Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà trong đó mọi chủ thể (kể cả nhà nước) đều phải nghiêm chỉnh phục tùng pháp luật- một hệ thống pháp luật có tính pháp lý cao, phù hợp với lý trí thể hiện đầy đủ những giá trị cao cả nhất của xã hội, của con người.
Những nội dung liên quan:
1. Khái niệm nhà nước pháp quyền
Hiện nay, xung quanh vấn đề khái niệm nhà nước pháp quyền có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau.
– Nhà nước pháp quyền chỉ là nhà nước tồn tại trong học thuyết, là mô hình nhà nước lý tưởng được các học giả tư sản đặt ra để các quốc gia phấn đấu chứ không thể trở thành hiện thực.
– Nhà nước pháp quyền là sản phẩm, là phạm trù tư tưởng tư sản chỉ tồn tại và phù hợp với các nước phương Tây. Còn các quốc gia phương đông chỉ tiếp cận mang tính chất nghiên cứu chứ không thể vận dụng được.
– Nhà nước pháp quyền được coi là xu thế chung của thời đại, của nhiều quốc gia trên thế giới.
– Nhà nước pháp quyền là nhà nước gắn liền với xã hội công dân.
* Ở Việt Nam, vấn đề nhà nước pháp quyền là một vấn đề mới cả về phương diện lý luận nhận thức và thực tiễn. Chưa được nghiên cứu nhiều song mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN đã được đề cập đến trong văn kiện Đại Hội đại biểu lần thứ VII, VIII, IX của Đảng cộng sản Việt Nam.
* Mặc dù hiện nay chưa có một quan điểm chính thống, một khái niệm hoàn chỉnh, chính xác về nhà nước pháp quyền nhưng ở góc độ khái quát nhất có thể hiểu: Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà trong đó mọi chủ thể (kể cả nhà nước) đều phải nghiêm chỉnh phục tùng pháp luật- một hệ thống pháp luật có tính pháp lý cao, phù hợp với lý trí thể hiện đầy đủ những giá trị cao cả nhất của xã hội, của con người.
2. Đặc điểm nhà nước pháp quyền
Trên cơ sở những nghiên cứu khác nhau, có thể chỉ ra những đặc điểm cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền.
– Nhà nước pháp quyền là nhà nước có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, có giá trị pháp lý và có hiệu lực bắt buộc đối với mọi chủ thể trong đó Hiến pháp đóng vai trò tối thượng.
+ Hiến pháp được coi là luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật. Các đạo luật, bộ luật và những văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.
+ Mọi cơ quan, tổ chức xã hội, người có chức vụ và công dân đều phải nghiêm chỉnh tuân theo pháp luật và bình đẳng trước pháp luật.
– Nhà nước pháp quyền là nhà nước trong đó mối quan hệ nhà nước và công dân là mối quan hệ bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
Trong nhà nước pháp quyền, công dân có đầy đủ quyền tự do, dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời công dân cũng tự giác thực hiện mọi nghĩa vụ trước nhà nước. Về phần mình, nhà nước pháp quyền cũng tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân, ghi nhận và bảo đảm cho các quyền đó được thực hiện đầy đủ. Mối quan hệ nhà nước và công dân được xác lập trên cơ sở tôn trọng lợi ích giữa các bên.
– Nhà nước pháp quyền là nhà nước trong đó các quyền tự do, dân chủ và lợi ích chính đáng của con người được pháp luật bảo đảm và bảo vệ toàn vẹn.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của công dân phải đi liền với việc đấu tranh không khoan nhượng với biểu hiện độc quyền, quan liêu, hách dịch cửa quyền và tham nhũng của những người có chức vụ trong cơ quan nhà nước và những hành vi vi phạm pháp luật khác xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của công dân đều bị nghiêm trị.
– Nhà nước pháp quyền là nhà nước thống nhất quyền lực có sự phân công hợp lý, rành mạch giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Là nhà nước trong đó quyền lực nhà nước được tổ chức một cách khoa học, có sự phân quyền giữa các cơ quan Lập pháp, hành pháp, tư pháp tạo thành cơ chế đồng bộ.
Quan điểm khởi thủy của tư tưởng nhà nước pháp quyền về tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước là quan niệm về sự phân quyền là yêu cầu về sự sắp xếp quyền lực và phối hợp thực thi quyền lực nhằm tạo ra sự đồng bộ, hiệu quả của quá trình sử dụng quyền lực nhà nước.
– Nhà nước pháp quyền là nhà nước trong đó mọi công dân đều có ý thức pháp luật đúng đắn. Trên cơ sở đó mỗi công dân sẽ nhận thức được những hành vi nào được phép thực hiện, hành vi nào không được phép thực hiện, những hành vi nào buộc phải thực hiện, đảm bảo cho pháp luật được thực hiện một cách tự giác, triệt để, phát huy tính đúng đắn của nó trong thực tế.
Trên đây là những quan điểm chung của nhà nước pháp quyền – nhà nước mà mọi mặt tổ chức và hoạt động đều trên cơ sở pháp luật, chịu sự quản lý thống nhất của pháp luật, là một ” cơ thể” phức tạp nhưng vận động hài hòa, đồng bộ, đảm bảo sự thống nhất cao trong tổ chức và quản lý xã hội.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đưa ra quan điểm nhà nước pháp quyền XHCN:
– Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
– Quyền lực nhà nước thống nhất có sự phân công phân nhiệm và phối hợp giữa cơ quan nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
– Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, công dân có nhiệm vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
– Cải cách tổ chức và hoạt động của nhà nước gắn liền với xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước.
Để lại một phản hồi