Lịch sử phát triển của các giao dịch thương mại quốc tế

Giao dịch thương mại quốc tế

Lịch sử phát triển của các giao dịch thương mại quốc tế

Các giao dịch thương mại quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế không phải là hiện tượng mới. Các nhà sử học cho rằng, ngay từ thời cổ xưa, khi con người sống theo bộ lạc, họ đã biết trao đổi hàng hoá với nhau. Các khu chợ có thể đã xuất hiện ở khu vực giáp ranh giữa các lãnh thổ của các bộ lạc. Mạng lưới thương mại quốc tế đầu tiên mà các nhà khảo cổ biết đến xuất hiện vào khoảng 3.500 năm trước Công nguyên, tại khu vực Lưỡng Hà cổ đại (lãnh thổ Iran và Irắc hiện nay). Ngoài ra, còn phải kể đến mạng lưới thương mại quốc tế xuất hiện ở Trung Quốc vào khoảng thời kì 1000-2000 năm trước Công nguyên, được gọi là ‘Con đường tơ lụa’. Trước khi xuất hiện kỉ nguyên văn minh Hy Lạp, vùng Địa Trung Hải là một trung tâm thương mại quốc tế được tổ chức rất thành công bởi người Phê-ni-xi. Các thành bang Hy Lạp bắt đầu cạnh tranh với người Phê-ni-xi từ khoảng năm 800 trước Công nguyên bằng việc phát triển hệ thống thương mại cùng với nền văn minh rực rỡ của họ. Cuộc chinh phục của Alexandre Đại Đế đã tạo ra những con đường thương mại kéo dài đến tận châu Á và Địa Trung Hải. Tiếp đó, người La Mã đã xây dựng đế chế thương mại hùng mạnh hơn hướng về phía Anh Quốc và Bắc Âu ngày nay.

Thương mại quốc tế ở châu Âu thời kì tiền Trung cổ đã trải qua giai đoạn suy thoái sau sự suy tàn của Đế chế La Mã. Sau đó, trong suốt thời kì Trung cổ, truyền thống thương mại quốc tế được các thương nhân Ả-rập tiếp tục phát triển. Họ xây dựng những mạng lưới thương mại rộng khắp quanh khu vực Vịnh Pếc-xích, châu Phi, Ấn Độ, và cả Đông Nam Á. Trong thời kì này, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Ấn Độ, Malaysia và Đông Nam Á cũng phát triển.

Chợ họp theo mùa bắt đầu xuất hiện ở các đô thị châu Âu thời Trung cổ. Đây là nơi các thương nhân mang hàng hoá từ nhiều nước đến bán. Kể từ thời kì này, các vua chúa, ví dụ như vị vua xứ Lombardy (Italia) thế kỉ XI, đã có chính sách áp thuế buôn bán ở chợ và áp thuế quan đối với hàng hoá được vận chuyển đến các chợ.

Vào cuối thời kì Trung cổ, các mạng lưới thương mại ở tầm khu vực đã rất phát triển ở châu Âu, ví dụ, ở những khu vực như vùng ven biển Địa Trung Hải, Venice, Florence, Genois hay Bắc Phi. Ở Bắc Âu, vào giữa thế kỉ XIV, khoảng 80 đô thị cùng với các thương nhân đã thiết lập liên kết chính trị mềm dẻo mang tên Liên minh Hansetic, với các luật lệ thương mại chung và đầy đủ sức mạnh quân sự, chính trị để đương đầu với cả vua chúa lẫn cướp biển. Trong thời kì này, các vua chúa cũng bắt đầu kí kết các điều ước nhằm bảo vệ các lợi ích thương mại, đồng thời áp dụng chính sách thuế quan thuận lợi cho các thương nhân.

Vào cuối thế kỉ XV, sự kiện Christophe Colombo phát kiến ra châu Mỹ cùng với các tiến bộ của khoa học-kĩ thuật và hàng hải đã mở ra kỉ nguyên chinh phục thương mại thế giới của người châu Âu. Thời kì này, các nước châu Âu đã thiết lập mạng lưới thuộc địa ở khắp nơi trên thế giới. Nhiệm vụ của các thuộc địa là cung cấp nguyên liệu thô để sản xuất thành phẩm tại chính quốc ở châu Âu, sau đó các thuộc địa sẽ nhập khẩu hàng hoá được sản xuất từ chính quốc.

Một trật tự kinh tế quốc tế mới bắt đầu xuất hiện khi Chiến tranh thế giới lần thứ II sắp kết thúc. Tại Hội nghị Bretton Woods năm 1944, các tổ chức kinh tế toàn cầu – Quỹ tiền tệ quốc tế (viết tắt là ‘IMF’) và Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển (viết tắt là ‘IBRD’) đã ra đời. Một tổ chức thương mại toàn cầu cũng đã xuất hiện tại Hội nghị La Havane năm 1948 – Tổ chức thương mại quốc tế (viết tắt là ‘ITO’), nhưng tổ chức này đã không thể tồn tại được và bị thay thế bằng cơ chế điều chỉnh thương mại hàng hoá quốc tế ‘tạm thời’ – Hiệp định chung về thuế quan và thương mại năm 1947 (viết tắt là ‘GATT 1947’). Hiệp định ‘tạm thời’ này đã điều chỉnh thương mại hàng hoá toàn cầu trong suốt gần 50 năm, cho đến khi Tổ chức thương mại thế giới (viết tắt là ‘WTO’) ra đời năm 1995 (xem Chương 2 của Giáo trình).

Kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, hệ thống thương mại toàn cầu liên tục phát triển trong suốt hơn 70 năm qua và giờ đây đang đứng giữa ngã tư đường. WTO sẽ đi về đâu cùng với các cam kết toàn cầu về tự do hoá thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề đầu tư quốc tế…? Để đối phó với sự không hiệu quả của các cam kết tự do hoá thương mại toàn cầu, việc thành lập các liên kết kinh tế khu vực đã trở nên hợp lí trong chính sách kinh tế đối ngoại của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các mô hình liên kết kinh tế khu vực như Liên minh châu Âu (viết tắt là ‘EU’), Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (viết tắt là ‘NAFTA’), Khu vực thương mại tự do ASEAN (viết tắt là ‘AFTA’), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (viết tắt là ‘TPP’) đã trở thành những chủ đề quen thuộc trong các giáo trình cơ bản về luật thương mại quốc tế (xem Chương 3 của Giáo trình). Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại song phương cũng sẽ có vai trò quan trọng (xem Chương 4 của Giáo trình).

(Trích Chương I, giáo trình luật thương mại quốc tế – Trường Đại học luật Hà Nội – Nhà xuất bản công an nhân dân 2012)

 


Các tìm kiếm liên quan đến Lịch sử phát triển của các giao dịch thương mại quốc tế, lợi ích của thương mại quốc tế, đặc điểm của thương mại quốc tế, vai trò của thương mại quốc tế đối với việt nam, vai trò của thương mại quốc tế đối với các nước đang phát triển, tầm quan trọng của thương mại quốc tế đối với việt nam. ví dụ về thương mại quốc tế, khái niệm thương mại quốc tế, thương mại quốc tế có vai trò như thế nào
5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.