Chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện theo BLHS

Chuyên mụcLuật hình sự, Thảo luận pháp luật Tạm giam, tạm giữ

Chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

 

Có thể nhận thấy, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) được ban hành đã thể hiện được những tư tưởng quan trọng của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là đề cao, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Một trong những điểm mới cơ bản của BLHS năm 2015 là lần đầu tiên BLHS năm 2015 đã quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 64) nhằm tạo cho phạm nhân có cơ hội được trở về với cộng đồng sớm hơn nhưng phải chịu sự giám sát của chính quyền cơ sở khi về sinh sống tại cộng đồng, điều này góp phần bảo đảm an ninh trật tự, hạn chế khả năng tái phạm của họ. Thực tế trong BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 cũng đã quy định một số giải pháp rút ngắn thời hạn chấp hành hình phạt đối với người chưa chấp hành hình phạt tù trong trại giam, đó là những quy định về miễn chấp hành hình phạt (Điều 57), giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 58). Tuy nhiên, những quy định này của BLHS năm 1999 vẫn chưa thực sự chú trọng nhiều đến việc phòng ngừa tái phạm.

 

Nhằm thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khắc phục những bất cập trong chính sách đặc xá, giảm gánh nặng cho công tác thi hành án phạt tù hiện nay nhưng vẫn bảo đảm được sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, đồng thời không làm thay đổi mục đích của hình phạt là giáo dục và trừng trị hành vi phạm tội, Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định mới về tha tù trước thời hạn có điều kiện.

 

Mặc dù là một chế định hoàn toàn mới được quy định trong BLHS năm 2015, nhưng tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng là một trong những giải pháp để rút ngắn thời gian phải chấp hành hình phạt tù trong trại giam. Theo nội dung chế định này, người chấp hành án phạt tù đã thi hành án được một thời gian nhất định, thỏa mãn những điều kiện quy định, có thể được xem xét để trả tự do, thời gian thử thách đúng bằng thời gian còn lại của hình phạt tù; và nếu trong thời gian thử thách người được tha tù có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ của người được tha tù có điều kiện 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt hành chính từ 02 lần trở lên, thì có thể bị Tòa án quyết định buộc người được tha tù quay trở lại trại giam để thi hành phần hình phạt tù còn lại.

 

So với chế định án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện có những điểm giống, khác nhau như sau:

 

Án treo Tha tù trước thời hạn có điều kiện
Khác nhau
Điều kiện áp dụng
Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù a)Phạm tội lần đầu;
b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;
c) Có nơi cư trú rõ ràng;
d) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí;
đ) Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn;
e) Không thuộc một trong các trường hợp: (i) Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299 của Bộ luật hình sự; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV của Bộ luật hình sự do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 248, 251 và 252 của Bộ luật hình sự;(ii) Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật hình sự.
Chủ thể Người phạm tội Người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng
Thời gian thử thách Từ 01 năm đến 05 năm Bằng thời gian còn lại của hình phạt tù.
Thời điểm áp dụng Khi xử phạt tù Khi người đang chấp hành án phạt tù
Giống nhau
Nhà nước cho người bị kết án “nợ” phần hình phạt tù. Trong thời gian thử thách, nếu người bị kết án cố ý vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội mới phải chịu chế tài cụ thể (án treo: chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo; tha tù trước thời hạn có điều kiện: buộc chấp hành hình phạt tù còn lại chưa chấp hành…)

 

Tương tự, so với chế định miễn chấp hành hình phạt (Điều 62) hoặc giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 63) thì chế định tha tù trước thời hạn có một số điểm tương đồng về điều kiện áp dụng, về thẩm quyền áp dụng,… nhưng về bản chất có sự khác biệt. Trong chế định miễn chấp hành hình phạt hoặc giảm mức hình phạt đã tuyên thì Nhà nước “cho hẳn” người bị kết án toàn bộ hoặc một phần hình phạt chưa chấp hành; còn với chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì Nhà nước chỉ cho người bị kết án “nợ” một phần hình phạt chưa chấp hành và được giảm mức hình phạt đã tuyên còn là một trong các điều kiện để được áp dụng tha tù có điều kiện đối với trường hợp đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất ngiiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

1. Nội dung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện

1.1. Điều kiện về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội 

Điều kiện đầu tiên để người đang chấp hành án phạt tù được trả tự do trong trường hợp này thì hành vi phạm tội của người đó là phạm tội lần đầu. Tuy nhiên, hiểu phạm tội lần đầu là thế nào? phạm tội lần đầu là lần đầu tiên trong cuộc đời người đó thực hiện hành vi phạm tội hay hành vi phạm tội không thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm? Căn cứ quy định về xóa án tích, quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm thì có thể cho rằng phạm tội lần đầu là hành vi phạm tội của người bị kết án không thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

 

Như vậy, có thể một người đã bị kết án và đã được xóa án tích, lại phạm tội mới và phải thi hành án phạt tù hoặc người đang có án tích nhưng lại bị kết án về tội mới là tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do vô ý thì vẫn được tính là thuộc trường hợp phạm tội lần đầu.

 

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp phạm tội lần đầu đều thỏa mãn điều kiện về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, mà còn phụ thuộc vào tội danh, loại tội, mức án. Vì tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của một số hành vi phạm tội rất lớn nên pháp luật quy định không cho phép áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện (dù đã thỏa mãn điều kiện là “phạm tội lần đầu”) với các đối tượng phạm một số tội danh hoặc một số tội phạm là tội nghiêm trọng trở lên, cụ thể:

– Người bị kết án về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự; tội khủng bố quy định tại Điều 299 Bộ luật hình sự; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật hình sự;

– Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp không phải thi hành án tử hình quy định tại khoản 3 Điều 40[1] của BLHS;

– Người phải thi hành án có mức án từ 10 năm tù trở lên đối với một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người quy định tại Chương XIV của Bộ luật hình sự do cố ý (cụ thể là các tội quy định tại các điều: Điều 123 (Tội giết người), Điều 127 (Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ), khoản 2 Điều 130 (Tội bức tử), khoản 4,5,6 Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); khoản 2, 3, 4 Điều 141 (Tội hiếp dâm); Điều 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); khoản 2, 3, 4 Điều 143 (Tội cưỡng dâm); Điều 144 (Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); khoản 2 Điều 145 (Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); khoản 3 Điều 146 (Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi); khoản 3 Điều 147 (Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm); khoản 2, 3 Điều 149 (Tội cố ý truyền HIV cho người khác); Điều 150 (Tội mua bán người); Điều 151 (Tội mua bán người dưới 16 tuổi); khoản 3 Điều 152 (Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi); khoản 2, 3 Điều 153 (Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi); khoản 2, 3 Điều 154 (Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người);

– Người thi hành án có mức án từ 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội: tội cướp tài sản (Điều 168); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).

 

1.2. Điều kiện về kết quả thi hành án

BLHS năm 2015 quy định người đang chấp hành án phạt tù phải có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt. Cơ sở để đánh giá là người đang chấp hành án có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thi hành án hình sự, cụ thể là phải căn cứ Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và Thông tư số 40/2011/TT-BCA ngày 27/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân. Tuy nhiên, cần phải thống nhất nhận thức để đánh giá người chấp hành án phạt tù có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt phải thể hiện qua kết quả xếp loại của nhiều tháng, nhiều quý liên tục trước khi được quyết định áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện chứ không thể căn cứ vào việc xếp loại cải tạo khá, tốt 01 hoặc 02 kỳ trước khi được quyết định tha tù có điều kiện.

 

Ngoài ra, để được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người đang chấp hành án phải thỏa mãn điều kiện đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù ít nhất là 01 lần đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Quy định này có 02 vấn đề cần thống nhất nhận thức, thứ nhất, người bị kết án về tội nghiêm trọng trở lên là người đang chấp hành mức án từ trên 03 năm tù trở lên. Đối chiếu với quy định về thời hạn tiến hành tố tụng thì người phải chấp hành mức án từ 03 năm tù trở lên là khoảng thời gian đủ để xếp loại cải tạo sau khi đã trừ thời hạn bị tạm giam và cũng là khoảng thời gian đủ để đánh giá người chấp hành án có tiến bộ, có ý thực cải tạo tốt và  kết quả cải tạo thể hiện qua việc đã được Tòa án xét giảm mức hình phạt đã tuyên ít nhất là 01 lần; thứ hai, quy định đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án không áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, bởi lẽ, mức hình phạt tù cao nhất đối với người phạm tội ít nghiêm trọng là 03 năm nhưng thực tế thi hành án phạt tù cho thấy số phạm nhân bị phạt tù về tội ít nghiêm trọng có mức hình phạt tù từ 03 năm trở xuống tương đối lớn[2]. Theo quy định của BLTTHS về thời gian tiến hành điều tra, truy tố, xét xử 01 vụ án hình sự và thực tế thi hành Luật thi hành án hình sự năm 2010 cho thấy, thời gian từ lúc bị bắt giam đến khi chuyển giao số đối tượng này đi thi hành án ở các trại giam thường kéo dài từ 09 tháng đến hơn 01 năm. Như vậy, với thời hạn giam giữ ở trại tạm giam bị kéo dài, khi đến thi hành án ở các trại giam số đối tượng này chưa đủ điều kiện xem xét để được Tòa án xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt và đến khi được giảm thì cũng đã gần hết thời gian chấp hành hình phạt tù. Trong khi đó, số đối tượng này đa số là phạm tội lần đầu, phạm tội ít nghiêm trọng, trót lỡ lầm mà phạm tội, nói cách khác là tính nguy hiểm trong hành vi tội phạm của số đối tượng này là thấp và nếu được giáo dục trong môi trường xã hội thì khả năng trở thành người có ích xã hội sẽ cao hơn nếu để thi hành án ở các trại giam. Do đó, BLHS năm 2015 quy định chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện trước hết với mục đích ưu tiên áp dụng với đối tượng chấp hành mức án từ 03 năm tù trở xuống.

 

Điều kiện về kết quả thi hành án còn được thể hiện ở quy định người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải “đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn. Trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn”. Như vậy, người đang chấp hành án phạt tù để được xem xét tha tù trước thời hạn có điều kiện thì phải thực tế chấp hành một thời gian thi hành phạt tù nhất định. Vấn đề đặt ra là trường hợp người đang chấp hành án phạt tù đã được xét giảm thời hạn thi hành án thì khoảng thời gian đã được giảm này có được tính vào thời gian đã chấp hành án không? Tôi quan điểm cho rằng, thời gian người chấp hành án được xét giảm mức hình phạt đã tuyên cần được tính vào thời gian đã chấp hành án vì như vậy sẽ phù hợp với quy định về xác định thời gian thi hành án. Mặt khác, quy định này sẽ bảo đảm sự công bằng giữa người đang chấp hành án phạt tù về tội ít nghiêm trọng (không có điều kiện phải “đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt”) với người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

1.3. Điều kiện về nơi cư trú 

Một trong các điều kiện để người đang chấp hành án được áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện là phải có nơi cư trú rõ ràng. Vấn đề đặt ra, hiểu thế nào là nơi cư trú rõ ràng và ý nghĩa của việc quy định điều kiện này như thế nào? vấn đề này trong quá trình xây dựng BLHS năm 2015 được thảo luận và xác định nơi cư trú rõ ràng của người được áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện là nơi mà người được tha tù về sinh sống, cư trú sau khi được tha tù.

Nơi cư trú này có thể là nơi mà người bị kết án đã thường trú trước khi phạm tội hoặc có thể là nơi khác với nơi mà người đang chấp hành án đã cư trú, sinh sống trước khi phạm tội (ngoại trừ trường hợp người được áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện còn phải thi hành hình phạt bổ sung là cấm cư trú ở một hoặc một số địa phương nhất định). Việc xác định nơi cư trú của người được tha tù có điều kiện là một việc làm bắt buộc, phải thể hiện trong quyết định tha tù có điều kiện, chứ không phải chỉ căn cứ vào nơi cư trú thể hiện trong hồ sơ thi hành án của người chấp hành án. Việc thực hiện quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thực hiện đúng các nghĩa vụ trong thời gian thử thách không? hay xác định cơ quan, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm theo dõi việc người bị kết án thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách? hay xác định thẩm quyền, thủ tục cho phép người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thay đổi nơi cư trú trong thời gian thử thách.

 

1.4. Điều kiện chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí

Việc thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, đã nộp đủ án phí là điều kiện bắt buộc đối với người đang chấp hành án phạt tù là người đủ 18 tuổi trở lên, để được xem xét áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện (nghĩa vụ này không áp dụng với người đang chấp hành án phạt tù là người dưới 18 tuổi[3]). Cơ sở để BLHS năm 2015 quy định nghĩa vụ này xuất phát từ kết quả thực tế thi hành phần dân sự trong bản án hình sự thu được rất thấp nhưng qua các đợt đặc xá, thì kết quả thi hành phần nghĩa vụ bồi thường dân sự, hình phạt tiền, án phí lại đạt tỷ lệ rất cao vì đây là một điều kiện bắt buộc khi xem xét quyết định đặc xá[4]. Mặt khác, trong điều kiện ở nước ta hiện nay, Nhà nước chưa quản lý được tài sản của cá nhân nên việc tài sản của người này được đứng tên người khác hoặc bị cất giấu là một thực tế. Bên cạnh đó, việc quy định người đang chấp hành án phạt tù phải thi hành xong nghĩa vụ bồi thường dân sự cũng là biện pháp để tránh xung đột phát sinh giữa người được tha tù có điều kiện khi về địa phương sinh sống với người bị hại hoặc đại diện người bị hại nhất là đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc tội xâm phạm sở hữu. Do đó, việc quy định trong BLHS năm 2015 nghĩa vụ này là một trong các điều kiện để áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện là cần thiết.

1.5. Thời gian thử thách và hậu quả pháp lý nếu người được tha tù có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc bị xử phạt hành chính hoặc phạm tội mới

– BLHS năm 2015 quy định người được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện phải chịu một thời gian thử thách. Thời gian thử thách này được xác định là thời gian chấp hành phần hình phạt tù còn lại theo bản án mà người đó đang thi hành. Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là thời điểm người phải chấp hành án chính thức được trả tự do từ cơ sở giam giữ.

– Trong thời gian thử thách, có 02 hậu quả pháp lý xảy ra nếu người  được tha tù vi phạm, đó là:

+ Thứ nhất, người được tha tù có điều kiện nếu cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với họ và buộc họ phải quay trở lại trại giam để chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành mà không được xem xét trừ thời gian đã được tạm tha vào thời gian thi hành án phạt tù còn lại. Tuy nhiên, trong trường hợp này khả năng người được tha tù bị hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện chỉ là “có thể” vì còn phụ thuộc vào sự đánh giá của Tòa án về mức độ vi phạm của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, nhất là trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính.

+ Thứ hai, trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thực hiện hành vi phạm tội mới. Trong trường hợp này, hậu quả người được tha tù bị hủy bỏ biện pháp tha tù có điều kiện là “đương nhiên”. Tòa án xét xử buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp hình phạt của bản án mới với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước theo quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án tại Điều 56 của BLHS.
Việc quy định vấn đề này trong BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính khả thi của việc áp dụng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thực tế, có ý nghĩa răn đe buộc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải tích cực lao động, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật trong thời gian thử thách và có tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa người phải chấp hành án tiếp tục phạm tội mới.

 

1.6. Quy định về rút ngắn thời gian thử thách của người được tha tù có điều kiện

Việc BLHS năm 2015 quy định về biện pháp tha tù có điều kiện thể hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách hình sự, mang tính nhân đạo, khuyến khích sự tham gia của gia đình người phạm tội và cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ và giám sát người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tích cực cải tạo, nhận thức ra lỗi lầm của mình, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, trở thành công dân có ích cho xã hội. Để tạo điều kiện cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thêm động lực học tập cải tạo, sớm tái hòa nhập cộng đồng trở thành công dân tự do, có ích cho xã hội, BLHS năm 2015 quy định việc giảm thời hạn thử thách cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

 

1. Quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện trong mối quan hệ với quy định trong các đạo luật khác có liên quan

Như trên đã phân tích, chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật trong việc xử lý người bị kết án phạt tù, khuyến khích người phải thi hành án phạt tù tích cực cải tạo, ăn năn hối cải, nhận thức được lỗi lầm của mình, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra, đồng thời ở một khía cạnh nhất định thì việc thực hiện chế định này cũng là thể hiện việc xã hội hóa một phần công tác thi hành án hình sự, giảm gánh nặng của nhà nước đầu tư cho công tác thi hành án phạt tù, giải quyết tình trạng quá tải về cơ sở vật chật trong công tác thi hành án phạt tù hiện nay, đồng thời vẫn bảo đảm mục đích giáo dục, răn đe người bị kết án nói riêng và phòng ngừa tội phạm nói chung. Tuy nhiên, để chế định này thực sự đi vào cuộc sống, phát huy tính nhân đạo trong chính sách hình sự của nhà nước ta thì cần phải có những cơ chế, điều kiện bảo đảm thực thi cụ thể cũng như cần được đặt trong mối tương quan với quy định tại các vản bản pháp luật có liên quan.

– Đối với Luật thi hành án hình sự năm 2010: Chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện là một chế định hoàn toàn mới thể hiện sự thay đổi lớn trong chính sách hình sự nên trong quá trình soạn thảo, cơ quan soạn thảo đã có những nghiên cứu rất kỹ lưỡng cơ sở pháp lý cũng như nội dung của chế định. Chính vì thế, quá trình thảo luận xây dựng chế định này trong dự thảo BLHS năm 2015, đa phần ý kiến các đại biểu đều thống nhất quy định nội dung chế định này. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của người được tha tù có điều kiện trong thời gian thử thách để có thể thực hiện ngay quy định này khi BLHS năm 2015 có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại đề nghị cần xác định đúng phạm vi của chế định này trong BLHS vì đây là luật nội dung, nên chỉ quy định giới hạn phạm vi chế định này gồm các nội dung: đối tượng được áp dụng, mức độ và tính chất nguy hiểm của loại tội phạm và giới hạn mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội trong mỗi tội danh; các điều kiện áp dụng, xác định thời gian thử thách và khả năng rút ngắn thời gian thử thách cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nếu quy định quyền, nghĩa vụ của người được tha tù trước thời  hạn có điều kiện ngay trong BLHS năm 2015 sẽ không phù hợp với vai trò, vị trí của luật nội dung và cũng không đủ điều kiện để triển khai thực hiện ngay cả khi BLHS có hiệu lực vì còn những vấn đề không thể quy định trong BLHS năm 2015 mà phải quy định trong Luật thi hành án hình sự, gồm các vấn đề: trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyền, nghĩa vụ của người được tha tù; cá nhân, cơ quan nào chịu trách nhiệm thi hành việc giám sát người được tha tù trong thời gian thử thách? Quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong thi hành biện pháp này? Việc chuyển giao người được tha tù, hồ sơ giám sát người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách; thủ tục hủy  bỏ biện pháp tha tù có điều kiện, cơ chế kiểm sát hoạt động tha tù trước thời hạn có điều kiện và quyền kháng cáo, kháng nghị và cơ chế giải quyết kháng cáo, kháng nghị; quyền khiếu nại, tố cáo vi phạm và thẩm quyền, trình tự, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tha tù trước thời hạn có điều kiện,… Do đó, để bảo đảm chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể sớm thực hiện trên thực tế, Chính phủ cần sớm tổng kết việc thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự kiến những nội dung sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội thảo luận, thông qua để bảo đảm tính thống nhất với quy định của BLHS năm 2015.

– Đối với Luật đặc xá năm 2007: Quá trình thảo luận xây dựng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, các ý kiến đều thống nhất việc đã quy định chế định này trong BLHS năm 2015 cần đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung  Luật đặc xá năm 2006. Chúng ta không phủ nhận những đóng góp tích cực của Luật đặc xá trong thời gian qua trong việc thể hiện cụ thể chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội, động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng đặc xá; giúp đỡ người được đặc xá ổn định cuộc sống, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Trong 8 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ký quyết định đặc xá nhân các ngày lễ, sự kiện trọng đại của đất nước (6 lần đã thực hiện xong); đã đặc xá cho 85.974 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Ngoài 7 lần đặc xá trên, trong các năm 2014, 2015 và 2016, Chủ tịch nước còn quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và 1 người đang tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đặc xá của Bộ Công an cho thấy, trong tổng số 81.795 người được đặc xá (không tính số người được đặc xá của năm 2016 do mới công bố Quyết định đặc xá năm 2016 của Chủ tịch Nước vào ngày 1.12.2016), có 67.644 người đã về đúng địa chỉ cư trú, số còn lại chuyển đến nơi cư trú tại địa chỉ khác hoặc chuyển đến địa phương khác. Hầu hết số người được đặc xá đều được công an địa phương hướng dẫn, đăng ký hộ khẩu, cấp giấy tờ tùy thân. Đáng chú ý có gần 50.000 người được đặc xá đã có việc làm, tạm ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, vẫn có một số người được đặc xá không chịu rèn luyện nên đã có hành vi tái phạm tội.

Tuy nhiên, việc hằng năm Nhà nước đặc xá cho hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người phải chấp hành án phạt tù (có những phạm nhân có mức án phạt tù rất dài, chấp hành án mới được 1/3 thi hành án đã được xem xét đặc xá ra tù) đặt trong mối quan hệ với cả quá trình từ điều tra, truy tố, xét xử kết án người phạm tội rất khó khăn, phức tạp, tốn nhiều công sức thậm chí cả xương máu của những người tham  gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, cuả các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ công lý thì việc đặc xá hàng ngàn phạm nhân mỗi năm sẽ phần nào làm giảm tính nghiêm minh cuả pháp luật. Do đó, khi đã quy định chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện có ý nghĩa giáo dục, phòng ngừa tội phạm rất lớn với một trong các điều kiện là “Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.Trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn” thì cần thiết phải  sửa đổi, bổ sung Luật đặc xá theo hướng giới hạn thật chặt chẽ đối tượng, điều kiện được đặc xá.

 

Lg. Vũ Nguyên

 

 

Chú thích:

[1] 3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

[2] Tính đến 30/9/2015 có 35.093 phạm nhân có mức án tù từ 03 năm trở xuống trên tổng số 131.394 phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ (Báo cáo số 566/BC-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ)

[3] Khoản 6 Điều 91 BLHS quy định: “… không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết  số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định, “trẻ em” thuộc một trong các trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí…

[4] Điểm c khoản 1 Điều 10 Luật đặc xá quy định một trong các điều kiện đủ để được đề nghị đặc xá là “Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.”
Theo http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=385551: Trong 7 lần đặc xá, tổng số tiền những phạm nhân được đặc xá và thân nhân của họ đã nộp trong quá trình phạm nhân chấp hành án phạt tù để thực hiện hình phạt bổ sung (phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp án phí hoặc các nghĩa vụ dân sự khác) là hơn 1.059 tỷ đồng và 157.036 USD.

 


 

Các tìm kiếm liên quan đến Chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện: điều kiện tha tù trước thời hạn, tha tù trước thời hạn có điều kiện 2017, đề án tha tù trước thời hạn có điều kiện, đề xuất tạm tha tù có điều kiện, tạm tha có điều kiện, tha tù trước thời hạn 2017, tha tu truoc thoi han co dieu kien 2017, tha tu truoc thoi han 2017

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền