Phân tích đối tượng, chủ thể và nội dung quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Những nội dung liên quan:
Đối tượng, chủ thể và nội dung quyền tác giả
Mục lục:
1. Đối tượng quyền tác giả
Đối tượng quyền tác giả gồm: Tác phẩm trong nước hay do người Việt Nam sáng tạo, Tác phẩm do người nước ngoài sáng tạo và các tác phẩm lập thể và mỹ thuật ứng dụng.
a) Tác phẩm trong nước hay do người Việt Nam sáng tạo
Quyền tác giả là quyền sở hữu trí tuệ có đối tượng điều chỉnh rộng lớn nhất. Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ liệt kê 14 loại hình tác phẩm: truyện, kịch, tác phẩm tạo hình, phim, ảnh, video, chương trình máy tính, tài liệu bản vẽ, công trình khoa học, bài hát, v.v. Trong các hình thức thể hiện tác phẩm được nhắc đến ở Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, có một khái niệm dễ hình dung, song khó định nghĩa và khó xác định phạm vi bảo hộ. Đó là chương trình máy tính. Tuy trong không có định nghĩa trực tiếp, song khái niệm này đã được nhắc đến ở Điều 6 Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả. Theo đó chương trình máy tính là một hoặc một nhóm chương trình được biểu hiện dưới dạng chuỗi lệnh viết theo một ngôn ngữ lập trình nào đó và các tệp dữ liệu có liên quan, chỉ dẫn cho máy tính hoặc hệ thống tin học biết phải làm gì để thực hiện nhiệm vụ được đề ra; có thể được cài đặt bên trong máy vi tính hoặc được dưới hình thức văn bản, đĩa mềm, CD-ROM.
Danh sách các tác phẩm được nêu trong Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ không cố định, và số loại hình tác phẩm sẽ ngày một tăng với sự ra đời của các phương tiện lưu trữ và truyền tải thông tin hiện đại, thí dụ như cơ sở dữ liệu (database), truyền thông đa phương diện (multimedia), hay xa lộ thông tin (internet).47 Các loại hình này được tập trung thành ba nhóm: các tác phẩm văn học, khoa học và nghệ thuật. Tuy vậy cũng có những trường hợp một tác phẩm vừa là một tác phẩm khoa học, vừa là một tác phẩm nghệ thuật, thí dụ một bộ phim tài liệu khoa học. Cách phân loại nói trên tương tự với cách phân loại tác phẩm ở các nước theo hệ thống luật lục địa. Ở các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ, người ta chia tác phẩm thành ba loại sau: tác phẩm viết (written works), tác phẩm âm thanh (sound recordings) và tác phẩm hình ảnh (motion pictures). Tất nhiên cách phân loại này cũng không loại trừ lẫn nhau, thí dụ như một bộ phim (kể cả phần nhạc) vừa là tác phẩm hình ảnh, vừa là tác phẩm âm thanh. Cách phân loại nói trên không làm ảnh hưởng đến tiêu chuẩn bảo hộ của tác phẩm. Chúng ta biết các tác phẩm được bảo hộ không phân biệt hình thức, ngôn ngữ thể hiện và chất lượng tác phẩm. Tuy nhiên, không phải bất kỳ hình thức thể hiện của một ý tưởng nào cũng được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả.
Như vậy để được bảo hộ, một tác phẩm phải (1) được chấp nhận về mặt nội dung; (2) được thể hiện dưới một hình thức nhất định và (3) có tính nguyên gốc. Sự sáng tạo của một tác giả không nhất thiết phải độc lập với sự sáng tạo của tác giả khác. Các tác phẩm dẫn xuất từ những tác phẩm khác cũng được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả, thí dụ tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, tuyển chọn, sưu tầm.
– Dịch là việc chuyển tải trung thực nội dung của một tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Thí dụ dịch tập thơ “Ngục trung nhật ký” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Việt với tựa đề “Nhật ký trong tù.”
– Phóng tác là sự sáng tạo dựa theo nội dung của một tác phẩm khác. Thí dụ vở kịch Roméo và Julliet của văn hào W. Shakespeare là phóng tác từ một tác phẩm khuyết danh đã được truyền tụng ở thành phố Verona (Italia).
– Cải biên là việc viết lại từ một tác phẩm đã có. Thí dụ tiểu thuyết “Chúa tàu Kim quy” của Hồ Biểu Chánh được cải biên từ tiểu thuyết “Bá tước trên đảo Monte Cristo” của Alexandre Dumas.
– Chuyển thể là việc chuyển từ loại hình nghệ thuật này sang loại hình nghệ thuật khác. Thí dụ vở cải lương “Nghêu Sò Ốc Hến” được chuyển thể từ tuồng cổ.
– Tuyển tập là việc tuyển chọn từ nhiều tác phẩm riêng rẽ của một tác giả. Thí dụ “tuyển tập truyện ngắn Việt Nam 1990 – 1999” của NXB Văn Nghệ.
– Biên soạn là việc tuyển chọn theo một chủ đề có thể bình luận, đánh giá. Thí dụ đề cương bài giảng mà các bạn cầm trên tay được biên soạn theo chủ đề, có bình luận, đánh giá các tài liệu khác về luật sở hữu trí tuệ. Việc liệt kê các loại hình sáng tạo theo hướng kế thừa một tác phẩm đã có này không tự loại trừ lẫn nhau, có nghĩa là một tác giả có thể vừa chuyển thể, vừa cải biên một tác phẩm đã có. Vở cải lương “Nghêu Sò Ốc Hến” do soạn giả Trần Hữu Trang cải biên và chuyển thể từ một vở tuồng cổ đã có trong dân gian.
Tuy rằng quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức sáng tạo, không bảo hộ nội dung sáng tạo, song không phải với bất kỳ nội dung nào thì tác phẩm cũng sẽ được bảo hộ. Luật ở nước nào cũng quy định một tiêu chuẩn tối thiểu về mặt nội dung để được bảo hộ. Một hình vẽ vô ý thức trên tường, một bài báo xuyên tạc sự thật không thể được bảo hộ. Trước đây, trong BLDS 1995, ở Điều 749 có qui định những tác phẩm không được bảo hộ. Ở đây cách quy định của mỗi nước khác nhau. Luật Việt Nam quy định một số tác phẩm có nội dung chống phá cách mạng, văn hoá độc hại không được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Việc cấm lưu hành, phổ biến các loại tác phẩm này cũng thể hiện trong Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Nghị định 21/CP ngày 05/03/1997 về sử dụng thông tin trên Internet, và cũng là một tội hình sự trong Bộ Luật Hình sự. Một số nước khác (Cuba, CHDCND Triều Tiên, v.v.) cũng có những quy định tương tự.48 Vì có sự trùng lắp trong Điều 749 BLDS 1995 trước đây với các qui định của các luật khác như đã nêu, nên Điều này đã bị bãi bỏ trong BLDS 2005 cũng như Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, không nên hiều rằng một tác phẩm có nội dung thế nào cũng được bảo hộ tại Việt Nam.
Theo BLDS 1995, một số tác phẩm được bảo hộ theo quy chế riêng, đó là tin tức thời sự thuần túy đưa tin, tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian, văn bản pháp luật và bản dịch của những văn bản đó. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, trong các tác phẩm trên chỉ có tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là được bảo hộ theo qui chế riêng (Điều 23 Luật Sở hữu trí tuệ). Các tin tức thời sự thuần túy đưa tin hoặc văn bản pháp luật đều không được bảo hộ (Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ).
Hiện nay một số luật gia tập hợp các văn bản pháp luật vào một tuyển tập để phát hành. Thí dụ “Những văn bản pháp luật thương mại”, hay “Hệ thống văn bản pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam”. Những tuyển tập này có được bảo hộ theo quyền tác giả hay không? Có người cho rằng bản thân từng văn bản một thì không được bảo hộ, song toàn bộ tuyển tập, cách sắp xếp của chúng dưới dạng một tổng thể cũng là thành quả của sức lao động và óc suy xét và vì thế cũng được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Trên thực tế, việc họ in lại văn bản pháp luật thì không vi phạm luật về quyền tác giả, song họ cũng không được bảo hộ khi có người in lại các văn bản pháp luật trên sách mà họ in ra. Câu hỏi thú vị mà hiện chưa có lời giải đáp là: liệu việc sao chép văn bản pháp luật trên các cơ sở dữ liệu như Luật Việt Nam (www.luatvietnam.com.vn) hay Khai Trí nhằm mục đích kinh doanh có xâm phạm quyền lợi chính đáng gì của chủ các cơ sở dữ liệu đó hay không. Tin tức thời sự thuần túy đưa tin, thí dụ như bản tin ngắn trên báo Sài Gòn Giải phóng, tuy không được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả; song một bài xã luận hay phóng sự, có kèm nhận định, chọn lọc tin tức lại được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả.
Vì sao có những đối tượng được bảo hộ theo quy định riêng của pháp luật? Đó là vì quyền tác giả cũng là một dạng độc quyền, và độc quyền có những mặt hạn chế của nó. Đối với quyền tác giả, độc quyền sẽ làm cho các nội dung chuyển tải trong tác phẩm không đến được đối tượng người đọc. Có một số tác phẩm, văn bản, tài liệu cần phải được phổ biến cho công chúng càng nhanh càng tốt. Thí dụ như tin về một cơn bão, một vụ cháy rừng, về những thành tựu kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước, các văn bản pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu những tác phẩm, tài liệu, văn bản nói trên được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả, thì công chúng sẽ bị hạn chế trong việc đón nhận thông tin, đi ngược lại mục đích của các văn bản, tài liệu nói trên. Vì thế cần phải có một quy định riêng để bảo hộ.
Một vấn đề hiện đang được quan tâm là các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian. Đây là những sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hoá và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền. Các thể loại văn học nghệ thuật dân gian rất phong phú, đa dạng, bao gồm: truyện, thơ, câu đố; điệu hát, làn điệu âm nhạc; điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi; sản phẩm nghệ thuật đồ hoạ, hội hoạ, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc, v.v. Việc bảo hộ quyền tác giả của các tác phẩm này còn khó khăn. Trước tiên là vì khó xác định được tác giả của những tác phẩm đó. Hơn nữa nếu tác giả tác phẩm chết không có người thừa kế, các tác phẩm nghệ thuật dân gian có thể bị thất truyền. Ngoài ra, bảo hộ độc quyền những tác phẩm dân gian cũng có những mặt hạn chế của nó. Trước tiên, nghệ thuật dân gian thường xuất phát từ một địa phương hơn là từ một cá nhân hay giòng họ. Thí dụ sắc thái tranh Đông Hồ, hay múa Hội Lim xuất phát từ những địa phương ấy chứ không phải từ một dòng họ. Rất nhiều nghệ nhân đã tham gia đóng góp tạo nên sắc thái và tính nguyên gốc của những tác phẩm dân gian. Vì vậy, việc công nhận quyền tác giả cho một nghệ nhân hay một dòng họ là không công bằng, có thể làm cho truyền thống văn hóa dân gian ở địa phương nói trên bị mai một.
Chính vì vậy, tại Điều 23 Luật Sở hữu trí tuệ có qui định người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Điều luật này tuy vậy vẫn còn một số điểm chưa rõ như “thế nào là giá trị đích thực” , nhạc sỹ Trần Tiến sử dụng các làn điệu dân ca như lý qua cầu, lý ngựa ô để sáng tác bài hát có ảnh hưởng đến “giá trị đích thực” của các làn điệu dân ca đó không, v.v.
b) Tác phẩm do người nước ngoài sáng tạo
Hiện tại Việt Nam đã gia nhập Công ước Berne, nên các tác phẩm nước ngoài (là thành viên của Công ước Berne) sẽ được bảo hộ tại Việt Nam theo các quy định của Nghị định số 60/CP ngày 6/6/1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của BLDS về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (“Nghị định 60”). Ngoài ra, theo Điều 12 của Nghị định 60, Nhà nước CHXHCN Việt Nam còn bảo hộ các tác phẩm của người nước ngoài lần đầu tiên được hình thành, công bố, phổ biến tại Việt Nam, với điều kiện là chúng phải thoả mãn các điều kiện về nội dung (không phải là tác phẩm phản động, văn hoá đồi trụy, v.v.). Đối với các tác phẩm được hình thành tại một nước có Hiệp định tương trợ về bảo hộ bản quyền (như Mỹ), hay do công dân các nước đó sáng tạo, thì các tác phẩm này cũng được bảo hộ tại Việt Nam như các tác phẩm Việt Nam, thí dụ như Hiệp định với Hoa Kỳ (có hiệu lực từ ngày 23/11/1998) và với Thụy Sỹ.
c) Điểm chưa rõ: các tác phẩm lập thể và mỹ thuật ứng dụng
Rất nhiều các tác phẩm lập thể (tác phẩm hình khối hay tác phẩm trên không gian ba chiều) hiện nay đã được qui định bảo hộ, thí dụ như tác phẩm điêu khắc, hay tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Tuy nhiên các qui định pháp luật vẫn chưa nêu ra được tiêu chí rõ ràng xem các tác phẩm nào thì nên bảo hộ, tác phẩm nào thì không được bảo hộ. Thí dụ, chiếc xe DREAM II có được bảo hộ quyền tác giả như một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không? Nếu có, thì đây là cơ hội để Công ty TNHH Honda Việt Nam có thể ngăn cản các hãng xe máy Trung Quốc hay Hàn Quốc sản xuất xe theo kiểu dáng của mình (xem thí dụ ở Chương 1).
Tuy nhiên, nếu kiểu dáng xe DREAM II được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả, thì điều này sẽ tạo ra kẽ hở trong pháp luật: nghĩa là Honda Việt Nam sau khi không thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp lại có thể quay sang đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Lại có người lập luận: khi Công ty nhựa Chợ Lớn sản xuất ra chiếc xe điện cho trẻ em chạy có kiểu dáng giống xe DREAM II, những chiếc xe này có thể được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả hay kiểu dáng công nghiệp, vậy thì tại sao kiểu dáng xe DREAM II lại không được bảo hộ? Quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là một vấn đề hiện nay pháp luật Việt Nam chưa giải thích rõ ràng được.
Trong lĩnh vực này, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Hoa Kỳ. Vụ kiện đầu tiên về tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là vụ Mazer v. Stein, 347 US 201 (1954). Trong vụ này, Mazer đã tạo một chân đèn bàn theo hình khuôn mặt người. Stein đã sao chép kiểu dáng chân đèn của Mazer. Mazer kiện Stein. Stein cho rằng chân đèn là một sản phẩm mang tính chất hữu dụng thì không thể được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Nếu không thì không ai có thể sáng tạo ra những sản phẩm hữu dụng được nữa. Toà án Tối cao bác bỏ luận điểm này, cho rằng một tác phẩm mỹ thuật “ứng dụng” vẫn có thể được bảo hộ, tuy nhiên quyền tác giả chỉ bảo hộ những đặc tính “mỹ thuật” (khuôn mặt người trên chân đèn) chứ không bảo hộ những đặc tính “ứng dụng” (khung để tạo ra chân đèn). Toà án cũng cho rằng một tác phẩm vừa có thể được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả, vừa có thể được bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp. Điều này không có gì là mâu thuẫn. Toà án nêu rõ: “Khác với kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức chứ không phải nội dung sáng tạo. Những gì có giá trị nghệ thuật đều có thể được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả.” Tuy vậy, trên thực tế, Văn phòng Quyền tác giả Hoa Kỳ chỉ bảo hộ những tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có phần “mỹ thuật” có thể tách ra để sử dụng riêng so với phần “ứng dụng”. Thí dụ, một chiếc xe DREAM II có thể không được bảo hộ tổng thể dưới dạng quyền tác giả, nhưng những phần có giá trị mỹ thuật của nó, như choá đèn, bửng xe, tem, v.v. có thể được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Đối với đồ chơi, Toà phúc thẩm Liên Bang Hoa Kỳ trong vụ Gay Toys v. Buddy L Corp 703 F.2d 970 (1983) cho rằng đồ chơi không phải là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Đó là vì mục đích chính của đồ chơi là để thoả mãn nhu cầu nghệ thuật và giải trí hơn là nhu cầu tiêu dùng. Nếu đồ chơi nhắm đến mục đích giải trí và nghệ thuật là chính thì khả năng được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả sẽ cao hơn. Tuy nhiên, câu trả lời sẽ khó hơn nếu chúng ta gặp những đồ chơi có tính giáo dục và phục vụ khả năng suy luận của trẻ em.
Đối với tác phẩm kiến trúc, Bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam đã có qui định rõ: tác phẩm kiến trúc là các bản vẽ kiến trúc, chứ không phải là một toà nhà có hình khối kiến trúc. Theo qui định hiện tại, thì việc sao chép một bản vẽ kiến trúc để xây dựng một toà nhà không phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả, cũng tương tự như việc đọc một quyển sách nấu ăn và chế biến được món phở tái. Đây là hành vi sao chép nội dung chứ không phải sao chép hình thức thể hiện tác phẩm, và vì vậy không thể là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, việc sao chép bản vẽ thành nhiều bản để nộp lên cơ quan xin phép xây dựng, đưa cho nhà thầu xây dựng, đưa cho nhà cung cấp v.v. lại bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền cấm sao chụp bản vẽ và cấm sử dụng các bản vẽ sao chép từ bản vẽ của mình (dù là chép tay hay photocopy). Điều này sẽ dẫn đến cùng một hệ quả là người sao chép không thể xây dựng một ngôi nhà giống với ngôi nhà của chủ sở hữu bản vẽ kiến trúc.
Việc chụp ảnh một toà nhà, sau đó căn cứ vào đấy để xây dựng một toà nhà khác giống hệt chưa phải là cơ sở để kết luận hành vi xâm phạm quyền tác giả, trước khi trả lời câu hỏi: toà nhà là tác phẩm thể loại gì và có thể được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả không.
Thiết nghĩ, qui định hiện tại của Bộ Văn hoá Thông tin (tác phẩm kiến trúc chỉ là bản vẽ kiến trúc chứ không phải là toà nhà) là chưa đúng với qui định của Công ước Berne. Sau khi gia nhập Công ước Berne, Hoa Kỳ đã phải sửa định nghĩa về tác phẩm kiến trúc trong Luật về Quyền tác giả Tác phẩm Kiến trúc Điều 102(a) định nghĩa “tác phẩm kiến trúc bao gồm kiểu dáng toà nhà được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả toà nhà, bản vẽ kiến trúc hay thiết kế.” Tất nhiên, không phải mọi chi tiết trong toà nhà đều được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả, mà chỉ những chi tiết mang tính nguyên gốc có tính trang trí nhiều hơn tính ứng dụng mới được bảo hộ mà thôi. Ngoài ra, việc bảo hộ quyền tác giả đối với những phần có tính nguyên gốc của toà nhà không có nghĩa là khách du lịch không có quyền chụp ảnh toà nhà đó, hay hoạ sỹ không có quyền vẽ và trưng bày tranh vẽ toà nhà này (trừ những công trình bí mật hay bị cấm chụp ảnh). Các hành vi trên không ảnh hưởng đến quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc. Ngoài ra, việc một toà nhà cổ do một kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế không phải là lý do để chủ nhà không được phép sửa đổi, đập phá hay nâng cấp toà nhà theo ý muốn của mình. Đó là vì chủ nhà đương nhiên được coi như chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc là toà nhà. Câu hỏi thú vị được đặt ra là: nếu trong hợp đồng thiết kế, chủ nhà do không hiểu luật, đã chấp nhận để công ty thiết kế được làm chủ sở hữu tác phẩm kiến trúc thì chủ nhà sau này có quyền sửa chữa nhà không? Vấn đề bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc hiện nay vẫn còn nhiều điều cần phải nghiên cứu thêm.
Như đã nêu, “ứng dụng” càng lớn và phần “mỹ thuật” càng nhỏ thì khả năng bảo hộ dưới dạng quyền tác giả càng thấp. Vậy quần áo thời trang có được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả hay không? Nếu có thì việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho quần áo thời gian có ý nghĩa gì?50 Mục đích của pháp luật là tuy không cấm việc một đối tượng có thể được bảo hộ dưới hai dạng – quyền tác giả và kiểu dáng công nghiệp, song cũng hết sức tránh việc một đối tượng được bảo hộ dưới dạng quyền khác nhau, dẫn đến tranh chấp sau này. Sau đây là một thí dụ được nêu trên Vietnamnet ngày 20/11/2005:
Một vụ việc nhỏ nhưng có thể được xem là điển hình về việc chồng chéo và thiếu hiệu quả trong thực thi bảo hộ SHTT của các cơ quan chức năng là vụ “Gấu Misa” diễn ra cách đây không lâu. Vụ việc này đã có xung đột pháp luật giữa Cục SHTT – Bộ Khoa học Công nghệ và Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hoá thông tin. Công ty dược phẩm Quang Minh và Công ty Đông Nam dược Trường Sơn tranh chấp nhau về kiểu dáng bao bì và cách thể hiện nhãn mác kem xoa bóp gấu Misa. Công ty Quang Minh đăng ký bảo hộ quyền tác giả Mỹ thuật ứng dụng tại Cục Bản quyền tác giả và được cơ quan này bảo vệ; ngược lại. Công ty Trường Sơn đăng ký bảo hộ tại Cục SHTT – Bộ Khoa học Công nghệ về nhãn hiệu và kiểu dáng nên cũng được cơ quan này cho là đúng.
Khi lực lượng quản lý thị trường xử lý, hai cơ quan ra hai quyết định mà văn bản nào cũng có hiệu lực, không văn bản nào phủ quyết được văn bản nào. Hậu quả là cơ quan bắt giữ không tài nào xử lý được, doanh nghiệp thì vướng vào kiện cáo, kinh doanh bị ảnh hưởng. Cũng may, tình huống xấu nhất là doanh nghiệp kiện cơ quan bắt giữ do xử lý vụ việc quá lâu đã không xảy ra.
Ông Vương Tiến Dũng – Chi cục phó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, đây là một kẽ hở pháp luật cần được xóa bỏ ngay để tránh các trường hợp tương tự. Theo ông Dũng, hệ thống văn bản pháp luật về SHTT hiện tại có khá nhiều quy định cùng chung một vấn đề, song ranh giới không rõ ràng, minh bạch lại thiếu chế tài nên việc xử lý đã khó lại càng thêm khó. Bên cạnh đó, việc quy định chất lượng tối thiểu như thế nào để xác định là hàng kém chất lượng, hàng giả; vi phạm nhãn hiệu trùng đến bao nhiêu phần trăm bị coi là hàng giả… đều chưa có quy định rõ ràng.
Trở lại với vấn đề khả năng bảo hộ quyền tác giả đối với quần áo thời trang, quan điểm của phần lớn các nước là các bản thiết kể thời trang trên giấy thì có thể được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả, trong khi bản thân bộ quần áo thì phải được đăng ký bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp.51 Có người cho rằng quan điểm trên đây vẫn chưa rõ ràng ở chỗ: một bộ quần áo đương nhiên phải xuất phát từ thiết kế. Nếu hai bộ quần áo giống nhau thì hẳn là thiết kế của chúng cũng giống nhau. Điều đó đúng, song hai thiết kế giống nhau chưa chắc đã sao chép của nhau và vì vậy có xâm phạm quyền tác giả. Chỉ khi nguyên đơn chứng minh được rằng một bên sao chép của bên kia thì khả năng bị coi là xâm phạm quyền tác giả mới xuất hiện (xem mục 2.1 trên đây).
2. Chủ thể của quyền tác giả
a) Tác giả
Các chủ thể tham gia vào QHPLDS về quyền tác giả bao gồm tác giả (đồng tác giả) và chủ sở hữu quyền tác giả. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hay một phần tác phẩm (Khoản 1 Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ). Tuy vậy, Luật Sở hữu trí tuệ không quy định rõ như thế nào gọi là sáng tạo. Theo một số tài liệu khoa học, sáng tạo trong QHPLDS về quyền tác giả được coi là việc sử dụng sức lao động và khả năng suy xét để tạo ra tác phẩm.52 Như vậy, sáng tạo là việc tạo ra tác phẩm từ lao động trí óc. Sao chép lại một quyển sách không gọi là sáng tạo. Các nhân viên công ty Điện thoại đã lập danh bạ Điện thoại “Những trang trắng”, sắp xếp số thuê bao theo thứ tự chữ cái đầu tiên của chủ thuê bao. Đó không phải là sáng tạo, vì công việc sắp xếp là do máy vi tính tạo nên. Tuy nhiên, đối với “Những trang vàng” (sắp xếp theo chủ đề) thì rõ ràng những nhân viên của Công ty Điện thoại đã chọn lọc và sắp xếp số điện thoại theo chủ đề. Vì họ đã dùng đến “khả năng suy xét”, họ là tác giả của tác phẩm là danh bạ điện thoại “Những trang vàng”.
Tác giả không nhất thiết phải sáng tạo ra toàn bộ tác phẩm, họ có thể chỉ sáng tạo ra một phần tác phẩm. Thí dụ như trong “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam”, các giảng viên của Đại học Luật Hà Nội được phân công mỗi người viết một phần, thì mỗi người sẽ là tác giả của phần viết đó. Sau cùng xin lưu ý là mức độ sáng tạo để phát sinh quyền tác giả khác với mức độ sáng tạo để phát sinh quyền sở hữu công nghiệp (sẽ trình bày ở phần sau). Tương tự, mức độ sáng tạo để tạo ra từng loại tác phẩm có khác nhau. Thí dụ để ra đời chương trình máy tính “Windows ’95”, công ty Microsoft đã phải huy động gần 2500 lập trình viên tham gia làm việc. Tuy nhiên, vai trò của họ không như nhau. Một số lập trình viên hoạch định các thuật toán để giải quyết vấn đề, một số các lập trình viên khác chỉ làm những công việc đã được vạch sẵn với những phép thử/sai, không cần sáng tạo gì thêm. Trong trường hợp đó, chỉ những lập trình viên đóng vai trò quan trọng và có sáng tạo mới được coi là tác giả của phần mềm Microsoft.
Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hay một phần tác phẩm. “Sáng tạo” trong quan hệ pháp luật dân sự về quyền tác giả được coi là việc “sử dụng sức lao động và khả năng suy xét” để tạo ra tác phẩm. Như vậy, sáng tạo là việc tạo ra tác phẩm từ lao động trí óc. Sao chép lại một quyển sách không gọi là sáng tạo. Một người chỉ được bảo hộ quyền tác giả trong phạm vi mà người đó trực tiếp sáng tạo. “Trực tiếp” có nghĩa là chính tác giả đóng vai trò quyết định trong việc thể hiện ý tưởng và tạo nên tác phẩm. Vì thế, một người cung cấp thông tin cho phóng viên viết bài không phải là tác giả của bài báo.
Như đã nêu ở trên, điểm mấu chốt để xác định quyền tác giả là tác phẩm phải mang tính nguyên gốc. Các khái niệm “nguyên gốc” và “trực tiếp sáng tạo” có liên quan đến nhau. Khi tác giả sáng tạo một tác phẩm, thì đương nhiên tác phẩm được sáng tạo đó mang tính nguyên gốc, trừ khi tác giả sao chép từ một tác phẩm khác.
Nói rằng tác giả phải trực tiếp sáng tạo không có nghĩa là tác giả không có quyền kế thừa sự sáng tạo của người khác. Luật Việt Nam cũng công nhận người dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, sưu tầm, tuyển chọn từ những tác phẩm khác cũng được coi là tác giả. Thí dụ nhạc sỹ Lê Giang đi sưu tầm những bài dân ca Nam Bộ để viết thành tuyển tập, thì nhạc sỹ là tác giả của tuyển tập của công trình nghiên cứu của mình, chứ không phải những người đã ca lại những bài dân ca cho nhạc sỹ Lê Giang. Tuy vậy, Lê Giang chỉ là tác giả của tuyển tập mà chị in, chứ không phải là tác giả của các bài dân ca, vì chị không trực tiếp sáng tạo ra chúng. Như vậy, một người chỉ được bảo hộ quyền tác giả trong phạm vi mà người đó trực tiếp sáng tạo. Để đánh giá một tác phẩm có phải là nguyên gốc hay không cần phải xem có phần nào của tác phẩm đã được sáng tạo. Trong tác phẩm dịch, việc thể hiện, cách đặt câu của dịch giả là một sự sáng tạo – mang tính nguyên gốc. Trong tác phẩm tuyển chọn, cách sắp xếp các tác phẩm khác nhau vào một tổng thể mang tính logic là một sáng tạo mang tính nguyên gốc.
Sáng tạo hay nguyên gốc trong khái niệm về quyền tác giả không có nghĩa là phải mới (như trong các khái niệm về sở hữu công nghiệp sẽ nói ở phần sau). Hai bài thi viết của sinh viên, trả lời cùng một câu hỏi, mang nội dung giống nhau, đều được coi là hai tác phẩm nguyên gốc, miễn là các sinh viên làm bài thi “độc lập tác chiến”. Như vậy khi thấy hai tác phẩm giống nhau, chúng ta chưa thể xác định được ngay là chúng có sao chép của nhau hay không. Có thể đó là trường hợp ngẫu nhiên. Vì thế cho nên khi xảy ra tranh chấp trong các vụ kiện về quyền tác giả, việc đầu tiên nguyên đơn phải chứng minh được tác phẩm của mình manh tính nguyên gốc, và chứng minh được rằng tác phẩm của bị đơn sao chép toàn bộ hay phần lớn từ tác phẩm của mình.
Bên cạnh khái niệm tác giả chúng ta còn có khái niệm đồng tác giả. Đó là những người cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Có hai loại đồng tác giả. Loại thứ nhất là những người cùng sáng tạo một tác phẩm thống nhất mà phần sáng tác của mỗi người không thể tách ra để sử dụng riêng. Trong trường hợp này vị trí của các đồng tác giả gần giống như vị trí của những chủ sở hữu chung hợp nhất. Thí dụ như ban đầu Bill Gates và Paul Allen là đồng tác giả của phần mềm DOS. Như vậy để chuyển giao quyền tác giả, cần phải có sự đồng ý của tất cả các đồng tác giả. Loại thứ hai là những người cùng sáng tác ra một tác phẩm thống nhất mà phần sáng tác của mỗi người có thể tách ra để sử dụng riêng. Vị trí của các đồng tác giả lúc này sẽ giống như vị trí của những sở hữu chung theo phần. Thí dụ như bài hát: “Quê hương” có hai đồng tác giả: tác giả bài thơ của Đỗ Trung Quân và tác giả bài nhạc của Gíap Văn Thạch.
Trong số những tác phẩm có đồng tác giả, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu có số lượng đồng tác giả lớn nhất. Theo Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ, tác giả của các tác phẩm điện ảnh là những người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo. Tác giả của tác phẩm sân khấu là người làm công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo. Quy định quá rộng như vậy có thể tạo ra những kẽ hở về tranh chấp quyền tác giả sau này, nhất là khi chúng ta biết rằng tác giả, cho dù không phải là chủ sở hữu quyền tác giả, cũng có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Điều này có thể cản trở các đồng tác giả khác trong việc chỉnh sửa hay phóng tác tác phẩm.
b) Chủ sở hữu quyền tác giả
Chủ sở hữu quyền tác giả là người độc quyền sử dụng, định đoạt tác phẩm. Trong đa số các trường hợp, tác giả sẽ đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, nếu tác phẩm được hình thành do có các tổ chức, cá nhân thuê, giao nhiệm vụ cho tác giả thì các tổ chức, cá nhân này sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả.
Ngoài ra, người được chuyển giao quyền tác giả, hay người thừa kế của tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả cũng là chủ sở hữu quyền tác giả. Điều cần lưu ý là nếu người lao động tạo ra tác phẩm trong thời gian lao động, nhưng không theo nhiệm vụ được giao (thí dụ một giảng viên viết và xuất bản một quyển sách, mặc dù nhà trường không yêu cầu giảng viên phải làm như vậy cũng như không trả công cho việc này) thì người lao động đó vẫn là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do mình tạo nên. Liên quan đến mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động có hai trường hợp vướng mắc mà hiện vẫn chưa có câu trả lời:
– Thứ nhất, do cơ chế hành chính bao cấp từ trước khi Đổi mới, nhiều nhạc sỹ, đạo diễn, biên kịch là công chức nhà nước. Họ tạo ra tác phẩm đôi khi do Nhà nước giao. Như vậy, những tác phẩm do họ tạo ra có thuộc về Nhà nước hay không (hoặc chí ít là các cơ quan nhà nước nơi họ công tác). Nếu câu trả lời là có, thì việc các nhạc sỹ là công chức tham gia vào Hiệp hội quản lý quyền tác giả âm nhạc để thu tiền sử dụng tác phẩm có hợp lý không?
– Thứ hai, nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp bộ của sinh viên trong các trường đại học đạt kết quả nhưng khi ứng dụng thì không rõ lợi ích vật chất sẽ thuộc về ai: về sinh viên nghiên cứu hay về cơ quan chủ trì (trường đại học). Có quan điểm cho rằng việc nhà trường tài trợ cho sinh viên nghiên cứu chỉ như một hợp đồng tặng cho, và vì vậy số tiền đó thuộc về sinh viên, sinh viên không tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ được giao. Quan điểm khác cho rằng mọi thành quả nghiên cứu của sinh viên đều thuộc về nhà trường, vì sinh viên sau khi được duyệt đề tài và phân công giáo viên hướng dẫn thì tác phẩm khoa học (công trình nghiên cứu) của mình được sáng tạo theo nhiệm vụ được giao.
Tóm lại, nhiều trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả và ngược lại. Việc phân biệt giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả là quan trọng, vì chủ sở hữu quyền tác giả mới chính là người có quyền sử dụng định đoạt tác phẩm. Xét về khía cạnh kinh tế thì chủ sở hữu quyền tác giả đóng vai trò quan trọng hơn tác giả, vì khi sử dụng hay trình diễn tác phẩm, các chủ thể khác phải xin phép hay trả thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.
3. Nội dung quyền tác giả
Nội dung quyền tác giả bao gồm các quyền của các chủ thể tham gia QHPLDS này, cụ thể là của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Đó cũng là trọng tâm của sự ra đời luật bảo hộ quyền tác giả. Như vậy quyền tác giả không chỉ đơn thuần là quyền của tác giả mà còn là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả. Trước đây, trong BLDS 1995, quyền của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả được quy định trong ba điều:
– Quyền của tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả: Điều 751.
– Quyền của tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả: Điều 752.
– Quyền của chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả: Điều 753.
Khi quan sát kỹ nội dung ba điều nói trên, chúng ta sẽ thấy tổng hợp các quyền trong hai điều 752 và Điều 753 đúng bằng các quyền được ghi nhận trong Điều 751. Như vậy là đúng với nguyên tắc bảo toàn quyền đã có từ thời La Mã “không ai có nhiều quyền hơn quyền mà họ được chuyển giao”, hay “quyền
không tự nhiên sinh ra và tự nhiên mất đi, nó chỉ được chuyển từ người này sang người khác” (nemo plus iuris in alieni transfere plus quam ipse habet). Hiện nay, quyền tác giả được tập trung lại thành hai mảng lớn: quyền nhân thân (Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ) và quyền tài sản (Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ).
a) Quyền nhân thân
Quyền nhân thân bao gồm quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản. Các quyền nhân thân không gắn với tài sản là những quyền gắn liền với các giá trị nhân thân của tác giả và không thể chuyển giao, bao gồm ba quyền: quyền được đặt tên tác phẩm, đứng tên tác phẩm và bảo vệ sự toàn vẹn của nội dung tác phẩm. Nếu chúng ta ví tác phẩm là đứa con tinh thần của tác giả, thì các quyền nhân thân này cũng tương tự quyền của cha mẹ được đặt tên cho con, nhận con và bảo vệ chăm sóc con cái. Vì là quyền nhân thân không được chuyển giao nên nó chỉ được dành cho tác giả (cho dù đồng thời hay không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả). Các quyền này ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và danh dự của tác giả, tồn tại một cách độc lập đối với quyền tài sản, gắn liền với tác giả kể cả khi quyền sử dụng, định đoạt tác phẩm đã được chuyển giao. Các quyền nhân thân không gắn với tài sản được bảo hộ vô thời hạn, khác với những quyền khác được bảo hộ có thời hạn.
Về quyền bảo vệ sự toàn vẹn nội dung của tác phẩm, xin lưu ý là quyền bảo vệ sự toàn vẹn này chỉ liên quan đến “nội dung tác phẩm”, chứ không nhắc đến “phương thức thể hiện tác phẩm”. Thí dụ một cộng tác viên gửi bài đăng lên báo có thể bị ban biên tập chỉnh sửa một số câu chữ quá dài dòng hay không đúng chính tả. Một luật sư là người lao động ở một văn phòng luật sư, có các bài tư vấn, sau khi thôi không công tác trong văn phòng này nữa thì các luật sư khác trong văn phòng có thể sử dụng lại các bài tư vấn này, chỉnh sửa câu chữ có liên quan. Hành vi biên tập không phải là xâm phạm quyền tác giả. Tuy vậy nếu sự chỉnh sửa làm thay đổi nội dung tác phẩm thì phải có sự đồng ý của tác giả. Một số vụ kiện hiện nay về bản quyền cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ sự toàn vẹn của nội dung tác phẩm. Điển hình là vụ nhà văn Nguyễn Kim Ánh kiện Xưởng Phim truyện 1 về bộ phim “Hôn nhân không giá thú”. Bộ phim dựa trên truyện ngắn cùng tên đã được giải thưởng của nhà văn Nguyễn Kim Ánh.
Tác giả tác phẩm văn học đã bất bình khi thấy nội dung tác phẩm của mình qua tay nhà viết kịch bản và đạo diễn bộ phim đã bị thay đổi rất nhiều, đến nỗi “không còn nhận ra đứa con tinh thần của mình nữa”. Án dân sự sơ thẩm bác đơn kiện của nhà văn Nguyễn Kim Ánh, vì theo cơ quan giám định – Cục Điện ảnh “việc sửa đổi nội dung tác phẩm chỉ làm tác phẩm hay thêm.” Song như chúng ta biết, việc đánh giá quyền tác giả không phải ở chất lượng hay dở của tác phẩm.
Mặc dù quyền nhân thân không gắn với tài sản cũng là quyền quan trọng, nhưng quyền quan trọng nhất trong tất cả các nội dung của quyền tác giả là các quyền nhân thân gắn với tài sản. Đó là quyền cho hay không cho người khác sử dụng tác phẩm (về khái niệm sử dụng, xin xem phần trình bày dưới đây). Chính từ này làm phát sinh bản chất độc quyền của quyền tác giả. Nhiều người cho rằng, trước kia khi chưa có quyền tác giả vẫn có nhà văn, nhạc sỹ, nhà khoa học. Họ có quyền đặt tên, đứng tên, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, sử dụng tác phẩm hay nhận thù lao, giải thưởng. Nay có quyền tác giả, thì cũng chính những người đó có những quyền này, chẳng có gì khác. Hay nói khác đi, các chế định về quyền tác giả không mang lại cho các chủ thể nhiều quyền hơn cái bản thân họ từ trước đến nay vẫn có. Nhận xét trên không sai nếu chúng ta quên mất một quyền của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, đó là quyền cho hay không cho người khác sử dụng tác phẩm.56 Quyền này là quyền nhân thân có thể chuyển giao, gắn với các quyền tài sản trong chế định quyền tác giả, vì thế nó chỉ giành cho chủ sở hữu quyền tác giả và tác giả nếu như tác giả cũng đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả.
Việc quy định bảo hộ quyền nhân thân không gắn với tài sản trong luật về quyền tác giả chỉ có ở các nước theo hệ thống luật lục địa, chứ không có ở các nước theo hệ thống luật chung, một phần vì họ coi các quyền này là điều hiển nhiên. Đối với quyền nhân thân gắn với tài sản, khái niệm này cũng chỉ tồn tại ở các nước theo hệ thống luật xã hội chủ nghĩa trước đây (Nga, Ba Lan, v.v.) chứ không tồn tại ở các nước theo hệ thống luật lục địa khác như Pháp, Đức. Tại các nước này các quyền cho/không cho người khác sử dụng tác phẩm được coi là một quyền tài sản (quyền định đoạt đối với tác phẩm của mình).
b) Quyền tài sản
Theo luật Việt Nam, quyền tài sản bao gồm quyền sử dụng và quyền được hưởng thù lao giải thưởng. Thông thường chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng quyền sử dụng, còn tác giả được hưởng thù lao, giải thưởng.
Quyền sử dụng bao gồm quyền công bố, phổ biến, trình diễn, sao chép, cải biên, chuyển thể, ghi âm, ghi hình, phát thanh truyền hình, cho thuê tác phẩm. Quyền sử dụng này gắn liền với quyền nhân thân gắn với tài sản (cho/không cho sử dụng tác phẩm). Vì thế, mọi hành vi sử dụng tác phẩm (sao chép, dịch, chuyển thể, v.v.) mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả là xâm phạm quyền tác giả, trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác.
Các hành vi sử dụng tác phẩm quan trọng nhất bao gồm:
– Sao chép và phân phối, bán tác phẩm: hành vi sao chép có thể bao gồm sao chép toàn bộ tác phẩm hay một phần quan trọng của tác phẩm. Sao chép khác với trích dẫn. Trích dẫn là việc sử dụng một phần tác phẩm (không đáng kể) của người khác để nêu bật ý tác giả. Việc trích dẫn phải không đơn thuần vì mục đích kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng bình thường tác phẩm và phải nêu nguồn gốc tác phẩm.
Các hành vi sử dụng không phải là trích dẫn đều có thể bị coi là sao chép và phải được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Sao chép có thể tiến hành dưới dạng trực tiếp (thí dụ thu băng đĩa, photocopy, sao phần mềm trên ổ cứng máy vi tính) hay dưới dạng gián tiếp (thí dụ dùng máy ghi âm, máy quay phim để ghi âm, ghi hình buổi hoà nhạc hay một bộ phim chiếu ở rạp).
– Công bố, phổ biến, phát thanh, truyền hình: quyền này còn được gọi là quyền “truyền thông đến công chúng” (communication to the public) bao gồm các hành vi trình diễn, phân phối tác phẩm đến một số lượng đáng kể người sử dụng. Thí dụ bao gồm trình diễn một vở kịch hay một buổi hoà nhạc, phát hành một đĩa nhạc. Việc đưa một tác phẩm lên mạng ngày nay cũng được coi là truyền thông đến công chúng.
– Dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, tuyển tập, chú giải (còn gọi là làm tác phẩm phái sinh). Khi một người muốn dịch, cải biên, chuyển thể một tác phẩm, họ phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả gốc, bởi vì những hành vi kể trên là những hành vi sử dụng tác phẩm, mà chủ sở hữu quyền tác giả có quyền cho hay không cho (Điều 757 BLDS).
Ngoài ra, khi một nhà xuất bản muốn phát hành một tác phẩm viết, cũng phải xin chấp thuận của chủ sở hữu quyền tác giả. Mọi hành vi sử dụng tác phẩm mà không được sự đồng ý từ trước của chủ sở hữu quyền tác giả đều bị coi là xâm phạm quyền tác giả (trừ các trường hợp sử dụng hạn chế do pháp luật quy định). Tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể được coi là những tác phẩm riêng, khác với tác phẩm gốc.
Để lại một phản hồi