Hoãn chấp hành hình phạt tù tại Bộ luật hình sự 2015

Chuyên mụcLuật hình sự phat-tu

Hoãn chấp hành hình phạt tù được quy định tại điều 67 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Hoãn chấp hành hình phạt tù là việc tạm thời dừng trong 1 thời gian nhất định việc chấp hành hình phạt của người bị kết án khi người này chưa chấp hành hình phạt đó.

 

Điều 67. Hoãn chấp hành hình phạt tù
1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
2.Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

 

Bình luận về Hoãn chấp hành hình phạt tù tại Bộ luật hình sự 2015

1. Các căn cứ để hoãn chấp hành hình phạt tù được thực hiện theo qui định tại Điều luật này mà theo đó không một cơ quan, cá nhân nào có thể tùy ý áp dụng việc hoãn chấp hành cho người phạm tội khi không đáp ứng được các điều kiện được nêu. Cụ thể để xem xét hoãn chấp hành hình phạt tù cần phải căn cứ vào một trong số các điều kiện sau đây:

– Người phạm tội bị bệnh nặng: Như thế nào để đánh giá được tình trạng sức khỏe của người phạm tội có nặng hay không nhằm làm căn cứ xét hoãn chấp hành hình phạt tù. Bệnh nặng ở đây cần được hiểu là tình trạng xấu đi nghiêm trọng về sức khỏe, đến nỗi người phạm tội không thể tiếp tục chấp hành hoặc không thể bắt đầu chấp hành hình phạt tù đã nêu. Nếu chấp hành hình phạt tù có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng người phạm tội. Dựa trên thực tế cũng như thực tiễn áp dụng, một số căn bệnh hiện nay được đánh giá là nghiêm trọng mà người mắc bệnh có thể được xem xét áp dụng qui định tại Điều luật này như: Bệnh ung thư, bị liệt …Trên thực tế, để ra quyết định hõan chấp hành hình phạt tù, Cơ quan có thẩm quyền dựa trên hồ sơ bệnh án của người phạm tội cũng như kết luận giám định của Hội đồng giám định y khoa. Vì trên thực tế việc giả mạo hồ sơ bệnh án có thể được thực hiện một cách dễ dàng.

Thời điểm hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội bị bệnh nặng được thực hiện cho đến khi sức khỏe của người đó được hồi phục.

– Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi: Việc xác định một người đang có thai hay không hoặc có đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hay không thường được xác định một cách dễ dàng. Cụ thể Cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ vào hồ sơ, giấy xác nhận của trung tâm y tế có thẩm quyền về việc người này đang có thai hoặc giấy khai sinh khi nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Điều kiện này chỉ được áp dụng cho đối tượng phạm tội, bị kết án là nữ. Vậy liệu đối với đối tượng là nam khi nuôi con dưới 36 tháng tuổi có được xem xét hoãn chấp hành hình phạt hay không? Nếu chúng ta căn cứ vào từng câu, chữ của Điều luật thì dễ dàng nhận thấy qui định này hoàn toàn không áp dụng cho đối tượng là nam. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có trường hợp người phạm tội bị kết án là nam và đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Xét về tính chất, người mẹ có tầm quan trọng trong việc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, vì đây là giai đoạn trẻ còn quá nhỏ, cần nguồn sữa của chính người mẹ hay sự chăm sóc chu đáo nhằm đảm bảo khả năng phát triển bình thường của trẻ nhưng không phải mọi trường hợp khi người bố bị kết án thì đứa trẻ vẫn còn người mẹ để chăm sóc mà đâu đó chúng ta vẫn thấy, đứa trẻ chỉ còn duy nhất người bố thì thiết nghĩ có nên hoãn cho một số trường hợp đặc biệt này hay không?
– Người phạm tội bị kết án là đối tượng lao động duy nhất trong gia đình: Điều này đồng nghĩa với việc người phạm tội là người tạo ra thu nhập, một nguồn sống chính của cả gia đình. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp người bị kết án là lao động duy nhất thì đều được hưởng qui định hoãn chấp hành hình phạt mà theo đó người này phải thõa mãn được hai điều kiện được luật định như sau:

+ Gia đình gặp khó khăn đặc biệt nếu người phạm tội chấp hành hình phạt: Khó khăn ở đây được biểu hiện ở dưới nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau như các thành viên còn lại trong gia đình không có người nuôi dưỡng, không có nguồn kinh tế để sinh sống…

+ Không phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cho dù gia đình người phạm tội có khó khăn đến mức độ nào thì khi người phạm tội bị kết án ở các tội danh nêu trên thì họ vẫn không được xem xét để hoãn chấp hành hình phạt.

– Bị kết án về tội ít nghiêm trọng nhưng do nhu cầu công vụ: Tội ít nghiêm trọng ở đây là các tội mà có khung hình phạt tù đến 03 năm. Xét về hành vi thì rõ ràng hành vi mà người phạm tội thực hiện có mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả xảy ra không lớn. Kết hợp với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi cùng với nhu cầu về công vụ (nhu cầu công vụ ở đây được hiểu những công việc phục vụ cho xã hội và nhân dân, thực hiện vì cái chung cho xã hội mà không phải nhằm đáp ứng cho nhu cầu cá nhân của người phạm tội) thì được xem xét cho hoàn chấp hành hình phạt tù.

2. Nếu người phạm tội đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được hoãn chấp hành hình phạt tù nhưng trong thời hạn được hoãn mà người phạm tội lại phạm tội mới thì đây là căn cứ để chấm dứt thời hạn hoãn, thời hạn/phần thời hạn hình phạt tù còn lại sẽ được tổng hợp với hành phạt mới.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền