Quyền công tố của Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao

vien-kiem-sat-nhan-dan-cap-cao

Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao là một cấp kiểm sát mới theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014; được tổ chức theo thẩm quyền xét xử của Tòa án, không phụ thuộc vào phân cấp đơn vị hành chính. Bài viết đề cập đến quyền công tố của VKSND cấp cao.

Luật Tổ chức VKSND năm 2014 qui định thành lập hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm: VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện, VKS quân sự các cấp (Điều 40).

Do nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND cấp cao gắn liền với thẩm quyền xét xử của TAND cấp cao nên VKSND cấp cao được tổ chức tương ứng với TAND cấp cao về số lượng và địa hạt tư pháp. Hiện tại, có ba VKSND cấp cao được thành lập tại ba khu vực, đặt trụ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.

Khoản 2 Điều 41 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 qui định nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND cấp cao: “Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao”. Đối chiếu với Điều 29 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 qui định thẩm quyền của TAND bao gồm: (1) Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; (2) Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.

Như vậy, khi đi vào hoạt động VKSND cấp cao vừa thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm như hiện nay, vừa đảm nhận toàn bộ nhiệm vụ công tác kiểm sát giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của các VKSND cấp tỉnh và phần lớn nhiệm vụ công tác kiểm sát giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm từ Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật thuộc VKSND tối cao.

Ngoài ra, VKSND cấp cao còn thực hiện nhiệm vụ: “Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện”. Chúng tôi cho rằng, lượng công việc sẽ tăng lên nhiều so với công việc của các Viện phúc thẩm hiện nay. Trong phạm vi bài viết này chủ yếu đưa ra những trao đổi xung quanh quyền công tố của VKSND cấp cao

1. Quyền công tố của VKSND cấp cao trong việc giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm

Căn cứ vào các qui định tại Điều 3, Điều 41 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Điều 29 Luật Tổ chức TAND năm 2014, có thể xác định VKSND cấp cao có chức năng thực hành quyền công tố trong việc giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm như sau:

Thứ nhất, thực hành quyền công tố đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao, gồm có:

– Thực hành quyền công tố việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị;

– Thực hành quyền công tố việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện và tương đương; TAND cấp tỉnh bị kháng nghị;

– Thực hành quyền công tố trong hoạt động tương trợ tư pháp do TAND cấp cao thực hiện.

Thứ hai, giải quyết kiến nghị, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện và tương đương, TAND cấp tỉnh đã được VKSND cấp tỉnh, VKSND tối cao thụ lý mà chưa được giải quyết (về thẩm quyền này sẽ được chúng tôi phân tích riêng tại mục 2)

Thứ ba, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện và tương đương; TAND cấp tỉnh trong phạm vi lãnh thổ thuộc thẩm quyền.

Theo qui định tại các khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết số 82/2014/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức VKSND thì kể từ ngày 01/6/2015, VKSND tối cao sẽ chuyển giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố trong hoạt động xét xử phúc thẩm cho VKSND cấp cao; VKSND cấp tỉnh sẽ chuyển giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố trong xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cho VKSND cấp cao để VKSND cấp cao bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một cấp kiểm sát mới, độc lập trong hệ thống VKSND. Đối với vác vụ án, vụ việc đã phát sinh trước ngày thành lập VKSND cấp cao do VKSND tối cao và cấp tỉnh chuyển giao thì VKSND cấp cao tiếp nhận để giải quyết trong các trường hợp cụ thể sau đây:

– Bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh đã có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm mà chưa được giải quyết thì VKSND cấp cao thực hành quyền công tố việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm tại TAND cấp cao;

– Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện và tương đương; TAND cấp tỉnh đã có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm mà chưa được giải quyết thì VKSND cấp cao thực hành quyền công tố việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại TAND cấp cao;

– Kiến nghị, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện và tương đương, TAND cấp tỉnh đã được VKSND cấp tỉnh, VKSND tối cao thụ lý mà chưa được giải quyết thì VKSND cấp cao trực tiếp giải quyết. Viện trưởng VKSND cấp cao thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu có căn cứ pháp luật qui định.

Như vậy, theo qui định của Nghị quyết số 82/2014/QH13 (nêu trên) thì nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND cấp cao theo Luật Tổ chức VKSND năm 2014 sẽ được thực hiện ngay từ thời điểm Luật Tổ chức VKSND năm 2014 có hiệu lực thi hành mà không cần chờ Quốc hội sửa đổi, bổ sung các đạo luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Việc thực hành quyền công tố hoạt động xét xử vụ án hình sự của VKSND cấp cao ở những khía cạnh khác được thực hiện theo trình tự, thủ tục do các đạo luật về tố tụng hiện hành qui định.

2. Giải quyết kiến nghị, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện và tương đương, TAND cấp tỉnh đã được VKSND cấp tỉnh, VKSND tối cao thụ lý mà chưa được giải quyết

Hiện tại theo phân cấp, VKSND tối cao có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh và các Tòa phúc thẩm, các Tòa chuyên trách của TAND tối cao; VKSND cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện. Việc tiếp nhận, phân loại xử lý, quản lý đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm do đơn vị khiếu tố VKSND cấp tỉnh và VKSND tối cao thực hiện. Đơn vị khiếu tố có nhiệm vụ nghiên cứu phân loại, kiểm tra điều kiện thụ lý. Nếu đơn đủ điều kiện thụ lý thì cấp giấy xác nhận đơn (trong tố tụng dân sự và hành chính) và chuyển đến các đơn vị nghiệp vụ để giải quyết; nếu đơn không đủ điều kiện thụ lý thì trả lại đơn và giải quyết khiếu nại đối với việc trả lại đơn (nếu có); nếu đơn chưa đủ điều kiện thụ lý thì hướng dẫn đương sự cung cấp tài liệu bổ sung; đối với đơn không thuộc cấp mình thì chuyển đến VKS có thẩm quyền giải quyết.

Đến nay, VKSND cấp cao có thẩm quyền giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện, cấp tỉnh. Do vậy, việc tiếp nhận xử lý, quản lý các loại đơn này sẽ thuộc trách nhiệm của VKSND cấp cao. Trước mắt, để VKSND cấp cao thực hiện tốt nghiệm vụ này, VKSND tối cao và VKSND cấp tỉnh cần thực hiện việc chuyển giao toàn bộ đơn đã tiếp nhận, thụ lý thuộc thẩm quyền cho VKSND cấp cao. Tuy nhiên, do Luật Tổ chức VKSND mới có hiệu lực từ ngày 01/6/2015 nên phần lớn người dân chưa biết đến sự thay đổi thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của VKSND cấp cao, nên có thể trong thời gian tới, đơn vẫn sẽ tập trung gửi đến VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh và số lượng đơn tiếp nhận chưa có thay đổi đáng kể. Để đảm bảo xem xét giải quyết của VKSND cấp cao và hạn chế sự vòng vo trong công tác tiếp nhận, chuyển đơn, VKSND tối cao cần thiết phải qui định cụ thể về qui trình xử lý và sự phối hợp giữa VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh với VKSND cấp cao theo hướng: Khi nhận được đơn thuộc thẩm quyền của VKSND cấp cao, đơn vị khiếu tố của VKSND tối cao và VKSND cấp tỉnh cần lập danh sách rồi chuyển đến VKSND cấp cao để thực hiện việc xử lý, thụ lý, giải quyết và quản lý nhà nước trong phạm vi thẩm quyền. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có trách nhiệm kiểm tra điều kiện thụ lý, cấp giấy xác nhận đơn theo qui định của pháp luật và thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết, quản lý nhà nước về việc giải quyết loại đơn này.

 

Đỗ Dương Toàn

Viện trưởng VKSND quận Hoàn Kiếm, Tp.Hà Nội.

Tạp chí Kiểm sát số 21/2015.

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.