Điểm mới về miễn, giảm hình phạt trong BLHS năm 2015

Hình phạt

Những điểm mới về miễn chấp hành hình phạt (Điều 62); giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 63) theo quy đinh của Bộ luật hình sự năm 2015.

Một trong những điểm mới cơ bản nhất của BLHS năm 2015 là những quy định mới về miễn chấp hành hình phạt (Điều 62); giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 63); xóa án tích (chương X: từ Điều  69 đến Điều 73) và đặc biệt là lần đầu tiên BLHS đã quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 64). Trong đó, các quy định mới về miễn, giảm hình phạt quy định ở BLHS năm 2015 đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế của BLHS năm 1999, quy định chặt chẽ cụ thể đối tượng được miễn; quy định điều kiện để xem xét được miễn, giảm hình phạt nhân đạo hơn, phân hóa sâu sắc hơn trong chính sách hình sự áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù chung thân (bao gồm cả hình phạt tử hình nhưng được Chủ tịch nước ân giảm, được chuyển sang hình phạt tù chung thân). Cụ thể:

Những điểm mới về miễn chấp hành hình phạt (Điều 62)

BLHS năm 1999 BLHS năm 2015
Điều 57. Miễn chấp hành hình phạt Điều 62. Miễn chấp hành hình phạt
2. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá. 1. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
1. Đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. 2. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau khi bị kết án đã lập công;
b) Mắc bệnh hiểm nghèo;
c) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
3. Đối với người bị kết án về tội ít nghiêm trọng đã được hoãn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật này, nếu trong thời gian được hoãn đã lập công, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Toà án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt. 3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 nămchưa chấp hành hình phạt nếu đãlập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
4. Đối với người bị kết án phạt tù về tội ít nghiêm trọng đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Toà án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. 4. Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
Điều 58. Giảm mức hình phạt đã tuyên
2. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Toà án có thể quyết định miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.
5. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết đinh miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.
5. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt, Toà án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. 6. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
7. Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều này vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.

Từ bản đối chiếu so sánh trên có thể thấy, so với quy định của BLHS năm 1999[1], Điều 62 BLHS năm 2015 đã kế thừa quy định về điều kiện miễn chấp hành hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 57 BLHS năm 1999 thành khoản 1, kế thừa nhưng có sửa đổi về mặt kỹ thuật nội dung khoản 5 Điều 57 BLHS năm 1999 (thay cụm từ “của chính quyền địa phương” bằng cụm từ cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện”)  để  thống nhất với quy định của Luật Thi hành án hình sự và để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống hình phạt; đồng thời đã bổ sung quy định về miễn chấp hành hình phạt tiền, thực chất là thu hút quy định về giảm hình phạt tiền tại khoản 2 Điều 58 BLHS năm 1999 về quy định tại điều này. Bên cạnh những sửa đổi mang tính kỹ thuật, BLHS năm 2015 quy định về miễn chấp hành hình phạt với những nội dung mới sau:

Khoản 1 Điều 57 BLHS năm 1999, điều kiện để có thể được miễn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn đều là “Đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa…”. Quy định trên thể hiện sự không công bằng ở các điểm: thứ nhất, cải tạo không giam giữ và phạt tù có thời hạn mặc dù đều là hình phạt chính nhưng là 2 loại hình phạt có tính nghiêm khắc khác nhau rất lớn, áp dụng cho tội phạm có tính chất nguy hiểm khác nhau. Cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật hình sự quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Còn phạt tù có thời hạn là hình phạt buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Tuy nhiên, điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt lại như nhau; thứ hai, việc không quy định giới hạn mức hình phạt tù để có thể được miễn chấp hành hình phạt dẫn đến quy định này được hiểu là trong trường hợp người bị kết án về tội đặc biệt nghiêm trọng thì điều kiện để được xem xét miễn chấp hành án tương tự như người bị kết án về tội ít nghiêm trọng là không công bằng và không phân hóa được trách nhiệm hình sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Khắc phục hạn chế này, khoản 2 Điều 62 BLHS năm 2015 quy định điều kiện để có thể được miễn chấp hành án theo hướng minh bạch và nhân đạo hơn, cụ thể: Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Sau khi bị kết án đã lập công; Mắc bệnh hiểm nghèo; Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Quy định này thông qua việc phân loại mức hình phạt mà người bị kết án phải chấp hành chính là phân hóa mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để có thể được miễn chấp hành. Theo đó, người bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm trước hết chỉ là những người phạm tội ít nghiêm trọng. Ngoài ra, xem xét các quy định về quyết định hình phạt thì quy định này được mở rộng cho cả đối tượng là người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp người này được Tòa án quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo Điều 54 BLHS năm 2015 khi quyết định hình phạt và họ thỏa mãn một trong 03 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 62. Quy định này đã bảo đảm sự công bằng hơn so với quy định tại khoản 1 Điều 57 BLHS năm 1999. Bên cạnh đó, sự công bằng và phân hóa trách nhiệm hình sự rõ hơn so với quy định trong BLHS năm 1999 còn thể hiện ở quy định về điều kiện được xem xét miễn chấp hành hình phạt. Nếu khoản 1 Điều 57 BLHS năm 1999 quy định người bị kết án chỉ có thể được xem xét miễn chấp hành án nếu thỏa mãn một trong hai điều kiện: (1) lập công lớn; (2) mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì khoản 2 Điều 62 BLHS năm 2015 quy định 03 điều kiện để người bị kết án có thể được miễn chấp hành hình phạt theo hướng nhân đạo hơn, phù hợp với tính chất của tội phạm mà người bị kết án đã thực hiện, cụ thể thay điều kiện “lập công lớn” bằng điều kiện “lập công”, quy định “mắc bệnh  hiểm nghèo” là một điều kiện độc lập, không ràng buộc quy định phải đánh giá “người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” như quy định của khoản 1 Điều 57 BLHS năm 1999 và bổ sung thêm một điều kiện để được xem xét miễn chấp hành hình phạt là “Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Việc mở rộng đối tượng và bổ sung quy định về điều kiện được xem xét miễn chấp hành hình phạt nói trên cũng được áp dụng đối với những trường hợp được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù nếu trong thời gian được tạm đình chỉ, người được tạm đình chỉ thỏa mãn điều kiện “lập công” hoặc “chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Đối với người bị kết án trên 03 năm tù (những người phạm tội nghiêm trọng trở lên), khoản 3 Điều 62 BLHS năm 2015 giữ nguyên quy định về điều kiện miễn chấp hành hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 57 BLHS năm 1999.

Những điểm mới về giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 63)

BLHS năm 1999 BLHS năm 2015
Điều 58. Giảm mức hình phạt đã tuyên

1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Người bị kết án phạt tù, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù, Toà án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống, mười hai năm đối với tù chung thân.
2. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Toà án có thể quyết định miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.
3. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên. Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống ba mươi năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là hai mươi năm.

4. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Toà án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc hai mươi năm nếu là tù chung thân.

Điều 63. Giảm mức hình phạt đã tuyên

1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.2. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.
Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
3. Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.
4. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được một phần hai mức hình phạt chung.
5. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.
6. Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.

Theo đó, về cơ bản khoản 1 và khoản 2 Điều 63 BLHS năm 2015 kế thừa quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 58 BLHS năm 1999, sự sửa đổi về mặt kỹ thuật tại khoản 1 và khoản 2 Điều 63 BLHS năm 2015 để bảo đảm sự thống nhất với Luật thi hành án hình sự. Tuy nhiên, xuất phát từ kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Điều 58 BLHS năm 1999, nội dung mới thứ nhất trong quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên thể hiện ở khoản 1, khoản 2 Điều 63 BLHS năm 2015 bổ sung điều kiện để được xem xét giảm mức hình phạt đối với người phải chấp hành án là “đã bồi thường một phần nghĩa vụ dân sự”.

Nội dung mới thứ hai của quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên, đó là, Điều 58 BLHS năm 1999 chỉ quy định chung thời hạn đã chấp hành hình phạt để xét giảm lần đầu đối với người bị phạt tù chung thân là 12 năm, không phân biệt người chấp hành án bị kết án về một tội hay nhiều tội, do đó, trong trường hợp một người thực hiện 01 tội phạm và bị phạt tù chung thân với người thực  hiện nhiều tội phạm trong đó có tội bị phạt tù chung thân và tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân, thời hạn đã chấp hành án để xét giảm lần đầu là như nhau. Ngoài ra, người phạm tội mà bị kết án tử hình thì hành vi phạm tội của người này có mức độ nguy hiểm cao hơn so với người bị phạt tù chung thân nhưng vì lý do nhân đạo người bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm án tử hình và được chuyển thành hình phạt tù chung thân nhưng điều kiện về thời gian đã chấp hành án để được xét giảm hình phạt lần đầu cũng vẫn là 12 năm là không công bằng, không phân hóa được trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phạm tội có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau.

Khắc phục hạn chế trên, khoản 3 và khoản 6 Điều 63 BLHS năm 2015 đã quy định về điều kiện xét giảm, mức giảm đối với những trường hợp bị kết án tử hình nhưng được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình chặt chẽ và nghiêm khắc hơn đối với trường hợp người bị kết án phạt tù về nhiều tội trong đó có tội bị áp dụng hình phạt tù chung thân.

Khoản 3 Điều 63 BLHS năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm”. Quy định mới này đã phân hóa cụ thể hơn trách nhiệm hình sự của người phạm tội, theo đó, người thực hiện nhiều tội phạm trong đó có tội bị kết án tù chung thân thì điều kiện về thời gian đã chấp hành án để được xét giảm lần đầu sẽ dài hơn 03 năm  (15 năm so với 12 năm) so với người thực hiện một tội phạm và bị kết án tù chung thân và tổng thời gian thực tế chấp hành hình phạt tù của người này ít nhất là 25 năm. Ví dụ, Nguyễn Văn A bị Tòa án nhân dân thành phố H xử phạt 10 năm tù về tội cướp tài sản và tù chung thân về tội giết người, tổng hợp hình phạt chung của 02 tội là tù chung thân, nếu theo theo quy định tại khoản 1 Điều 58 BLHS năm 1999, Nguyễn Văn A có thể được xét giảm lần đầu sau 12 năm chấp hành án phạt tù và thời gian thực tế phải chấp hành án của Nguyễn Văn A tối đa là 20 năm. Nhưng theo quy định tại khoản 3 Điều 63 BLHS năm 2015, phải sau 15 năm chấp hành hình phạt tù, Nguyễn Văn A mới được xem xét giảm mức hình phạt lần đầu và dù có được giảm nhiều lần thì thời gian thực tế chấp hành hình phạt tù của Nguyễn Văn A ít nhất phải là 25 năm.

Khoản 6 Điều 63 quy định: “Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm”. Theo quy định trên, người bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm chuyển thành hình phạt tù chung thân và người bị kết án tử hình nhưng được chuyển thành hình phạt tù chung thân do đến thời điểm thi hành án thì đã đủ 75 tuổi hoặc người bị kết án tử hình về tội tham ô hoặc tội nhận hối lộ nhưng sau khi bị kết án đã nộp ít nhất ¾ tài sản đã chiếm đoạt và trong quá trình bị điều tra trước đó đã hợp tác tích cực với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thời gian đã chấp hành án của đối tượng này để có thể được xét giảm mức hình phạt lần đầu là 25 năm và dù được xét giảm nhiều lần thì thời gian thực tế đối tượng này phải chấp hành hình phạt tù ít nhất là 30 năm. Quy định này bảo đảm nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự đến mức cao nhất theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, bảo đảm sự công bằng hơn trong việc áp dụng và thi hành hình phạt, có tác dụng lớn trong công tác phòng, chống tội phạm.

Nội dung mới thứ ba trong quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên là khoản 4 Điều 63 BLHS năm 2015, đây là quy định hoàn toàn mới so với Điều 58 BLHS năm 1999; khoản 4 Điều 63 BLHS năm 2015 quy định: “Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được một phần hai mức hình phạt chung”. Quy định này đã bao quát hết được các trường hợp xảy ra trong thực tế mà Điều 58 BLHS năm 1999 chưa đề cập giải quyết, bảo đảm sự công bằng trong chính sách hình sự của Nhà nước đối với người phạm tội, có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa người đang chấp hành án phạm tội mới đồng thời vẫn bảo đảm nhân đạo khi không áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý. Ví dụ: Trần Văn H bị Tòa án xử phạt 02 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”, sau khi thi hành án được 09 tháng, do cải tạo tốt H được Tòa án quyết định giảm 03 tháng trừ vào thời hạn thi hành án còn lại, nhưng sau đó H lại có hành vi gây thương tích cho bạn tù trong quá trình đi lao động và bị truy tố, xét xử về tội cố ý gây thương tích với hình phạt 30 tháng tù, tổng hợp hình phạt chung của 02 bản án, H phải chấp hành là 42 tháng tù. Theo quy định tại Điều 58 BLHS năm 1999, thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu đối với H là 14 tháng (1/3 của 42 tháng) nhưng theo quy định tại khoản 4 Điều 63 BLHS năm 2015 thì thời gian đã chấp hành hình phạt của H để được xét giảm lần đầu phải là 21 tháng. Quy định này có tác dụng giáo dục, phòng ngừa người phạm tội trong quá trình thi hành án, bởi lẽ, người phạm tội đã bị kết án và quá trình thi hành án đã nhận thức được lỗi lầm của mình nhưng lại tiếp tục cố ý phạm tội thì điều kiện xét giảm án phải nghiêm khắc hơn người phạm tội lần đầu để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Nội dung mới thứ tư trong quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên là khoản 5 Điều 63 BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể về thời gian thực tế tối thiểu phải chấp hành hình phạt tù đối với người đang thi hành án đã được giảm một phần hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới đặc biệt nghiêm trọng và bị phạt tù chung thân, cụ thể: Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới… đặc biệt nghiêm trọng,… thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều nàyVí dụ, Nguyễn Văn T đang chấp hành bản án 05 năm tù về tội “chứa mại dâm”, sau khi thi hành án được 30 tháng, do cải tạo tốt, T đã được xét giảm 06 tháng tù, sau đó, do mâu thuẫn với bạn tù trong việc chia đồ ăn, T đã đánh người bạn tù chết và bị Tòa xử phạt tù chung thân về tội giết người, tổng hợp với hình phạt của bản án đang chấp hành, hình phạt chung T phải chịu là tù chung thân.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 58 BLHS năm 1999, sau khi thi hành hình phạt tù chung thân được 20 năm, T có thể được xem xét giảm mức hình phạt lần đầu từ tù chung thân xuống mức 30 năm tù và nếu cải tạo tốt và theo quy định tại Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nếu tính mức giảm mỗi lần tối đa là 03 năm, mỗi năm người bị kết án được giảm 01 lần, thì có thể T chỉ phải thực tế thi hành án phạt từ 23 năm tù nhưng theo quy định tại khoản 5 Điều 63 BLHS năm 2015 thì dù có được giảm nhiều lần, bắt buộc T phải thi hành tối thiểu 25 năm tù. Quy định này thể hiện thái độ nghiêm khắc hơn của pháp luật đối với người phạm tội đang thi hành án mà lại tiếp tục phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Tựu chung lại, từ sự đối chiếu, phân tích những nội dung sửa đổi về miễn, giảm hình phạt trong BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục được những hạn chế trong BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, đồng thời bảo đảm tính nhân đạo hơn, phân hóa sâu sắc hơn trong chính sách hình sự áp dụng đối với người phạm tội.

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền