Bài viết “Tòa án cấp huyện có được tổng hợp hình phạt đến “tử hình” hay không?” của tác giả Song Mai được đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 08/6/2018 (http://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/toa-an-cap-huyen-co-duoc-tong-hop-hinh-phat-den-tu-hinh-hay-khong) đã được bạn đọc tranh luận sôi nổi. Tác giả bài viết này cho rằng Bản án bị kháng nghị của TAND huyện Bình Chánh không vi phạm tố tụng, không sai về nội dung.
Ba quan điểm khác nhau
Về vấn đề này, hiện nay đang nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất, đồng tình với ý kiến của tác giả Song Mai, cho rằng:
– Vụ án được đưa ra xét xử theo quy định của BLTTHS 2015, cho đến nay chưa có quy định hay hướng dẫn về thẩm quyền tổng hợp hình phạt; Điều 268 của BLTTHS 2015 chỉ quy định về thẩm quyền xét xử của các Tòa án, không quy định thẩm quyền tổng hợp hình phạt, trong khi đó thẩm quyền tổng hợp hình phạt khác thẩm quyền xét xử; khoản 1 Điều 56 BLHS năm 2015 quy định: “Trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì Tòa án phải quyết định hình phạt đối với tội đang xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung” do đó TAND huyện B tổng hợp hình phạt là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
– Theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP hết hiệu lực kể từ ngày 01-01-2018 (ngày BLHS1999 và BLTTHS 2003 hết hiệu lực thi hành). Trường hợp này cũng không thuộc trường hợp áp dụng hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Do đó, những người theo quan điểm này cho rằng TAND cấp huyện có thẩm quyền tổng hợp hình phạt vượt quá thẩm quyền xét xử của mình, trong đó có cả trường hợp chung thân hoặc tử hình và việc VKSND Tp.HCM kháng nghị với lý do tổng hợp hình phạt không đúng thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là không có căn cứ.
Quan điểm thứ hai, đồng tình với kháng nghị của VKSND Tp.HCM, cho rằng:
– Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn: “Trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với Tòa án nhân dân cấp tỉnh để Tòa án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh”. Do đó, trường hợp này TAND huyện Bình Chánh bắt buộc phải báo cáo với TAND Tp.HCM để thống nhất với VKSND Tp.HCM rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh nhưng TAND huyện Bình Chánh không báo cáo với TAND Tp. HCM là đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
– Kháng nghị của VKSND Tp.HCM căn cứ theo Điều 32, điểm d khoản 1 Điều 37 của Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 505/2017/QĐ-VKSTC ngày 18-12-2017 và căn cứ vào hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP để kháng nghị (việc tổng hợp hình phạt không đúng thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng) là hoàn toàn đúng, có cơ sở, bởi lẽ, quy định tại Điều 56 BLHS 2015 về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án giữ nguyên các quy định của Điều 51 BLHS 1999 (chỉ chỉnh sửa về kỹ thuật), do đó Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP vẫn còn hiệu lực thi hành.
Đồng thời, những người theo quan điểm này cũng cho rằng, TAND huyện Bình Chánh tổng hợp hình phạt vượt quá thẩm quyền xét xử sẽ dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn khi thi hành án tử hình, vì theo quy định tại các điều 54, 55 Luật Thi hành án hình sự[1] thì Chánh án Tòa án cấp huyện không có thẩm quyền ra quyết định thi hành bản án tử hình đối với bị án và cũng không có thẩm quyền ra quyết định thành lập Hội đồng Thi hành án tử hình.
Quan điểm thứ ba cho rằng, mặc dù Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hết hiệu lực thi hành nhưng trong trường hợp này, TAND huyện Bình Chánh áp dụng tương tự pháp luật, nên báo cáo TAND Tp.HCM để TAND Tp.HCM thống nhất với VKSND Tp.HCM rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh sẽ thuận lợi hơn cho việc thi hành án tử hình sau này.
Bản án không vi phạm tố tụng, không sai về nội dung
Chúng tôi không bình luận việc kháng nghị của VKSND Tp.HCM đúng hay sai, bởi kháng nghị này sẽ sớm được TAND Tp.HCM xem xét; tác giả chỉ luận bàn về việc TAND cấp huyện có thẩm quyền tổng hợp hình phạt tử hình hay không? Việc TAND huyện Bình Chánh tổng hợp hình phạt tử hình có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không?
Qua nghiên cứu, tác giả cho rằng, để xác định việc TAND huyện Bình Chánh đưa vụ án ra xét xử và tổng hợp hình phạt như trên có đúng hay không thì phải căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm đưa vụ án ra xét xử.
Theo quy định tại Nghị quyết số 110/2015/QH13, Nghị quyết 144/2016/QH13 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 thì BLHS 2015 và BLTTHS 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, kể từ đó BLHS 1999 và BLTTHS 2003 hết hiệu lực thi hành.
Mặc dù quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015 giữ nguyên nội dung quy định tại Điều 51 BLHS 1999 nhưng theo quy định tại khoản 4 Điều 154[2] Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và điểm a khoản 2 Điều 38[3] Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP và Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP đã hết hiệu lực thi hành đồng thời với BLHS 1999 và BLTTHS 2003.
Theo tác giả, cũng cần phải phân biệt rạch ròi giữa xét xử, thẩm quyền xét xử và tổng hợp hình phạt, thẩm quyền tổng hợp hình phạt. Tác giả đồng ý với với tác giả Song Mai, đó là: (1) Bản chất tổng hợp hình phạt là việc tổng hợp hình phạt của bản án trước đó với hình phạt đối với bị cáo trong vụ án đang xét xử để tạo tính công bằng, giáo dục, răn đe người thực hiện hành vi tội phạm và thuận lợi cho việc thi hành án; (2) Không nên đồng nhất thẩm quyền xét xử với thẩm quyền tổng hợp hình phạt. Bởi lẽ, khi tổng hợp hình phạt, Tòa án chỉ thực hiện việc tổng hợp hình phạt theo quy định của pháp luật mà không xem xét lại nội dung, không xét xử lại vụ án đã được xét xử trước đó.
TAND huyện Bình Chánh xét xử bị cáo Phạm Tuất Linh về tội trộm cắp tài sản mà bị cáo đã phạm trước khi có bản án tử hình, quyết định hình phạt tù 3 năm hoàn toàn đúng thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 268 BLTTHS 2015 và tổng hợp hình phạt tử hình của bản án trước là đúng với quy định tại khoản 1 Điều 56 BLHS 2015.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng, hướng dẫn tại tiểu mục 4.4 mục 4 của Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP đã được thu hút, được luật hóa thành quy định của BLTTHS 2015 (điểm o khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015). Trong khi đó, Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn về vấn đề tổng hợp hình phạt trong trường hợp cụ thể này lại không được thu hút, không được luật hóa. Phải chăng các nhà làm luật có hàm ý mở rộng thẩm quyền tổng hợp hình phạt cho TAND cấp huyện trong bối cảnh cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đó tăng thẩm quyền xét xử cho TAND cấp huyện.
Điểm o khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015 quy định: “o) Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.”
Với các quy định của BLHS 2015 và BLTTHS 2015 về thẩm quyền xét xử và về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, có thể khẳng định TAND huyện Bình Chánh xét xử và tổng hợp hình phạt tử hình: Về tố tụng không vi phạm quy định của BLTTHS; về nội dung không vi phạm quy định của BLHS 2015, không xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Về vấn đề mà những người theo quan điểm thứ hai đặt ra, khi bản án của TAND huyện B có hiệu lực pháp luật sẽ có vướng mắc khi thi hành án tử hình, theo tác giả, trường hợp này hoàn toàn không có vướng mắc gì về pháp luật, bởi lẽ, khoản 1 Điều 54 Luật Thi hành án hình sự quy định: “Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình…” và như đã phân tích ở trên, TAND huyện Bình Chánh khi tổng hợp hình phạt không xem xét lại nội dung, không xét xử lại vụ án, do đó, TAND huyện Bình Chánh không phải là Tòa án xét xử sơ thẩm quyết định hình phạt tử hình. Tòa án đã xét xử sơ thẩm trong trường hợp này là TAND tỉnh Kiên Giang và Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình trong trường hợp này là Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang.
Còn theo quan điểm thứ ba, về mặt thực tiễn xét xử chắc chắn sẽ có nhiều Tòa án lựa chọn vì như vậy sẽ tạo cảm giác an toàn cho Thẩm phán. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, Nghị quyết 02/2010/NQ-HĐTP đã hết hiệu lực, do đó không thể gọi đó là áp dụng tương tự pháp luật.
Do hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án quy định tại Điều 56 BLHS 2015, trong khi BLTTHS 2015 cũng không quy định cụ thể về thẩm quyền tổng hợp hình phạt, vì vậy, tác giả kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDT sớm ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
[1] Điều 54, Điều 55 Luật Thi hành án hình sự 2010 quy định:
“Điều 54. Quyết định thi hành án tử hình
Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình. Quyết định phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định, họ tên, chức vụ của người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị kết án.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải gửi quyết định cho cơ quan sau đây:
a) Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp;
b) Trại tạm giam nơi người chấp hành án đang bị giam giữ;
c) Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.
Điều 55. Quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình
Ngay khi có quyết định thi hành án tử hình, Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án có văn bản yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu cử đại diện tham gia Hội đồng thi hành án tử hình.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án làm Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình. Quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định, họ tên, chức vụ của người ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ của người tham gia Hội đồng.”
[2] Khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định:
“Điều 154. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực
Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.”
[3] Khoản 2 Điều 38 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định:
“Điều 38. Xác định hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật
Xác định văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực:
a) Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành các Điều, Khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực;
b) Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được quy định chi tiết hết hiệu lực một phần thì các nội dung quy định chi tiết phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết sẽ hết hiệu lực đồng thời với phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết. Trường hợp không thể xác định được nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ;
c) Trường hợp một văn bản quy định chi tiết nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chỉ có một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực thì nội dung của văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ hết hiệu lực đồng thời với một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực. Trường hợp không thể xác định được các nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ.”
Nguồn: Tạp chí tòa án (tapchitoaan.vn)
Để lại một phản hồi