Một số điểm mới về chế định tài sản trong Bộ luật dân sự 2015

Chuyên mụcLuật dân sự, Thảo luận pháp luật tai-san

1. Sự đổi mới về kỹ thuật lập pháp trong việc thiết kế vị trí chế định tài sản trong Bộ luật Dân sự 2015

Trong BLDS 1995, chế định tài sản được quy định cùng với chế định quyền sở hữu, cụ thể tại Chương I (Điều 172, 174) và Chương II (từ Điều 181 đến Điều 188) thuộc Phần thứ 2. Tài sản và quyền sở hữu. Trong BLDS 2005, chế định tài sản cũng được tiếp tục quy định cùng với chế định quyền sở hữu, cụ thể tại Chương X (Điều 163, 167) và Chương XI (từ Điều 174 đến Điều 181) thuộc Phần thứ 2. Tài sản và quyền sở hữu.

Việc thiết kế hai chế định tài sản và quyền sở hữu song hành với nhau như trên dẫn đến một hệ lụy là trong nhận thức hầu hết mọi người đều cho rằng tài sản chỉ là đối tượng của quyền sở hữu. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý thì tài sản không chỉ là đối tượng của quyền sở hữu mà nó là chế định trung tâm, là đối tượng của nhiều quan hệ dân sự như: Quan hệ thừa kế, quan hệ nghĩa vụ – hợp đồng, quan hệ bồi thường thiệt hại…

Khắc phục hạn chế đó, BLDS 2015 đã tách chế định tài sản và quy định thành một chương riêng, cụ thể là Chương VII (từ Điều 105 đến Điều 115) thuộc phần thứ nhất – Những quy định chung. Việc thiết kế như trên đã khẳng định rằng chế định tài sản là chế định trung tâm của Bộ luật Dân sự, là đối tượng của nhiều quan hệ dân sự khác nhau; đồng thời việc quy định này đã tạo nên sự nhận thức thống nhất về vị trí vai trò của chế định tài sản, tránh sự tranh cãi không cần thiết về lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật.

 

2. Về khái niệm tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015

Tài sản là vấn đề trung tâm, cốt lõi của mọi quan hệ xã hội nói chung và quan hệ pháp luật nói riêng. Khái niệm tài sản đã được đề cập rất nhiều trong thực tiễn cũng như trong khoa học pháp lý. Tài sản trên thực tế tồn tại ở rất nhiều dạng khác nhau, vô cùng phong phú và  đa dạng. Chính vì vậy, việc phân loại và đưa ra một khái niệm có thể bao trùm được tất cả các tài sản trên thực tế là một vấn đề hết sức cần thiết.

Theo quy định tại Điều 163 BLDS 2005 thì “tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Theo đó, cụm từ “vật có thực theo quy định của BLDS 1995 đã được sửa lại thành “vật”. Như vậy, không phải vật có thực mới có thể trở thành tài sản mà ngay cả những vật hình thành trong tương lai cũng được coi là tài sản. Việc thay đổi này không chỉ đơn thuần là thay đổi câu từ mà nó còn có ý nghĩa pháp lý quan trọng trong việc xác lập, thực hiện và bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp trong giao lưu dân sự, phản ánh đúng tình hình phát triển của các quan hệ kinh tế. Sự sửa đổi này đã làm cho khái niệm tài sản được hiểu theo nghĩa rộng hơn và được đánh giá là một trong những ưu điểm của BLDS 2005, phù hợp với yêu cầu cuộc sống, đáp ứng nhu cầu về giao dịch trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Tuy nhiên, quy định khái niệm tài sản trong Bộ luật Dân sự 2005 có ba hạn chế cơ bản:Một là, chỉ mới liệt kê các loại tài sản và chưa nêu khái quát bản chất tài sản là gì; hai là, mới dừng lại ở việc quy định tài sản hình thành trong tương lai chỉ bao gồm có vật mà chưa bao quát hết các loại tài sản khác; ba là, mặc dù thừa nhận tài sản có thể bao gồm vật hình thành trong tương lai nhưng chưa nêu định nghĩa về “vật hình thành trong tương lại”. Những hạn chế này đã dẫn đến sự không thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật. Khắc phục vấn đề này, BLDS 2015 đã trình bày theo hướng tiếp cận mới. Cụ thể là, BLDS 2015 không những liệt kê các loại tài sản như trong quy định của BLDS 2005 mà còn xác định cụ thể “Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Mặc khác, BLDS 2015 còn bổ sung Điều 108 để giải thích rõ khái niệm “tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Theo đó:

“1. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.

2.Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:

a) Tài sản chưa hình thành;

b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch”.

Như vậy, ngoài việc kế thừa khái niệm tài sản trong BLDS 2005 thì BLDS 2015 đã có ba điểm bổ sung mang tính nổi bật: Một là, khẳng định tài sản bao gồm động sản và bất động sản;hai là, xác định tài sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Trước đây, tại Điều 163 BLDS 2005 cũng không khẳng định trực tiếp tài sản bao gồm tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Chỉ có duy nhất tại khoản 2 Điều 320 có nhắc đến thuật ngữ này cụ thể như sau: “Vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là vật hiện có hoặc được hình thành trong tương lai”, chính vì vậy mà khái niệm tài sản hình thành trong tương lai chỉ được hiểu là “vật hình thành trong tương lai” mà không bao gồm các loại tài sản khác;ba là, quy định cụ thể khái niệm tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Trước đây, tại khoản 2 Điều 320 BLDS 2005 có đề cập đến khái niệm này nhưng nội hàm chỉ bó hẹp trong phạm vi tài sản là vật hình thành trong tương lai “Vật hình thành trong tương lai là động sản, bất động sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết”, ngay cả tại Điều 4 Nghị định 163/2006/ NĐ-CP cũng chỉ quy định: “Vật hình thành trong tương lai là vật chưa tồn tại hoặc chưa hình thành đồng bộ vào thời điểm xem xét. Vật hình thành trong tương lai bao gồm cả vật đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch mới thuộc sở hữu của các bên”. Tuy nhiên, những điều luật này chỉ mới dùng lại ở giới hạn khái niệm “tài sản hình thành trong tương lai” trong phạm vi tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự bảo đảm nên chưa mang tính khái quát. Mặt khác, việc quy định như thế có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong nhận thức lý luận cũng như thực tiễn áp dụng đồng thời chưa bao quát hết nội hàm “tài sản hính thành trong tương lai”. Chính vì vậy, với cách quy định cụ thể trong BLDS 2015 về khái niệm “tài sản hình thành trong tương lai” đã đảm bảo tính bao quát và rõ ràng về khái niệm này. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần áp dụng pháp luật một cách thống nhất.

 

3. Về đăng ký tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015

Đăng ký quyền sở hữu là việc chính thức ghi vào văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền những thông tin cần thiết liên quan đến tài sản để làm cơ sở phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp lý của chủ sở hữu tài sản đối với một tài sản nhất định. Việc đăng ký quyền sở hữu tài sản mà Bộ luật Dân sự quy định không chỉ nhằm mục đích chính là phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với tài sản, mà mục đích của Bộ luật Dân sự hướng tới là nhằm: (1) Công nhận quyền và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của của chủ sở hữu; (2) góp phần bảo đảm sự minh bạch của các giao dịch dân sự có liên quan đến tài sản đó.

Trên tinh thần đó, Điều 167 BLDS 2005 đã quy định rõ: “Quyền sở hữu đối với bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký bất động sản. Quyền sở hữu đối với động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Như vậy, BLDS 2005 đã phân biệt hai cơ chế riêng về đăng ký quyền sở hữu đối với động hay bất động sản. Về nguyên tắc quyền sở hữu đối với bất động sản bắt buộc phải đăng ký còn đối với động sản thì không bắt buộc phải đăng ký. Cùng với BLDS 2005, các văn bản quy định về trình tự, thủ tục đăng ký bất động sản, quy định về tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu cũng được sửa đổi, bổ sung. Mặc dù đã khắc phục được một số hạn chế về việc đăng ký quyền sở hữu tài sản theo quy định của BLDS năm 1995, tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn những điểm cần phải khắc phục:

Một là, trong BLDS 2005 (Điều  167)  chỉ  dừng  lại  ở quy  định  “Đăng  ký  quyền  sở  hữu  tài sản” chưa quy định việc đăng ký đối với quyền khác đối với tài sản”. Vì có nhiều trường hợp chủ thể không có quyền sở hữu đối với tài sản nhưng cũng phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký, ví dụ như đăng ký quyền sử dụng đất đối với đất đai. Hai là, vẫn còn thiếu quy định ràng buộc pháp lý về tính công khai của việc đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản.

Chính vì vậy, để khắc phục những hạn chế này tại Điều 106 BLDS 2015 chỉ quy định chung là “Đăng ký tài sản” với nội hàm cụ thể:

1. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản.

2. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.

3. Việc đăng ký tài sản phải được công khai”.

Quy định trên có 2 điểm mới quan trọng đó là: (1) Việc quy định đăng ký tài sản không  chỉ  bó  hẹp  trong  phạm vi quyền sở hữu đối với tài sản mà còn bao gồm các quyền khác đối với tài sản. Quy định này được xây dựng trên cơ sở sự tương thích với quy định tại Phần thứ 2 BLDS 2015 – Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản, trong phần này đã bổ sung thêm nội dung “quyền khác đối với tài sản” được quy định cụ thể tại Điều 159 BLDS 2015. Theo đó, Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm: Quyền đối với bất động sản liền kề; Quyền hưởng dụng; Quyền bề mặt. (2) Để bảo đảm tính minh bạch, công khai, huy động và phát huy được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội, BLDS 2015 đã bổ sung quy định các thông tin về tài sản đã đăng ký phải được công khai.

 

4. Về khái niệm “quyền tài sản” trong Bộ luật Dân sự 2015

Một trong những thay đổi quan trọng và được mong đợi nhất của vấn đề tài sản chính là khái niệm về quyền tài sản. Điều 188 BLDS 1995 quy định “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Phần thứ sáu của Bộ luật này”. Đến BLDS 2005 tại Điều 181 quy định “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”. Kế thừa quy định tại BLDS 1995, BLDS 2005 đã có hai điểm sửa đổi quan trọng: (1) Chuẩn xác về mặt thuật ngữ pháp lý, thay cụm từ “giao lưu dân sự” bằng “giao dịch dân sự”; (2) Xác định đúng phạm vi “quyền sở hữu trí tuệ”, trong BLDS 1995 quy định” thì trong BLDS 2005 chỉ quy định “kể cả quyền sở hữu trí tuệ”, bởi lẽ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ được quy định trong BLDS mà còn được quy định tại các luật chuyên ngành, ví dụ như Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Mặc dù vậy, quy định về quyền tài sản trong BLDS 2005 vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là chưa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phân định rõ ràng giữa quyền nhân thân và quyền tài sản, bởi vì một số quyền nhân thân (ví dụ quyền đối với hình ảnh) cũng trị giá được bằng tiền và chủ thể quyền cũng có thể chuyển giao quyền này cho chủ thể khác khai thác, sử dụng. Khắc phục hạn chế này, BLDS 2015 đã làm rõ hơn nội hàm khái niệm quyền tài sản theo đó “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồmquyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Như vậy, điều luật này đã liệt kê và chỉ rõ phạm vi những quyền được coi là quyền tài sản, tránh được sự nhầm lẫn với một số quyền nhân thân. Mặt khác, một điểm nổi bật mà chúng ta có thể thấy rõ đối với khái niệm tài sản này là luật đã sửa đổi điều kiện phi lý vốn tồn tại trong BLDS trước đây, đó là quy định quyền tài sản phải thỏa mãn điều kiện “có thể chuyển giao được”. Sự thay đổi này là một bước tiến trong việc mở rộng khái niệm tài sản, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cũng như lý luận. Bởi lẽ, với quy định của BLDS hiện hành thì nhiều quyền tài sản thực sự sẽ không được thừa nhận là quyền tài sản bởi vì thiếu dấu hiệu “có thể chuyển giao được” trong giao dịch dân sự.

Tóm lại, Chế định tài sản được quy định tại BLDS 2015 là sự kế thừa chế định tài sản trong các Bộ luật Dân sự trước đó, đồng thời cũng sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề quan trọng thể hiện sự phát triển chế định này trong lịch sử xây dựng luật dân sự. Đây là một đòi hỏi tất yếu của quá trình hoàn thiện các quy định của luật dân sự, trong đó chế định tài sản là một trong những chế định trung tâm của Bộ luật Dân sự, cho nên việc bổ sung, hoàn thiện chế định này là rất quan trọng, làm cơ sở tiền đề để xây dựng cũng như áp dụng thống nhất các chế định có liên quan. Nghiên cứu BLDS 2015 cho thấy chế định tài sản có rất nhiều điểm đã được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ tập trung phân tích những vấn đề cơ bản cốt lõi nhất nhằm góp phần tìm hiểu các quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015, đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.

 


Tác giả bài viết: ThS. Huỳnh Trung Hậu – Giảng viên Bộ môn Pháp luật, Trường Đại học CSND

Nguồn tin: Bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí KHGD CSND số 72 (tháng 2/2016)

Nguồn: http://pup.edu.vn/index.php/news/Nghien-cuu-Trao-doi/Tim-hieu-mot-so-diem-moi-ve-che-dinh-tai-san-trong-Bo-luat-dan-su-Viet-Nam-nam-2015-362.html

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền