Tóm tắt: Pháp luật Việt Nam xác định trách nhiệm bảo hộ đối với tính mạng, sức khỏe của con người nói chung và công dân nói riêng (gọi chung là con người – công dân), nhưng chưa quy định cụ thể thời điểm được pháp luật thừa nhận là con người – công dân. Việc xác định thời điểm phát sinh năng lực pháp luật của một cá nhân rất quan trọng và cần được minh thị vì nó đồng thời đề ra giới hạn trách nhiệm pháp lý đối với hành vi gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác trong quan hệ pháp luật hình sự, hành chính, dân sự.
Abstract: The Vietnamese laws define the responsibility for the protection of human life and health in general and of its citizens in particular (generally known as person – citizens), but the particular point of time admitting as person – citizens is not specified by the laws. The point-time determination for a person’s legal capacity is crucial important and should be demonstrated because it simultaneously sets the limits on his liability for acts that harm the lives and well-being of other person in the criminal, administrative and civil law relations.
1. Đặt vấn đề
Trong xã hội pháp quyền nói chung, con người khi sinh ra đã xuất hiện quan hệ pháp luật đầu tiên: năng lực pháp luật. Đó là khả năng của cá nhân hưởng quyền và có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Năng lực pháp luật của cá nhân xuất hiện từ sau khi con người sinh ra và chấm dứt khi người đó chết[1].
Thời điểm xác lập năng lực pháp luật của một cá nhân cũng là thời điểm pháp luật xác lập quyền bảo hộ và bảo đảm về quyền đối với một cá nhân với tư cách là một con người – xét theo quan hệ pháp luật nói chung, và là một công dân – xét theo pháp luật quốc tịch của một quốc gia nhất định. Như vậy, khi năng lực pháp luật được xác lập, một trẻ sơ sinh được thừa nhận là con người – công dân, thì bất kỳ hành vi nào gây tổn hại tính mạng, sức khỏe của trẻ đó sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi và hậu quả mà nó đã gây ra. Vấn đề đặt ra là, năng lực pháp luật của một trẻ sơ sinh được tính từ thời điểm nào, khi “lọt lòng mẹ” sau bao nhiêu phút, giờ, ngày kể từ trước khi sinh ra, khi còn trong bào thai thì tính từ thai kỳ tháng nào? Quyền con người về tính mạng, sức khỏe là bất khả xâm phạm, nhưng cũng không phải là vô hạn mà nó có thể và cần được giới hạn theo chế độ pháp lý riêng biệt. Chính vì vậy, Hiến pháp năm 2013, một mặt xác lập việc bảo hộ quyền con người – công dân, mặt khác cũng nêu rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Khoản 2 Điều 14). Việc giới hạn quyền con người, quyền công dân nếu tiếp cận từ góc độ thời điểm phát sinh quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe đối với một con người – công dân khi mới sinh ra, đối chiếu với những trường hợp cụ thể trong đời sống thực tế rất cần và nên được minh thị – đặc biệt là trong xây dựng và áp dụng pháp luật hình sự – về giới hạn trách nhiệm pháp lý đối với người có hành vi bị coi là đã xâm hại tính mạng, sức khỏe của một con người – công dân. Đây cũng là vấn đề còn bỏ ngỏ lâu nay trong pháp luật hình sự nói riêng, cũng như trong hệ thống pháp luật ở nước ta nói chung.
2. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009)
Trước đây, Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009) về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” quy định phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm đối với một số trường hợp, trong đó bao gồm: hành vi phạm tội đối với nhiều người (hai người trở lên) và đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai.
Xét cơ cấu tội danh và hình phạt của điều luật là cấu thành cơ bản tại Khoản 1 được áp dụng đối với trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng. Cụ thể, đối với hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe (dưới 11%) đối với phụ nữ mà người có hành vi xâm hại biết là đang mang thai. Theo quy định của điều luật thì trường hợp đang mang thai (dù là sắp sinh) cũng chỉ được xem là tình trạng bất lợi về sức khỏe của người bị xâm hại và thai nhi chưa phải là một thực thể con người – công dân. Vì thế, điều luật đã tách bạch hai trường hợp khác nhau: “Phạm tội đối với nhiều người” được xếp trước trường hợp phạm tội “Đối với phụ nữ mà biết là có thai”. Như vậy, thai nhi dù đã hình thành đầy đủ như con người trong bào thai thì vẫn chưa phải là con người – công dân về pháp lý và có thể xem đây như là giới hạn trách nhiệm pháp lý cho người có hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, Điều 94 BLHS 1999 về “Tội giết con mới đẻ” quy định: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giếtcon mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Đây là tội danh có chủ thể đặc biệt bởi hai yếu tố: chủ thể phạm tội là người mẹ, lỗi do tư tưởng lạc hậu và nạn nhân là con mới đẻ của chính người mẹ phạm tội. Tuy nhiên, cụm từ “con mới đẻ” là một khái niệm định tính, thiếu sự rõ ràng. Để có thể xác định rõ trách nhiệm pháp lý làm cơ sở áp dụng hình phạt đối với người phạm tội, cần phải có quy định yếu tố định lượng về thời gian trong khái niệm “con mới đẻ” là ngay sau khi sinh ra (“lọt lòng mẹ”) bao nhiêu phút, giờ, ngày… mà đứa trẻ còn sống và được xác nhận là phát triển bình thường cho đến thời điểm hành vi tước đoạt hoặc bỏ mặc sự sống của đứa trẻ đó được thực hiện. Rất tiếc là BLHS 1999 không có điều khoản giải thích định lượng của cụm từ này.
3. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017)
Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015) cơ bản kế thừa từ BLHS 1999; do đó, nội dung điều luật về các Tội giết người (Điều 123), Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134) không có gì khác biệt so với cùng tội danh của BLHS 1999. Riêng hành vi giết con mới đẻ hoặc vứt con mới đẻ lại được luật mới sửa đổi tội danh, bổ sung điều khoản và điều chỉnh nội dung điều luật. Cụ thể, Điều 124 BLHS 2015 quy định về Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ như sau: “1/ Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2/ Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Quy định nói trên thể hiện một số vấn đề bất cập sau:
Thứ nhất, quy định này định lượng thời gian cho cấu thành Tội danh giết hoặc vứt con mới đẻ, là: “trong 7 ngày tuổi”. Điều đó có nghĩa, nếu đứa trẻ đã sinh ra từ hơn 7 ngày tuổi trở lên bị người mẹ đẻ giết hoặc vứt bỏ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì người mẹ có hành vi giết hoặc vứt con mới đẻ sẽ phải chuyển sang chịu trách nhiệm pháp lý về tội danh “Giết người” (Điều 123) – tội danh nguy hiểm nhất trong Chương XIV BLHS 2015 quy định về các tội danh xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Có thể tiên lượng được khả năng định lượng “trong 7 ngày tuổi” sẽ là tình tiết gây nhiều dư luận và tranh tụng gay gắt trong những vụ án có tội danh này xảy ra trên thực tiễn; vì khó mà hiểu được căn cứ vào cơ sở khoa học/pháp lý nào mà các BLHS 2015 đưa ra định lượng nêu trên mà không phải là 01 ngày, 02 ngày hoặc 03 ngày tuổi[2]… Bên cạnh đó, theo quy định của Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016, “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Như vậy, sẽ rất khó khăn nếu phải tìm kiếm sự thống nhất khi so sánh khái niệm “Trẻ em” theo Luật Trẻ em và khái niệm “Con mới đẻ” là trong 7 ngày tuổi của BLHS 2015.
Thứ hai, việc bổ sung định lượng trong 7 ngày tuổi tại Điều 124 tuy là nhằm làm rõ giới hạn cho yếu tố cấu thành tội danh “Giết con mới đẻ” phân định với tội danh “Giết người”, song, cụm từ chỉ thời lượng đó cần được tính từ thời điểm nào đến thời điểm nào: “ngay khi lọt lòng mẹ”, sau 01 giờ, 02 giờ hay từ đủ 24 giờ như quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP trước đây. Đáng tiếc, Luật Hộ tịch năm 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch được kế thừa từ Nghị định số 158/2005/NĐ-CP không còn đề cập vấn đề này – một thai nhi sau khi sinh ra thì tính từ thời điểm nào được xem là một con người – công dân có năng lực pháp luật và được hưởng quyền bảo hộ của pháp luật. Bởi lẽ, xét theo chức năng của luật chuyên ngành thì Luật Hộ tịch là luật có thẩm quyền xác lập thời điểm pháp lý bắt đầu năng lực pháp luật của con người – công dân khi mới sinh ra[3]. Trên cơ sở này, luật chuyên ngành khác dựa vào đó để vận dụng trong những quy phạm của mình. Vì vậy, trường hợp BLHS 2015 đưa ra giới hạn thời điểm “trong 7 ngày tuổi” ở tội danh như đã nêu là chưa rõ ràng về cơ sở khoa học/pháp lý.
Tóm lại, Nhà nước cần có quy định xác định rõ thời điểm phát sinh năng lực pháp luật của một con người – công dân sau khi sinh ra, có như vậy thì việc xác định trách nhiệm pháp lý trong thực tiễn sẽ rõ ràng và thuận lợi hơn cho việc áp dụng xử lý – không chỉ riêng đối với pháp luật hình sự mà còn rất ý nghĩa với các quan hệ pháp luật hành chính, pháp luật dân sự, thừa kế, con nuôi… Ví dụ, nếu xảy ra trường hợp một người mẹ (quốc tịch Việt Nam) giết con mới đẻ hoặc là đồng phạm với kẻ khác giết con mới đẻ ở quốc gia khác có chênh lệch múi giờ với Việt Nam từ một, vài phút đến một ngày thì định lượng “trong 7 ngày tuổi” của BLHS 2015 có thể làm phát sinh những rắc rối về xung đột pháp luật trong truy cứu trách nhiệm hình sự và một số định chế pháp lý về bồi thường dân sự, bảo hiểm, thừa kế liên quan. Do đó, để hoàn thiện hệ thống pháp quyền, không thể không khắc phục những “lỗ hổng” pháp lý như nêu trên./.
TS. Hoàng Minh Khôi – Cơ sở Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh
Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17/2018.
[1] Quan hệ pháp luật thứ hai của cá nhân là năng lực hành vi của cá nhân do pháp luật quy định, bằng các hành vi của chính mình thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý và tự chịu trách nhiệm về những hành vi ấy. Năng lực hành vi của các cá nhân xuất hiện muộn hơn so với năng lực pháp luật bởi nó chỉ xuất hiện khi con người đạt tới độ tuổi và điều kiện về ý thức theo quy định của pháp luật trong từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, theo Điều 3 của Bộ luật Lao động năm 2012 thì “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên”.
[2]Trẻ sơ sinh hay con mới đẻ là thuật ngữ chỉ về một trẻ em được sinh ra trong vòng một giờ, ngày, hoặc một vài tuần nhất định từ khi lọt lòng. Trẻ sơ sinh (từ tiếng La tinh: neonatus) đề cập đến một trẻ sơ sinh trong 28 ngày đầu tiên sau khi sinh. Thuật ngữ “sơ sinh” bao gồm trẻ sơ sinh thiếu tháng, và trẻ sơ sinh đủ tháng và thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Latin là từ infans có nghĩa là “không thể nói” hoặc “không nói nên lời” Nó thường được dùng để chỉ trẻ em trong độ tuổi từ 1 tháng và 12 tháng. Nguồn: Từ điển Wikipedia.
[3]Theo tinh thần và lời văn của Điều 14 và Điều 20 Hiến pháp năm 2013 thì ngoại trừ những quyền và nghĩa vụ riêng biệt cho công dân Việt Nam, còn lại mọi “con người” bao gồm: người nước ngoài, người không quốc tịch đều được hưởng các “quyền con người” như công dân Việt Nam. Do vậy, bài viết dùng cụm thuật ngữ con người – công dân ở trường hợp này là nhằm nêu rõ những nội dung về quyền con người mà Luật Hộ tịch xác lập cho công dân, nếu không thuộc trường hợp riêng biệt thì mọi con người đều hưởng các quyền đó như áp dụng với công dân, cụ thể trong việc xác lập thời điểm năng lực pháp luật nêu trên.
Để lại một phản hồi