“Người thân thích” theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Bộ luật Tố tụng hình sự

Người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lần đầu tiên được đề cập đến Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 thì người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người có quan hệ với người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, gồm:

– Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi;

– Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột;

– Cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.

Như vậy, có tổng số 27 diện người được coi là “người thân thích” của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và trong những trường hợp cụ thể, nếu có quan hệ “thân thích” với một trong số người trên thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải từ chối hoặc bị đề nghị thay đổi khi tiến hành hoặc tham gia các hoạt động tố tụng hình sự.

Vấn đề đặt ra là, việc chứng minh mối quan hệ “thân thích” của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của cơ quan nào? thời điểm chứng minh từ bao giờ? cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận mối quan hệ thân thích? nếu hoạt động tố tụng có vi phạm thì giải quyết ra sao?… trong khi Điều 85 BLTTHS 2015 chỉ quy định, một trong những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự là “chứng minh đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt”, không bắt buộc phải chứng minh đặc điểm về nhân thân của các diện người tham gia tố tụng khác cũng như của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nên cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể.

Xem:  Án lệ số 06/2016/AL

Các trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải từ chối hoặc bị thay đổi có liên quan đến khái niệm “người thân thích”:

– Đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng: Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu “… là người thân thích của bị hại, đương sự hoặc bị can, bị cáo”;

– Đối với người chứng kiến: Những người là người thân thích của người bị buộc tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì không được làm người chứng kiến;

– Đối với người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật phải từ chối tham gia tố tụng nếu “… là người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo”;

– Đối với người bào chữa, BLTTHS 2015 cũng quy định người thân thích của người đã và đang tiến hành tố tụng đối với vụ án đó cũng không được bào chữa.

Nghiên cứu các quy định của BLTTHS 2015 thấy: Một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS là bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, theo đó, tại Điều 21 quy định người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người chứng kiến không được tham gia tố tụng nếu có lý do cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ. Điều 17 quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án; khoản 2 Điều 87 BLTTHS 2015 quy định “những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.

Xem:  Câu hỏi nhận định đúng sai Luật tố tụng hình sự 2015 (có đáp án)

Với các quy định như trên, rõ ràng, nếu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thuộc các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi nhưng vẫn tiến hành hoặc tham gia tố tụng đối với vụ việc, vụ án là không đúng quy định của BLTTHS 2015; các hoạt động tố tụng mà họ đã tiến hành hoặc tham gia có thể được đánh giá là không vô tư, khách quan dẫn đến việc giải quyết vụ án có thể sẽ thiếu chính xác.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả quy định trên, các ngành tư pháp Trung ương cần sớm có hướng dẫn để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện việc bắt buộc phải thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến đặc điểm nhân thân của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng mỗi khi được phân công tiến hành tố tụng hoặc tham gia vào các quan hệ tố tụng hình sự trong một vụ việc, vụ án hình sự cụ thể. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện nghiêm túc việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, nhất là những người có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự và đại diện của họ để họ thực hiện đầy đủ quyền của mình, nhằm giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật.

Xem:  Bộ luật hình sự dưới con mắt của Việt Nam học luật

Nguyễn Trường Thọ

VKSND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang

Nguồn:Tạp chí kiểm sát (kiemsat.vn)

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.