Vấn đề áp dụng pháp luật đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

Chuyên mụcLuật hình sự, Thảo luận pháp luật Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là một trong những tội phạm có diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua, gây ra những hoang mang trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử đối với loại tội phạm này còn có nhiều vướng mắc, nhất là việc đánh giá xác định tội danh không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và giữa các Tòa án.

 

Các nội dung liên quan:

>>> Xem thêm: Các tội xâm phạm sở hữu tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

 

Điều này phần nào đã làm giảm hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh, chống tội phạm đối với loại tội phạm này. Trong phạm vi bài viết, tác giả đi sâu phân tích làm rõ khái niệm, phân tích dấu hiệu pháp lý và nêu quan điểm tranh luận đối với một số vụ án phức tạp có liên quan đến tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

1. Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là gì?

Theo khoản 1 Điều 169 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Về kỹ thuật lập pháp, nhà làm luật không mô tả hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trong điều luật. Do đó, dưới khía cạnh nghiên cứu, có nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra khi định nghĩa về hành vi phạm tội này như: “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là bắt đem giấu đi để làm con tin nhằm buộc gia đình, người thân phải nộp tiền chuộc“.

Tội phạm hoàn thành khi đã có hành vi bắt cóc và đòi tiền chuộc không kể là có lấy được tiền hay không. Nếu vì không đạt được mục đích đòi tiền chuộc mà kẻ phạm tội xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của con tin thì tùy hành vi thực hiện mà xử thêm tội giết người hoặc cố ý gây thương tích cùng với tội bắt cóc theo nguyên tắc phạm nhiều tội”; “Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt, giữ người khác làm con tin do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm buộc người muốn chuộc phải nộp cho mình tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt, giữ”; “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt người làm con tin nhằm buộc người khác phải nộp cho mình một khoản tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt”…

Trên phương diện lý luận có thể thấy, các quan điểm trên đã nêu ra được một số dấu hiệu pháp lý đặc trưng của hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều này đã góp phần làm rõ lý luận và định hướng tích cực cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, giải quyết các vụ án bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trên thực tế.

Tuy nhiên, theo quy định của một số văn bản pháp luật hiện hành có liên quan và thực tiễn công tác phòng ngừa và đấu tranh, chống tội phạm này cho thấy: Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.  Do đó, tiền cũng là tài sản nên việc sử dụng cụm từ “tiền hoặc tài sản” là chưa thật phù hợp. Khoản 1 Điều 169 BLHS quy định: “Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Tức là hành vi phạm tội thể hiện bằng việc “bắt cóc người khác” nhưng một số quan điểm chưa nêu ra được điều này. Ví dụ: Vụ án xảy ra tại Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do nợ tiền thua số đề hàng trăm triệu đồng, đối tượng nảy sinh ý định “moi” tiền cha mẹ bằng chiêu giả bị bắt cóc. Anh ta nhờ bạn trói tay chân, bịt mặt, cầm cưa doạ nạt khi gọi điện thoại video về cho gia đình đòi một tỷ đồng tiền chuộc. Gia đình K năn nỉ giảm xuống còn 800 triệu đồng và được “nhóm bắt cóc” đồng ý nhưng phải đưa trước 100 triệu qua ATM. Số tiền còn lại được hẹn giao nhận tại gần siêu thị Lotte Biên Hòa. Khi chúng vừa lấy tiền từ gia đình K thì bị lực lượng công an bắt giữ. Vụ án trên, “nhóm bắt cóc” bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 BLHS, mà không phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 169 BLHS. Do đó, khái niệm về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản cần phải nêu rõ dấu hiệu pháp lý này.

– Một số quan điểm trên chưa cắt nghĩa được thuật ngữ “bắt cóc” hoặc điểm khác biệt của hành vi “bắt, giữ người khác làm con tin” trong tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản với các tội phạm khác. Thực tế đã xảy ra vụ án, nửa đêm đối tượng đột nhập vào nhà của hai mẹ con (đứa con còn nhỏ). Đối tượng đã bắt, giữ, kề dao vào cổ đứa con làm con tin để uy hiếp, yêu cầu người mẹ phải đưa cho đối tượng 30 triệu đồng thì mới thả đứa con, nếu không đứa con sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. Xung quanh vụ án này, có nhiều quan điểm tranh luận giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi định tội danh, đối tượng phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản hay cướp tài sản?

Theo Từ điển Tiếng Việt, “bắt cóc là bắt người một cách đột ngột và đem giấu đi”. Chúng tôi cho rằng, việc giải thích thuật ngữ “bắt cóc” trong Từ điển Tiếng Việt là tương đối sát nghĩa, thể hiện được bản chất của hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản so với các tội phạm khác.

Bắt cóc người khác phải thể hiện việc đưa người bị bắt giấu đi ở một nơi nào đó mà không muốn cho người khác biết, đặc biệt là đối với người thân, gia đình của người bị bắt (người muốn chuộc con tin). Do đó, trong vụ án trên, nếu xử lý đối tượng về hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là chưa thật sự phù hợp, chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Với những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt người khác đem giấu ở một địa điểm nào đó để làm con tin, nhằm uy hiếp buộc người muốn chuộc con tin (có thể là người thân trong gia đình, bạn bè của người bị bắt…) phải giao tiền hoặc tài sản khác thì mới thả người bị bắt.

2. Một số vấn đề cần chú ý trong quá trình áp dụng pháp luật đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

2.1. Vấn đề xác định thời điểm hoàn thành đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

Dưới khía cạnh nghiên cứu lý luận, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được xác định là tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành khi đối tượng thực hiện được hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản của người khác hay không thì không có ý nghĩa trong việc định tội. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm hoàn thành của tội phạm vẫn có một số quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi bắt cóc, không phụ thuộc vào việc đã bắt cóc được người khác làm con tin hay chưa và chứng minh được hành vi bắt cóc đó nhằm chiếm đoạt tài sản thì tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành. Quan điểm thứ hai cho rằng, khi người phạm tội đã thực hiện được hành vi bắt cóc người khác làm con tin và hành vi đó nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì tội phạm đã hoàn thành.

Quan điểm thứ ba cho rằng, khi người phạm tội đã thực hiện được hành vi bắt cóc và đe dọa, có yêu sách về tài sản, không phụ thuộc vào việc họ có chiếm đoạt được tài sản hay không thì tội phạm đã hoàn thành. Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, khi xác định rằng, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hoàn thành khi người phạm tội thực hiện được hành vi bắt cóc người khác làm con tin và hành vi đó nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Điều này sẽ phù hợp về mặt kỹ thuật lập pháp vì khi đó hành vi của người phạm tội đã thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý được mô tả trong cấu thành tội phạm. Khi người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi bắt cóc nhưng chưa bắt cóc được người khác làm con tin thì hành vi đó chưa thỏa mãn dấu hiệu pháp lý được mô tả trong cấu thành cơ bản của tội phạm “Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản…” (Khoản 1 Điều 169) nên tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản chưa hoàn thành. Còn việc đối tượng đã thực hiện hành vi đưa ra yêu sách về tài sản, đe dọa đòi tiền chuộc hay chưa, điều đó không phải dấu hiệu pháp lý được mô tả trong cấu thành tội phạm, mà nó thuộc về vấn đề chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự.

2.2. Thời gian giam giữ con tin trong tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

Trong thực tiễn xét xử hiện vẫn còn đang có sự tranh cãi về thời gian giam giữ người bị hại. Quan điểm thứ nhất cho rằng, nếu có hành vi bắt và giam giữ con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, bất kể thời gian giam giữ là bao lâu. Quan điểm thứ hai cho rằng, nếu thời gian giam giữ con tin không nhiều, chẳng hạn như chỉ vài phút, thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.

Chúng tôi cho rằng, việc phân biệt giữa tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản không phải dựa trên thời gian giam giữ người bị hại như một số quan điểm được nêu ra. Việc phân biệt các tội phạm với nhau cần được dựa trên dấu hiệu pháp lý đặc trưng của mỗi tội phạm theo luật định. Khoản 1 Điều 170 BLHS quy định: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể dùng bất cứ phương thức, thủ đoạn nào để uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng họ không thực hiện hành vi bắt cóc người khác làm con tin để uy hiếp tinh thần người khác. Nếu người phạm tội có hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì không kể thời gian giam, giữ con tin là bao lâu thì vẫn phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, ngay cả trong trường hợp đối tượng chưa bắt cóc được người khác làm con tin nhưng đủ căn cứ chứng minh đối tượng có ý định bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản.

2.3. Nếu người phạm tội bắt cóc người khác làm con tin nhưng không đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản nên đã có hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe của con tin thì có cấu thành tội phạm độc lập hay không?

Hành vi khách quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt cóc người khác làm con tin và hành vi chiếm đoạt tài sản. Thiệt hại do những hành vi này gây ra cho quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu là hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đó là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Hành vi bắt cóc là tiền đề, cơ sở và là thủ đoạn quyết định đến việc đối tượng có thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản và những thiệt hại do hành vi bắt cóc gây ra cho con tin cũng nhằm hướng đến việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Do đó, những thiệt hại nào xuất hiện trong quá trình thực hiện hành vi bắt cóc gây ra cho con tin mà không hướng đến việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì không phải là hậu quả của tội phạm và hành vi gây thiệt hại đó cũng không phải là hành vi khách quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, nếu người phạm tội không đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản nên đã có hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe của con tin thì hành vi này sẽ bị truy cứu theo cấu thành tội phạm độc lập. Điều này thể hiện đúng bản chất của hành vi phạm tội, nó giống như một hành vi trả thù nạn nhân khi không chiếm đoạt được tài sản.

2.4. Vấn đề mấu chốt để phân biệt tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản với tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản

Đối với tội cướp tài sản, người phạm tội thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi của người phạm tội hướng đến việc tấn công, uy hiếp, đe dọa trực tiếp đối với người đang quản lý tài sản hoặc đối với người có thể gây cản trở việc chiếm đoạt tài sản của đối tượng. Với hành vi của mình, người phạm tội mong muốn đặt người bị tấn công vào tình trạng không thể chống cự được, để chiếm đoạt được tài sản ngay tức khắc (tại thời điểm thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác).

Người bị tấn công thường không có nhiều thời gian để suy nghĩ, lựa chọn việc có nên giao tài sản cho đối tượng hay không. Đây chính là thủ đoạn quyết định đến việc đối tượng chiếm đoạt được tài sản. Trong trường hợp, nếu người bị tấn công có hành vi chống trả lại đối tượng thì điều đó là những yếu tố khách quan, nằm ngoài ý muốn chủ quan của các đối tượng phạm tội và điều này không ảnh hưởng đến việc định tội, nhưng có ý nghĩa trong việc xem xét về mức độ trách nhiệm hình sự.

Đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội đã thực hiện hành vi bắt người khác đem giấu ở một địa điểm nào đó để làm con tin, nhằm uy hiếp buộc người muốn chuộc con tin (có thể là người thân trong gia đình, bạn bè của người bị bắt…) phải giao tiền hoặc tài sản khác thì mới thả người bị bắt. Cụm từ “đem giấu ở một địa điểm nào đó” thể hiện việc người phạm tội không muốn cho người muốn chuộc con tin hoặc cơ quan chức năng biết được địa điểm “giấu con tin” và dùng nó để uy hiếp người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đây chính là thủ đoạn quyết định đến việc đối tượng chiếm đoạt được tài sản. Thông thường, người phạm tội sẽ hẹn người muốn chuộc con tin ở một địa điểm nào đó (khác địa điểm giấu con tin) để chiếm đoạt tài sản của họ. Hành vi của người phạm tội chưa đến mức làm cho người bị đe dọa tê liệt ý chí, mất sức phản kháng ngay tức khắc mà họ vẫn có điều kiện để thỏa thuận, thương lượng về giá trị tài sản chuộc; vẫn có điều kiện cân nhắc xem có nên giao tài sản cho đối tượng hay không; vẫn có điều kiện nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng trong việc giải cứu con tin, bắt giữ đối tượng… Chính vì vậy, dưới phương diện lý luận và kỹ thuật lập pháp, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được xác định là có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn so với tội cướp tài sản.

Đối với tội cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội không có hành vi bắt cóc người khác làm con tin; không có hành vi dùng vũ lực đối với người khác nhằm chiếm đoạt tài sản; không có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, mà chỉ là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực để uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Người bị hại không bị tê liệt hoàn toàn về ý chí, không bị lâm vào tình trạng không thể chống cự được mà vẫn có thời gian suy nghĩ có nên giao tài sản cho đối tượng hay không; vẫn có điều kiện để thỏa thuận, thương lượng về giá trị tài sản giao cho đối tượng; vẫn có điều kiện nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng, của người khác trong việc ngăn chặn hành vi của đối tượng, bắt giữ đối tượng…

Tội cưỡng đoạt tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân, nếu quan hệ nhân thân có bị xâm phạm cũng chỉ gây thiệt hại về tinh thần mà không gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe. Do đó, điều luật không quy định dấu hiệu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe là dấu hiệu định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Do đó, nếu không chiếm đoạt được tài sản mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, tấn công hoặc bắt, giữ, giam người khác làm con tin để trả thù hoặc gây thêm áp lực cho người khác nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản thì tùy theo từng trường hợp mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm độc lập khác.

Trên đây là một số kết quả nghiên cứu, quan điểm trao đổi của tác giả về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 169 BLHS năm 2015, xin được nêu ra để cùng được trao đổi.

Hy vọng các vấn đề trao đổi trên sẽ tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh, chống tội phạm bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Hải Yến

(Khoa Luật – Học viện Cảnh sát nhân dân)

Nguồn: Luật sư Việt Nam Online


Các tìm kiếm liên quan đến Vấn đề áp dụng pháp luật đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản 2015, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất, ví dụ về bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản chỉ coi là hoàn thành khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền