Thảo luận về các quy định thi hành án đối với pháp nhân thương mại phạm tội tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự diễn ra ngày 24/8, các đại biểu cho rằng đây là nội dung mới, chưa có thực tiễn thi hành. Vì vậy trong quá trình soạn thảo cần làm rõ nhiều vấn đề và quy định cụ thể các nội dung liên quan ngay trong luật.
Bổ sung quy định thi hành án đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Sự ra đời của Bộ luật hình sự năm 2015 đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong chính sách và tư duy lập pháp hình sự của Nhà nước ta. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự, Bộ luật hình sự quy định trách nhiệm hình sự của tổ chức – pháp nhân thương mại. Điều này đã làm thay đổi tư duy có tính truyền thống về tội phạm và hình phạt, đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống các hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây, tạo cơ sở pháp lý trong hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Bộ luật hình sự 2015 đã quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội được quy định trong 33 điều luật thuộc các chương về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường, tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Về chế tài áp dụng, Bộ luật hình sự quy định có 03 hình phạt chính là phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; 03 hình phạt bổ sung là cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính. Đồng thời quy định có 03 nhóm biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội là (1) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên qan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; (2) Buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu; (3) Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Cùng với đó Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có các quy định về trình tự, thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Do đó, đặt ra yêu cầu phải bổ sung các quy định về việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đối với pháp nhân thương mại phạm tội trong Luật Thi hành án hình sự để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, so với Luật Thi hành án hình sự 2010, dự thảo Luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án, quyết định về đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
Cụ thể dự thảo quy định về cơ quan có trách nhiệm quản lý, cơ quan có trách nhiệm thi hành án, cơ quan có trách nhiệm phối hợp thi hành bản án, quyết định của Tòa án đối với pháp nhân thương mại. Dự thảo Luật bổ sung 01 chương (Chương 10a) với 06 mục, 23 điều (từ điều 140a đến điều 140y) quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.
Cần quy định cụ thể các nội dung thi hành án đối với pháp nhân ngay trong luật
Thảo luận tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp về vấn đề này, các đại biểu đều cho rằng cần rà soát lại tổng thể các quy định về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án, trình tự, thủ tục thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Theo đó, để bảo đảm tính tương thích trong hệ thống pháp luật cần làm rõ vai trò của cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp theo đó nguyên tắc phân định thẩm quyền thi hành án và thẩm quyền cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại; cần tham khảo các quy định hiện hành của Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật phá sản và quy định về thi hành các hình phạt trong Luật thi hành án hình sự có tính chất tương tự. Đồng thời, hạn chế các quy định giao Chính phủ, các Bộ ngành hướng dẫn chi tiết mà cần quy định cụ thể trong luật để bảo đảm luật khi ban hành có thể thực hiện được ngay.
Bày tỏ nhất trí với Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo về quy định cơ quan được giao chủ trì thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du cho rằng cần nghiên cứu các quy định của Luật Doanh nghiệp với các hình phạt mà pháp nhân thương mại có thể bị áp dụng để có quy định phù hợp, thống nhất, tránh chồng chéo, khó áp dụng trên thực tiễn. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du chỉ rõ, hiện nay Luật Doanh nghiệp không có quy định về trường hợp đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp tuy nhiên khi pháp nhân phạm tội nếu bị Tòa án tuyên đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì hậu quả pháp lý của vấn đề này được giải quyết theo thủ tục giải thể doanh nghiệp hay phá sản doanh nghiệp hay thủ tục khác. Điều này cần có quy định cụ thể.
Cùng quan điểm, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Văn Liên chỉ ra rằng, dự thảo Luật cũng như thuyết minh chi tiết chưa làm rõ hậu quả pháp lý của việc đình chỉ hoạt động của pháp nhân như việc giải quyết các khoản nợ, vấn đề thuế, bảo hiểm xã hội, vấn đề sáp nhập, chia tách, giải thể hay phá sản doanh nghiệp…Những vấn đề này cần được làm rõ thêm sẽ được giải quyết trong Luật hay sẽ dẫn chiếu sang các luật chuyên ngành.
Trong khi đó, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Văn Hùng lại bày tỏ với nội dung thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội của dự thảo Luật. Đại biểu nêu rõ, đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, thực tiễn áp dụng trong khi đó dự thảo Luật lại quy định đến 15 điều Chính phủ hướng dẫn chi tiết và 05 điều giao Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Hồ sơ dự án Luật cũng không kèm theo dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành dẫn đến khó khăn cho đại biểu Quốc hội khi xem xét, cho ý kiến về các nội dung cụ thể của từng điều khoản, xem xét đánh giá tác động của chính sách, thủ tục hành chính phát sinh. Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc để quy định chi tiết hơn các nội dung, có thêm đánh giá tác động cũng như lấy ý kiến các đối tượng bị tác động đặc biệt là doanh nghiệp.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu cũng đề nghị cần có nghiên cứu thấu đáo đối với các quy định về thi hành án đối với pháp nhân thương mại trong dự thảo Luật. Cần thiết kế lại các quy định theo hướng thi hành hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp quy định ở các mục riêng; giao một cơ quan chủ trì thi hành án hình sự, còn các cơ quan khác phải có trách nhiệm cùng thực hiện.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết các ý kiến thảo luận tại phiên họp là cơ sở để Ủy ban Tư pháp hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục dành nhiều thời gian nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các quy định về thi hành án đối với pháp nhân một cách chi tiết, cụ thể, bảo đảm tính khả thi, bổ sung thêm nội dung báo cáo đánh giá tác động, kinh nghiệm quốc tế để các đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Để lại một phản hồi