[Hocluat.vn] Khoa học điều tra hình sự: Trình bày phương pháp điều tra các tội phạm xâm phạm nhân thân.
Những nội dung liên quan:
- Phương pháp điều tra các tội phạm xâm phạm sở hữu
- Đề cương ôn tập môn khoa học điều tra hình sự
- Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Đại học Luật Hà Nội
Phương pháp điều tra các tội phạm xâm phạm nhân thân
Mục mục: (Nhấn vào từng mục để chuyển nhanh đến phần nội dung)
1.1. Đặc điểm hình sự của tội phạm xâm phạm nhân thân.
1.1.1. Đặc điểm của các tội phạm xâm phạm nhân thân chi phối phương pháp điều tra.
1.1.2. Đặc điểm về đối tượng phạm tội xâm phạm nhân thân.
1.1.3. Đặc điểm về thủ đoạn phạm tội xâm phạm nhân thân.
1.1.4. Hiện trường dấu vết các vụ án xâm phạm nhân thân.
1.1.5. Đặc điểm về người bị hại trong các vụ án xâm phạm nhân thân.
1.2. Những vấn đề cần phải chứng minh trong điều tra các vụ án xâm phạm nhân thân.
- Một là: Các vụ án xâm phạm nhân thân xẩy ra trên thực tế hay không?
- Hai là: Thời gian và địa điểm gây án.
- Ba là: Thủ đoạn gây án.
- Bốn là: Vũ khí, công cụ, phương tiện gây án.
- Năm là: Đặc điểm cá nhân của người bị hại.
- Sáu là: Đối tượng gây án, động cơ mục đích gây án.
- Bảy là: Những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm.
2. Tiến hành các hoạt động điều tra
2.1. Giai đoạn điều tra ban đầu:
- Thứ nhất: Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm nhân thân
- Thứ hai: Tiến hành những biện pháp cấp bách:
- Thứ ba: Khởi tố vụ án hình sự
- Thứ tư: Tiến hành các hoạt động trinh sát phối hợp trong điều tra các tội phạm xâm phạm nhân thân.
- Thứ năm: Khởi tố bị can
2.2. Giai đoạn điều tra tiếp theo:
- Thứ nhất: Tổng hợp tài liệu chứng cứ đã thu thập được về vụ án, lập kế hoạch điều tra:
- Thứ hai: Bắt, khám xét, thu thập vật chứng, tài liệu trong điều tra các vụ án xâm phạm nhân thân
- Thứ ba: Hỏi cung bị can phạm tội xâm phạm nhân thân:
- Thứ tư: Thực nghiệm điều tra.
- Thứ năm: Trưng cầu giám định chuyên môn
- Thứ sáu: Nhận dạng
- Thứ bảy: Đối chất
2.3. Giai đoạn kết thúc điều tra các vụ án xâm phạm nhân thân.
1. Đặc điểm hình sự của tội phạm và những vấn đề cần chứng minh trong điều tra các tội phạm xâm phạm nhân thân.
1.1. Đặc điểm hình sự của tội phạm xâm phạm nhân thân.
1.1.1. Đặc điểm của các tội phạm xâm phạm nhân thân chi phối phương pháp điều tra.
– Các tội phạm xâm phạm nhân thân đã xâm phạm trực tiếp đến quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người. Hậu quả do tội phạm gây ra là chết người hoặc các tổn hại về sức khỏe danh dự, nhân phẩm, riêng tổn hại về sức khoẻ được xác định bằng tỷ lệ phần trăm thương tích theo qui định của pháp luật.
– Các tội phạm xâm phạm nhân thân thường thể hiện bằng hành động tác động tực tiếp lên thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người… gây ra các tổn hại. Nhiều trường hợp hành động đó còn được hỗ trợ bằng việc sử dụng các công cụ, phương tiện, vũ khí… để thực hiện tội phạm, thể hiện tính nguy hiểm của hành vi phạm tội đồng thời thể hiện sự quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng.
– Đặc điểm về hiện trường các vụ án xâm phạm nhân thân rất có ý nghĩa cho hoạt động điều tra làm rõ vụ án… đặc biệt là đối với các tội xâm hại trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của con người.
Hiện trường là nơi phản ánh nhiều nhất các hành vi xâm hại, diễn biến của quá trình thực hiện hành vi, các dấu vết phản ánh hành vi xâm hại. Vì vậy, công tác khám nghiệm hiện trường cần được chú trọng trong hoạt động điều tra nhất là giai đoạn điều tra ban đầu các tội xâm phạm nhân thân.
