Phòng, chống rửa tiền qua các tổ chức tín dụng theo pháp luật của Hoa Kỳ, Singapore và những gợi mở cho Việt Nam.
Hoạt động rửa tiền qua các tổ chức tín dụng đã và đang trở thành một vấn đề lớn đối với nhiều quốc gia và là vấn đề được cả cộng đồng quốc tế quan tâm. Vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền qua tổ chức tín dụng của một số quốc gia tiến bộ như Hoa Kỳ và Singapore sẽ góp phần gợi mở các nội dung bổ ích cho Việt Nam trong quá trình hoàn hiện pháp luật về lĩnh vực này.
Abstract: Money laundering through credit institutions has become a crucial problem for several countries and is an issue of the international concerns. Therefore, the studies and analysis of legal regulations on anti-money laundering through the financial institutions in the developed countries such as the United States and Singapore will provide valuable reference and suggestions for Vietnam’s improvements of the related legal regulations.
Keywords: law; anti-money laundering; credit institution
1. Pháp luật Hoa Kỳ về phòng, chống rửa tiền qua tổ chức tín dụng
Pháp luật của Hoa Kỳ về chống rửa tiền được hình thành kể từ những năm 1970 khi Đạo luật về Bí mật Ngân hàng (Bank Secrecy Act – BSA) được ban hành, trong đó đã ấn định “nghĩa vụ lưu giữ các tài liệu và báo cáo” đối với các tổ chức tài chính nhằm cung cấp chứng cứ về các giao dịch tài chính cho cơ quan thi hành pháp luật[1]. Mục đích của hệ thống báo cáo này là để tạo ra các chứng cứ nhằm truy tìm nguồn gốc của những khoản tiền do hành vi phạm tội mà có. Ngân hàng và các tổ chức tài chính là những nơi mà các nguồn “tiền bẩn” cần phải đi qua trước khi hoà nhập vào nền kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống báo cáo giao dịch tài chính theo quy định của BSA không có nhiều giá trị trong việc chống lại các hoạt động rửa tiền; do đó, Luật về Kiểm soát rửa tiền (Money Laundering Control Act – MLCA) đã được thông qua năm 1986, nhằm nâng cao hiệu quả điều chỉnh loại tội phạm này.
Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, ngày 26/10/2006, Tổng thống Mỹ Geroge W. Bush đã ký Đạo luật về “Đoàn kết và Tăng cường sức mạnh của nước Mỹ bằng cách cung cấp công cụ phù hợp cần thiết để ngăn chặn khủng bố” (Uniting and Strengthening America by Providing Appropriate Tools Required to Intercept and Obstruct Terrorism) hay còn được gọi là PATRIOT Act[2]. Đạo luật này đã tăng cường hiệu quả của BSA và mở rộng phạm vi điều chỉnh tội rửa tiền lên mức cao nhất trên thế giới vào thời kỳ đó. Mục tiêu của PATRIOT Act là “phát hiện và loại bỏ cơ sở tài chính để tài trợ khủng bố” và làm “cạn kiệt nguồn tài chính của những kẻ khủng bố”[3].
Ngoài ra, một số văn bản pháp lý quan trọng khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền tại Mỹ bao gồm: Luật Quản lý toàn diện tội phạm năm 1984, Luật Chống sử dụng ma tuý năm 1988, Luật Chống rửa tiền Annunzio – Wylie năm 1992, Luật về Trấn áp rửa tiền năm 1994, Luật về Rửa tiền và tội phạm tài chính năm 1998, Luật về Ngăn ngừa khủng bố và đổi mới hệ thống tình báo năm 2004[4]. Những luật và quy định về phòng, chống rửa tiền tại Mỹ luôn được bổ sung, sửa chữa cho phù hợp với những thay đổi của tội phạm rửa tiền[5].
MLCA đã quy định hai nhóm tội rửa tiền gồm: giao dịch tài chính liên quan đến tài sản thu được từ “các hành vi phạm tội cụ thể” và giao dịch tài chính đối với tài sản[6] mà người tham gia giao dịch biết được đó là tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội cụ thể. Theo Điều 1956, cá nhân tham gia vào một giao dịch tài chính liên quan đến tài sản thu được từ “các hành vi phạm tội cụ thể” với mục tiêu hỗ trợ việc thực hiện hành vi phạm tội (Điều 1956(a)(1)(A)(i) hoặc nhằm che đậy bản chất, địa điểm, nguồn gốc, sở hữu hoặc kiểm soát tài sản bất hợp pháp đó (Điều 1956(a)(1)(B)(i) sẽ được coi là phạm tội theo quy định của MLCA.
Khái niệm “hành vi phạm tội cụ thể” được hiểu là hành vi cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 1961 (Đạo luật RICO). Đối với các giao dịch tài chính được thực hiện một phần hoặc toàn bộ trên lãnh thổ Hoa Kỳ, tội vi phạm pháp luật nước ngoài liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, bán hoặc phân phối một tài sản; giết người, bắt cóc, tiêu huỷ tài sản; đánh bạc bất hợp pháp; giao dịch lừa dối của ngân hàng nước ngoài, tham nhũng của công chức nhà nước, tham ô tài sản công hoặc lợi ích khác của công chức nhà nước[7]. Bên cạnh đó, theo Điều 1956(a)(2), việc vận chuyển hoặc chuyển tiền hoặc các công cụ tiền tệ[8] quốc tế với mục tiêu hỗ trợ việc thực hiện một hành vi phạm tội cụ thể hoặc biết rằng công cụ tiền tệ đó hoặc số tiền đó là tài sản thu được từ một hành vi phạm tội nào đó, hoặc với mục tiêu che giấu hoặc thay đổi bản chất, địa điểm, nguồn gốc, sở hữu hoặc kiểm soát tài sản bất hợp pháp đó[9] được coi là phạm tội rửa tiền quốc tế và chịu sự điều chỉnh của MLCA. Quy định này được đưa ra nhằm hình sự hoá các giao dịch rửa tiền quốc tế và giải quyết tình trạng tiền được rửa bằng cách chuyển ra khỏi lãnh thổ của Hoa Kỳ[10].
Để phòng, chống rửa tiền thông qua các tổ chức tín dụng, pháp luật Hoa Kỳ có những quy định rất chặt chẽ liên quan đến nghĩa vụ lưu trữ thông tin, phát hiện và báo cáo những giao dịch đáng ngờ của các tổ chức tín dụng hoạt động tại Hoa Kỳ.
Theo quy định của BSA, các tổ chức tín dụng sẽ phải nộp 5 loại báo cáo khác nhau cho chính phủ, bao gồm: Báo cáo về giao dịch tiền tệ (CTR), Báo cáo về vận chuyển tiền hoặc các công cụ tiền tệ (CMIR), báo cáo về tài khoản ngân hàng và tài chính nước ngoài (FBAR), Báo cáo về hành vi nghi vấn (SAR), và Chỉ định cá nhân được miễn trừ khỏi báo cáo CTR. Các ngân hàng cũng có trách nhiệm duy trì các chứng từ, tài liệu liên quan đến các giao dịch được thực hiện như: chứng từ mua bán công cụ tiền tệ, chứng từ về chuyển tiền và các yêu cầu di chuyển. Đồng thời, BSA cũng yêu cầu các tổ chức tài chính phải tiến hành các biện pháp cần thiết để theo dõi và báo cáo về các giao dịch đáng ngờ.
Bên cạnh đó, theo Điều 326 PATRIOT Act, các tổ chức tài chính phải triển khai các hoạt động để phát hiện và xác định các dấu hiệu của hành vi rửa tiền[11] bao gồm: xác định danh tính người mở tài khoản, lưu giữ các bản ghi về thông tin được sử dụng để xác minh chủ tài khoản, tham vấn cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp người mở tài khoản có nằm trong danh sách những kẻ khủng bố, kẻ tình nghi khủng bố hoặc các tổ chức khủng bố. PATRIOT Act cũng cho phép Bộ Tài chính Hoa Kỳ được quyền phong toả và áp đặt lệnh cấm đối với các tổ chức tài chính nếu không hợp tác với cơ quan này trong việc chống rửa tiền quốc tế. Ví dụ, các ngân hàng của Hoa Kỳ có thể bị cấm buôn bán với ngân hàng nước ngoài nếu ngân hàng đó từ chối trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan có thẩm quyền của Mỹ. Đây là một trong những biện pháp khiến cho PATRIOT Act có phạm vi vượt ra ngoài lãnh thổ của Mỹ. Điều này có thể lý giải bởi hệ thống tài chính của Mỹ là một trong những hệ thống lớn mạnh hàng đầu thế giới và hầu hết các ngân hàng đều phải tham gia giao dịch với các ngân hàng của quốc gia này.
2. Pháp luật Singapore về phòng, chống rửa tiền qua tổ chức tín dụng
Pháp luật về chống rửa tiền qua tổ chức tín dụng của Singapore được quy định trong một số văn bản sau đây[12]:
– Đạo luật về Tham nhũng, Buôn bán bất hợp pháp ma tuý và các tội phạm nghiêm trọng khác (tịch thu tài sản) (the Corruption, Drug Trafficking and Other Serious Crimes (Confiscation of Benefits) Act – CDSA được ban hành ngày 6/7/1999. Theo đó, tội rửa tiền không chỉ bị giới hạn trong phạm vi liên quan đến buôn bán bất hợp pháp ma tuý mà bao gồm cả những trường hợp liên quan đến các tội nghiêm trọng khác. Nhằm mở rộng phạm vi tội rửa tiền, xác định rõ nghĩa vụ báo cáo các giao dịch nghi vấn, tạo cơ chế báo cáo các hoạt động chuyển tiền xuyên quốc gia cũng như tăng hình phạt đối với các tội rửa tiền được quy định trong CDSA, Singapore đã sửa đổi các quy định trong CDSA 1999 trên cơ sở các khuyến nghị của FATF(?). Đạo luật sửa đổi, bổ sung CDSA đã được ban hành năm 2007[13] và năm 2014.[14] Đây cũng là văn bản pháp lý quan trọng nhất về chống rửa tiền trong hệ thống pháp luật của Singapore hiện hành. Các quy định về chống rửa tiền được ghi nhận chủ yếu tại Phần VI và quy định về tịch thu tài sản tại Phần II của CDSA, trong đó điều chỉnh đồng thời rửa tiền liên quan đến mua bán ma tuý và các tội phạm nghiêm trọng khác.
– Các Lưu ý và hướng dẫn về phòng, chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bổ (Notices and Guidelines on Prevention of Money Laundering and Countering the Financing of Terrorism)của Cơ quan Tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore – MAS) (AML/CFT Notices): Đây là hệ thống các lưu ý và hướng dẫn của Cơ quan Tiền tệ Singapore nhằm hướng dẫn thi hành các quy định về chống rửa tiền được quy định trong CDSA đối với các tổ chức tài chính. Thông qua các hướng dẫn và lưu ý này, Cơ quan Tiền tệ Singapore cũng cung cấp cho các cá nhân liên quan (như luật sư tư vấn) những trường hợp nghi vấn về sự tham gia vào hoạt động rửa tiền của khách hàng.
– Một số văn bản khác như: Đạo luật về Khủng bố (Terrorism (suppression of financing act) năm 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2016, Luật Hình sự, Luật Thuế thu nhập, Luật Thuế hàng hoá và dịch vụ, Quy định về Nghề luật (Legal Profession Act) năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017…
Trước hết, theo quy định từ Điều 43 đến Điều 48 của CDSA, tội rửa tiền bao gồm các hành vi:
– Che giấu hoặc ngụy trang, chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản hoặc chuyển tài sản ra khỏi lãnh thổ mà tài sản đó – toàn bộ hoặc một phần, trực tiếp hoặc gián tiếp – là lợi ích mà cá nhân đó có được từ buôn bán ma tuý hoặc từ hành vi phạm tội[15].
– Che giấu, nguỵ trang, chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản hoặc chuyển tài sản khỏi lãnh thổ mà biết rằng hoặc có cơ sở hợp lý để tin rằng tài sản đó một phần hoặc toàn bộ, trực tiếp hoặc gián tiếp là lợi ích mà người khác thu được từ buôn bán ma tuý hoặc hành vi phạm tội[16].
