Quy tắc đạo đức và trách nhiệm của luật sư khi quảng cáo

Trách nhiệm của luật sư khi quảng cáo

Theo anh (chị), luật sư phải chịu những trách nhiệm gì đối với các cam kết về chất lượng dịch vụ trong quảng cáo?

..

Những nội dung liên quan:

Quy tắc đạo đức và trách nhiệm của luật sư khi quảng cáo

Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam năm 2011 Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam năm 2019

Quy tắc 27. Quảng cáo

Luật sư, Tổ chức hành nghề Luật sư quảng cáo theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về các cam kết trong quảng cáo về chất lượng dịch vụ đối với xã hội.

Quy tắc 32. Quảng cáo

32.1. Khi quảng cáo về hoạt động hành nghề luật sư, luật sư không được cung cấp những thông tin không có thật hoặc thông tin gây hiểu nhầm. Luật sư phải chịu trách nhiệm khi cam kết trong quảng cáo về chất lượng dịch vụ luật sư.

32.2. Luật sư không được thực hiện việc quảng cáo làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đội ngũ luật sư, nghề luật sư.

Nghề luật sư là một ngành nghề cung cấp dịch vụ, để thu hút được nhiều khách hàng hơn, luật sư, Tổ chức hành nghề Luật sư được phép quảng cáo và khi quảng cáo phải tuân theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về các cam kết trong quảng cáo về chất lượng dịch vụ. Tế nhưng trong lịch sử phát triển của nghề, việc quảng cáo của luật sư đã từng bị cấm trừ trường hợp luật định với lý do bảo vệ hình ảnh cao quý và danh dự của nghề luật sư. Thậm chí việc quảng cáo của luật sư còn từng bị coi là thiếu chuyên nghiệp. Các luật sư Hoa Kỳ vào những năm 1900 được phép in danh thiếp và dùng thư có tiêu đề, nhưng những hình thức quảng cáo khác bị cấm một cách chặt chẽ. Các hiệp hội luật sư và hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng lo ngại rằng số đông dân chúng không có khả năng tự bảo vệ mình trước những quảng cáo dẫn đến sai lệch hoặc gây hiểu lầm của luật sư. Sau đó lệnh cấm này đã được Tòa án Liên bang dỡ bỏ năm 1975, các bang của Hoa Kỳ cũng nhanh chóng cho phép các luật sư được quảng cáo, tuy nhiên việc quảng cáo cần thể hiện phẩm giá và tính chuyên nghiệp vốn có của cộng đồng luật sư và tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề nghiệp, luật sư được tự quyết định lựa chọn cách thức quảng cáo.

Luật sư và các Tổ chức hành nghề Luật sư ở Việt Nam hiện nay có thể quảng cáo dưới nhiều hình thức: Bản in ấn (tờ rơi/báo in), truyền hình, radio và quảng cáo qua internet trên các nền tảng trực tuyến. Tương tự với quy tắc đạo đức trong hoạt động truyền thông, quy tắc đạo đức của luật sư trong hoạt động quảng cáo cũng lần đầu tiên được ghi nhận trong Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam năm 2011, trước đó không có quy định về việc luật sư có được quảng cáo hay không và bằng cách nào. Theo quy định của pháp luật hiện hành, tiêu chí đầu tiên đặt ra khi quảng cáo dịch vụ pháp lý là luật sư và Tổ chức hành nghề Luật sư phải bảo đảm tuân thủ các quy định chung của pháp luật về quảng cáo, pháp luật cạnh tranh. Ngoài ra, trong tài liệu hướng dẫn học tập Quy tắc do Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành cho Quy tắc năm 2011 còn ghi nhận, luật sư khi quảng cáo: (a) không được sử dụng các phương tiện hay công cụ có tính chất đe dọa, cưỡng bức; (b) không được lợi dụng tình huống mà luật sư biết được rằng một số hạn chế về tình trạng thể chất hoặc tinh thần của khách hàng không cho phép khách hàng có được các nhận định hợp lý về dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí. Đồng thời khi quảng cáo, luật sư, Tổ chức hành nghề Luật sư cần nêu rõ tên và có thể sử dụng các danh hiệu, giải thưởng trong quảng cáo dịch vụ pháp lý (cần nêu rõ tên tổ chức cấp giải thưởng hoặc các danh hiệu đó)1. Tuy nhiên, những hướng dẫn này dành cho Quy tắc cũ, và được chuẩn bị cho các luật sư tập sự chuẩn bị tham gia kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư. Trong hoàn cảnh thay đổi hiện nay, mong rằng trong tương lai gần, Liên đoàn luật sư sẽ kịp thời đưa ra một hướng dẫn cụ thể, công khai cho các luật sư.

Tình huống thảo luận

“Hãng luật ABC là một hãng luật có kinh nghiệm nhất hiện nay về xử lý các tranh chấp liên quan đến đất đai. Chúng tôi có đội ngũ luật sư lâu năm, kinh nghiệm dày dặn và chưa từng bại trận trong bất kỳ một trận chiến pháp lý nào tại các địa bàn phía Bắc của Việt Nam. Các luật sư của chúng tôi từng là những Thẩm phán, Kiểm sát viên nên với mối quan hệ và khả năng bản thân sẽ giúp khách hàng hài lòng với kết quả dịch vụ”.

Hãy cùng bình luận và đưa ra ý kiến về đoạn quảng cáo trên?

Trước hết, chúng ta có thể tham khảo một số quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo của luật sư:

Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018)

Điều 8. Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo

1. Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Luật này.
2. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.
3. Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
4. Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
5. Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
6. Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.
7. Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
8. Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
10. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
11. Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Tể thao và Du lịch.
12. Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
13. Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
14. Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.
15. Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.
16. Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

Luật Cạnh tranh năm 2018

Điều 45. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

[…]

5. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:
a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;
b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.”…

Theo quy định của pháp luật về quảng cáo, những nội dung quảng cáo bao gồm các cụm từ như “số một”, “duy nhất”, “tốt nhất” trong quảng cáo sẽ là vi phạm nếu không có các giấy tờ chứng minh. Ví dụ như Công ty Luật A đưa ra quảng cáo trên website rằng: “Trong lĩnh vực tranh tụng hình sự, không ai là không biết đến chúng tôi, xét về chất lượng dịch vụ, chúng tôi là tốt nhất, xét về chi phí dịch vụ, chúng tôi là rẻ nhất. Hay việc quảng cáo đoán trước kết quả như Công ty B trong ví dụ sau là điều luật sư cần tránh: “Đến với Công ty B của chúng tôi, chúng tôi cam kết tỷ lệ thắng các vụ kiện là 90%”.

Do thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể nên hiện nay hoạt động quảng cáo của luật sư không có nhiều hạn chế đặc thù, miễn là tuân thủ pháp luật quảng cáo và pháp luật cạnh tranh. Nếu luật sư vi phạm các quy định về pháp luật quảng cáo sẽ phải nộp phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Đồng thời chịu trách nhiệm kỷ luật trước tổ chức xã hội – nghề nghiệp là Đoàn luật sư nơi luật sư, Tổ chức hành nghề Luật sư đó đăng ký và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Trong khi một số nước có hướng dẫn cụ thể về nội dung và hình thức quảng cáo hay quảng cáo như thế nào là vi phạm, gây hiểu lầm cho các luật sư dễ dàng theo dõi thì Quy tắc 32 ghi nhận rằng một người hành nghề luật sư phải bảo đảm rằng một quảng cáo không gây nhầm lẫn hay hiểu lầm. Nhưng định nghĩa như thế nào là gây hiểu lầm thì trong các văn bản pháp luật và quy tắc đều chưa có hướng dẫn giải thích.

Tham khảo quy định của Bộ Quy tắc đạo đức nghề luật của Singapore cho thấy, một quảng cáo của luật sư có thể bị coi là gây hiểu lầm nếu:

a) Chứa một thông tin sai lệch (ví dụ, tuyên bố rằng luật sư hay tổ chức hành nghề này là luật gia hàng đầu khi không có chuyên môn hoặc kinh nghiệm về Luật Hôn nhân và gia đình);
b) Chứa bất kỳ thông tin nào không thể xác minh được (ví dụ, chỉ cung cấp số điện thoại liên lạc mà không nêu tên của luật sư/Tổ chức hành nghề Luật sư);
c) Có thể tạo ra một kỳ vọng không chính đáng về kết quả có thể đạt được bởi luật sư hoặc Tổ chức hành nghề Luật sư của luật sư đó (ví dụ, nói rằng người hành nghề luật sư có thể thu hồi được khoản nợ cho khách hàng).

Hiệp hội luật sư Singapore còn quy định luật sư không được quảng cáo bằng hình thức phát tờ rơi ở nơi công cộng do địa điểm này phù hợp với các hoạt động bán lẻ, không chuyên nghiệp và “không phù hợp với phẩm giá của nghề luật”. Các luật sư, tổ chức hành nghề luật có thể để tờ rơi tại trụ sở/văn phòng công ty mình cho các khách hàng tiềm năng hoặc cho bên thứ ba khi họ ghé qua hoặc đăng tờ rơi đó lên trang web của công ty.

Từ chỗ không được quảng cáo cho đến nay, khi quyền này được ghi nhận một cách hợp pháp, các luật sư cần quảng cáo để duy trì lượng khách hàng nhưng phải phù hợp và giữ gìn danh tiếng của nghề. Hiện nay, không chỉ các phương tiện quảng cáo truyền thống được áp dụng mà nhiều luật sư còn sử dụng mạng xã hội. Các trang mạng xã hội cho phép bất kỳ ai hay chính xác hơn là tất cả mọi người giao tiếp và chia sẻ ý tưởng và quan điểm với nhiều đối tượng khác nhau. Các trang web như Facebook, Twitter, YouTube và LinkedIn cung cấp phương tiện đặc biệt để kết nối các mạng lưới làm việc chuyên nghiệp và tự quảng cáo, cũng như để tìm kiếm các mối liên hệ cá nhân và phục vụ cho nghề nghiệp. Từ đó, có nguy cơ luật sư vi phạm các quy tắc đạo đức chi phối việc quảng cáo luật sư bằng cách sử dụng mạng xã hội để tự quảng cáo.

Để hỗ trợ luật sư hiểu được những thách thức đạo đức của mạng xã hội, Bộ phận tranh tụng liên bang và thương mại của Hiệp hội luật sư bang New York (NYSBA) đã ban hành Hướng dẫn đạo đức khi sử dụng mạng xã hội cho luật sư New York. NYSBA thừa nhận rằng đây chỉ là “hướng dẫn” và nhắc nhở các luật sư rằng thế giới mạng xã hội là một lĩnh vực mới mẻ đang thay đổi nhanh chóng và chúng ta sẽ tiếp tục điều chỉnh để bắt kịp với sự phát triển. Trong khi mạng xã hội tiếp tục phát triển, để tránh vi phạm quy tắc ứng xử nghề nghiệp, các luật sư ở New York sử dụng mạng xã hội để thúc đẩy hoạt động nghề nghiệp của họ nên xem xét các nguyên tắc sau:

Quy tắc quảng cáo áp dụng cho các bài đăng trên mạng xã hội. Theo Hướng dẫn, các quy tắc quảng cáo áp dụng cho các tài khoản mạng xã hội được sử dụng chủ yếu cho các mục đích pháp lý hoặc tiếp thị. Các bình luận trong bài Hướng dẫn này cũng chỉ rõ rằng một luật sư “thận trọng” nên coi một tài khoản được sử dụng cho cả mục đích cá nhân và nghề nghiệp cũng phải tuân theo các quy tắc này. Do đó, các luật sư sử dụng mạng xã hội để quảng bá các dịch vụ pháp lý của họ nên sử dụng những tuyên bố từ chối trách nhiệm mà họ sử dụng để phổ biến thông tin trên báo in. Phần bình luận cho Nguyên tắc số 1.A nêu rằng ngay cả một bài đăng được sử dụng để quảng bá dịch vụ của luật sư – có thể dài không quá 140 ký tự – phải chứa thông tin cần thiết trong quảng cáo luật sư, và có thể bao gồm: “Bài đăng này chứa quảng cáo luật sư. Các kết quả đã đạt được trước đây không bảo đảm cho một hệ quả tương tự”.

Về mặt đạo đức, một luật sư không được phép tự mô tả mình là một “chuyên gia” hoặc tuyên bố rằng mình “chuyên sâu” trong một lĩnh vực luật cụ thể trừ khi họ được chứng nhận bởi một cơ quan kiểm định được Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ chấp thuận. Về những danh mục được “Liệt kê trên mạng xã hội”, Ủy ban Đạo đức nghề nghiệp NYSBA đã kết luận rằng các công ty luật có thể xác định các lĩnh vực hành nghề luật của họ trên các trang mạng xã hội nhưng không được liệt kê các dịch vụ của họ dưới tiêu đề “chuyên sâu”. Và như vậy, các luật sư cá nhân không thể tự nhận trên các trang web truyền thông xã hội dưới tiêu đề sử dụng thuật ngữ “chuyên gia” hoặc “chuyên sâu”. Tuy nhiên, hướng dẫn này không đề cập đến việc liệu luật sư có thể liệt kê các lĩnh vực hành nghề trong tiêu đề “Sản phẩm và dịch vụ” hoặc “Kỹ năng và chuyên môn” hay không. Tuy nhiên, các quy định về đạo đức được ban hành ở các tiểu bang khác đã cấm các luật sư liệt kê các lĩnh vực hành nghề dưới các tiêu đề như “chuyên gia”. Hơn nữa, Hướng dẫn cũng quy định rằng luật sư phải theo dõi thông tin mạng xã hội của mình để bảo đảm rằng các nhận xét và đề xuất của người khác tuân thủ các quy tắc đạo đức. Ví dụ: nếu một khách hàng đăng đề xuất trên trang mạng xã hội của luật sư và gọi luật sư đó là luật sư bất động sản “tốt nhất” trong tiểu bang, luật sư nên đánh giá xem mô tả đó có vi phạm các quy tắc ứng xử trong khu vực hay không. Theo nguyên tắc của NYSBA, nếu luật sư xác định rằng bài đăng đó vi phạm quy tắc ứng xử nghề nghiệp thì phải xóa nội dung vi phạm nếu nội dung đó nằm trong tầm kiểm soát của luật sư. Nếu việc này không nằm trong tầm kiểm soát của luật sư, hãy yêu cầu người đã đăng loại bỏ nội dung này. Do đó, các luật sư không nên tạo tài khoản trên các trang mạng chuyên nghiệp như LinkedIn, trừ khi họ có ý định sử dụng, theo dõi và giám sát chặt chẽ tài khoản này.

Trong thời đại 4.0, các luật sư sử dụng các trang web, mạng xã hội trong cuộc sống cá nhân và hành nghề, nhưng bản chất của mạng xã hội là luôn thay đổi, do đó đòi hỏi các luật sư phải thận trọng tuân thủ các hướng dẫn đạo đức liên quan đến việc sử dụng công nghệ này. Có thể mất ít thời gian hơn để lướt qua một “post” ngắn gọn so với việc đặt quảng cáo định kỳ cho các dịch vụ pháp lý như trước đây, nhưng trước khi nhấn “Đăng/ Gửi”, luật sư nên dành thời gian xem xét nghĩa vụ theo Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp. Mặc dù công nghệ mới và đang thay đổi, các quy tắc ứng xử cũ vẫn được áp dụng.

5/5 - (3 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền