Nếu bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, khi xét xử thì được miễn án phí (hình sự, dân sự). Nếu bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, khi xét xử vụ án hình sự thì bị cáo phải chịu án phí hình sự và án phí dân sự theo quy định tại BLTTDS và Điều 23, Điều 26 Nghị quyết số 326.
Tôi trao đổi bài viết: “Cha mẹ của bị cáo chưa thành niên có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm” của tác giả Dương Tấn Thanh, TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, đăng trên Kiemsat online ngày 25/10/2018 như sau:
Tuy Nguyễn Văn A là bị cáo chưa thành niên nhưng phải chịu 6.500.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm/130 triệu đồng tiền bị cáo phải bồi thường. Cha mẹ của bị cáo chưa thành niên không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Bởi vì, theo điểm a, c khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (gọi tắt là Nghị quyết 326) quy định nghĩa vụ chịu án phí trong vụ án hình sự: “Người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm; nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 của Nghị quyết này”.
Theo đó, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326 quy định nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm: “Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận”.
Qua đó cho thấy, đối với vụ án hình sự, Nghị quyết 326 chỉ quy định: “Người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm” và “bị đơn (bị cáo) phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm”, riêng phần án phí pháp luật không có quy định liên đới chịu án phí như đối với phần bồi thường thiệt hại theo khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”.
Trong trường hợp nêu trên, điểm đ khoản 1 Điều 12 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí như sau: “Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ”.
Theo đó, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi”.
Như vậy, nếu bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, khi xét xử thì được miễn án phí (hình sự, dân sự). Nếu bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, khi xét xử vụ án hình sự thì bị cáo phải chịu án phí hình sự và án phí dân sự theo quy định tại BLTTDS và Điều 23, Điều 26 Nghị quyết số 326, cha mẹ của bị cáo chưa thành niên không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Nếu sau này bị cáo không có điều kiện thi hành án thì Cơ quan thi hành án dân sự giải quyết (miễn, giảm…) theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát (kiemsat.vn)
Để lại một phản hồi