– Chiếm hữu, sở hữu, hoặc sử dụng tài sản mà biết hoặc có cơ sở để tin rằng tài sản đó, một phần hoặc toàn bộ, trực tiếp hoặc gián tiếp, là lợi ích mà người khác có được từ buôn bán ma tuý hoặc hành vi phạm tội[17].
– Trợ giúp người buôn bán ma tuý hoặc phạm tội nghiêm trọng giữ lại hoặc thay mặt người đó kiểm soát tài sản[18], bảo vệ hoặc đầu tư tài sản đó dù biết hoặc có cơ sở hợp lý để tin rằng tài sản đó là lợi ích mà người đó có được từ buôn bán ma tuý hoặc các hành vi phạm tội khác[19].
– Tiết lộ thông tin về một việc điều tra hoặc dự định điều tra[20] hoặc việc thông tin đã được gửi đến hoặc sẽ được gửi đến cho cơ quan có thẩm quyền[21] theo quy định của Đạo luật này gây ảnh hưởng đến việc điều tra.
Một trong những điểm đáng lưu ý trong pháp luật về chống rửa tiền của Singapore là khái niệm “hành vi phạm tội” (criminal conduct) được định nghĩa tại Điều 2 CDSA. Xuất phát từ vị trí là trung tâm thương mại, tài chính và giao thông hàng đầu thế giới, Singapore rất dễ trở thành điểm trung chuyển các tài sản bất hợp pháp từ nước ngoài. Chính vì vậy, Singapore đã không chỉ giới hạn hành vi phạm tội trong phạm vi lãnh thổ Singapore mà bao gồm bất kỳ hành vi đã hoặc đang tham gia thực hiện trên lãnh thổ Singapore hoặc nơi khác mà cấu thành một tội nghiêm trọng (serious offence) hoặc một tội nghiêm trọng theo pháp luật nước ngoài (foreign serious offence)[22].
Ngoài ra, Singapore là một trong những nước đầu tiên quy định về tội rửa tiền liên quan đến trốn thuế. Theo đó, kể từ ngày 01/09/2014, trường hợp một cá nhân phạm tội theo pháp luật của nước ngoài trong đó có hành vi cố ý thực hiện một trong những hành vi được quy định tại Điều 2 của CDSA[23] với mục đích trốn thuế hoặc trợ giúp người khác trốn thuế của quốc gia đó thì sẽ được coi là phạm tội nghiêm trọng về thuế theo pháp luật nước ngoài. Singapore cũng không đưa ra bất kỳ loại thuế cụ thể nào, do đó, hành vi trốn bất kỳ loại thuế nào (kể cả loại thuế mà quốc gia nước ngoài quy định trong khi Singapore không quy định) cũng sẽ nằm trong phạm điều chỉnh của CDSA. Giới hạn duy nhất của quy định này đó là yếu tố lỗi – người phạm tội “cố ý thực hiện với mục đích trốn hoặc trợ giúp người khác trốn thuế” theo quy định của pháp luật nước ngoài. Chính vì vậy, gần như tất cả các trường hợp cố ý trốn thuế theo quy định của pháp luật nước ngoài đều sẽ cấu thành tội rửa tiền tại Singapore.
Như vậy, pháp luật Singapore đã giới hạn tội rửa tiền trong phạm vi rửa tiền liên quan các tội liên quan đến buôn bán bất hợp pháp ma tuý và các hành vi phạm tội.
Để đảm bảo hiệu quả của hoạt động phòng, chống rửa tiền qua các tổ chức tín dụng, pháp luật Singapore đã quy định khá cụ thể về nghĩa vụ báo cáo và cung cấp thông tin của các tổ chức tín dụng[24]. Theo quy định tại mục 3 phần V CDSA, các tổ chức tín dụng phải giữ lại hoặc giữ một bản sao tài liệu về giao dịch tài chính[25] của khách hàng trong khoảng thời gian tối thiểu (5 năm kể từ ngày đóng tài khoản, hoặc ngày thực hiện giao dịch)[26]. Trong trường hợp vi phạm, tổ chức tài chính sẽ bị coi là phạm tội và bị phạt tối đa SGD $10,000.
