Bộ luật Hồng Đức (còn có tên gọi là Quốc triều hình luật) là công trình pháp luật tiêu biểu của Nhà nước Đại Việt thế kỷ XV. Bộ luật Hồng Đức (BLHĐ) được coi là bộ luật nổi bật nhất, quan trọng nhất và có vai trò đặc biệt trong lịch sử pháp quyền phong kiến Việt Nam. BLHĐ được ban hành năm 1483, gồm 722 điều với nội dung chủ yếu nhằm bảo vệ chế độ quân chủ Triều Lê, bảo vệ tài sản, trật tự, kỷ cương xã hội theo quan điểm Nho giáo. Mặc dù mang bản chất giai cấp phong kiến, nhưng BLHĐ lại chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ như: bảo vệ quyền lợi của người dân, nô tì, tầng lớp dưới; có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số… Điều này phản ánh truyền thống nhân đạo, tư tưởng “lấy dân làm gốc”, lấy làng xã làm nền tảng của quốc gia…Tính dân tộc được thể hiện rõ nét trong việc kế thừa và phát huy những thành tựu pháp luật của các triều đại trước, kết hợp với ưu điểm của pháp luật phong kiến Trung Hoa để xây dựng một bộ luật phù hợp với điều kiện địa lý, văn hóa… của nước ta. Pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, cụ thể là Bộ luật Hình sự (BLHS), trải qua các kỳ lập pháp cũng đã thể hiện phần nào việc kế thừa và phát huy những thành tựu của BLHĐ trong việc quy định các vấn đề về tội phạm. Việc so sánh các quy định về tội phạm trong BLHĐ và pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành để thấy được những tinh hoa trong pháp luật của cha ông; đồng thời học hỏi những kinh nghiệm về xây dựng và áp dụng pháp luật trong thời đại ngày nay.
Thứ nhất, khái niệm tội phạm
Khái niệm tội phạm được quy định rõ tại Điều 8 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), ngược lại trong BLHĐ không có điều luật định nghĩa về khái niệm tội phạm mà quy định tội phạm rất tỷ mỷ và chi tiết trong từng điều luật.
Trong BLHĐ tuy không có điều luật quy định khái niệm tội phạm nhưng qua các điều luật cụ thể có thể khái quát quan niệm của các nhà làm luật phong kiến thiên về dấu hiệu hình thức. Một trong những dấu hiệu hình thức đó là “được quy định trong luật”. Việc thừa nhận dấu hiệu này khẳng định sự hiện diện của nguyên tắc “không có luật thì không có tội” – biểu hiện của nguyên tắc pháp chế trong BLHĐ. Đây cũng được coi là điểm tương đồng với BLHS.
BLHS có sự phân biệt rõ ràng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị coi là tội phạm với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi không bị coi là tội phạm. Hành vi đó có thể chỉ là hành vi vi phạm đạo đức hoặc vi phạm hành chính, vi phạm kỷ luật. Nhưng trong BLHĐ lại không thể hiện sự phân biệt này, theo đó, mọi hành vi bị xử lý và phải chịu trách nhiệm đều bị coi là tội phạm mà không phụ thuộc vào mức độ của tính nguy hiểm. Nhiều hành vi theo BLHS chỉ coi là vi phạm đạo đức hoặc vi phạm pháp luật khác thì trong BLHĐ được coi là tội phạm. Ví dụ: Điều 99 BLHĐ quy định :“Những cử nhân vào thi hội mà mượn người làm hộ bài thi, cùng người làm hộ đều phải biếm ba tư; thi hương thì phải biếm hai tư. Người giấu sách vở đem vào trường thi phải phạt 80 trượng ”; Điều 130 quy định : “Có tang ông bà cha mẹ và chồng, mà giấu không khóc thì phải tội đồ làm khao đinh, đàn bà đồ làm tang thất phụ. Trong khi có tang mà bỏ đồ tang mặc đồ thường và vui chơi đàn hát thì biếm hai tư. Gặp đàn hát mà nghe hay là dự những tiệc vui mừng đều xử phạt 80 trượng”. Có thể thấy rằng, khái niệm tội phạm trong BLHĐ rộng hơn nhiều so với BLHS .
Thứ hai, về dấu hiệu tội phạm
* Lỗi
BLHS quy định tương đối cụ thể về dấu hiệu lỗi, từ đó phân biệt rõ ràng giữa trường hợp có lỗi và phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) với trường hợp không có lỗi và không phải chịu TNHS. Vấn đề này cũng được đề cập và giải quyết trong BLHĐ nhưng không triệt để như BLHS. Trong BLHĐ chỉ đặt ra vấn đề lỗi nhằm phân biệt giữa trường hợp cố ý và trường hợp lầm lỡ để xác định TNHS trong áp dụng cũng như việc quy định hình phạt khác nhau ở các tội cụ thể. Ngoài ra, trong BLHĐ cũng đã dự liệu trường hợp không có lỗi là trường hợp bất khả kháng và xác định trường hợp này không bị xử tội. Chẳng hạn, Điều 182 quy định : “Việc giữ đê không vững vàng hoặc là quan giám đương không ra sức giữ gìn để cho nước lụt làm vỡ đê, làm mất hoa màu của dân thì quan lộ và quan giám đương bị xử biếm hai tư, bãi chức…Nếu đường đê vững chắc lại cố gắng giữ gìn, song vì nước lụt quá to, sức người không chống nổi mà đê vỡ thì không bị xử tội”.
* Mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội
Mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong BLHĐ được quan niệm tương tự như trong và theo đó, các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ của tính nguy hiểm của tội phạm cũng là đối tượng, mức độ vi phạm, mức độ hậu quả, động cơ phạm tội…Tuy nhiên, so với quan niệm của BLHS hiện hành thì quan niệm của các nhà làm luật trong BLHĐ lại có điểm khác nổi bật. Theo BLHĐ thì quan hệ giữa người phạm tội và nạn nhân xét về địa vị xã hội, địa vị trong dòng họ, gia đình theo lễ giáo phong kiến lại ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ nặng nhẹ của tội phạm. Hay nói cách khác: Mức độ nguy hiểm của tội phạm tỷ lệ thuận với địa vị của nạn nhân và tỷ lệ nghịch với địa vị của chủ thể của tội phạm. Ví dụ: Cùng là mưu giết người nhưng BLHĐ chia thành nhiều trường hợp theo địa vị gia đình, xã hội của nạn nhân. Điều 415 quy định : “Những kẻ mưu giết người, thì xử tội lưu đi châu gần…”; Điều 416 quy định : “Những kẻ mưu giết những bậc tôn trưởng vào hạng cơ thân [1], ông bà ngoại, chồng và ông bà, cha mẹ chồng, đều phải tội chém…”; Điều 417 quy định: “Nô tỳ mà mưu giết chủ, đều phải tội chém…”. Tương tự như vậy, tội đánh người cũng được chia thành nhiều trường hợp tùy thuộc vào địa vị xã hội, gia đình của người phạm tội cũng như của nạn nhân. Điều 472 quy định :“Đánh quan nhị phẩm, kẻ đánh nếu là ngang phẩm hàm thì xử biếm hai tư; kém một bậc thì xử biếm ba tư;…không có quan chức thì xử tội lưu…”; Điều 481 quy định : “Vợ đánh chồng thì xử lưu đi châu ngoài, đánh bị thương, què gãy thì lưu đi châu xa…Vợ lẽ mà phạm tội trên, thì xử nặng hơn một bậc…Nếu vợ lẽ mà đánh vợ cả thì cũng xử như tội đánh chồng”; Điều 482 quy định : “Chồng đánh vợ bị thương, thì xử nhẹ hơn tội đánh bị thương người thường ba bậc…Đánh vợ lẽ bị thương, què trở lên thì đều xử nhẹ hơn tội đánh vợ hai bậc [2]”.
* Chủ thể
BLHS quy định chủ thể của tội phạm là con người cụ thể, có năng lực TNHS. Tuy BLHS không quy định khái niệm năng lực TNHS nhưng quy định cụ thể tình trạng mất năng lực TNHS (Điều 13) và tuổi chịu TNHS (Điều 12). Trong BLHĐ, do không quy định cụ thể vấn đề lỗi nên vấn đề chủ thể nói chung và vấn đề năng lực TNHS nói riêng cũng không được đề cập đến. Tuy nhiên, Điều 16 BLHĐ quy định về độ tuổi của chủ thể là tội phạm như sau: “Những người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống cùng những người bị phế tật, phạm từ tội lưu trở xuống đều cho chuộc bằng tiền…Từ 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống cũng những người bị ác tật, phạm tội phản nghịch, giết người đáng phải tội chết thì cũng phải tâu để vua xét định, ăn trộm và đánh người bị thương thì cho chuộc, còn ngoài ra thì không bắt tội. Từ 90 tuổi trở lên, 7 tuổi trở xuống dầu có bị tội chết cũng không hành hình…”. Theo quy định trên, BLHĐ đã gộp độ tuổi thấp với độ tuổi cao và với người có sự phát triển không bình thường thành từng cặp để xác định mức độ TNHS. Điều này nhằm giải quyết vấn đề nhân đạo trong chính sách hình sự.
Thứ ba, về cách phân loại tội phạm
BLHĐ phân loại tội phạm theo ba cách dựa vào ba tiêu chí các loại hình phạt, tính chất nghiêm trọng của tội phạm và lỗi của chủ thể. Tuy nhiên, cách phân loại tội phạm dựa theo tiêu chí các loại hình phạt là cách phân loại chủ yếu. Theo đó, tội phạm trong BLHĐ được chia thành năm loại tội tương ứng với năm loại hình phạt là xuy, trượng, đồ, lưu và tử.
Trong BLHS mặc dù mức hình phạt quy định cho tội phạm cũng được coi là một dấu hiệu để phân biệt giữa các tội phạm như trong BLHĐ nhưng lại có sự khác biệt nhất định. Trong BLHS mức cao nhất của khung hình phạt là một trong các dấu hiệu để phân biệt giữa bốn loại tội phạm: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Bốn loại tội phạm này có mức độ tính nguy hiểm cho xã hội là khác nhau[3]. Việc phân loại tội phạm trong BLHS dựa trên tiêu chí là mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội, vì vậy, tên của bốn loại tội này tương ứng với bốn mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội.
Thứ tư, về vấn đề đồng phạm, các giai đoạn phạm tội và phòng vệ chính đáng
Khi quy định về tội phạm, BLHS không thể không quy định vấn đề chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, đồng phạm, phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết. Trong BLHĐ, các vấn đề này chưa được quy định thành các chế định riêng. Tuy nhiên, nội dung của các vấn đề này cũng được thể hiện phần nào trong các quy định cụ thể.
* Đồng phạm
Trong BLHĐ chế định đồng phạm – theo đúng nghĩa của chế định này trong BLHS chưa được quy định. Tuy nhiên, BLHĐ cũng có một số quy định đề cập đến một số nội dung mà những nội dung đó theo luật hiện hành thuộc về vấn đề đồng phạm. Cụ thể: Điều 35, Điều 36 BLHĐ quy định về mức độ TNHS của những người cùng phạm một tội. Hai điều luật này quy định về trường hợp đồng thực hành – trường hợp cụ thể của đồng phạm trong đó những người tham gia đều là người thực hành. Điều 35 quy định :“Nhiều người cùng phạm một tội, thì lấy người khởi xướng[4] làm đầu, người a tòng[5] được giảm một bậc. Nếu tất cả người trong một nhà cùng phạm tội, chỉ bắt người tôn trưởng” và Điều 36 quy định : “Nhiều người cùng phạm một tội mà có người trốn tránh, hiện còn người bắt được xưng ra người đang trốn đứng đầu, mà không đủ người làm chứng, thì định tội người bị bắt là a tòng. Khi bắt được người trốn, xưng ra người bị bắt trước là đứng đầu, tra hỏi đúng thực, thì định tội người bị bắt trước là đứng đầu”. Theo quy định của hai điều luật trên thì người thực hiện tội phạm được phân thành hai loại: Một là người vừa là người thực hiện vừa là người chủ mưu; Hai là người chỉ giữ vai trò thực hiện và BLHĐ quy định người vừa là người thực hiện vừa là người chủ mưu phải chịu hình phạt nặng hơn người chỉ giữ vai trò thực hiện một bậc.
Theo BLHS, vấn đề không tố giác tội phạm và che giấu tội phạm là hai vấn đề không thể tách rời vấn đề đồng phạm. Trong BLHĐ, hai vấn đề này cũng đã được đặt ra. So với BLHS thì vấn đề không tố giác tội phạm trong BLHĐ cũng có điểm giống và khác nhau.
– Cả hai bộ luật đều giống nhau trong việc khẳng định hành vi không tố giác tội phạm phải bị coi là tội phạm và loại trừ TNHS về tội này cho một số đối tượng có quan hệ thân thích nhất định với người phạm tội (trừ một số tội đặc biệt nguy hiểm). Theo Điều 39 BLHĐ thì những đối tượng đó là người thân phải để tang (người phạm tội) từ 9 tháng trở lên, là ông bà ngoại, cháu ngoại, vợ cháu nội, anh em chồng, vợ anh em và đày tớ của người phạm tội.
– Để phù hợp với tính nguy hiểm của một số tội phạm cụ thể, BLHĐ có quy định riêng về việc xử phạt hành vi không tố giác tội phạm với mức phạt khác với quy định chung. Cụ thể: Điều 500 quy định tội không tố giác tội mưu phản loạn, tội mưu đại nghịch; Điều 522 quy định tội không tố giác tội đúc trộm tiền đồng đều phải chịu hình phạt nặng hơn hình phạt chung…
– Trong BLHĐ, hành vi không tố giác tội phạm được quy định có sự phân biệt giữa người phạm tội là quan chức và người phạm tội là dân thường và mức hình phạt đối với quan chức là nặng hơn. Ví dụ: Điều 157 quy định : “Các quan giám lâm [6], quan chủ ty biết thuộc viên phạm tội mà không phát giác, xử biếm hai tư; đàn cư quan [7] biết mà không phát giác, tội cũng như thế. Những người biết hàng xóm mình phạm tội mà không phát giác, tội giảm một bậc”. Tương tự như vậy, Điều 74 quy định :“Những người bán ruộng đất ở bờ cõi cho người nước ngoài thì bị tội chém…Quan phường xã biết mà không phát giác, thì tội giảm một bậc. Quan lộ, huyện, trấn cố ý dung túng, thì cùng một tội; vô tình không biết thì bị xử biếm hay phạt”.
Đối với hành vi che giấu tội phạm, BLHĐ thể hiện thái độ nghiêm khắc hơn so với hành vi không tố giác tội phạm. Các điều luật quy định hình phạt đối với tội che giấu tội phạm như hình phạt đối với tội được che giấu hoặc được giảm một bậc. Điều 654 là điều luật quy định về tội che giấu tội phạm nói chung. Trong đó, điều luật không những quy định mức hình phạt cho tội che giấu tội phạm mà còn mô tả hành vi che giấu. Cụ thể, Điều 654 quy định :“Biết là kẻ có tội, mà còn giấu giếm và chỉ bảo đường lối, cấp áo quần lương thực cho tội nhân đi trốn, thì bị xử nhẹ hơn tội nhân một bậc”. Ngoài điều luật quy định chung như vậy, trong BLHĐ còn một số điều luật khác quy định hành vi che giấu cụ thể. Ví dụ: Điều 411 quy định :“Những kẻ mưu làm phản, mưu làm việc đại nghịch thì xử tội chém bêu đầu…Quan sở tại không biết phát giác và truy bắt, thì phải tội tùy theo việc nặng nhẹ. Cố tình dung túng hay giấu giếm, thì xử như kẻ phạm tội”; Điều 650 quy định :“Những tù nhân bị lưu hay đồ, ở nơi lưu hay nơi đồ chưa đến hạn tha, mà đã bỏ trốn, thì đều phải tội chém…Kẻ tù phạm trốn đến làng xã nào, thì xã quan nơi ấy phải bắt trói đem nộp quan; nếu dung túng giấu giếm, thì xử tội nhẹ hơn kẻ tù trốn ấy một bậc”.
* Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết
Vấn đề phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết trong BLHĐ đều chưa được quy định thành chế định riêng hoàn chỉnh như trong BLHS. Tuy nhiên, trong BLHĐ cũng đã có những quy định về trường hợp gây thiệt hại cụ thể mà không phải chịu hình phạt do có tình tiết nhất định. Những quy định này phần nào đã phản ánh được ý tưởng về chế định phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết. Điều 646 quy định về việc bắt tội nhân có hai điểm thể hiện rõ quan điểm: loại trừ TNHS cho trường hợp phòng vệ chính đáng. Đó là “Đi bắt tội nhân mà tội nhân chống cự bị người đi bắt đánh chết, hay là vì tội nhân bỏ chạy, đuổi mà đánh chết, hay là tội nhân cùng quẫn quá mà tự sát, thì người đi bắt đều được miễn tội…Nếu người ngoài giúp kẻ tội nhân chống cự người đến bắt, mà người đến bắt đánh chết ngay tại chỗ thì không bị xử tội” hay Điều 485 quy định : “Ông bà, cha mẹ bị người ta đánh, con cháu đánh lại mà không bị què gãy, bị thương thì không phải tội…”. Đối với vấn đề tình thế cấp thiết, BLHĐ không có quy định thể hiện rõ như đối với vấn đề phòng vệ chính đáng.
NCS. VŨ THỊ THÙY DUNG (Giảng viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường HN)
[1] Những người họ hàng thân thích mà kẻ phạm tội phải để tang 1 năm
[2] Vợ đánh chồng chưa bị thương cũng bị coi là phạm tội theo Điều 481. Chồng đánh vợ mà chưa bị thương thì không bị coi là tội phạm mà chỉ bị coi là tội phạm khi đã làm bị thương vợ.
[3] Theo Điều 8 BLHS năm 1999 thì tội phạm được chia thành bốn loại tương ứng với bốn mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội: nguy hại không lớn, nguy hại lớn, nguy hại rất lớn và nguy hại đặc biệt lớn và tương ứng với bốn mức cao nhất của khung hình phạt.
[4] Người khởi xướng: người vừa thực hiện vừa chủ mưu
[5] Người a tòng: người thực hiện
[6] Quan giám lâm: chức quan trông nom các việc ở các địa phương
[7] Đàn cư quan: chức quan đàn hặc những điều sai trái của quan lại
Để lại một phản hồi