Chủ thể của tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự.
Theo điều 200 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy được quy định như sau:
“1. Người nào cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Vì động cơ đê hèn; d) Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên; đ) Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai; e) Đối với nhiều người; g) Đối với người đang cai nghiện; h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác; k) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc gây chết người; b) Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người; c) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi. 4. Phạm tội trong trường hợp gây chết nhiều người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân.5. Ngườiphạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng”.
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý quy, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý quy quy định tại khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự, vì khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng và theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý quy theo khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự.
Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý quy thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của Điều 200 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Cũng tương tự như tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” và tội “chứa chấp viẹc sử dụng trái phép chất ma tuý”, khách thể của tội tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là chế độ quản lý của Nhà nước về việc sử dụng chất ma tuý vào các mục đích chữa bệnh và vì vậy, quan hệ xã hội bị xâm phạm còn bao gồm cả tính mạng, sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là chế độ quản lý về việc sử dụng chất ma tuý.
Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người sử dụng ma tuý, nếu không có người sử dụng chất ma tuý thì không thể có người phạm tội tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, người sử dụng chất ma tuý lại không phải là người bị hại mà ngược lại trong một số trường hợp nếu thoả mãn các dấu hiệu của tội sử dụng trái phép chất ma tuý thì họ còn là người phạm tội.
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan.
Theo quy điều văn của điều luật thì người phạm tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý có thể thực hiện một trong hai hoặc cả hai hành vi: cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng những thủ đoạn làm cho người bị đe doạ sợ hãi phải miễn cưỡng sử dụng trái phép chất ma tuý.
Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là dùng lời lẽ hoặc thủ đoạn nhằm mua chuộc, rủ rê, dụ dỗ, xúi dục hoặc bằng các thủ đoạn khác khêu gợi sự ham muốn sử dụng ma tuý của người khác để họ tự nguyện sử dụng trái phép chất ma tuý.
Khi xác định hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý cần phân biệt với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý mà người phạm tội cũng có hành vi cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
Hành vi cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cũng bằng những thủ đoạn như dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng những thủ đoạn làm cho người bị đe doạ sợ hãi hoặc mua chuộc, rủ rê, dụ dỗ, xúi dục người khác để họ sử dụng ma tuý, chỉ khác nhau ở chỗ:
– Người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý ngoài hành vi cướng bức hoặc lôi kéo người sử dụng trái phép chất ma tuý còn có hành vi đưa chất ma tuý vào cơ thể của người sử dụng ma tuý hoặc tìm kiếm người sử dụng trái phép chất ma tuý cho người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý để người tổ chức đưa chất ma tuý vào cơ thể của người sử dụng trái phép chất ma tuý.
– Người phạm tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý chỉ có hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo, còn việc đưa chất ma tuý vào cơ thể của người bị cưỡng bức, bị lôi kéo là do tự người sử dụng ma tuý thực hiện. Ví dụ: Hoàng Văn Đ là con nghiện đã có nhiều tiền án, tiền sự về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và trộm cắp tài sản. Đ thường tụ tập với một số em làm nghề đánh giầy. Trong số những em đánh giầy, có Bùi Quốc H 15 tuổi là con của một gia đình buôn bán khá giả, nhưng vì bố mẹ ly hôn nên H bỏ đi nhà đi lang thang và nhập bọn với các em đánh giầy. Đ cho rằng nếu H nghiện ma tuý thì Đ cũng có tiền sử dụng ma tuý. Đ đã rủ H sử dụng ma tuý nhưng H sợ liền bị Đ hăm doạ: Nếu không nghe thì không cho nhập bọn tao và báo cho bố mẹ đến đưa về nhà. Vì sợ phải về nhà nên H đã miễn cưỡng sử dụng ma tuý.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hành vi đe doạ, khống chế, ép buộc, giữ tay chân để cho chất ma tuý vào miệng, mũi, tiêm chích ma tuý vào cơ thể… trái với ý muốn của nạn nhân cũng là hành vi cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma tuý.41 Nếu cho rằng, hành vi giữ chân tay để cho chất ma tuý vào miệng, vào mũi người bị giữ chân, giữ tay cũng là hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý thì không còn sự khác nhau giữa tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý với tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
b. Hậu quả
Hậu quả của hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là những thiệt hại cho xã hội, trong đó trực tiếp gây ra những thiệt hại về trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khoẻ của chính người sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, hậu quả của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ có xẩy ra đối với người sử dụng trái phép chất ma tuý thì những thiệt hại đó là yếu tố định khung hình phạt. Ví dụ: Nếu cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý mà gây chết người thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự, còn nếu gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm h khoản 2 Điều 200 Bộ luật hình sự.v.v…
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội của mình do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn thực hiện. Như vậy, đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chỉ có thể được thực hiện do cố ý trực tiếp. Không có trường hợp nào do cố ý gián tiếp.
Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, tức là người phạm tội mong muốn người khác sử dụng trái phép chất ma tuý với nhièu động cơ khác nhau. Nếu vì động cơ đê hèn thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 của điều luật. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh mục đích của người phạm tội. Nếu không chứng minh được mục đích của người phạm tội là mong muốn người mà mình cưỡng bức hoặc lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý thì không phải là phạm tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
Nguồn: Thạc sĩ Đinh Văn Quế
Để lại một phản hồi