Ngành Luật là một ngành cao quý trong xã hội, đặc biệt là trong thời buổi Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. Hơn ai hết những sinh viên Luật đang rất băn khoăn lo lắng không biết làm thế nào để trang bị cho mình kiến thức luật thật vững chắc để tự tin bước vào đời.
Trên thực tế khi tiếp xúc với nhiều sinh viên, cô Nguyễn Thanh Minh- giảng viên trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Nhiều sinh viên đến năm 3 rồi mà còn lúng túng, không biết học như nào? Học thuộc bài ư? Không thể thuộc nổi vì Luật, Nghị định thay đổi liên tục, nhiều khi chưa học xong hết 1 học phần đã bắt đầu thấy có văn bản mới.
Trên cơ sở đó, Minh Luật có trao đổi và được Thạc sỹ, Giảng viên Nguyễn Thanh Minh cho biết phương pháp học Luật của cô như sau:
Trước hết, cần nắm được những khái niệm cơ bản của từng môn học. Ví như môn Lý luận nhà nước cần phải nắm được những khái niệm cơ bản như qui phạm pháp luật, chế định luật, ngành luật… Hoặc như môn Luật Hiến pháp cần biết Hiến pháp là gì, ngành luật Hiến pháp, khoa học Luật Hiến pháp… Khi đi chấm thi tốt nghiệp, cô Minh cho biết nhiều khi cả tổ “cười ra nước mắt” vì sinh viên ghi “ Hiến pháp thành Hiếp pháp”, “ Viện kiểm sát thành Viện kiểm soát”.
Song song với việc nắm được khái niệm cơ bản thì các bạn sinh viên nên tóm tắt lại nội dung của toàn bộ môn học để biết được chương trình môn đó gồm những bài nào? Việc nắm bắt được số luợng bài và số mục trong bài rất quan trọng. Khi khi nắm được số lượng bài và số mục trong bài, chúng ta sẽ nhớ được môn học đó gồm những nội dung gì, khi cần tìm thì tìm ở đâu và đương nhiên nhớ tên bài và tên mục trong bài trước sẽ dễ hơn là học ngay từng bài một.
Ví dụ: đối với môn Hiến pháp, chúng ta có thể nhớ ngay được môn này gồm 2 học phần:
+ Những vấn đề cơ bản của Hiến pháp và;
+ Bộ máy nhà nước.
Trong từng học phần, chúng ta lại xem xem có bao nhiêu bài. Mỗi bài có những mục gì để thấy được tổng thể của môn học rồi mới bắt đầu học. Như vậy, chúng ta học từ khái quát đến cụ thể. Học cụ thể bằng cách so sánh, phân tích, tổng hợp….
Để nhớ được những nội dung môn học cô Minh chủ yếu vẽ sơ đồ nhánh. Những nhánh cơ bản chính là tên bài học, nhánh thứ 2 là tên bài học, nhánh thứ 3 là tên các mục trong bài và cứ tiếp tục triển khai nhánh ra tiếp.
Thứ hai, khi học từng môn Luật, sinh viên cần tìm ra nội dung chính của môn đó là gì. Đối với Luật Hiến pháp, sinh viên không thể quên được hai vấn đề là : Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và Quyền lực Nhà nước. Và khi nắm được mấu chốt của vấn đề rồi thì chúng ta sẽ xác định được học cái gì để hiểu. Ví dụ: đối với vấn đề quyền lực nhà nước, chúng ta cần biết vị trí pháp lý của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan, cách thức thành lập của các cơ quan…để biết quyền lực nhà nước được xác định như thế nào?
Nói tóm lại, khi nắm được tinh thần của môn đó chúng ta sẽ đưa ra được chiến lược học phù hợp. Đối với các môn có bài tập như dân sự, hình sự, kinh tế, thương mại… sau khi nắm được lý thuyết, các bạn nên mở phần bản án đã xử rồi để xem. Ví dụ: Khi học đến ly hôn, các bạn hãy mở vài bản án ly hôn ra xem và giải thử xem quan điểm của mình và các thẩm phán như nào, có trùng hợp không. Nếu không giải được, mình phải xem lại xem mình hổng lý thuyết phần nào để ôn lại.
Để lại một phản hồi