Kiểm sát việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự

Chuyên mụcLuật tố tụng hình sự, Thảo luận pháp luật Khởi tố vụ án

Quy chế số 03 về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố quy định cụ thể kiểm sát việc ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh cách hiểu chưa thống nhất về một số nội dung.

Ngày 29/12/2017, VKSND tối cao có quyết định số: 03/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (gọi tắt là Quy chế tạm thời số 03) để áp dụng thống nhất chung trong toàn ngành. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả  trao đổi thêm một số ý kiến về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự như sau.

Về vị trí của hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự

– Quan điểm thứ nhất cho rằng, thực hành quyền công tố, kiểm sát việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là hoạt động được thực hiện trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Bởi lẽ, ngay từ tên gọi, theo bố cục lập pháp, hoạt động này được quy định tại Phần II (Khởi tố, điều tra vụ án hình sự) của BLTTHS năm 2015 và Chương II (thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can) của Quy chế tạm thời số 03. Rõ hơn nữa, khoản 2 Điều 14 Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014 cũng quy định trong nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra vụ án hình sự có hoạt động hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án trái pháp luật. Vì quyết định không khởi tố vụ án hình sự có vị trí tương tự như quyết định khởi tố vụ án hình sự (chỉ khác nhau ở hậu quả pháp lý đối lập) nên hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát đối với hai loại quyết định này cũng tương tự nhau, đều được thực hiện trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

– Quan điểm thứ hai cho rằng, thực hành quyền công tố, kiểm sát việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là hoạt động được thực hiện trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Bởi lẽ, Điều 147 BLTTHS 2015 quy định về thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

 

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

 

Theo đó, quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định không khởi tố vụ án hình sự và quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chính là các kết quả của quá trình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Trong đó, quyết định khởi tố vụ án hình sự có vị trí đặc biệt, được coi như “bản lề” của 2 giai đoạn tố tụng khác nhau vì nó đóng lại giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và mở ra quá trình điều tra. Tuy nhiên, quyết định không khởi tố vụ án hình sự lại không có tính chất như vậy, nó chỉ đơn thuần là kết quả cuối cùng, đóng lại quá trình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Nên cũng cần đánh giá, về bản chất, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự phải thuộc giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Việc quy định theo kết cấu các văn bản pháp luật đã trích dẫn như quan điểm thứ nhất là để thuận lợi cho quá trình thực hiện, thể hiện tính liên tục giữa 2 giai đoạn: Giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và điều tra mà không có ý nghĩa xác định hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự được tiến hành trong giai đoạn điều tra.

Về nội dung của hoạt động này, Điều 13 Quy chế tạm thời số 03 quy định:

 

1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, Kiểm sát viên phải kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định đó và báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:

a) Nếu thấy ch­ưa đủ căn cứ thì có văn bản yêu cầu cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ;

b) Nếu thấy không có căn cứ thì yêu cầu cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu cơ quan đó không thực hiện thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại  điểm a Khoản 3 Điều 153, Khoản 6 Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự và gửi cho Cơ quan có thẩm quyền điều tra để tiến hành điều tra;

c) Nếu thấy đủ căn cứ thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

 

Theo đó, những nội dung cần làm để thực hành quyền công tố, kiểm sát việc ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đã được quy định rất cụ thể. Tuy nhiên, với trường hợp xử lý khi quyết định không khởi tố vụ án hình sự ch­ưa đủ căn cứ, hiện nay vẫn còn một số ý kiến trái chiều như sau.

Về thời hạn: Điểm a, khoản 1 Điều 13 Quy chế tạm thời số 03 chỉ quy định trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, Kiểm sát viên phải kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định đó. Nếu thấy ch­ưa đủ căn cứ thì báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện có văn bản yêu cầu cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ.

Quy định như vậy sẽ dẫn tới 2 cách hiểu khác nhau:

– Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong trường hợp này, Cơ quan được yêu cầu chỉ được bổ sung tài liệu chứng cứ trong thời gian 3 ngày kể từ khi giao quyết định không khởi tố vụ án hình sự cho Viện kiểm sát. Nếu theo phương án này, thời hạn bổ sung tài liệu chứng cứ là quá ít. Cá biệt, nếu Kiểm sát viên nghiên cứu mất phần lớn thời gian (ví dụ như 2 ngày) thì kể từ khi nhận được yêu cầu, Cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự chỉ còn rất ít thời gian để bổ sung tài liệu, chứng cứ (1 ngày). Nếu như vậy thì việc thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát là không khả thi.