Các tổ chức tín dụng cũng như các cá nhân trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ mà biết hoặc có cơ sở để nghi ngờ bất kỳ loại tài sản nào (một phần hoặc toàn bộ, trực tiếp hoặc gián tiếp) là lợi ích thu được hoặc được sử dụng hoặc dự định sử dụng để thực hiện hành vi cấu thành tội buôn bán ma tuý hoặc các hành vi phạm tội khác thì phải cung cấp thông tin cho Nhân viên về báo cáo giao dịch nghi vấn ngay khi biết[27]. Trong trường hợp vi phạm, tổ chức tín dụng hoặc cá nhân đó bị coi là phạm tội và bị phạt tối đa SGD $20,000.
Theo quy định của Điều 31 CDSA, các tổ chức tín dụng có nghĩa vụ cho Cơ quan công tố hoặc người được cơ quan này trao quyền mang đi hoặc xem các tài liệu mà các tổ chức này nắm giữ theo lệnh của Toà án cấp cao (High Court) trong thời gian tối đa là 07 ngày để tiến hành điều tra buôn bán ma tuý hoặc các tội nghiêm trọng khác.
Ngoài ra, để thực hiện các hoạt động phòng, chống rửa tiền, các tổ chức tín dụng còn phải tuân thủ các yêu cầu trong các Lưu ý và hướng dẫn của Cơ quan Tiền tệ Singapore đối với từng loại hình tổ chức tín dụng. Trong các Lưu ý và hướng dẫn này, Cơ quan Tiền tệ Singapore không chỉ quy định nghĩa vụ của các tổ chức tín dụng trong việc tiến hành các bước cần thiết để xác định, đánh giá và nhận biết được nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với khách hàng, quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà khách hàng đến hoặc đi, quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà tổ chức tín dụng có hoạt động và các kênh để thực hiện các hoạt động, dịch vụ hay giao dịch của tổ chức tín dụng đó. Các tổ chức tín dụng có nghĩa vụ tiến hành tự đánh giá rủi ro, xem xét các yếu tố rủi ro trước khi xác định cơ chế phù hợp để cung cấp đánh giá rủi ro này cho cơ quan có thẩm quyền[28].
Trong trường hợp tổ chức tín dụng vi phạm hoặc không tuân thủ các yêu cầu được nêu trong các lưu ý và hướng dẫn này sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt tối đa là 1 triệu SGD[29].
3. Một số gợi mở cho Việt Nam
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức và xác định quyết tâm về sự cần thiết phải tăng cường phòng, chống rửa tiền qua tổ chức tín dụng là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ, lành mạnh hóa hệ thống tài chính quốc gia và đáp ứng các yêu cầu, cam kết hội nhập quốc tế.
Thứ hai, cần coi trọng yếu tố con người: Trong công tác phòng, chống rửa tiền qua tổ chức tín dụng, yếu tố con người có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần những người đủ năng lực, đạo đức để cùng hợp tác phòng, chống rửa tiền một cách hiệu quả.
Thứ ba, cần xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền: Sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ cho công tác chống rửa tiền, đặc biệt, cần giao nhiệm vụ cụ thể và quyền lực cần thiết đủ lớn cho cơ quan chuyên trách chống rửa tiền với các chế tài đủ mạnh để trấn áp và trừng phạt các hành vi rửa tiền. Kinh nghiệm lập pháp của các nước cho thấy, văn bản pháp lý hoàn thiện, đầy đủ và chặt chẽ sẽ là nền tảng vững chắc để các cơ quan có thể thực hiện đầy đủ quyền hạn và chức năng của mình.
Thứ tư, cần tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, cơ quan và các tổ chức tín dụng: Công tác phòng, chống rửa tiền là công việc hết sức phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi sự quyết tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành, tổ chức có liên quan, giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp; giữa các tổ chức tín dụng với Ngân hàng Nhà nước cũng như giữa các tổ chức tín dụng với nhau.
Thứ năm, cần xây dựng hệ thống giám sát hiệu quả, bất kỳ một hoạt động nào khi thực hiện cũng cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ mới đảm bảo tính hiệu quả của nó. Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh cùng hệ thống giám sát hiệu quả sẽ góp phần đẩy lùi tệ nạn rửa tiền.
Thứ sáu, cần phát triển hệ thống thông tin quốc gia công khai, minh bạch, cập nhật và thuận tiện cho tra cứu các quy định, nhận biết các quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan của các tổ chức tín dụng và người dân về chuyển tiền và giao dịch ngân hàng, phòng, chống rửa tiền./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Charlels Thelen Plombeck, Confidentiality and Disclosure: The Money Laundering Control Act and Banking Secrecy, International Law 69, 70 (1988)
- Kim Phụng, 26/10/2001: George W. Bush ký Đạo luật Yêu nước,http://nghiencuuquocte.org/2016/10/26/george-bush-ky-dao-luat-yeu-nuoc/
- Andres Rueda, International money laundering law enforcement and the USA PATRIOT Act of 2001, MSU-DCL Journal of International Law, 10, 2001, tr.149
- History of Anti-Money laundering laws, https://www.fincen.gov/history-anti-money-laundering-laws
- Phòng, chống rửa tiền tại một số nước trên thế giới, http://tapchitaichinh.vn/viet-nam-chong-rua-tien,-tai-tro-khung-bo/phong-chong-rua-tien-tai-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-49421.html
- Jimmy Gurule, The money Laundering Control Act of 1986: Creating a new Federal offense or merely affording federal prosecutors an alternative means of punishing specified unlawful activity, American Criminal Law Review, tr. 828, Nguồn: http://scholarship.law.nd.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1014&context=law_faculty_scholarship
- Andres Rueda, International money laundering law enforcement and the USA PATRIOT Act of 2001, MSU-DCL Journal of International Law, 10, 2001, tr.152
- Kenny Foo, Money Laundering offences under the corruption, drug trafficking and other serious crimes (confiscation of benefits) Act, Interpretative Difficulties and a proposed solution, Singapore Academy of Law Journal (2017), tr. 164-165, Nguồn: http://journalsonline.academypublishing.org.sg/Journals/Singapore-Academy-of-Law-Journal/Current-Issue/ctl/eFirstSALPDFJournalView/mid/494/ArticleId/1189/Citation/JournalsOnlinePDF
- Anti-Money Laundering/Countering the Financing of Terrorism,http://www.mas.gov.sg/Regulations-and-Financial-Stability/Anti-Money-Laundering-Countering-The-Financing-Of-Terrorism-And-Targeted-Financial-Sanctions/Anti-Money-Laundering-and-Countering-the-Financing-of-Terrorism.aspx
Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11/2018.
[1] Xem Charlels Thelen Plombeck, Confidentiality and Disclosure: The Money Laundering Control Act and Banking Secrecy, International Law 69, 70 (1988).
[2] Kim Phụng, 26/10/2001: George W. Bush ký Đạo luật Yêu nước, http://nghiencuuquocte.org/2016/10/26/george-bush-ky-dao-luat-yeu-nuoc/
[3] Andres Rueda, International money laundering law enforcement and the USA PATRIOT Act of 2001, MSU-DCL Journal of International Law, 10, 2001, tr.149
[4] Nguồn: https://www.fincen.gov/history-anti-money-laundering-laws
[5] Phòng, chống rửa tiền tại một số nước trên thế giới, Nguồn: http://tapchitaichinh.vn/viet-nam-chong-rua-tien,-tai-tro-khung-bo/phong-chong-rua-tien-tai-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-49421.html
[6] Bao gồm bất kỳ giao dịch nào thông qua một tổ chức tín dụng như gửi, rút, chuyển khoản hoặc đổi tiền hay công cụ tiền tệ khác
[7] Điều 1956(c)(7) MLCA 1988
[8] Công cụ tiền tệ được hiểu là tiền xu hoặc tiền của Hoa Kỳ hoặc của bất kỳ quốc gia nào khác, séc cá nhân, séc ngân hàng và các lệnh chuyển tiền hoặc chứng khoán đầu tư… (Xem Điều 1956(c)(5)
[9] Điều 6471(b) Anti-Drug Abuse Act 1988
[10] Jimmy Gurule, The money Laundering Control Act of 1986: Creating a new Federal offense or merely affording federal prosecutors an alternative means of punishing specified unlawful activity – American Criminal Law Review – tr. 828,
Nguồn: http://scholarship.law.nd.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1014&context=law_faculty_scholarship
[11] Andres Rueda, International money laundering law enforcement and the USA PATRIOT Act of 2001, MSU-DCL Journal of International Law, 10, 2001, tr.152
12] Kenny Foo, Money Laundering offences under the corruption, drug trafficking and other serious crimes (confiscation of benefits) Act, Interpretative Difficulties and a proposed solution, Singapore Academy of Law Journal (2017), tr. 164-165, Nguồn: http://journalsonline.academypublishing.org.sg/Journals/Singapore-Academy-of-Law-Journal/Current-Issue/ctl/eFirstSALPDFJournalView/mid/494/ArticleId/1189/Citation/JournalsOnlinePDF
[13] Có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2007
[14] Có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2014.
[15] Điều 46(1) và Điều 47 (1) CDSA 2016
[16] Điều 46(2) và Điều 47 (2) CDSA 2016
[17] Điều 46(3) và Điều 47 (3) CDSA 2016
[18] Điều 43(1) và Điều 44(1) CDSA 2016
[19] Điều 43(2) và Điều 44(2) CDSA 2016
[20] Điều 47 (1) CDSA 2016
[21] Điều 47(2)
[22] Là tội phạm (ngoài tội buôn bán ma tuý) theo pháp luật nước ngoài mà hành vi phạm tội nếu được thực hiện một phần ở Singapore sẽ cấu thành tội nghiêm trọng, trong đó bao gồm tội về thuế.
[23] Bao gồm các hành vi: a) bỏ qua, khai thấp hơn hoặc cao hơn một khoản doanh thu tính thuế; b) khai sai doanh thu, tài liệu hoặc thông tin được sử dụng để tính thuế; c) trả lời sai, bằng lời nói hoặc văn bản, bất kỳ câu hỏi hoặc yêu cầu cung cấp thông tin nào để tính thuế; d) không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm thu thuế, một cách phù hợp, bất kỳ thông tin không chính xác nào trong bất kỳ đánh giá nào do cơ quan đó đưa ra khi được yêu cầu; e) chuẩn bị hoặc duy trì hoặc cho phép chuẩn bị hoặc duy trì bất kỳ hệ thống sổ kế toán hoặc bản ghi sai nào, hoặc làm sai hoặc cho phép làm sai sổ kế toán hoặc bản ghi; f) thực hiện bất kỳ biện pháp, hành vi hay kế hoạch lừa dối nào.
[24] Điều 2 CDSA 2016
[25] Là bất kỳ tài liệu nào liên quan đến giao dịch tài chính do tổ chức thực hiện với tư cách một tổ chức tài chính như: đóng hoặc mở tài khoản tại tổ chức tài chính, chuyển tiền giữa Singapore và nước ngoài hoặc thay mặt cá nhân chuyển tiền giữa các quốc gia nước ngoài.
[26] Điều 36 CDSA 2016
[27] Điều 39(1) CDSA 2016
[28] Ví dụ như quy định tại Điều 4 Thông báo số 1014 ngày 24/4/2015, sửa đổi ngày 30/11/2015 về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố – Ngân hàng Thương mại, Điều 4 Thông báo số 824 ngày 24/4/2015, sửa đổi ngày 30/11/2015 về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố – Công ty Tài chính. Nguồn: http://www.mas.gov.sg/Regulations-and-Financial-Stability/Anti-Money-Laundering-Countering-The-Financing-Of-Terrorism-And-Targeted-Financial-Sanctions/Anti-Money-Laundering-and-Countering-the-Financing-of-Terrorism.aspx?sc_p=1&sc_y=&sc_type=&sc_q=
[29] Điều 27A Đạo luật về Cơ quan Tiền tệ Singapore, sửa đổi bổ sung năm 2007
PGS. TS. Vũ Hồng Anh – ThS. Nguyễn Hải Yến
Các tìm kiếm liên quan đến Phòng, chống rửa tiền qua các tổ chức tín dụng, các biện pháp phòng chống rửa tiền, luật phòng chống rửa tiền, phòng chống rửa tiền là gì, luật phòng chống rửa tiền thuvienphapluat, nghị định 116 phòng chống rửa tiền, mẫu báo cáo phòng chống rửa tiền, quy định của nhnn về phòng chống rửa tiền, thông tư 35 phòng chống rửa tiền
Để lại một phản hồi