Bài viết nêu những vấn đề lý luận cơ bản của tội phạm ẩn trong tội phạm học, trên cơ sở phân tích, đánh giá một số quan điểm của các nhà tội phạm học trên thế giới và trong nước, tìm ra những nội dung tương đồng và khác biệt. Qua đó, bài viết đưa ra một số quan điểm cụ thể, có giá trị ứng dụng thực tế để có thể làm cho phần “ẩn” của tội phạm hiện ra một cách rõ nét, cùng với tội phạm rõ trên “phông” của tình hình tội phạm. Mục đích cuối cùng và chủ yếu là hướng tới việc phòng ngừa tội phạm đạt kết quả tốt nhất.
Một số vấn đề về tội phạm ẩn trong tội phạm học và trên thực tế
- Khái niệm tội phạm ẩn
- Nguyên nhân dẫn tới việc ẩn của tội phạm
- Phân loại tội phạm ẩn
- Phương pháp xác định tội phạm ẩn
- Một số kiến nghị nhằm làm rõ tính “ẩn” của tội phạm ẩn
1. Khái niệm tội phạm ẩn
Thuật ngữ tội phạm ẩn “dark figure of crime” do nhà thiên văn học người Bỉ Adolpho Quetelet đưa ra đầu tiên năm 1830. Hiện nay, phần ẩn của tội phạm được đề cập dưới các thuật ngữ “phần ẩn của tội phạm”, “phần ẩn của tình hình tội phạm”, “tình hình tội phạm ẩn” hoặc “tội phạm ẩn”[1]. Tội phạm ẩn là một khái niệm có đời sống thực tế, bên cạnh khái niệm tội phạm rõ, nó là hai bộ phận hợp thành của tình hình tội phạm. Trên cơ sở nghiên cứu hai nội dung đó, chúng ta mới có thể có cơ sở khoa học đầy đủ để đưa ra dự báo tình hình tội phạm, bởi lẽ “…dự báo tình hình tội phạm không chỉ là hướng nghiên cứu của tội phạm học mà còn là nhu cầu cấp bách của thực tế đấu tranh phòng và chống tội phạm”[2]. Còn theo V.M. Cogan “Xu hướng ẩn là đặc tính của tình trạng tội phạm nói chung cũng như mong muốn che giấu việc thực hiện tội phạm là đặc trưng của từng tội phạm riêng biệt”[3]. Như vậy, nghiên cứu tình hình tội phạm không chỉ dựa vào số liệu thống kê tội phạm rõ mà còn phải dựa vào tội phạm ẩn, có như vậy thì công tác phòng ngừa tội phạm mới đầy đủ và toàn diện.
Thực tế nghiên cứu đã cho thấy phần ẩn của tội phạm chiếm tỷ lệ rất lớn, lớn hơn nhiều so với phần hiện của tội phạm.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, từ năm 1990 đến 1999 tỷ lệ phá án ở nước ta đạt 41,08% [4]. Tỷ lệ phá án ở đây chính là sự phản ánh thực tế: Những hành vi có dấu hiệu phạm tội đã được kết thúc điều tra, tức là hành vi đó đã được khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đã được tiến hành điều tra theo quy định và có một trong các kết luận sau: Tạm đình chỉ điều tra vì bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác; tạm đình chỉ điều tra vì không biết rõ bị can đang ở đâu; đình chỉ điều tra; có kết luận điều tra và đề nghị Viện kiểm sát truy tố. Còn trường hợp vụ án không xác định được bị can thì không được xem là đã phá được án. Quan điểm về tỷ lệ phá án của nước ta cũng phù hợp với quan điểm của các nhà tội phạm học Đức: “Một hành vi có dấu hiệu phạm tội chỉ được xem là đã được “khám phá” (aufgeklaert), khi cơ quan cảnh sát đã tiến hành điều tra mà kết quả là bắt quả tang nghi can hoặc chí ít cũng xác định rõ được tên của nghi can”[5].
Tỷ lệ tội phạm ẩn ở các nước cũng rất khác nhau về tình hình tội phạm nói chung và tội phạm cụ thể nói riêng, như: ở Đức năm 1993 tỷ lệ phá án đạt 43,8%, tỷ lệ này ở tội giết người là 82%, ở tội trộm cắp nghiêm trọng là 11,9%[6]; ở Anh năm 2000 tỷ lệ tội phạm ẩn chiếm 70% tổng số vụ phạm tội[7]; theo Tymothy Mason thì số lượng tội phạm ẩn lớn hơn từ 6 đến 8 lần tội phạm rõ[8]. Như vậy, tội phạm ẩn chiếm tỷ lệ rất lớn, nó không xuất hiện trên phông của tình hình tội phạm, ở các công trình nghiên cứu về tội phạm học cũng có đề cập nhưng chỉ dưới dạng nêu hiện tượng mang tính chất chung chung, khẩu hiệu mà chưa đi sâu tìm hiểu bản chất của hiện tượng này.
Hiện nay, khái niệm về tội phạm ẩn đang được hiểu theo nhiều góc độ khác nhau. Theo Timothy Mason, “tội phạm ẩn là tội phạm có thực nhưng không được tường thuật với cảnh sát”[9]; Frank Schmalleger cho rằng, “tội phạm ẩn là thuật ngữ được đưa ra bởi các nhà tội phạm học và xã hội học mô tả số lượng tội phạm không được tường thuật hoặc không bị phát hiện và nó trả lời cho câu hỏi về độ tin cậy của thống kê tội phạm chính thức”[10]. Theo PGS.TS. Phạm Văn Tỉnh, “phần ẩn của tình hình tội phạm là tổng thể các hành vi phạm tội (cùng các chủ thể của hành vi đó) đã xảy ra trên thực tế, song không được phát hiện, không bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự hoặc không có trong thống kê hình sự ”[11]. Còn GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm cho rằng, “tội phạm ẩn là khái niệm chỉ một phần trong tổng thể các tội phạm đã xảy ra trong một khoảng thời gian và trên một địa bàn nhất định mà chưa được các cơ quan bảo vệ pháp luật (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan khác của Công an có chức năng tiếp nhận tin tố giác và phát hiện tội phạm) phát hiện về sự kiện nói chung hoặc chưa nhận biết được sự kiện, hành vi đã phát hiện là tội phạm”[12].
Tổng hợp các quan điểm nêu trên, kết hợp với thực tiễn nghiên cứu, chúng tôi đưa ra khái niệm về tội phạm ẩn như sau: Tội phạm ẩn là số lượng hành vi phạm tội đã xảy ra nhưng không được phát hiện, không được tường thuật, không bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự hoặc không có trong thống kê hình sự.
2. Nguyên nhân dẫn tới việc ẩn của tội phạm
a) Nguyên nhân khách quan dẫn tới việc ẩn của tội phạm
Đây là một nguyên nhân nằm hoàn toàn ngoài ý muốn của cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự cũng như bản thân người bị hại. Họ không có bất kỳ một thông tin nào về hành vi phạm tội, mặc dù hành vi phạm tội đã xảy ra trên thực tế. Có các trường hợp sau:
– Tội phạm thực tế đã xảy ra nhưng ngay cả người bị hại cũng không biết. Do vậy, việc phạm tội đương nhiên không được tường thuật hoặc không bị phát hiện.Ví dụ 1: Một gia đình của một người giàu có, tiền họ để trong tủ, người giúp việc biết và đã rút của họ 20.000.000 đ, nhưng vì số tiền đã mất quá ít so với số tiền họ có nên họ đã không hề phát hiện ra số tiền đã bị mất. Trong trường hợp này, không có bất cứ nhân chứng nào biết, bản thân người mất tiền cũng không biết mình đã bị lấy cắp. Vụ án đã hoàn toàn không được tường thuật hoặc không bị phát hiện xử lý. Ví dụ 2: Khi một người bị tai nạn giao thông trên một con đường vắng, có một người phát hiện. Nhưng khi thấy nạn nhận đã bất tỉnh, nạn nhân lại có nhiều tiền, anh ta đã nảy sinh lòng tham, lấy hết tiền rồi bỏ đi. Nạn nhân không được cứu kịp thời nên đến khi có người thứ hai phát hiện ra thì nạn nhân đã chết. Vì không có người chứng kiến, nên hành vi phạm tội hoàn toàn không được tường thuật hoặc không bị phát hiện xử lý.
– Tội phạm thực tế đã xảy ra, người bị hại biết nhưng họ không còn cơ hội để tố giác tội phạm, vụ án cũng không có bất cứ một nhân chứng nào cũng như tình tiết quan trọng nào đề Cơ quan điều tra điều tra vụ án. Ví dụ: Một thanh niên vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, có mang theo vốn liếng làm ăn. Trên đường đi tìm việc, anh ta đã bị giết và bị giấu xác trong rừng. Không có bất kỳ ai chứng kiến vụ việc, việc mất tích của anh ta cũng không có bất kỳ một manh mối nào để điều tra, người bị hại thì không còn cơ hội để tố giác tội phạm. Trong trường hợp này, chỉ có thể xem xét để giải quyết tuyên bố anh ta mất tích hoặc đã chết để giải quyết các vấn đề dân sự. Hành vi phạm tội hoàn toàn không được tường thuật hoặc không bị phát hiện xử lý.
b) Nguyên nhân chủ quan dẫn tới việc ẩn của tội phạm
Theo quy định của pháp luật hình sự, việc phát hiện tội phạm có thể được thực hiện thông qua các hình thức sau đây: Tố giác và tin báo về tội phạm, như tố giác của công dân; tin báo của cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức xã hội; tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; Trực tiếp phát hiện tội phạm của các cơ quan chức năng; Người phạm tội tự thú.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các nguồn thông tin về tội phạm nói trên đã không được thực hiện. Nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc ẩn của tội phạm có nhiều nhưng có thể chia ra thành 5 nhóm sau:
- Nguyên nhân từ phía nạn nhân của tội phạm: Tội phạm thực tế đã xảy ra nhưng vì những lý do khác nhau như: Không tố giác (tỷ lệ không tố giác tội phạm trên thế giới trung bình là 49,9%, trong đó một số nước có tỷ lệ tố giác tội phạm cao là Scottlen 62,3%, Pháp 60,8%, Newzealana 59,7%.[13] Ở Việt Nam tỷ lệ này là 29%[14]); Sợ dư luận (tội phạm về tình dục); Sợ trả thù (chủ thể của tội phạm hoạt động có tính chất xã hội đen); Có sự thỏa thuận giữa người bị hại và gia đình họ với tội phạm.
- Nguyên nhân từ phía người phạm tội: Đe dọa người bị hại, người làm chứng khiến họ không tố giác tội phạm; Thỏa thuận với người bị hại, người làm chứng để họ không tố giác tội phạm; Dùng thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội, không tự thú hành vi phạm tội. Hối lộ cơ quan có thẩm quyền để thoát tội.
- Nguyên nhân từ phía người làm chứng: Người biết về sự việc phạm tội nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù hoặc do quen thân thiết với người phạm tội nên họ không tố giác, cũng có thể do họ thỏa thuận với người phạm tội để nhận một lợi ích vật chất nào đó nên họ cũng không tố giác tội phạm.
- Nguyên nhân từ các cơ quan tiến hành tố tụng: Có hành vi nhận hối lộ để không xử lý hình sự đối với người phạm tội hoặc do nể nang, bao che không xử lý tội phạm…
- Nguyên nhân do công tác thống kê: Do một số lý do khác nhau như kỹ thuật xây dựng các cấu thành tội phạm trong Bộ luật Hình sự (BLHS) như trường hợp tội ghép, ví dụ Điều 194 – Tội tàng trữ, mua bán, vận chuyễn trái phép chất ma túy, rất nhiều trường hợp một người thực hiện đầy đủ cả ba hành vi khách quan được mô tả tại Điều 194, nhưng họ cũng chỉ được coi là phạm một tội danh được quy định tại Điều 194 BLHS. Trong khi đó, các hướng dẫn lập bảng thống kê của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng hướng dẫn với một tội danh quy định tại Điều 194, chứ không đề cập đến các hành vi cụ thể khác, việc đó dẫn đến hiện tượng một số hành vi phạm tội thực tế, thậm chí đã được xét xử và bản án có hiệu lực pháp luật nhưng cũng không được thể hiện thông qua tình hình tội phạm.
3. Phân loại tội phạm ẩn
Việc phân loại tội phạm ẩn có một ý nghĩa to lớn trong việc xác định nguyên nhân ẩn của tội phạm một cách khoa học, hệ thống. Việc này sẽ giúp cho bức tranh về tình hình tội phạm được đầy đủ và toàn diện hơn. Nghiên cứu tội phạm ẩn mục đích chính và chủ yếu là làm cho nó hiện nên một cách rõ nét, thông qua đó sẽ giúp cho công tác dự báo có hiệu quả và chính xác nhất. Một khi công tác dự báo đầy đủ, khách quan và toàn diện thì công tác phòng ngừa tội phạm mới đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, hiện nay còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc phân loại tội phạm ẩn.
a) Tội phạm ẩn gồm hai loại:
– Tội phạm ẩn khách quan là tất cả các tội phạm đã xảy ra trong thực tế, song các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự không có thông tin về chúng.
– Tội phạm ẩn chủ quan là trường hợp tội phạm đã xảy ra trên thực tế, các cơ quan điều tra đã nhận được thông tin về vụ việc nhưng do các nguyên nhân khác nhau mà hành vi phạm tội không được xem xét xử lý.
b) Tội phạm ẩn gồm ba loại:
Ngoài Tội phạm ẩn khách quan và Tội phạm ẩn chủ quan như trên, còn có Tộiphạm ẩn thống kê:Là loại tội phạm ẩn tồn tại trong phạm vi công tác thống kê tội phạm nhưng không phải nằm ở chủ thể tiến hành công việc thống kê, không phải ở phương tiện kỹ thuật, công nghệ áp dụng cho công tác thống kê lạc hậu hay hiện đại, mà nằm ở các quy định có tính chất pháp lý đối với công tác thống kê tội phạm.
Về cơ bản thì hai quan điểm đều thống nhất hai thuộc tính của tội phạm ẩn là tội phạm ẩn khách quan và tội phạm ẩn chủ quan. Hiện nay, “tội phạm ẩn khách quan” và “tội phạm ẩn chủ quan” còn có tác giả gọi là “tội phạm ẩn tự nhiên” và “tội phạm ẩn nhân tạo”[15]. Riêng loại “tội phạm ẩn thống kê” còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có tác giả cho rằng, tội phạm ẩn thống kê thực chất vẫn là tội phạm rõ vì khi đưa ra xét xử rồi thì đương nhiên vẫn là tội phạm rõ, còn việc thống kê chính thức của tòa án là do nhiều nguyên nhân khác nhau[16]; có tác giả cho rằng, việc nghiên cứu “tội phạm ẩn thống kê” có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tình hình tội phạm nói chung, nhưng nếu đưa nó vào phạm trù “tội phạm ẩn” là không phù hợp với những tiêu chí đánh giá về tình hình tội phạm ẩn, như “thời gian ẩn”, “lý do ẩn” và “độ ẩn”[17]; có tác giả cho rằng,quan điểm “tội phạm ẩn thống kê” là tội phạm ẩn là phiến diện, với lập luận: số lượng tội phạm này chỉ “ẩn” đối với các số liệu tổng hợp về tình hình tội phạm mà thôi,còn thực tế số lượng tội phạm này đã bị phát hiện, đã bị xử lý bằng các chế tài hình sự[18].
Theo chúng tôi, “tội phạm ẩn thống kê” là loại tội phạm ẩn có đời sống thực tế, việc nghiên cứu nó có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ở đây, việc “ẩn thống kê” không được hiểu là những sai sót thống kê, do sự cẩu thả của cán bộ thực hiện hoặc do công nghệ áp dụng thống kê lạc hậu, mà nó nằm ngay trong thuộc tính pháp lý, như kỹ thuật xây dựng các cấu thành tội phạm ở BLHS (trường hợp tội phạm ghép đã được đề cập ở trên), hoặc do hướng dẫn lập biểu bảng thống kê của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Chúng tôi xin trích một phần mẫu 1A do Tòa án nhân dân tối cao ban hành để Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện sử dụng trong việc lập báo cáo thống kê.
TOÀ ÁN NHÂN DÂN | MẪU 1A [19] | |||||||||||
CÁC HUYỆN | Dùng cho Toà án nhân dân | |||||||||||
cấp tỉnh và huyện | ||||||||||||
TỘI PHẠM (Ghi theo thứ tự các chương,điều của bộ luật hình sự) | ĐIỀU LUẬT ÁP DỤNG | Xét xử | Số vụ án có người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự | |||||||||
Tổng số | Số vụ án điểm hoặc xét xử lưu động | Số vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn | ||||||||||
Vụ | Bị Cáo | Dân tộc thiểu số | Nữ | Từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi | Từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi | Từ 18 đến 30 tuổi | Người nước ngoài | |||||
16 | 17 | 18 | 19 | |||||||||
14 | 36 | 0 | 0 | |||||||||
1 | 2 | 51 | 76 | 2 | 0 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 |
Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm | 155 | 1 | 1 | 0 | 0 | 0 | 1 | 0 | 0 | 5 | 0 | 0 |
Tội làm tem giả, vé giả; tội buôn bán tem giả, vé giả | 164 | 479 | 546 | 40 | 4 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả | 180 | 19 | 20 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
Tội tàng trữ,vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt ma tuý | 194 | 1 | 1 | 0 | 0 | 0 | 23 | 0 | 2 | 28 | 0 | 8 |
Tội chế tao, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự | 230 | 35 | 169 | 0 | 4 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
Qua mẫu bảng thống kê này, chúng ta thấy các cột tội phạm, điều luật áp dụng, vụ và cột bị cáo. Cột tội phạm có rất nhiều tội ghép nhưng cột Điều luật chỉ ghi Điều luật cụ thể áp dụng, như Điều 194, điều luật này có ba hành vi mô tả hành vi khách quan, cho nên nếu một bị cáo thực hiện đồng thời cả ba hành vi trên thực tế thì nhìn qua bảng số liệu thống kê này chúng ta sẽ không thể thấy được điều đó. Việc này đã làm “ẩn” đi đáng kể số hành vi phạm tội đã thực hiện, điều đó kéo theo việc đánh giá tình hình tội phạm sẽ không được đầy đủ, chính xác và khoa học, từ đó dẫn đến công tác dự báo tội phạm và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Tương tự như vậy, cột vụ và cột bị cáo cũng thế. Thực tế cho chúng ta thấy, có rất nhiều trường hợp mà trong một vụ án lại có nhiều hành vi phạm tội khác nhau (giết người, cướp tài sản, hiếp dâm) nhưng nếu chúng ta nhìn vào bảng 1A thì chúng ta sẽ không thấy được điều này. Qua phân tích số liệu thực tế luôn có một kết quả như sau:
∑ Số hành vi phạm tội > ∑ Số bị cáo > ∑Số vụ án.
Vì vậy, việc đưa “tội phạm ẩn thống kê” là tội phạm ẩn là phù hợp.
4. Phương pháp xác định tội phạm ẩn
Hiện nay, các nhà tội phạm học trên thế giới đưa ra hai phương pháp để xác định tội phạm ẩn sau.
a) Phương pháp điều tra về tội phạm tự tường thuật (offender self – report surveys)
Ở các nước Anh, Mỹ, Australia, điều tra tội phạm tự tường thuật được tiến hành hàng năm. Đây là phương pháp cần bảo đảm an toàn, đồng thời phải cam kết bảo vệ bí mật danh tính của người tham gia tự tường thuật về tội phạm mà họ đã thực hiện, họ không phải lo lắng về những điều mà mình đã khai ra với cơ quan điều tra cũng như sợ hãi về việc họ sẽ bị bắt giữ và bị xử lý về hình sự do đã thực hiện tội phạm. Đối tượng các nhà điều tra hướng tới thường là những người trẻ tuổi, bởi họ là nhóm có nguy cơ phạm tội cao. Kết quả của phương pháp này cho thấy, tội phạm xảy ra trên thực tế cao hơn rất nhiều số tội phạm có trong thống kê chính thức.
Phương pháp này có một số hạn chế là phạm vi nghiên cứu chỉ giới hạn đối với giới trẻ, còn một số lượng lớn các đối tương khác chưa được đánh giá nghiên cứu.
b) Phương pháp điều tra về nạn nhân của tội phạm (the victimization survery)
Đối với phương pháp này, nhà điều tra phải cam kết giữ bí mật danh tính cho nạn nhân, để đảm bảo chắc chắn rằng họ sẽ được an toàn. Đây là các đối tượng đặc biệt, họ bị tổn thất về sức khỏe, tinh thần và vật chất do hành vi phạm tội gây ra. Khác với phương pháp điều tra về tội phạm tự tường thuật, điều tra về nạn nhân của tội phạm cũng có cách thức điều tra khác biệt, ví dụ như bảng biểu điều tra, câu hỏi điều tra cũng phải có tính chất khác biệt. Ở các nước Anh, Mỹ, Australia, điều tra về nạn nhân được tiến hành hàng năm và nó đã giúp cho các nhà tội phạm học có đánh giá chính xác hơn về tội phạm ẩn. Qua đó bức tranh về tình hình tội phạm sẽ đầy đủ hơn và giúp cho công tác phòng ngừa tội phạm đạt được kết quả tốt hơn.
5. Một số kiến nghị nhằm làm rõ tính “ẩn” của tội phạm ẩn
Chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị cơ bản, có tính khả thi cao trong việc làm rõ tội phạm ẩn:
Thứ nhất, sửa đổi BLHS hoặc các văn bản hướng dẫn. Cần quy định rõ các hành vi khách quan cụ thể trong BLHS. Đối với các hành vi khách quan này cần được mô tả đầy đủ, cụ thể, tránh tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau hoặc vì một số mục đích khác mà những người có thẩm quyền áp dụng tùy tiện nên không phản ánh đúng hành vi phạm tội đã xảy ra trên thực tế. Ví dụ “Tội tàng trữ vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt ma tuý” quy định tại Điều 194 BLHS, đây là dạng tội ghép. Thực tế rất khó tách bạch hành vi trong quy định này. Để tách bạch các hành vi trong tội danh này, người ta phải phân tích mặt chủ quan của tội phạm, cụ thể là yếu tố “động cơ”, “mục đích” là yếu tố lỗi thuộc mặt chủ quan của tội phạm mà chủ thể thực hiện hành vi phạm tội đã thực hiện để xác định xem là hành vi “vận chuyển”, “mua bán” hay “tàng trữ”. Như vậy, vô hình chung các biểu hiện về mặt khách quan đã có phần bị “ẩn”, bởi các mục đích khác nhau mà người thực hiện hành vi có thể khai sao cho có lợi cho mình hoặc vì lý do nể nang, nhận hối lộ mà những người có thẩm quyền “lách luật” để vụ lợi. Như vậy, cần phải hạn chế tối đa những điều luật có sử dụng dấu hiệu “động cơ”, “mục đích” thuộc yếu tố lỗi thuộc mặt chủ quan của tội phạm của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội làm căn cứ xác định tội danh đối với hành vi của chủ thể. Theo Thông tư liên tịch của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Công an – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999, thì quy định tại mục 3.6 [20] rất dễ xảy ra hiện tượng sai lệch về hành vi phạm tội ban đầu vì những lý do khác nhau, dẫn đến việc xác định hành vi phạm tội không đúng hoặc bỏ sót hành vi phạm tội.
Thứ 2: Cần xây dựng luật bảo vệ nhân chứng và thiết lập cơ quan bảo vệ nhân chứng độc lập. Cần nâng cao ý thức tố giác tội phạm trong nhân dân để giảm tính “ẩn” của tội phạm. Muốn như vậy, chúng ta cần phải pháp điển hóa các chế định đảm bảo sự an toàn cho người tố giác tội phạm. Trong các văn bản pháp luật hình sự Việt Nam đã có những quy định để bảo vệ nhân chứng. Tuy nhiên, hiệu quả của nó thì vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ tố giác tội phạm ở Việt Nam chỉ là 29,9%[21]. Vì vậy, việc quy định các biện pháp bảo vệ nhân chứng một cách cụ thể trong các văn pháp luật hình sự sẽ đảm bảo cho nhân chứng và người thân của họ được an toàn, điều này sẽ khiến họ không còn cảm giác lo sợ bị trả thù, nên họ sẽ hợp tác với cơ quan chức năng để tố giác tội phạm. Do vậy, chúng tôi kiến nghị nước ta cần nhanh chóng xây dựng Luật Bảo vệ nhân chứng cũng như thành lập cơ quan bảo vệ nhân chứng. Làm như vậy, chúng ta sẽ đảm bảo rằng mọi người dân đều được yên tâm, an toàn trong việc phát hiện và tố giác tội phạm. Qua đó, mới đảm bảo cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt kết quả.
Thứ ba: Khắc phục tội phạm ẩn thống kê. Tòa án nhân dân tối cao cần phải thay đổi mẫu quy định về thống kê toàn ngành, ví dụ như mẫu 1A cần phải sửa đổi theo hướng phải lấy cơ số hành vi phạm tội làm trung tâm, có như vậy mới phản ánh đúng tình hình tội phạm. Cụ thể ở cột “tội phạm” nên tách các tội ghép thành các hành vi cụ thể, còn cột “tội danh” vẫn giữ nguyên điều luật được quy định trong BLHS, các cột về “số vụ” và “bị cáo” có thể giữ nguyên. Chúng ta chấp nhận một nguyên tắc thực tế ∑ Số hành vi phạm tội > ∑ Số bị cáo > ∑ Số vụ án, làm như vậy mới phản ảnh đúng tình hình tội phạm. Khi đó “tội phạm ẩn thống kê” mới được làm “rõ” có thể tới mức được loại trừ hoàn toàn./.
Theo: Vũ Văn Anh, ThS. TAND huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định
[1] Phạm Văn Tỉnh, Đặc điểm tội phạm học của tình hình tội phạm ở nước ta hiện nay, Luận án TS, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2004
[2] GS,TS. Võ Khánh Vinh, Tội phạm học Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb.. Công an nhân dân, Hà Nội, 2000.
[3] V.M. Cogan, Các đặc tính xã hội của tình trạng phạm tội. Nxb.. Matxcova, 1977. tr 48.
[4] Phạm Văn Tỉnh, Đặc điểm tội phạm học của tình hình tội phạm ở nước ta hiện nay. Tlđd.
[5] H-D. Schwind, Kriminologie, Kriminalistik Verlag, Heidelberg, 1995, tr. 19.
[6] Phạm Văn Tỉnh, Đặc điểm tội phạm học của tình hình tội phạm ở nước ta hiện nay, Tlđd.
[7] Bài giảng “Extend of Crime” của GS.TS Jock Young.
[8] Bài giảng “Official statistics and the dark figure” của Timothy Mason, Paris University, trên trang www.deviance 2- Official statistics and the dark figure.htm ngày 5/6/2006.
[9] Bài giảng “Official statistics and the dark figure, Tlđd” .
[10] Frank Schmalleger, Criminology today, Prentice Hall in 2002, tr 61.
[11] H-D. Schwind, Kriminologie, Kriminalistik Verlag, Heidelberg, 1995, tr. 42.
[12] Nguyễn Xuân Yêm, Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm, NXB. Công an nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 93.
[13] Viện Nghiên cứu pháp lý – Bộ Tư pháp, Tư pháp hình sự so sánh, Hà Nội, 1999. Tr. 41.
[14] Trần Hữu Tráng, “Một số vấn đề về tình hình tội phạm ẩn ở Việt Nam”, Tạp chí Luật học (Số 3/2000), tr. 53.
[15] Trần Hữu Tráng, Một số vấn đề về tình hình tội phạm ẩn ở Việt Nam, Tlđd.; Phạm Văn Tỉnh, Đặc điểm tội phạm học của tình hình tội phạm ở nước ta hiện nay, Tlđd.
[16] Dương Tuyết Miên, Bàn về tội phạm rõ, tội phạm ẩn trong tội phạm học; Tạp chí Luật học (3/2010), tr. 30.
[17] Nguyễn Xuân Yêm, Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm, Tlđd, tr. 94.
[18] Trần Hữu Tráng, Một số vấn đề về tình hình tội phạm ẩn ở Việt Nam, Tlđd;
[19] Mẫu 1A, Tòa án nhân dân tối cao.
[20] Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007.
[21]Trần Hữu Tráng, Một số vấn đề về tình hình tội phạm ẩn ở Việt Nam, Tlđd.
Các tìm kiếm liên quan đến một số vấn đề về tội phạm ẩn trong tội phạm học và trên thực tế, tội phạm ẩn nhân tạo nguy hiểm nhất, giải pháp hạn chế tội phạm ẩn, ví dụ về tội phạm ẩn, tính nguy hiểm của tội phạm ẩn nhân tạo, nhận định đúng sai môn tội phạm học có đáp án, ví dụ tội phạm ẩn nhân tạo, chức năng của tội phạm học thay đổi khi tình hình tội phạm diễn biến, tình hình tội phạm ẩn ở các nước tư bản
Để lại một phản hồi