– Quan điểm thứ hai cho rằng, 3 ngày là thời hạn để Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định đó và báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phương án giải quyết là: yêu cầu cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ. Cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự sẽ bổ sung tài liệu, chứng cứ ngoài thời hạn 3 ngày này. Theo quan điểm thứ hai, cũng có 2 cách hiểu về tính thời hạn bổ sung tài liệu, chứng cứ khác nhau. Thứ nhất, thời hạn này không bị hạn chế, chỉ kết thúc khi cơ quan này bổ sung xong tài liệu, chứng cứ, đủ làm căn cứ để quyết định giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc hủy bỏ quyết định đó. Thứ hai, thời hạn bổ sung tài liệu, chứng cứ không thể vượt quá thời hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Nếu hết thời hạn trên, các tài liệu, chứng cứ bổ sung được không đủ để làm căn cứ khởi tố vụ án, cũng không thuộc trường hợp tạm đình chỉ thì theo nguyên tắc trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng và nguyên tắc suy đoán vô tội, cần phải giữ nguyên Quyết định không khởi tố vụ án.

Về trình tự, thủ tục thu thập và giá trị chứng minh của những tài liệu, chứng cứ được bổ sung: Theo quy định tại Điều 13 Quy chế, sau khi khởi tố vụ án, nếu chưa thấy đủ căn cứ, Viện kiểm sát có thể yêu cầu cơ quan đã ra quyết định bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ. Như đã phân tích ở trên, tuy Quyết định khởi tố vụ án hình sự đã khép lại quá trình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm nhưng lại mở ra giai đoạn điều tra, nên mọi hoạt động tố tụng tiếp theo, trong đó có cả việc bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có) sẽ được diễn ra và tuân theo các trình tự, thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra. Vì vậy, những tài liệu, chứng cứ này hoàn toàn hợp pháp và đầy đủ giá trị để Viện kiểm sát làm căn cứ đánh giá, xem xét có phải hủy Quyết định khởi tố vụ án hay không.

Về trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, Điều 148 BLTTHS 2015 cũng quy định “Trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì việc giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.” Theo đó, tuy việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đã tạm dừng nhưng một số hoạt động tố tụng vẫn được phép tiến hành (giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp) nên tài liệu, chứng cứ được thu thập theo trình tự này cũng hoàn toàn hợp pháp. Đối với trường hợp Quyết định không khởi tố vụ án thì lại có sự khác biệt. Về nguyên tắc, khi đã có Quyết định không khởi tố vụ án, nghĩa là đã khép lại quá trình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, theo đó, mọi hoạt động tố tụng liên quan đến việc thu thập tài liệu, xác minh, làm rõ nguồn tin cũng phải chấm dứt. Do đó, vấn đề đặt ra là, sau khi đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình, tất cả những hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ sẽ tuân theo trình tự thủ tục tố tụng nào và có giá trị chứng minh hay không? Đây là “khoảng trống” chưa được quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, BLTTHS 2015 đã quy định rất chặt chẽ về thủ tục tố tụng (Điều 87: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật quy định này thì không có giá trị pháp lý…”). Cũng không có Điều nào trong Bộ luật này quy định về thủ tục bổ sung tài liệu, chứng cứ cho Quyết định Không khởi tố vụ án hình sự chưa có đủ căn cứ. Do đó, cần đặc biệt thận trọng. Dù là “mạnh tay” nhưng trong trường hợp này, khi Quyết định Không khởi tố vụ án hình sự chưa có đủ căn cứ, Viện kiểm sát nên yêu cầu cơ quan đã ban hành Quyết định này phải hủy bỏ hoặc tự mình hủy bỏ để trở lại xác minh, làm rõ theo thủ tục chung. Có như vậy, mới đảm bảo trình tự, thủ tục tố tụng và theo đó, bảo đảm giá trị chứng minh của tất cả những tài liệu, chứng cứ thu thập được.

Trường hợp thấy Quyết định không khởi tố vụ án ch­ưa đủ căn cứ, Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ là quy định không mới, hoàn toàn được kế thừa từ Quy chế kiểm sát điều tra năm 2008 của ngành Kiểm sát. Tuy nhiên, với những thay đổi lớn của BLHS 2015, BTTHS 2015 với những yêu cầu vô cùng khắt khe về trình tự, thủ tục tố tụng, nên chăng, cần đặt ra thêm giải pháp hợp lý hơn cho vấn đề này để đảm bảo tính hợp pháp, giá trị chứng minh của tài liệu, chứng cứ, đảm bảo cơ sở vững chắc cho các hoạt động và quyết định tố tụng.

Từ góc độ nghiên cứu, đối chiếu đồng thời nhiều quy định mới của các đạo luật và văn bản liên quan, nhằm tìm ra cách hiểu chính xác và thống nhất để áp dụng pháp luật, tôi mạnh dạn đưa ra quan điểm cá nhân về trường hợp nêu trên, rất mong nhận được sự quan tâm cũng như ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc.

 

Nguồn: Tạp chí kiểm sát (kiemsat.vn)

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền