Mô hình đào tạo mới ở Việt Nam Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư
Trong nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện Tư pháp đã nghiên cứu, xây dựng Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Khóa đào tạo chung đầu tiên sẽ được khai giảng vào ngày 24/3/2018. Nhân dịp này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Thu – Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp về Chương trình đào tạo mới này.
Xin ông cho biết một số nét khái quát về Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Học viện Tư pháp và những lợi ích mà Chương trình này mang lại?
– Ngày 08/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2083/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”. Theo Quyết định này, Học viện Tư pháp có nhiệm vụ thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Sau hơn hai năm nghiên cứu, lấy ý kiến của các bộ, ngành hữu quan, các chuyên gia…, Học viện Tư pháp đã hoàn thành dự thảo Chương trình đào tạo. Chương trình khung đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 2543/QĐ-BTP ngày 08/12/2016, Chương trình đào tạo chi tiết đã được Giám đốc Học viện Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 1401/QĐ-HVTP ngày 23/12/2016.
Có thể nói, Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng về sự gắn kết những đặc thù nghề nghiệp của ba chức danhthẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và kinh nghiệm đào tạo, sử dụng học viên sau đào tạo tại Việt Nam và một số nước trên thế giới…
Chương trình đào tạo được xây dựng theo hệ thống tín chỉ với thời gian đào tạo là 18 tháng (53 tín chỉ) dành cho đối tượng là người có trình độ cử nhân luật trở lên. Học viên sau khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát và nghề luật sư có thể làm việc trong ngành Tòa án, Kiểm sát, các văn phòng luật sư, công ty luật, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp…
Học viện Tư pháp đã nghiên cứu, áp dụng nhiều chính sách ưu tiên đối với học viên như chính sách miễn, giảm học phí; chính sách miễn bài học, môn học đối với học viên đã có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát hoặc nghề luật sư…
Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đánh dấu bước phát triển của Học viện Tư pháp với sự đa dạng hóa các mô hình đào tạo chức danh tư pháp, hứa hẹn mang lại những lợi ích to lớn cho người học và xã hội.
Đào tạo chung ba chức danh tạo mặt bằng chung về kiến thức, hiểu biết chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp lẫn nhau của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và các bộ luật, luật liên quan; tạo nguồn cán bộ tư pháp chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Tòa án, Kiểm sát có nguồn tuyển dụng những người đã có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngay từ thị trường lao động, có khả năng làm việc ngay khi được tuyển dụng; tạo thêm cơ hội học tập và lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp cho những người có khả năng, tâm huyết với nghề thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; tạo điều kiện thực tế thực hiện chủ trương lựa chọn để bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên từ luật sư, luật gia giỏi, chủ trương chuyển đổi vị trí nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; giảm đáng kể chi phí về thời gian và tài chính cho bản thân, gia đình người học và xã hội.
Ông có thể nói chi tiết hơn về cấu trúc của chương trình đào tạo?
– Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư gồm có 4 giai đoạn, trong đó 03 giai đoạn đầu bao gồm các môn học bắt buộc, giai đoạn thứ 4 là các môn học tự chọn. Cụ thể:
Giai đoạn 1: Nghề luật và môi trường nghề nghiệp (4 tín chỉ). Trong giai đoạn này, học viên được trang bị kiến thức chung về nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, tiếp cận chủ động và tích cực với môi trường nghề nghiệp, song song với tích lũy kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho việc hành nghề sau khi được đào tạo. Cuối giai đoạn 1 học viên được đi kiến tập tại Tòa án, Viện kiểm sát, văn phòng luật sư, công ty luật, trại giam, cơ quan quản lý hành chính…
Giai đoạn 2: Đào tạo kỹ năng cơ bản các chức danh(24 tín chỉ). Mục tiêu giai đoạn này là trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong lĩnh vực hình sự, hành chính,dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân gia đình… và kỹ năng tư vấn pháp luật.
Giai đoạn 3: Thực tập nghề nghiệp (17 tín chỉ). Giai đoạn này, học viên tiếp cận với môi trường nghề nghiệp thực tiễn tại các Tòa án, Viện kiểm sát, văn phòng luật sư, công ty luật… Đây là cơ hội, điều kiện để học viên có thể kiểm chứng kiến thức, kỹ năng đã được trang bị tại nhà trường; phát hiện và điều chỉnh cách tiếp cận giữa lý thuyết và thực tiễn giải quyết vụ việc; trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp; giúp cho việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Giai đoạn 4: Đào tạo chuyên sâu (8 tín chỉ): Đây là giai đoạn đào tạo tự chọn, học viên được lựa chọn một trong 3 môn học chuyên sâu theo định hướng nghề nghiệp từng chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tùy theo sở thích và nguyện vọng của mình.
Để triển khai một chương trình đào tạo mới, công tác chuẩn bị cần hết sức chu đáo, toàn diện, đặc biệt là chuẩn bị hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ cho khóa đào tạo. Học viện Tư pháp đã thực hiện các công việc nói trên như thế nào?
– Xây dựng giáo trình, tài liệu là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Học viện Tư pháp khi triển khai các chương trình đào tạo. Đối với Chương trình đào tạo chung, chúng tôi đã xây dựng được hệ thống tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập tương đối đầy đủ, cập nhật. Chúng tôi đã biên soạn được giáo trình cho các môn học thuộc phần kỹ năng cơ bản ở tất cả các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân gia đình…; biên soạn Tập bài giảng Kỹ năng bổ trợ nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.
Học viện cũng đã sưu tầm, biên tập, nghiệm thu hệ thống hồ sơ tình huốngvà xây dựngbộ đề cương môn học cho tất cả các môn học, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, nội dung chi tiết từng bài học, hướng dẫn giảng, học viên ở cả khâu chuẩn bị và lên lớp. Với sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng về giáo trình, tài liệu cùng với cơ sở vật chất đầy đủ tiện nghi, chúng tôi tin tưởng vào chất lượng, hiệu quả đào tạo của khóa đào tạo chung đầu tiên, qua đó sẽ góp phần khẳng định hiệu quả thực tế của mô hình đào tạo mới này.
lĐội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Học viện Tư pháp sẽ là những ai, thưa ông?
– Những thành tựu mà Học viện Tư pháp đạt được trong 20 năm xây dựng và phát triển vừa qua luôn gắn với những đóng góp to lớn của đội ngũ giảng viên, đặc biệt là các giảng viên thỉnh giảng là những người đang thực tế hành nghề. Phát huy thế mạnh này, Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư sẽ tiếp tục có sự tham gia của các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư giỏi đang hành nghề.
Đội ngũ giảng viên giảng dạy cho Chương trình đào tạo chung, cả giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng đều là những người đã gắn bó và có nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy trong các chương trình đào tạo riêng nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư tại Học viện Tư pháp, trong đó phần lớn là những giảng viên có bề dầy kinh nghiệm nghề nghiệp của cả ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.
Để chuẩn bị cho khóa đào tạo, Học viện đã tổ chức tập huấn giảng viên, qua đó giúp giảng viên nắm bắt những điểm đặc thù của chương trình đào tạo chung và yêu cầu, định hướng khi giảng dạy trong chương trình này. Nhằm tăng cường hiệu quả và chất lượng giảng dạy, Học viện sẽ áp dụng tối đa phương pháp song giảng, tam giảng cho các bài học trong chương trình để học viên có cơ hội nắm bắt được kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp của cả ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và có được cái nhìn đa chiều cả từ lý luận và thực tiễn về nghề nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn ông! Chúc cho khóa đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đầu tiên của Học viện Tư pháp thành công tốt đẹp.
Để lại một phản hồi