc chắn sẽ làm nếu quay lại thời sinh viên.

Theo chủ quan của mình, đa phần người trẻ ở Việt Nam chỉ thực sự bước ra đời khi qua 18 tuổi (từ khi bắt đầu tự lập, sống cuộc sống xa nhà, xa vòng tay bao bọc của bố mẹ), chỉ thực sự trưởng thành khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nghề hoặc đi làm (khi phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình). Có rất nhiều nguy hiểm, cạm bẫy đang chờ các bạn khi bạn bắt đầu bước ra đời. Sơ qua như:

– Các bạn có thể bị lừa bởi một số trung tâm ngoại ngữ, trung tâm đào tạo kỹ năng mềm. Khi quảng cáo thì ai cũng hay, còn thực tế chất lượng sẽ phải kiểm chứng rất nhiều. Nghĩ kỹ trước khi đóng tiền và tham gia khóa học, vì có nhiều nơi đóng tiền rồi là không ra được đâu. Nếu muốn đi làm thêm, gặp trung tâm giới thiệu việc làm nào yêu cầu các bạn đóng tiền trước khi nhận việc hoặc giữ tiền của bạn thì hãy tránh xa.
Không có bữa ăn nào là miễn phí, vì thế đừng đòi hỏi sự miễn phí hay mong muốn có người mang đến cho mình điều miễn phí một cách quá dễ dàng.

– Đừng nghĩ kiếm tiền là dễ. Ngoài kia, có những anh chị thành đạt, lương tháng vài chục, thậm trí vài trăm triệu đồng, họ “làm giàu không khó”. Các bạn có thể sẽ được mời mua sản phẩm, tham gia các khóa đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng cứng giúp các bạn trở thành những con người “thành công”, đóng tiền tham gia vào hệ thống nhưng khi bạn đã đóng tiền vào rồi đừng nghĩ chuyện lấy được tiền ra. Rồi mình sẽ vay tiền của bạn bè, đổ tiền bố mẹ cho đi học, vay cả tín dụng đen (còn gọi là vay nặng lãi) để đổ vào hệ thống. Đấy gọi là thành công khi từ hai bàn tay trắng các bạn gây dựng được những khoản nợ khổng lồ. Rồi mình lại lôi kéo bạn bè, người thân, người sơ, người lạ tham gia,… tiền mất, gia đình mất, bạn bè mất. Đấy là một dạng “bán hàng đa cấp” bị biến tướng.
Còn nhiều vấn đề quá mà không viết hết ra được, lấy một số ví dụ cho các bạn thôi.

Nhắn nhủ các bạn một số điều về thời sinh viên, bốn năm đại học, nếu thấy không cần thì dừng lại tại đây nhé. Kỳ học đầu tiên rất quan trọng, thôi mơ mộng, thực tế đi. Học đại học không dễ, không nhàn, không sướng như một số người vẫn hay nói đâu. Học phổ thông giỏi không đồng nghĩa với học đại học giỏi, học đại học giỏi cũng không đồng nghĩa đi làm sẽ giỏi. Hàng năm, các trường đại học vẫn đuổi học cơ số lớn sinh viên yếu kém.

Chúng ta vẫn hay chia sẻ với nhau rằng thời sinh viên nhất định phải có ít nhất 01 lần được học bổng, 01 lần thi lại/học lại, 01 lần bắt đầu mối tình nào đó, 01 lần chia tay tình yêu. Mình đồng ý hai tay, nhưng bổ sung thêm:

– Hãy tham gia hoạt động xã hội nhiều: Tuổi trẻ thì hãy cống hiến sức của mình cho cuộc đời tương đẹp, đi tình nguyện nhiều để giúp mọi người và giúp mình có những trải nghiệm về cuộc sống và sau này đi xin việc cũng dễ hơn, đi làm việc cũng nhanh hòa đồng hơn. Nếu không tham gia hoạt động, câu lạc bộ sinh viên nào thì có thể bạn sẽ hối hận khi không có một tuổi trẻ năng động, nhiệt huyết và cống hiến. Không vô bổ chút nào đâu mặc dù bị gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng hãy cân bằng giữa việc tham gia hoạt động xã hội với học hành và công việc.

– Đi làm thêm: Hãy đi làm thêm để biết kiếm tiến khó khăn ra sao, bố mẹ bạn vất vả như nào để nuôi bạn, đồng tiền có ý nghĩa ra sao và biết trân trọng những điều đó. Đi làm thêm còn dạy bạn cách kiếm tiền, đến khi bạn không còn được gia đình chu cấp thì bạn tự nuôi sống được bản thân. Đi làm thêm giúp bạn quen dần với áp lực công việc, nó giúp bạn không quá bị ngợp khi đi làm chính thức. Đi làm thêm bạn sẽ học cách ứng xử trong cuộc sống, cách cân bằng chính bản thân mình. Đó là những kinh nghiệm sống mà không nhà trường nào dạy cho. Đi làm thêm để có tiền làm điều mình thích, nuôi sống bản thân hoặc phụ giúp gia đình….

– Học tiếng Anh: Tại sao lại là tiếng Anh? Vì tiếng Anh giờ là ngôn ngữ phổ thông Quốc tế. Thế hệ 2000 trở đi, không có tiếng Anh như mù chữ vậy. Giờ mình cũng đang học tiếng Anh, điều làm mình hối hận nhất thời sinh viên là “dốt tiếng Anh nhưng lười học”. Tại sao không phải là thứ tiếng khác? Có càng tốt, nhưng nên giỏi một thứ hơn là thứ gì cũng biết một tí. Học để cấp được chứng chỉ? Không! Không có chứng chỉ nào bằng việc mình sử dụng được cái mình học.

– Đi thực tập chuyên ngành: Khi các bạn đi tìm việc, các nhà tuyển dụng đòi bạn kinh nghiệm. “Mà sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm” – đấy là bạn nghĩ. Còn người tuyển dụng thì họ mặc định họ trả tiền cho bạn thì bạn phải làm được việc cho họ. Lúc ra trường, có những người viết vào phần kinh nghiệm làm việc của bản CV trắng trơn, có những người 2-3 năm kinh nghiệm. Hơn nhau khi ra trường là ở chỗ đấy. 2-3 năm kinh nghiệm đó được tích lũy chính từ lúc đi học nghề khi còn là sinh viên. Đặc biệt, đối với sinh viên ngành Luật, trong lúc học việc hãy cố gắng học cách trình bày và soạn thảo các văn bản, tư duy pháp lý giải quyết sự việc, cách tư vấn, cách tìm hiểm vấn đề. Phải chủ động và cầu thị, ham học hỏi, nếu không việc thực tập, học việc chuyên ngành của bạn sẽ vô nghĩa đó. Mà nếu không đi học việc, hay là đi học việc người ta không dạy thì tự hãy học qua sách, qua mạng, qua các anh chị đi trước hay là đi học các lớp kỹ năng nghiệp vụ.

– Đi khám phá, đi chơi, du lịch tự do: Sinh viên có nhiều thời gian, có sức khỏe vậy tại sao không đi khám phá. Nghèo thì đi kiểu nghèo. Đi đi, đi để trải nghiệm, để nhìn thế giới bên ngoài ra sao.

– Học kỹ năng mềm: Có những người chỉ sống bằng kỹ năng mềm, nó không chỉ giúp mình kiếm tiền, người có kỹ năng mềm thì cuộc sống của họ cũng rất thảnh thơi. Hình dung nó là kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống xã hội, kiến thức xã hội, tin học, ngoại ngữ,…. (cái này mình nhận mình hơi yếu).

– Mở rộng các mối quan hệ: Hãy chơi với những người giỏi để học cái giỏi của họ, chơi với người tử tế để học cái tử tế. Kết bạn với các anh chị làm cùng nghề đi trước qua các buổi offline, các câu chuyện trên mạng, các cộng đồng cùng ngành nghề,.. ai cũng có những thứ mình có thể học. Hãy xem mình muốn gì để tiếp nhận những mối quan hệ sẽ tốt cho cuộc sống của mình. Và hãy trân trọng những mối quan hệ đó, những người giúp đỡ mình, phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp, sử dụng email, điện thoại,… biết cảm ơn và xin lỗi.

Sau khi học xong ở HLU, mình rút ra cho mình lộ trình như sau nhưng mà bố mẹ không cho tiền học lại đại học nên đành chịu và chia sẻ với các bạn:

– Kỳ 01 năm nhất – kỳ học đầu tiên hãy dành thời gian để làm quen với môi trường đại học, đặc biệt đối với những bạn ở quê lên, đó là thời gian làm quen với cuộc sống xa quê, với thành thị và tự lập. Đừng để rớt môn kỳ đầu, nó sẽ kéo tinh thần xuống. Hãy học thật tốt, học thêm tiếng Anh thật nhiều, đi khám phá cuộc sống, khám phá thành phố nơi mình đang học tập. Đăng ký, tham gia các câu lạc bộ để có những người bạn mới và nhận sự giúp đỡ từ các anh chị lớn, nó không thừa chút nào. Học tiếng Anh thì hãy học để giao tiếp được đã, rồi học ngữ pháp, 4 kỹ năng nghe, nói, đọc việc và cuối cùng là phải quan tâm đến tiếng anh chuyên ngành của mình. Nếu cảm thấy không phù hợp, không thích ngành mình học thì đừng vộ chán nản, bỏ cuộc. Học cách yêu lấy nó đi vì ngành nào, trường nào ở Việt Nam cũng thế thôi.

– Kỳ 2 năm nhất hãy thử đi làm thêm cái gì đó để trải nghiệm và học cách kiếm tiền. Nhưng đừng vội, hãy quan tâm việc học là trên hết.

– Sang năm 2 đại học, hãy đi làm thêm đi. Làm không đúng chuyên ngành mình học ấy. Nên đi làm những ngành nghề không đòi hỏi quá cao kinh nghiệm và được rèn luyện kỹ năng mềm, năng động, linh hoạt như sale, marketing, chăm sóc khách hàng,…

– Năm 3 đại học, khi có tiếng Anh giao tiếp lưu loát, đọc, viết, dịch tiếng Anh tốt và tiếp cận với tiếng Anh chuyên ngành, giỏi lên càng tốt. Đặc biệt nên nghĩ đến chuyện đi học việc. Hãy chiếm ưu thế trong cuộc chiến tìm việc ngay từ khi còn đi học. Giai đoạn này gần như quyết định rồi.

– Năm 4 đại học, hoàn thiện tiếng Anh chuyên ngành, hoàn thành cho xong chương trình học để có cái bằng đúng hạn hoặc trước hạn và đặc biệt nếu xác định làm tư hay không thể vào nhà nước thì phải đi thực tập/học việc chuyên ngành ngay. Nếu hết kỳ 1 năm 4 chưa tìm được chỗ thực tập đúng chuyên ngành thì việc theo ngành mình học sẽ vô cùng gian nan.

Theo cảm quan của mình, thời của các bạn khi ra trường, cơ hội tiếp cận với công việc sẽ là 40% kiến thức, kỹ năng chuyên ngành để làm việc trực tiếp, 35% kỹ năng mềm, 25% ngoại ngữ. Cơ hội để tiếp cận việc làm ổn là 40% kiến thức, nghiệp vụ, 25% kỹ năng mềm, 35% ngoại ngữ. Cơ hội để có công việc chuyên ngành tốt là 50% kiến thức và tư duy, 40% ngoại ngữ và 10% kỹ năng.

Chất lượng lao động tương đương với tiền lương, tương đương với kiến thức cộng kinh nghiệm cộng kỹ năng chuyên môn cộng ngoại ngữ cộng kỹ năng mềm,…

Có những bạn ra trường lâu 2-3 năm, quay lại làm việc, kiếm tiền với ngành nghề mình được học lại bắt đầu từ con số không. Số không ít phải đi làm không lương để học việc mà có những người còn không có ai nhận làm không lương nữa. Vì thế, hãy xác định mục tiêu và con đường đi của mình từ sớm trước khi quá muộn. Xã hội ngày càng cạnh tranh, nếu cứ để dòng đời thả trôi thì chuyện bạn bị nhấn chìm là điều dễ nhìn thấy.

*** Với các bạn học Luật, đừng ảo mộng về nghề luật đừng tìn nhiều vào những câu chuyện cười về luật sư tài giỏi, đừng nghĩ học luật là để lách luật và đừng nghĩ Việt Nam giống nước Mỹ.

Chúc các bạn sức khỏe, yêu nghề, thành công.

Đặc biệt chúc các bạn tân sinh viên có 04 năm đại học thật đẹp và không có điều gì phải hối tiếc. Yêu những thứ mình làm và được làm những thứ mình yêu thích, mong muốn!”.

Nguồn: Ket Nguyen/ Tư vấn pháp luật trực tuyến – Luật Thành Thái


Các tìm kiếm liên quan đến sinh viên luật cần làm gì, những kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên luật, cử nhân luật ra trường làm gì, học luật ra làm gì, học luật cần đọc sách gì, điểm mạnh của sinh viên luật, những cuốn sách dân luật nên đọc, học luật cần tố chất gì, kỹ năng mà sinh viên luật cần có

5/5 - (3 bình chọn)

Phản hồi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền