Hòa giải – Xu hướng giải quyết tranh chấp thay thế

Thỏa thuận hòa giải

Mâu thuẫn, xung đột lợi ích, vi phạm quy tắc chung, vi phạm cam kết là điều khó tránh khỏi trong các mối quan hệ xã hội. Có hai hình thức cơ bản để giải quyết bất đồng, mâu thuẫn xảy ra giữa các bên là trong tố tụng (cơ quan nhà nước có thẩm quyền – Tòa án đứng ra giải quyết theo quy định của pháp luật) và ngoài tố tụng (các bên tự thương lượng, thỏa thuận với nhau hoặc nhờ bên thứ ba can thiệp như trọng tài, hòa giải, đánh giá trung lập).

Ngày nay, xu hướng sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng (Alternative Dispute Resolutions – ADR) ngày càng được coi trọng trên thế giới bởi khắc phục được những điểm yếu của hệ thống tòa án (vì nhiều lý do mà số vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn ngày càng tăng trong khi số lượng thẩm phán có hạn, thủ tục tố tụng tại Tòa án phải tuân thủ đúng pháp luật rất phức tạp, mất nhiều thời gian, lại công khai…). Trong số những phương pháp ADR, hòa giải được coi là một biện pháp hiệu quả, giữ vai trò quan trọng và phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nhiều quốc gia, hòa giải ngày càng được quan tâm thể chế hóa, thể hiện bằng việc thiết lập các quy tắc hòa giải (như Quy tắc hòa giải mẫu (về hòa giải thương mại quốc tế)của UNCITRAL 2002, quy trình hòa giải không bắt buộc của Phòng Thương mại quốc tế tại London; Hoa Kỳ và Ôxtrâylia đã thiết lập chế định giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative Dispute Resolutions – ADR) dưới hình thức hòa giải (conciliation) hoặc trung gian hòa giải (mediation). Nhiều nước châu Âu đã ban hành các đạo luật về hòa giải để nội luật hóa Quy tắc hòa giải mẫu của UNCITRAL và Chỉ thị của Liên minh châu Âu về hòa giải các vụ việc dân sự, thương mại (năm 2008). Tại Singapore “Phong trào giải quyết tranh chấp thay thế – ADR” chính thức bắt đầu năm 1994 với nhiều loại hình hòa giải khác nhau.

Ở Việt Nam, trong nhiều nghị quyết[1] khác nhau của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã định hướng tăng cường sử dụng hòa giải trong giải quyết tranh chấp, cho thấy tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Thể chế chủ trương, nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội đã thông qua nhiều văn bản luật có giá trị pháp lý cao, trong đó có quy định biện pháp hòa giải như một phương thức giải quyết tranh chấp (Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật hòa giải ở cơ sở,…).

Vậy hòa giải mang lại giá trị, lợi ích[2] gì so với những phương thức giải quyết tranh chấp khác?

Có thể kể đến 07 lợi ích mà hòa giải mang lại như sau:

Thứ nhất, quyền tự định đoạt của các bên.Trong hòa giải, các bên tranh chấp có thể bày tỏ quan điểm, trao đổi, đàm phán và thảo luận về các giải pháp giải quyết. Hòa giải đem lại cơ hội cho các bên được gặp gỡ trực tiếp để trình bày, giải thích và đưa ra lý do mà mình bất đồng với bên kia, từ đó hai bên hiểu nhau và đi đến thống nhất cách giải quyết. So với cách giải quyết khác như quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay phán quyết của Tòa án thường mang lại cảm giác bị áp đặt thì trong hòa giải các bên không cảm thấy phải chịu áp lực mà họ thấy rằng họ được làm chủ, vì thế họ dễ dàng thống nhất cách giải quyết hơn. Như vậy, hòa giải đặt con người vào vị trí trung tâm, thể hiện đề cao quyền con người, quyền tự định đoạt của công dân[3]theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Thứ hai, tiết kiệm thời gian. Khi lựa chọn phương án hòa giải để giải quyết tranh chấp, các bên hoàn toàn chủ động về thời gian, việc giải quyết nhanh chóng hơn rất nhiều so với thủ tục tố tụng[4].

Thứ ba,chi phí thấp.Khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, các bên tiết kiệm và giảm thiểu rất nhiều chi phí. Hiện nay, vụ việc hòa giải ở cơ sở không tính phí, hòa giải viên làm việc trên cơ sở tự nguyện, vì lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng; còn hòa giải thương mại thường tính phí theo giờ, hầu hết các hòa giải viên thương mại làm việc trong một số lĩnh vực khác ngoài công việc hòa giải. Trên thực tế, có những vụ án dân sự, vụ án kinh tế kéo dài nhiều năm, trải qua nhiều lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm rồi lại quay trở về xét xử sơ thẩm lại, các đương sự trong vụ án dân sự mệt mỏi với chuyện kiện tụng, bên thắng kiện đôi khi không đủ bù đắp chi phí tố tụng[5], ngoài ra công việc bị ảnh hưởng, thu nhập bị giảm sút.

Đồng thời, việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải làm giảm chi phí, giảm khối lượng công việc cho cơ quan nhà nước.Mỗi năm hoà giải thành công bao nhiêu vụ việc tức là giảm được bấy nhiêu vụ việc mà các cơ quan nhà nước phải thụ lý giải quyết.

Thứ tư, linh hoạt về thủ tục. Các bên có quyền lựa chọn hoặc không lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa giải, không bên nào có thể ép buộc bên nào tham gia vào phương thức này; các bên có thể quyết định hoàn toàn quy trình hòa giải hoặc đề xuất với hòa giải viên những thay đổi cần thiết cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, các bên được tham gia toàn bộ quá trình hòa giải cho đến khi hòa giải xong hoặc ngừng tham gia hòa giải nếu thấy việc tham gia không hiệu quả hoặc muốn giải quyết bằng phương thức khác;quá trình hòa giải thường được hoàn thành trong một thời gian ngắn. Đây là sự khác biệt với phương thức tố tụng, khi giải quyết vụ án, Tòa án phải tuân theo những quy định về thủ tục tố tụng rất chặt chẽ, tương đối “rườm rà”[6],do vậy khi hòa giải, các bên tranh chấp không cảm thấy lo lắng hay căng thẳng như hoạt động xét xử tại Tòa án. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin và bằng chứng trong tố tụng phải thực hiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm tính chính xác; còn trong hòa giải không có quy định về chứng cứ và kiểm tra tính chính xác của chứng cứ.Đồng thời các bên tranh chấp còn có quyền lựa chọn địa điểm tiến hành hòa giải[7].

Thứ năm, duy trì mối quan hệ giữa các bên và bảo mật thông tin.Quá trình hòa giải giúp các bên tham gia làm việc cùng nhau, tạo không khí thân thiện, lắng nghe, mang tính xây dựng và tin tưởng. Các bên có cơ hội thể hiện tình cảm, bày tỏ sự quan tâm đến các quan hệ lâu dài trong tương lai. Ở nước ta, hòa giải là quy trình kín không có sự tham gia của cá nhân, tổ chức khác nếu các bên tranh chấp không đồng ý. Nội dung của buổi hòa giải không được công bố công khai, các bên có thể kiểm soát được việc tiết lộ hay không tiết lộ các thông tin về vụ việc[8].

Thứ sáu, hiệu quả của hòa giải tác động đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Hòa giải góp phần xây dựng sức mạnh đoàn kết dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư khiếu nại, kiện tụng.

Thứ bảy, hiệu quả của hòa giải tác động đến kinh tế – xã hội. Quan hệ cộng đồng làng xã ổn định, bền chặt các thôn, bản, tổ dân phố được an ninh, trật tự, văn hóa; môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh và ổn định khiến mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức và doanh nghiệp yên tâm lao động, sản xuất, làm ăn hiệu quả hơn, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng địa phương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Như vậy, có thể thấy, hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp mang đậm tính nhân văn sâu sắc, phản ánh tâm lý sống chuộng hòa bình, coi trọng nghĩa tình của người Việt Nam với phương châm “Nghĩa ăn không bằng nghĩa ở”, “Một điều nhịn, chín điều lành” và “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, không thích kiện tụng “vô phúc đáo tụng đình”.

Hiện nay, ở nước ta hòa giải có các loại hình sau:

– Hòa giải ở cơ sở là loại hình phổ biến nhất khi giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật nhỏ trong cộng đồng dân cư (mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ, tranh chấp giữa hàng xóm láng giềng với nhau, các vi phạm pháp luật nhỏ). Hòa giải ở cơ sở được điều chỉnh bởi Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hòa giải ở cơ sở, Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

– Hòa giải trong tố tụng dân sự là loại hình hòa giải các tranh chấp đã được tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, do thẩm phán tiến hành và là một phần của quá trình tố tụng[9]. Đây là  thủ tục tố tụng bắt buộc[10] đối với việc giải quyết hầu hết các vụ án dân sự tại tòa án cấp sơ thẩm, trừ những vụ việc pháp luật quy định không được hòa giải hoặc không hòa giải được[11].

– Hòa giải tranh chấp lao động được tiến hành đối với các tranh chấp lao động cá nhân[12]và tranh chấp lao động tập thể[13]. Hòa giải tranh chấp lao động thực hiện theo quy định tại Chương XIV Bộ luật lao động năm 2012.

– Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thoả thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 317 Luật thương mại và Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về hòa giải thương mại.

– Hòa giải để miễn trách nhiệm hình sự có hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp phápcủa người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự[14]. Trường hợp thứ hai là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng biện pháp này[15]. Việc hòa giải tại cộng đồng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 94 Bộ luật hình sự[16].

Để phát triển và khuyến khích sử dụng nhiều hơn các hình thức hòa giải, Bộ luật tố tụng dân sự đã dành 01 chương (Chương XXXIII) quy định “Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án”. Theo đó, tòa án ra quyết định công nhậnkết quả hòa giải thành ngoài tòa án khi các bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận và kết quả hòa giải thành phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện[17] theo quy định. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Với xu thế áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng nêu trên, hòa giải được xác định là một biện pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả, thậm chí là biện pháp thay thế xử lý trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp nhất định.

Để bảo đảm các cam kết, thỏa thuận đạt được trong hòa giải có hiệu lực thi hành, nhà nước quy định hòa giải thành có giá trị pháp lý và được Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Trong trường hợp hòa giải theo quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự, người vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục; nếu người vi phạm không thực hiện các cam kết với nạn nhân, thì cơ quan tiến hành tố tụng có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm. Như vậy, việc thi hành thỏa thuận hòa giải thành dường như không còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan, sự thiện chí, sự tự nguyện của các bên nữa, nếu như kết quả hòa giải thành đã được Tòa án công nhận thì sẽ bị cưỡng chế thi hành như thi hành án dân sự; còn người vi phạm pháp luật hình sự mà không thực hiện cam kết hòa giải thì sẽ đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi xã hội hiện đại phát triển, thấy rõ những lợi ích và ưu điểm của hòa giải, các bên mâu thuẫn, tranh chấp lựa chọn nhiều hơn phương thức hòa giải để giải quyết tranh chấp, thì cần nhìn nhận hòa giải như một phương thức thay thế cho các phương thức giải quyết tranh chấp khác (như tòa án hay cơ quan chính quyền địa phương). Điều đó, thể hiện xu thế chuyển hướng xử lý giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội từ các cơ quan nhà nước, cơ quan tố tụng sang chủ thể trung gian bằng biện pháp hòa giải.

Giải pháp tiếp tục hoàn thiện phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải

1. Cần sớm ban hành Luật hòa giải. Như trên đã phân tích, hòa giải có vai trò quan trọng trong xã hội, ở nước ta các quy định pháp luật về hòa giải còn nằm tản mát ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau (như Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật lao động, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật đất đai, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về hòa giải thương mại, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hòa giải ở cơ sở…).Các quy định về hòa giải tại các luật chuyên ngành dễ dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo ra tình trạng khó kiểm soát.Việc ban hành Luật hòa giải còn nhằm thực hiện mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong nhiều nghị quyết khác nhau. Đồng thời Luật hòa giải sẽ thể chế các quy định về quyền tự do dân chủ, quyền tự quyết, quyền con người trong Hiến pháp năm 2013. Hiện nay, nước ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, tham gia vào nhiều điều ước quốc tế, giao thương với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó xu thế giải quyết tranh chấp trên thế giới đã chuyển dịch chủ yếu sang đối thoại, thương lượng, hòa giải với mục tiêu tất cả cùng phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau[18]. Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật hòa giải là rất cần thiết nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

2. Cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ưu điểm, lợi ích và ý nghĩa quan trọng của công tác này, nhất là đối với người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội.

3.Cần xây dựng đội ngũ hòa giải viên chuyên nghiệp. Hiện nay, hòa giải viên ở cơ sở về cơ bản đáp ứng đủ số lượng, tuy nhiên trình độ và năng lực của hòa giải viên ở cơ sở còn nhiều hạn chế, nhiều người không có chuyên môn luật, hoạt động hòa giải còn dựa theo cảm tính, thuyết phục là chính. Hòa giải viên thương mại hoạt động theoquy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về hòa giải thương mại, đây là nghị định mới, có hiệu lực từ ngày 15/4/2017. Mới đây, ngày 29/5/2018, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam và công bố Quy tắc hòa giải thương mại. Như vậy cần xây dựng đội ngũ hòa giải viên thương mại đáp ứng việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại phát sinh với số lượng ngày càng nhiều và phát triển mạnh mẽ.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)

 

[1] như: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 03/10/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng …

[2] Hay nói cách khác là ưu điểm của hòa giải

[3] Những phương thức giải quyết khác tập trung vào tình tiết của vụ việc tranh chấp, xác định lỗi của mỗi bên.

[4] Các bên có thể gặp gỡ để hòa giải vào bất kỳ thời diểm nào (kể cả ngoài giờ hành chính, thứ bẩy, chủ nhật mà không phụ thuộc vào thời giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước hay tòa án).

[5] Các đương sự trong vụ án dân sự phải nộp án phí theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch thì mức án phí căn cứ vào giá trị tài sản có tranh chấp (từ trên 60 triệu  đồng đến 400 triệu đồng thì nộp 5% của giá trị tranh chấp; từ trên 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng thì nộp 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng; từ trên 800 triệu đồng đến 2 tỷ đồng thì nộp 36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800 triệu đồng; từ trên 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng thì nộp 72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2 tỷ đồng; từ trên 4 tỷ đồng thì nộp 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4 tỷ đồng).

[6] Tòa án buộc phải chấp hành đúng những quy định về thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng

[7] Địa điểm có thể là nhà riêng, trụ sở công ty của một bên tranh chấp, có thể là nhà văn hóa của khu dân cư, thậm chí là quán cà phê hay khu nghỉ dưỡng…, bất cứ nơi nào mà bên tranh chấp thấy thuận tiện cho họ và pháp luật không cấm họ gặp gỡ tại địa điểm đó.

[8] Một trong những nguyên tắc của tố tụng dân sự là Tòa án xét xử công khai, trừ một số trường hợp theo quy định cần giữ bí mật thì Tòa án có thể xé xử kín.

[9] Điều 10 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.

[10] Khoản 3 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải.

[11] Khoản 1 Điều 2015 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tạiĐiều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

[12] Khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:…

[13] Khoản 1 Điều 204 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: Trình tự hoà giải tranh chấp lao động tập thể được thực hiện theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật này. Biên bản hòa giải phải nêu rõ loại tranh chấp lao động tập thể.

[14] Quy định tại Khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[15] Quy định tại Điều 92 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[16] Người dưới 18 tuổi phải thuộc một trong các trường hợp sau: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự.

[17] Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; Vụ, việc được hòa giải tuân thủ đúng quy định pháp luật về hòa giải; Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý; Có văn bản hòa giải thành. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.

[18] Vì hòa giải không phân định kẻ thắng, người thua, ai đúng, ai sai như tố tụng tại Tòa mà sau khi hòa giải xong cả hai đều thấy mình thắng, tiếp tục “bắt tay” nhau để duy trì mối quan hệ và cùng phát triển.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn) 

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.