Mục lục:
- 3.1. Cách phân loại phổ biến trong các tài liệu tâm lý học
- 3.2. Có thể phân biệt hiện tượng tâm lý thành
- 3.3. Người ta còn phân biệt hiện tượng tâm lý thành:
- 3.4. Có thể phân biệt hiện tượng tâm lý của cá nhân với hiện tượng tâm lý xã hội.
3.1. Cách phân loại phổ biến trong các tài liệu tâm lý học
Là việc phân loại các hiện tượng tâm lý theo thời gian tồn tại của chúng và vị trí tương đối của chúng trong nhân cách. Theo cách phân loại này các hiện tượng tâm lý có ba loại chính:
– Các quá trình tâm lý,
– Các trạng thái tâm lý,
– Các thuộc tính tâm lý.
- Các quá trình tâm là những hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối ngắn, có mở đầu, diễn biến, kết thúc tương đối rõ ràng. Người ta thường phân biệt thành ba quá trình tâm lý:
– Các quá trình nhận thức gồm: cảm giác, tri giác, trí nhớ, tưởng tượng, tư duy, ngôn ngữ.
– Các quá trình cảm xúc biểu thị sự vui mừng hay tức giận, dễ chịu hay khó chịu, nhiệt tình hay thờ ơ…
– Quá trình hành động ý chí.
- Các trạng thái tâm lý là hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối dài, việc mở đầu và kết thúc không rõ ràng, như: chú ý, tâm trạng.
- Các thuộc tính tâm lý là những hiện tượng tâm lý tương đối ổn định, khó hình thành và khó mất đi, tạo thành những nét riêng của nhân cách. Người ta thường nói tới bốn nhóm thuộc tính tâm lý cá nhân như: xu hướng, tính cách, khí chất và năng lực.
Có thể biểu diễn mối quan hệ giữa các hiện tượng tâm lý bằng sơ đồ sau:
3.2. Có thể phân biệt hiện tượng tâm lý thành
– Các hiện tượng tâm lý có ý thức.
– Các hiện tượng tâm lý chưa được ý thức.
Chúng ta có nhiều nhận biết về các hiện tượng tâm lý có ý thức (được nhận thức, hay tự giác). Có những hiện tượng tâm lý chưa được ý thức vẫn luôn diễn ra, nhưng ta không ý thức về nó, hoặc dưới ý thức, chưa kịp ý thức. Một số tác giả nước ngoài còn chia ý thức thành hai mức: “vô thức” và “tiềm thức”.,”Vô thức” là những lĩnh vực nằm ngoài ý thức, “khó lọt vào lĩnh vực ý thức (một số bản năng vô thức, một số hành động lỡ lời, lỡ chân tay ngủ mơ, mộng du…) và mức độ “tiềm thức” là những hiện tượng bình thường nằm sâu trong ý thức, thỉnh thoảng trong những hoàn cảnh nhất định có thể được ý thức “chiếu rọi” tới.
3.3. Người ta còn phân biệt hiện tượng tâm lý thành
– Hiện tượng tâm lý sống động: thể hiện trong hành vi, hoạt động.
– Hiện tượng tâm lý tiềm tàng: tích đọng trong sản phẩm của hoạt động.
3.4. Có thể phân biệt hiện tượng tâm lý của cá nhân với hiện tượng tâm lý xã hội
Như vậy thế giới tâm lý của con người vô cùng đa dạng và phức tạp. Các hiện tượng tâm lý có nhiều mức độ, cấp độ khác nhau, có quan hệ đan xen vào nhau, chuyển hoá cho nhau.
Tác phẩm, tác giả, nguồn
- Tác phẩm: Giáo trình Tâm lý học đại cương
- Tác giả: Nguyễn Xuân Thức (Chủ biên) – Nguyễn Quang Uẩn – Nguyễn Văn Thạc – Trần Quốc Thành – Hoàng Anh – Lê Thị Bừng – Vũ Kim Thanh – Nguyễn Kim Quý – Nguyễn Thị Huệ – Nguyễn Đức Sơn
- Nguồn: Nhà Xuất bản Đại học Sư Phạm, 2007
Để lại một phản hồi