– Các dấu vết phổ biến của các vụ xâm phạm nhân thân: Các dấu vết phổ biến của các vụ xâm phạm nhân thân chính là các dấu vết sinh vật, các dấu vết thương tích… do hành vi phạm tội của đối tượng để lại. Các dấu vết này thể hiện hành vi phạm tội có nét đặc thù của đối tượng gây án, có thể để lại trên hiện trường của vụ án, trên người bị hại, để lại trên công cụ, phương tiện phạm tội, nhiều trường hợp còn có thể để lại chính trên người của thủ phạm. Vì vậy, thông qua dấu vết đặc trưng mà có thể phân biệt nhóm các tội phạm xâm phạm nhân thân với các tội phạm khác, đồng thời cũng có thể xác định được những nơi để lại các dấu vết đó để phát hiện thu thập phục vụ cho công tác điều tra làm rõ vụ án.
– Đối tượng phạm tội xâm phạm nhân thân, thường có tâm lý lì lợm, coi thường tính mạng, sức khoẻ của người khác… động cơ, mục đích phạm tội cũng đa dạng, phức tạp, có thể do mâu thuẫn thù tức; có thể do ghen tuông tình ái; có thể để thực hiện hoặc che giấu một tội phạm khác; có thể do dùng các chất kích thích hoặc cũng có thể do tính côn đồ hung hãn…
– Giữa đối tượng phạm tội và người bị hại thường có quan hệ, hoặc tiếp xúc với nhau trước khi đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, nhiều trường hợp đối tượng và người bị hại có quan hệ thân thiết, nhiều trường hợp là thân nhân, họ hàng…
– Đặc điểm về người bị hại trong các vụ án xâm phạm nhân thân cũng đa dạng, nhiều trường hợp chính do cách sống, do hành vi của người bị hại là nguyên nhân chính thúc đẩy đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Đây là những đặc điểm chính chi phối tới phương pháp điều tra các tội phạm xâm phạm nhân thân, chính những đặc điểm này đòi hỏi trong quá trình điều tra cần phải khai thác triệt để, từ đó định hướng cho hoạt động điều tra thu thập chứng cứ, nhất là giai đoạn điều tra ban đầu.
1.1.2. Đặc điểm về đối tượng phạm tội xâm phạm nhân thân.
– Thành phần đối tượng phạm tội.
Tính đa dạng, phức tạp về thành phần đối tượng phạm tội và động cơ mục đích gây án.
+ Những đối tượng phạm tội xâm phạm nhân thân ở trong tất cả các thành phần xã hội khác nhau như dân tộc, giới tính, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, địa vị xã hội, lứa tuổi, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế… Có những đối tượng phạm tội xâm phạm nhân thân nguyên là cán bộ, công nhân viên chức, đảng viên, Công an, bộ đội…
+ Động cơ mục đích phạm tội cũng rất đa dạng. Những người phạm tội xâm phạm nhân thân có vô số mục đích khác nhau và do những động cơ khác nhau. Các động cơ mục đích phạm tội xâm phạm nhân thân phổ biến là:
Do thù hằn, mâu thuẫn; vì ghen tuông, tình ái; do mê tín; xâm phạm nhân thân để che giấu hành vi phạm tội khác hoặc để thực hiện một hành vi phạm tội khác; xâm phạm nhân thân mang tính chất côn đồ hung hãn…
– Động cơ mục đích phạm tội.
+ Các vụ xâm phạm nhân thân mang tính chất côn đồ hoặc xâm phạm nhân thân để che giấu tội phạm khác… thì thành phần đối tượng đa số là đối tượng sưu tra hình sự hoặc có quá khứ xấu.
+ Các vụ xâm phạm nhân thân vì mục đích khác, chẳng hạn xâm phạm nhân thân vì mâu thuẫn thù tức, vì ghen tuông … đối tượng phạm tội đa số là chưa có quá khứ phạm tội; giữa thủ phạm và nạn nhân phần lớn là có quan hệ với nhau từ trước… Mâu thuẫn giữa thủ phạm và nạn nhân trong trường hợp này thường phát sinh và tồn tại trong một thơì gian dài, bộc lộ ra bên ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau rất dễ nhận biết (chẳng hạn thường xuyên đánh cãi chửi nhau).
– Đặc điểm tâm lý.
Tâm lý của thủ phạm trước và sau khi gây án xâm phạm nhân thân, nhất là sau khi gây án, thường có những diễn biến khác thường, bộc lộ ra ngoài rất dễ nhận biết. Đó là sự hoang mang, lo lắng, căng thẳng, dao động, hoảng loạn, thay đổi quy luật sinh hoạt, thăm dò cơ quan điều tra; tung tin đánh lạc hướng; mua chuộc, đe dọa người biết việc. Tuy vậy, cũng có nhiều đối tượng sau khi gây án vẫn tỏ ra bình tĩnh, tin tưởng vào sự bí mật của hành vi mà chúng đã gây ra. Những đối tượng này thường là những kẻ lưu manh chuyên nghiệp, nhiều tiền án tiền sự
1.1.3. Đặc điểm về thủ đoạn phạm tội xâm phạm nhân thân.
* Giai đoạn chuẩn bị gây án
Trừ những vụ xâm phạm nhân thân bột phát, mang tính côn đồ, còn lại hầu hết các vụ xâm phạm nhân thân thủ phạm đều có giai đoạn chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Các biểu hiện trong giai đoạn này thường là:
– Điều tra nghiên cứu kỹ về nạn nhân, tìm hiểu nơi ở, nơi làm việc, quy luật đi lại, sinh hoạt, nghỉ ngơi, thói quen, nhu cầu sở thích, các mối quan hệ gia đình và xã hội… của người bị hại để lợi dụng hoặc điều chuyển họ đến nơi để đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
– Đối với các vụ xâm phạm nhân thân với mục đích cướp của, thủ phạm còn tìm hiểu về tài sản, tiền bạc, nơi cất giấu, sơ đồ cấu trúc nhà cửa, các thành viên khác trong gia đình.
– Các vụ xâm phạm nhân thân vì ghen tuông mâu thuẫn hoặc xâm phạm nhân thân để bịt đầu mối, đối tượng thường dựa vào quan hệ có sẵn để điều nạn nhân đến một nơi mà chúng chuẩn bị trước để thực hiện hành vi phạm tội, sau đó xoá các dấu vết, tiêu huỷ các vật chứng nhằm che giấu tội phạm.
– Sau khi nghiên cứu kỹ về nạn nhân, thủ phạm tính toán lựa chọn hình thức gây án và chuẩn bị hung khí, phương tiện gây án sao cho phù hợp nhất.
– Hình thức gây án quy định hung khí gây án và do đó sẽ quy định cả về thời gian, địa điểm tiến hành, số lượng đối tượng tham gia và các hành vi khác nhằm che giấu tội phạm.
* Tiến hành gây án.
– Đối tượng phạm tội thường tìm cách để thực hiện hành vi phạm tội được nhanh chóng, bất ngờ và có kết quả nhất bằng cách chọn và lợi dụng hoàn cảnh khách quan như ở nơi vắng người, đêm tối… cố gắng không để người khác trông thấy, nghe thấ y những gì có liên quan đến hành đông phạm tội.
– Khi điều nạn nhân đến nơi mà chúng đã chuẩn bị trước hoặc đón lõng tại nơi mà nạn nhân đi qua hoặc sẽ tới, chúng lựa chọn thời cơ tấn công bất ngờ, nạn nhân không kịp tự vệ, không kịp kêu cứu, không kịp chạy trốn, thời gian diễn ra tương đối nhanh chóng và mau lẹ.
* Sau khi gây án
– Những vụ án mà giữa thủ phạm và nạn nhân có mối quan hệ từ trước, sau khi gây án thủ phạm thường tìm cách xoá các dấu vết, giả tạo hiện trường… nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
– Một thủ đoạn phổ biến nữa là thủ tiêu các loại giấy tờ; đồ vật có liên quan đến nạn nhân hoặc quan hệ của nạn nhân; làm mất đặc điểm nhận dạng của nạn nhân trong các vụ án giết người.
– Thủ tiêu hung khí, giữ bí mật việc sử dụng thời gian gây án, thăm dò theo dõi cơ quan điều tra để tìm cách đối phó; tung tin giả đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
– Bỏ đi khỏi địa bàn cư trú với những lý do “tự nhiên, hợp pháp” nhiều trường hợp đối tượng sau khi gây án đã bỏ trốn.
1.1.4. Hiện trường dấu vết các vụ án xâm phạm nhân thân.
* Hiện trường vụ án gắn liền với dấu vết vụ án và phản ánh một cách khách quan động cơ mục đích, diễn biến, hình thức thủ đoạn, hung khí phương tiện… và những tình tiết khác của vụ án.
Trong điều tra các tội phạm xâm phạm nhân thân thường xuất hiện một số hiện trường điển hình như:
– Xâm phạm nhân thân với động cơ mục đích giết người hoặc giết người để cướp của: Ngoài các dấu vết hung khí trên tử thi, hiện trường còn để lại nhiều dấu vết lục soát, cạy phá nhằm tìm kiếm, chiếm đoạt tài sản.
– Xâm phạm nhân thân với động cơ, mục đích hiếp dâm: trên hiện trường để lại những dấu vết vật lộn, thể hiện sự tự vệ chống cự của nạn nhân. Trên cơ thể nạn nhân có thể có dấu vết của bạo lực: vết giằng xé quần áo, vết thương tích trên thân thể, và đặc biệt là dấu vết giao cấu cưỡng bức, dấu vết sinh vật như, tinh trùng, vết máu, lông tóc…
– Xâm phạm nhân thân do mâu thuẫn thù tức hoặc ghen tuông tình ái: ngoài các dấu vết máu, vết chân tay, các dấu vết công cụ… còn tồn tại nhiều dấu vết thể hiện sự căm thù cao độ.
* Các dấu vết phổ biến trong các vụ án xâm phạm nhân thân:
– Dấu vết sinh vật: Vết máu, lông, tóc, nước bọt, tinh khí và các chất thải sinh vật khác;
– Dấu vết thương tích bên ngoài và bên trong nạn nhân;
– Dấu vết vân tay, vết chân, dày dép…;
– Dấu vết công cụ cạy phá lục soát;
– Dấu vết phương tiện giao thông;
– Dấu vết súng đạn;
– Dấu vết các chất axit;
– Các dấu vết hình sự khác…
1.1.5. Đặc điểm về người bị hại trong các vụ án xâm phạm nhân thân.
– Án xâm phạm nhân thân có đặc trưng riêng đó là cả đối tượng phạm tội và mục tiêu phạm tội đều là con người. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, lúc đầu nhiều vụ chưa xác định được tung tích người bị hại nhất là các vụ án giết người nên gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra. Do đó, phải khẩn trương tiến hành công tác bảo vệ và khám nghiệm hiện trường, thu thập những thông tin về lai lịch, tung tích nạn nhân để tạo điều kiện cho các bước điều tra tiếp theo.
– Nạn nhân trong các vụ giết cướp phần đông là những người giàu có hoặc tỏ ra giàu có. Một số hộ độc thân, có nhiều tài sản cũng là mục tiêu của bọn cướp.
– Đa số các nạn nhân trong các vụ án xâm phạm nhân thân có quan hệ với thủ phạm từ trước. Trong quá trình quan hệ, giữa thủ phạm với nạn nhân đã nảy sinh mâu thuẫn, các mâu thuẫn không được giải quyết một cách kịp thời, thoả đáng và thiếu triệt để… là điều kiện trực tiếp dẫn đến vụ án.
– Trong một số trường hợp, chính nạn nhân đã có những hành vi trái pháp luật với thủ phạm hoặc với thân nhân thủ phạm và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ án.
1.2. Những vấn đề cần phải chứng minh trong điều tra các vụ án xâm phạm nhân thân.
Trong quá trình điều tra, việc xác định cụ thể và chính xác những vấn đề cần chứng minh trong vụ xâm phạm nhân thân không những giúp cho điều tra viên lập kế hoạch điều tra được đúng đắn, chính xác mà còn tạo điều kiện giải quyết vụ án, xử lý người phạm tội được một cách khách quan.
Căn cứ vào các Điều 93 đến Điều 122 của Bộ luật Hình sự và Điều 63 của Bộ luật Tố tụng hình sự trong quá trình điều tra, cần thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh những vấn đề sau đây.
– Các vụ án xâm phạm nhân thân xẩy ra trên thực tế hay không.
Chứng minh làm rõ có vụ án xảy ra hay không có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì kết quả có thể dẫn đến đình chỉ điều tra nếu trên thực tế vụ án không xảy ra. Ngược lại kết quả chứng minh làm rõ có vụ án xảy ra, thì đó là cơ sở để cơ quan điều tra xác định phương hướng hoạt động điều tra.
– Thời gian và địa điểm gây án.
Chứng minh thời gian và địa điểm gây án là làm rõ vụ án xẩy ra lúc nào, ở vị trí địa điểm nào. Bởi vì, có vụ án xẩy ra thì nhất định phải xẩy ra ở thời gian và không gian nhất định, không chỉ nói lên tính khách quan, thực tế mà là cơ sở để xác định ai là người bị hại và ai là người gây ra hành vi nguy hiểm cho xã hội.
– Thủ đoạn gây án.
Làm rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội từ khâu chuẩn bị gây án, thủ đoạn gây án và hành vi che giấu tội phạm. Mức độ nguy hiểm của tội phạm, được xác định trên cơ sở nghiên cứu tính chất của hành vi phạm tội và hậu quả xẩy ra khi thực hiện hành vi đó. Làm rõ thủ đoạn gây án sẽ tạo ra cơ sở để phân biệt rõ giữa các tội cụ thể trong nhóm các tội phạm xâm phạm nhân thân (giết người hay cố ý gây thương tích hay gây rối trật tự công cộng?).
– Vũ khí, công cụ, phương tiện gây án.
Phải chứng minh làm rõ thủ phạm đã sử dụng vũ khí, công cụ phương tiện gì để gây án. Nguồn gốc của vũ khí, công cụ phương tiện đó. Thủ phạm tự làm hay mua sắm, mang theo để gây án hay thu nhặt ở hiện trường… Vũ khí, phương tiện gây án là những vật chứng quan trọng để chứng minh sự thật vụ án, góp phần giải quyết vụ án được khách quan và chính xác (vụ con dao trong vụ giết Thiếu úy Lê Thanh Sơn đừng Hải Triều, quận 1; vụ Cố ý gây thương tích ở bùng binh đường Nguyễn Trãi, quận 1…).
– Đặc điểm cá nhân của người bị hại.
Làm rõ đặc điểm nhân thân của người bị hại, quá trình lịch sử, tâm lý cá tính, nghề nghiệp, tiền sự, tiền án… tạo cơ sở để xem xét đánh giá hành vi của người bị hại trước và trong khi xẩy ra vụ án. Đặc biệt chú ý đối với những vụ án xâm phạm nhân thân do đối tượng bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân hoặc vụ án xâm phạm nhân thân do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Làm rõ tính chất mức độ thương tích của người bị hại cũng như mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội của thủ phạm gây ra với mức độ thương tích của người bị hại.
– Đối tượng gây án, động cơ mục đích gây án.
Phải chứng minh làm rõ đối tượng gây án là ai. Mối quan hệ giữa đối tượng và người bị hại, đối tượng có năng lực trách nhiệm hình sự hay không? Động cơ mục đích gây án, nếu đối tượng gây án có nhiều thì phải làm rõ vai trò, vị trí của từng đối tượng.
Để xác định động cơ mục đích gây án thì phải làm rõ hành vi gây án, hậu quả tác hại mối quan hệ giữa đối tượng và người bị hại, đặc điểm nhân thân của bị can.
– Những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm.
Điều tra viên cần khách quan, thận trọng. Trong quá trình thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ phải luôn chú ý cả mặt thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh tội phạm, có tài liệu chứng cứ chứng minh vô tội, có tình tiết tăng nặng, có tính tiết giảm nhẹ. Tuyệt đối không được chủ quan, định kiến một chiều, chỉ chú ý buộc tội hoặc chỉ chú ý tình tiết tăng nặng mà không chú ý tình tiết giảm nhẹ.
Trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh vụ án, phải thu thập tài liệu chứng minh những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm và phải thể hiện trong hồ sơ vụ án.
2. Tiến hành các hoạt động điều tra các tội phạm xâm phạm nhân thân
2.1. Giai đoạn điều tra ban đầu:
Trong giai đoạn điều tra ban đầu để làm rõ vụ án, cần tiến hành những công việc sau đây:
Thứ nhất: Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm nhân thân
– Nguồn tin báo về tội phạm xâm phạm nhân thân thường từ:
Lời trình báo của nạn nhân hoặc của thân nhân nạn nhân; Lời trình báo của công dân; Tin báo của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; Tin từ các lực lượng quản lý công khai như: lực lượng tuần tra kiểm soát, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự; Các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình …); Tội phạm tự thú…
– Khi tiếp nhận những tin báo cần ghi rõ những nội dung theo “Lục Hà”.
– Kiểm tra xác minh nguồn tin: Có thể qua CA phường hoặc trực tiếp xác minh.
Thứ hai: Tiến hành những biện pháp cấp bách:
– Cấp cứu nạn nhân ;
– Truy bắt thủ phạm gây án theo dấu vết nóng (nếu được);
– Bảo vệ hiện trường và khám nghiệm hiện trường ;
– Xác định và lấy lời khai ban đầu người làm chứng, người bị hại..;
– Truy tìm tung tích nạn nhân(nếu chưa rõ tung tích nạn nhân);
Thứ ba: Khởi tố vụ án hình sự
Sau khi tiến hành các hoạt động trên thấy có sự việc phạm tội xảy ra thì ra quyết định khởi tố vụ án để tiến hành các hoạt động điều tra, việc khởi tố vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thứ tư: Tiến hành các hoạt động trinh sát phối hợp trong điều tra các tội phạm xâm phạm nhân thân.
Trừ những vụ án đã rõ thủ phạm, còn các vụ án chưa rõ thủ phạm các hoạt động trinh sát hỗ trợ thường được sử dụng bao gồm:
– Xác lập và xác minh hiềm nghi:
Cần căn cứ vào từng vụ đối với từng tội phạm cụ thể mà phối hợp để xác lập các đối tượng hiềm nghi phù hợp với các dấu hiệu theo quy định. Sau khi đã xác lập được các đối tượng hiềm nghi thì tiến hành kiểm tra, xác minh hiềm nghi đối với các đối tượng, cụ thể:
+ Kiểm tra về việc sử dụng thời gian: cần căn chính xác việc sử dụng thời gian trước, trong và sau khi vụ án xảy ra. Từ đó làm cơ sở xác minh kết luận.
+ Kiểm tra đối tượng nhằm phát hiện những dấu vết trên người, quần áo vết máu, thương tích… nghi do gây án để lại.
+ Xem xét dấu vết trên thân thể.
+ Cần xem xét theo dõi diễn biến tư tưởng của đối tượng sau khi vụ án xảy ra.
+ Nghiên cứu rõ căn cước, lai lịch, nhân thân, quan hệ của họ với người bị hại.
– Sử dụng biện pháp trinh sát xác minh:
Trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với đối tượng nghi vấn để xác minh. Gián tiếp gặp gỡ với người có quan hệ với đối tượng, với chính quyền, cơ quan , xí nghiệp nơi quản lý đối tượng… để xác minh.
– Sử dụng đặc tình, cơ sở bí mật hoặc công tác viên danh dự để phát hiện và thu thập các thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác điều tra làm rõ vụ án.
– Sử dụng biện pháp ngoại tuyến để theo dõi, giám sát đối tượng thu thập tài liệu chứng cứ về hành vi phạm tội của đối tượng.
Thứ năm: Khởi tố bị can
Sau khi đã tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu, tiến hành các biện pháp cấp bách, xác định được đối tượng phạm tội thì ra quyết định khởi tố bị can để áp dụng các biện pháp điều tra đối với bị can. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền khởi tố bị can theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2.2. Giai đoạn điều tra tiếp theo:
Giai đoạn điều tra tiếp theo là giai đoạn chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội về thực chất giai đoạn này là giai đoạn áp dụng các biện pháp điều tra được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự để thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm. Cụ thể:
Thứ nhất: Tổng hợp tài liệu chứng cứ đã thu thập được về vụ án, lập kế hoạch điều tra:
– Tổng hợp tài liệu ban đầu: Thông qua kết quả công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi (nếu có), lấy lời khai ban đầu, tiến hành các hoạt động cấp bách… Điều tra viên phải tập hợp tất cả các tài liệu để xác định: Thời gian địa điểm xảy ra vụ án; Công cụ, phương tiện gây án; Những dấu vết để lại; Thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội; Lai lịch, quan hệ của người bị hại; Động cơ mục đích phạm tội… Xác định những vấn đề đã rõ, đã có tài liệu, những vấn đề chưa rõ, cần phải tiếp tục làm rõ, cần tiếp tục thu thập.
– Lập kế hoạch điều tra: Trên cơ sở những tài liệu đã thu thập được cần nêu ra các giả thuyết nghiệp vụ từ đó xác định những biện pháp điều tra cần áp dụng, những hoạt động trinh sát cần hỗ trợ. Các công việc trọng tâm, cơ bản cần phải giải
quyết, lực lượng, phương tiện, thời gian cần sử dụng để hoàn thành các công việc đó. Nội dung bản kế hoạch điều tra không cố định mà thường xuyên bổ sung, điều chỉnh theo tiến độ phát triển của các hoạt động điều tra.
Thứ hai: Bắt, khám xét, thu thập vật chứng, tài liệu trong điều tra các vụ án xâm phạm nhân thân
– Bắt đối tượng phạm tội: Khi bắt đối tượng trong điều tra các tội phạm xâm phạm nhân thân phải tuân thủ chiến thuật bắt nói chung, song cần chú ý:
Khi tiến hành bắt phải nhanh chóng bất ngờ, tuỳ từng đối tượng cụ thể ta sẽ có kế hoạch bắt cụ thể, sát hợp. Khi đã có lệnh bắt có thể áp dụng mọi biện pháp để bắt bằng được đối tượng.
– Khám xét: Khi khám xét phải có đầy đủ căn cứ quy định tại Điều 115 Bộ luật Tố tụng hình sự. Chú ý phát hiện, thu giữ công cụ, hung khí gây án, đồ vật tài sản của người bị hại bị chiếm đoạt cũng như tất cả những vật chứng tài liệu chứng minh tội phạm và người phạm tội. Khi khám xét phải tuân thủ quy định về quyền và thủ tục quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thứ ba: Hỏi cung bị can phạm tội xâm phạm nhân thân:
– Những vấn đề cần làm rõ qua công tác hỏi cung bị can
Qua hỏi cung bị can cần làm rõ mục đích động cơ phạm tội của bị can; nhân thân lai lịch của từng bị can; diễn biến của quá trình phạm tội, thời gian địa điểm xảy ra; công cụ phương tiện đã sử dụng để thực hiện tội phạm, nguồn gốc các công cụ, phương tiện đó; Làm rõ mối quan hệ của bị can với người bị hại; Nguyên nhân dẫn tới việc thực hiện tội phạm …
– Để hỏi cung đạt kết quả tốt, Điều tra viên cần làm tốt những vấn đề sau:
+ Nghiên cứu kỹ nguồn tin ban đầu, từ đó xác định diễn biến của vụ án, giúp xác định đối tượng gây án.
+ Nghiên cứu kỹ hiện trường, dấu vết vật chứng đã thu thập được từ đó sử dụng trong hỏi cung bị can.
+ Nghiên cứu tài liệu kết luận của giám định về tỷ lệ thương tật của nạn nhân, kết luận khám y khoa (đối với các vụ hiếp dâm, cưỡng dâm…) kết quả pháp y tử thi, các tài liệu đã thu thập được bằng các biện pháp khác.
+ Nghiên cứu nắm vững đặc điểm tâm lý, diễn biến của bị can để từ đó sử dụng các chiến thuật hỏi cung bị can sát hợp.
Thứ tư: Thực nghiệm điều tra.
– Thực nghiệm điều tra bằng làm thử trong trường hợp theo lời khai của đối tượng mà tài liệu chứng cứ ta chưa có nhiều. Hoặc trường hợp đối tượng phạm tội trong trường hợp khó thực hiện.
– Thực nghiệm điều tra bằng diễn lại đây là loại phổ biến để củng cố tài liệu, chứng cứ, kiểm tra toàn bộ lời khai của bị can và các tài liệu chứng cứ mà ta đã có.
– Khi tiến hành thực nghiệm điều tra phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người tham gia thực nghiệm điều tra và không để cho đối tượng chạy trốn.
– Đảm bảo đúng thủ tục quy định, quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ…
Thứ năm: Trưng cầu giám định chuyên môn
– Trưng cầu giám định thương tích nhằm xác định tỷ lệ thương tật của nạn nhân, phục vụ cho hoạt động điều tra làm rõ vụ án (có thể giám định qua hồ sơ bệnh án nếu người bị hại không có mặt tại Việt Nam).
– Trưng cầu giám định y khoa đối với các vụ hiếp dâm, cưỡng dâm… nhằm xác định các tổn thương do hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm gây ra;
– Trưng cầu giám định tình trạng tâm thần trong những trường hợp có nghi ngờ về tình trạng tâm thần của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội cũng như những trường hợp do hành vi phạm tội của đối tượng gây cho người bị hại.
– Trưng cầu giám định pháp y tử thi: Có thể trưng cầu giám định pháp y tử thi để xác định nguyên nhân chết, thời gian chết, các thương tích trên tử thi, hung khí để lại các thương tích đó. Những thương tích nào có thể do người bị hại tự gây ra, thương tích nào do thủ phạm gây ra. Thương tích nào có trước, có sau. Thương tích nào quyết định cái chết của nạn nhân. Nạn nhân bị chết ngay hay một thời gian sau khi bị gây thương rồi mới chết. Nạn nhân đã ăn uống gì trước khi chết, thời gian ăn đến khi chết là bao lâu. Nhóm máu của nạn nhân, nếu là nữ giới cần khám màng trinh, có thai hay không, có bị hiếp trước khi chết hay không…
– Trưng cầu giám định dấu vết súng đạn: Được áp dụng trong những trường hợp tội phạm có sử dụng súng khi thực hiện hành vi phạm tội nhằm xác định: Các vết bắn do một hay nhiều khẩu súng bắn ra, hướng bắn, tầm bắn. Cỡ súng, loại súng, cỡ đạn…
– Nếu thương tích do vũ khí sắc nhọn gây ra cần trưng cầu giám định để xác định: Hướng đâm, lực đâm, kích thước, đặc điểm của loại vũ khí đó.
– Trưng cầu giám định dấu vết vân tay, dấu vết dày dép nhằm xác định là của một người hay của nhiều người, cụ thể là ai…
– Trưng cầu giám định chất độc, chất ma tuý để xác định loại chất độc đó là gì, công thức của chất độc, nguồn gốc chất độc, nơi thường sử dụng. Nếu là chất ma tuý thì là loại gì, số lượng, hàm lượng…
Thứ sáu: Nhận dạng
– Tiến hành nhận dạng nạn nhân trong các vụ xâm phạm nhân thân:
Trường hợp nạn nhân còn sống thông qua nhận dạng nhằm xác định chính xác đối tượng gây án để phục vụ cho hoạt động điều tra làm rõ vụ án.
Trường hợp nạn nhân chết, việc nhận dạng tử thi để xác định người bị hại sau khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi ta trang điểm tử thi và để ở nơi thuận lợi cho mọi người qua lại quan sát, xác định đối với tử thi. Ngoài ra có thể nhận dạng thông qua ảnh hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
– Nhận dạng đối tượng gây án: có thể tiến hành bí mật hoặc công khai, khi nhận dạng phải chấp hành đúng quy định.
– Nhận dạng đồ vật, tài sản để xác định tài sản bị cướp, công cụ phương tiện gây án.
Thứ bảy: Đối chất
Khi cần thiết và thấy không còn biện pháp nào tối ưu hơn thì ta tổ chức cho đối chất để xác định sự thật của vụ án. Khi đối chất cần tuân thủ điều kiện và thủ tục tiến hành. Không để cho đối tượng thông cung hoặc hợp thức hoá lời khai.
2.3. Giai đoạn kết thúc điều tra các vụ án xâm phạm nhân thân.
– Tổng hợp toàn bộ tài liệu chứng cứ đã thu thập được, đối chiếu với những vấn đề cần chứng minh trong vụ án để sắp xếp và hoàn chỉnh hồ sơ. Phải đánh giá và xác định được độ chứng minh của các chứng cứ khi xem xét các tài liệu cần kiểm tra lại toàn bộ các nội dung tài liệu, chứng cứ, biện pháp thu thập, tính hợp pháp của nó như thế nào. Xác định tội phạm và người phạm tội: Toàn bộ tài liệu chứng cứ đã thu thập được đã đủ để kết luận tội phạm hay chưa. Ai đã thực hiện hành vi phạm tội, trong nhóm tội xâm phạm nhân thân thì cụ thể là tội gì? Các tài liệu chứng cứ nhứng minh hành vi phạm tội của đối tượng đã đủ hay chưa. Vụ án có nhiều bị can phải xác định vai trò của từng bị can trong vụ án, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ đối với bị can.
– Viết bản kết luận điều tra vụ án. Khi có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội thì viết bản kết luận điều tra, đề truy tố bị can. Nếu không đủ cơ sở đề nghị truy tố thì viết kết luận điều tra và ra quyết định đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án.
– Tổng kết rút kinh nghiệm: Tổng kết lại toàn bộ quá trình điều tra vụ án, rút ra những ưu điểm, những nhược điểm. Nếu cần có thể đúc rút ra thành kinh nghiệm để viết thành các tài liệu để phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ sau này. Những vấn đề tồn tại cần phải tiếp tục giải quyết biện pháp, lực lượng giải quyết.
Tài liệu được chia sẻ bởi thầy Lưu Hoài Bảo, GV, ThS, Trưởng Bộ môn luật hình sự – Khoa luật – Đại học Vinh / ĐT: 0987.181106; Email: luubaovinhuni@gmail.com
Để lại một phản hồi