Kinh nghiệm kiểm sát quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự

Hành nghề luật

Trong quá trình chuẩn bị xét xử, nếu có căn cứ do pháp luật quy định thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Viện kiểm sát (VKS) có trách nhiệm kiểm sát quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án.

 

Các nội dung liên quan:

 

Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án quyết định tạm dừng tiến hành các hoạt động tố tụng trong việc giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý khi có những căn cứ do pháp luật quy định. Khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn Tòa án lại tiếp tục giải quyết vụ án dân sự đó.

Trên cơ sở kế thừa các quy định của BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), về cơ bản, các căn cứ tạm đình chỉ được BLTTDS năm 2015 đã nêu tương đối cụ thể trong đó bổ sung thêm ba căn cứ mới quy định tại các điểm đ, e, g khoản 1 Điều 214 BLTTDS:

đ) Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;

e) Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;

g) Theo quy định tại Điều 41 của Luật phá sản;…

Như vậy, trong quá trình chuẩn bị xét xử, nếu có căn cứ do pháp luật quy định thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Viện kiểm sát (VKS) có trách nhiệm kiểm sát quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 194 BLTTDS năm 2011 thì quyết định tạm đình chỉ phải được gửi cho VKS cùng cấp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định. Khoản 2 Điều 214 BLTTDS năm 2015 đã rút ngắn thời gian này, chỉ còn 03 ngày làm việc Tòa án phải chuyển quyết định tạm đình chỉ giải quyết sang cho VKS cùng cấp.

Nếu như BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 không quy định việc thông báo cho VKS biết vụ án đã được tiếp tục giải quyết, thì Điều 216 BLTTDS năm 2015 đã quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự và gửi quyết định đó cho VKS cùng cấp.

Qua thực tiễn, tác giả nhận thấy các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án đều phù hợp với quy định của BLTTDS. Tuy nhiên, với số lượng án dân sự, hôn nhân gia đình ngày càng tăng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp nhưng BLTTDS quy định thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa đối với án dân sự, hôn nhân gia đình là 06 tháng kể từ ngày thụ lý nên áp lực giải quyết án của Thẩm phán rất lớn, nhất là vào thời gian cuối năm thống kê của Tòa án (tháng 8 đến tháng 9 hàng năm), khi Tòa án tổng kết năm công tác, thường chạy theo chỉ tiêu thi đua, chỉ tiêu giải quyết án, số lượng án tạm đình chỉ giải quyết cao, Thẩm phán thường tạm đình chỉ theo quy định tại  điểm đ, điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS với lý do: “Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án” hoặc lý do “đương sự đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án hoặc đương sự đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự để bổ sung, cung cấp chứng cứ…”. Đây là giải pháp tình thế vì Thẩm phán muốn các bên hòa giải để công nhận thỏa thuận tránh việc kháng cáo, kháng nghị, khiếu nại nên ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để được tính lại thời hạn tố tụng giải quyết. Trong khi đó, Luật lại không quy định thời hạn tối thiểu đối với các quyết định tạm đình chỉ nên chính việc ra quyết định này ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Nếu chỉ kiểm sát trên nội dung của quyết định thì VKS khó có thể kiểm sát hết các trường hợp này, vì không thể nắm bắt các thông tin, tài liệu đã thu thập trong hồ sơ vụ, việc.

Hiện nay, công tác kiểm sát các quyết định tạm đình chỉ của VKS hai cấp cho thấy còn chưa kiểm sát chặt chẽ, chưa chủ động phát hiện kịp thời các vi phạm của Tòa án khi ra quyết định tạm đình chỉ, lý do tạm đình chỉ chưa phù hợp. Cụ thể như: (1) Chưa hết thời hạn chuẩn bị xét xử đã tạm đình chỉ vụ án; (2) chưa hết thời hạn của các cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án theo quy định tại các điều 105, 106 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ; (3) tạm đình chỉ theo yêu cầu của đương sự nhưng không có căn cứ.

Vụ việc sau đây là một ví dụ:

Ngày 20/6/2017, anh Trịnh Văn H có đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn với chị Đào Thị K (cùng địa chỉ: Số nhà 406 đường B, quận TH, thành phố H). Ngày 26/6/2017, Toà án nhân dân quận TH, thành phố H thụ lý vụ án, đến ngày 25/12/2017, chị K có đơn xin tạm đình chỉ vụ án để đi công tác xa một thời gian. Cùng ngày, Toà án nhân dân quận TH, thành phố H áp dụng điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án hôn nhân gia đình với lý do: Bị đơn có đơn xin tạm đình chỉ.

Ngày 03/01/2018, VKSND thành phố H nhận được phiếu kiểm sát kèm theo Quyết định tạm đình chỉ số 16/2017/QĐST-DS do VKSND quận TH, thành phố H chuyển lên. Ngày 04/01/2018, VKSND thành phố H yêu cầu Tòa án quận TH chuyển hồ sơ vụ án. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, VKSND thành  phố H nhận thấy: Ngày 25/12/2017, chị K có đơn xin tạm đình chỉ vụ án để đi công tác xa một thời gian nhưng trong hồ sơ không có bất cứ tài liệu nào chứng minh chị K đi công tác, Tòa án quận TH đã không xem xét đề nghị đó có hợp lý không và có căn cứ không đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết là không đúng quy định của pháp luật.

Từ thực tiễn công tác, tác giả nêu một số kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát các quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hạn chế tình trạng Tòa án vận dụng quy định của pháp luật không chính xác, kéo dài thời hạn giải quyết:

Thứ nhất, về công tác lãnh đạo đơn vị đối với công tác kiểm sát các quyết định tạm đình chỉ. 

Cần chỉ đạo phân công một đầu mối cho cán bộ lập sổ sách theo dõi các quyết định tạm đình chỉ, khi nhận các quyết định phải có ký nhận, xác định thời gian nhận và kịp thời chuyển đến cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công kiểm sát quyết định.

Hàng tháng, cử cán bộ phối hợp với Tòa án  rà soát số liệu quyết định tạm đình chỉ để từ đó có biện pháp đôn đốc hoặc kiến nghị với Lãnh đạo Tòa án chỉ đạo các Thẩm phán tiếp tục giải quyết vụ án khi đã hết thời hạn hoặc lý do tạm đình chỉ  không còn.

Qua công tác kiểm sát quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Viện kiểm sát nhân dân thành phố H nhận thấy: Theo quy định tại điểm b Điều 476 BLTTDS năm 2015 quy định: Phiên tòa phải được mở sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 477 của Bộ luật này; tại khoản 4 Điều 477 BLTTDS năm 2015 quy định:

Tòa án không nhận được văn bản thông báo về kết quả tống đạt cũng như lời khai, tài liệu, chứng cứ của đương sự ở nước ngoài và đến ngày mở phiên tòa đương sự ở nước ngoài không có mặt, không có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ thì Tòa án hoãn phiên tòa. Ngay sau khi hoãn phiên tòa thì Tòa án có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp hoặc cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thông báo về việc thực hiện tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài trong trường hợp Tòa án thực hiện việc tống đạt thông qua các cơ quan này theo một trong các phương thức quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 474 của Bộ luật này.

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được văn bản của Tòa án, cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài phải thông báo cho Tòa án về kết quả thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Bộ Tư pháp nhận được văn bản của Tòa án, Bộ Tư pháp phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài trả lời về kết quả thực hiện ủy thác tư pháp.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài gửi về thì Bộ Tư pháp phải trả lời cho Tòa án.

Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chuyển văn bản của Tòa án cho cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài mà không nhận được văn bản trả lời thì Bộ Tư pháp phải thông báo cho Tòa án biết để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Như vậy, tổng hợp thời hạn ủy thác tư pháp do BLTTDS năm 2015 quy định tại các điều 476, 477 thì thời hạn chậm nhất là 16 tháng (12 tháng + 01 tháng + 03 tháng) kể từ ngày Tòa án ra văn bản thông báo thụ lý thì Tòa án phải mở phiên tòa giải quyết vụ kiện. Việc Tòa án nhân dân thành phố H để vụ án đến ngày 21/7/2017, vẫn tạm đình chỉ giải quyết là không đúng quy định của pháp luật.

Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công kiểm sát vụ án phải lập phiếu kiểm sát theo đúng Mẫu số 14/DS theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của VKSND tối cao. Trên cơ sở đó, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần:Thứ hai, về trách nhiệm của Kiểm sát viên được phân công kiểm sát các quyết định tạm đình chỉ.

Kiểm sát về thời hạn gửi quyết định tạm đình chỉ cho Viện kiểm sát: Xem xét Tòa án có gửi Quyết định cho Viện kiểm sát quá 03 ngày theo quy định của khoản 2 Điều 214 BLTTDS năm 2015.

Kiểm sát về hình thức quyết định: Xem xét quyết định được ban hành có đúng với Mẫu số 41-DS (tạm đình chỉ trước khi mở phiên tòa – thuộc thẩm quyền của Thẩm phán) hoặc Mẫu số 42 – DS (tạm đình chỉ tại phiên tòa – thẩm quyền của Hội đồng xét xử) theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Kiểm sát về nội dung của Quyết định: Xác định số, ngày thụ lý, đương sự có đúng với thông báo thụ lý vụ án đã nhận được trước đó hay không? Qua quan hệ tranh chấp, địa chỉ của các đương sự để xác định thẩm quyền giải quyết có đúng không (thẩm quyền về vụ việc, lãnh thổ, cấp). Xác định thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ là của Thẩm phán hay Hội đồng xét xử.

Kiểm sát về căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ: Xem xét lý do tạm đình chỉ có thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 hay không? Lý do tạm đình chỉ giải quyết phải được nêu cụ thể, rõ ràng, áp dụng điểm nào tại khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015. Nếu Tòa án tạm đình chỉ theo điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 thì phải vận dụng về thời hạn yêu cầu cung cấp chứng cứ hoặc thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 105, Điều 106 BLTTDS năm 2015. Nếu áp dụng điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” thì phải yêu cầu Tòa án nêu rõ lý do trường hợp khác cụ thể là trường hợp nào? Điều luật căn cứ, hoặc có chứng cứ, chứng minh lý do tạm đình chỉ là chính đáng hay không. Trường hợp Tòa án ghi lý do tạm đình chỉ chung chung, không cụ thể thì phải yêu cầu Tòa án nêu rõ lý do tạm đình chỉ trong quyết định nhằm tạo điều kiện cho đương sự thực hiện quyền kháng cáo, VKS thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị.

Đây là một trong những quyết định thuộc thẩm quyền kháng nghị của VKS. Khi nhận được quyết định tạm đình chỉ của Tòa án chuyển sang VKS, thì VKS yêu cầu Tòa án chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án để VKS nghiên cứu một cách toàn diện, đảm bảo lý do tạm đình chỉ của Tòa án là có căn cứ, đúng pháp luật, đồng thời; đảm bảo thực hiện chức năng kiểm sát của VKS, kịp thời kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Như vậy, trên cơ sở đã xác định được các vi phạm như: Vi phạm về thời hạn gửi quyết định tố tụng cho VKS; vi phạm về hình thức ban hành quyết định; vi phạm về nội dung quyết định hoặc các vi phạm khác, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải tập hợp các vi phạm của Tòa án vừa xác định được, ghi vào phiếu kiểm sát, báo cáo đề xuất lãnh đạo thực hiện việc kiến nghị hoặc đề xuất kháng nghị nếu thấy có đủ căn cứ.

Thứ ba, về công tác phối hợp với Tòa án và các cơ quan ban ngành.

Tăng cường công tác phối hợp với Tòa án trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình. Đặc biệt, Tòa án và VKS hàng tháng cần tiến hành rà soát số vụ án tạm đình chỉ giải quyết để theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục lý do tạm đình chỉ giải quyết và yêu cầu Thẩm phán nhanh chóng tiến hành tiếp tục giải quyết vụ án nếu lý do tạm đình chỉ vụ án dân sự, hôn nhân gia đình không còn. Qua rà soát, nếu thấy những vụ án đang tạm đình chỉ với lý do cần đợi kết quả trả lời của cơ quan chức năng có thẩm quyền mà thời hạn để quá lâu thì phối hợp với Tòa án mời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan họp bàn, thống nhất giải quyết những vướng mắc để có văn bản trả lời và cung cấp chứng cứ để Tòa án kịp thời đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không trả lời hoặc không cung cấp đầy đủ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án là vi phạm khoản 3 Điều 106 BLTTDS thì VKS ban hành kiến nghị để yêu cầu khắc phục vi phạm.

(Trích bài viết: Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự của tác giả Lê Thị Hồng Hạnh, VKSND Tp. Hà Nội. Tạp chí Kiểm sát số 09/2018).

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền