Thực tiễn xét xử, đối với các vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, Hội đồng xét xử đều trả lại giấy phép lái xe cho bị cáo. Vậy, việc trả lại giấy phép lái xe này có thực sự hợp lý so với các quy định pháp luật hình sự và hành chính không?
Đối với tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, người thực hiện hành vi phạm tội chỉ bị xem xét trên góc độ hình sự đối với hành vi phạm tội và áp dụng theo quy định của Bộ luật hình sự.
Thứ nhất, trong cấu thành của Điều 202 BLHS năm 2003 và Điều 260 BLHS năm 2105 chỉ đề cập đến việc người phạm tội không có giấy phép lái xe sẽ bị xử lý ở khoản 2 của những Điều luật này nếu gây hậu quả tương đương ở khoản 1 của Điều này.
Như vậy, nhà làm luật đã xác định việc không có giấy phép lái xe là một tình tiết có tính chất nguy hiểm đối với loại hành vi phạm tội này. Quy định như vậy là hợp lý và rõ ràng để đảm bảo mọi người khi tham gia giao thông buộc phải có giấy phép lái xe để đảm bảo họ hiểu rõ quy tắc giao thông khi điều khiển các phương tiện giao thông và khi xẩy ra các hành vi phạm tội thì họ sẽ chỉ bị xử lý ở khung hình phạt thấp hơn so với không có giấy phép lái xe.
Bên cạnh đó tại khoản 5, Điều 202 BLHS năm 2003 và khoản 6, Điều 260 BLHS năm 2105 đều quy định về cấm hành nghề hoặc đảm nhiệm một công việc. Như vậy, việc cấm này cũng chỉ nhằm vào các đối tượng liên quan đến yếu tố điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là nghề nghiệp mà không đề cập đến việc hạn chế quyền điều khiển phương tiện của người phạm tội mà không đề cập đến quyền điều khiển phương tiện của họ. Như vậy, họ vẫn hoàn toàn có thể điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chỉ không được phép làm nghề nghiệp liên quan đến hoạt động điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Thứ hai, Luật giao thông đường bộ cũng quy định về giấy phép lái xe khi tham gia giao thông và cụ thể hóa chế tài xử phát khi người điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép tại Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, mức hình phạt đối với hành vi không có giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đều hết sức nghiêm khắc, ví dụ như “Nếu không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa; có giấy phép lái xe do các nước có tham gia công ước quốc tế về giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ bằng lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo giấy phép quốc gia thì mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. (Điểm b, điểm c khoản 7, điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP)”. Bên cạnh đó Nghị định 46 cũng quy định rất nhiều vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ mà người vi phạm bị tước bằng lái xe từ 01 tháng cho đến 24 tháng tùy theo hành vi và tính chất mức độ vi phạm của người vi phạm các quy định về giao thông đường bộ.
Từ hai vấn đề nêu trên cho thấy, giá trị giấy phép lái xe đối với người tham gia giao thông vi phạm quy định hành chính và người phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiên giao thông đường bộ”, trong đó việc một người phải chịu một hình phạt về tiền hoặc chế tài hình sự là việc họ bị xử lý khi vi phạm quy định của pháp luật như một hình phạt chính và cao nhất khi họ vi phạm. Tuy nhiên, trong xử lý vi phạm hành chính, một số hành vi còn kèm theo việc tước giấy phép lái xe chính là để tước một quyền mà những người này được nhà nước cho phép. Vì để có những giấy phép này một cách hợp lệ họ cần được đào tạo và trải qua những kì sát hạch đạt các tiêu chuẩn mới có thể được cấp phép việc tước của họ môt thời gian là cần thiết để đảm bảo tính đúng đắn của họ trong tương lai khi sử dụng những quyền này.
Nhưng ngược lại, trong các quy định của Bộ luật hình sự đều không quy định việc có chế tài đối với việc xử lý giấy phép lái xe của người phạm tội. Nếu so sánh về tính chất mức độ hành vi vi phạm của người phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiên giao thông đường bộ” là cao hơn rất nhiều so với các vi phạm hành chính do loại tội phạm này thường để lại hậu quả rất lớn cho người bị xâm hại cũng như các thiệt hại đối với xã hội.
Trong Bộ luật hình sự cũng chỉ quy định việc hạn chế về mặt nghề nghiệp khi một người phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” nhưng cũng không rõ ràng cụ thể về ai và cách thức nào thực hiện việc cấm và hạn chế đó cũng là một bất cập của luật. Do đó, ngoài việc có một hình phạt theo Bộ luật Hình sự như một hình phạt chính, thì cần thêm chế tài trong việc tước bỏ quyền điều khiển phương tiện của những người phạm loại tội này. Điều này không những đảm bảo được sự cân bằng khi xử lý các loại lỗi giữa các bộ luật với nhau mà còn giúp cho xã hội hạn chế được những nguy cơ do những người đã có lỗi vô ý xâm hại đến các quy tắc giao thông gây hậu quả cho xã hội.
Từ những phân tích đánh giá trên đây, quan điểm cá nhân đưa ra đề nghị cần có những quy định cụ thể đối với việc tước quyền được điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và chế tài cụ thể hơn trong việc cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan điều khiển phương tiện giao thông đối với người phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” nhằm đảm bảo sự công bằng của pháp luật cũng như xử lý hành vi vi phạm của người phạm tội một cách đầy đủ nhất trên cả phương diện hình phạt do vi phạm pháp luật cũng như hạn chế quyền của người phạm tội phát sinh từ hậu quả của tội phạm đó gây ra.
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát (kiemsat.vn)
Để lại một phản hồi