Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, cần phải hiểu và vận dụng đúng đắn “người lao động chính” và “người lao động duy nhất” để xem xét giải quyết hoãn chấp hành hình phạt tù theo điểm c khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015.
Các nội dung liên quan:
- Một số bất cập, hạn chế trong quy định về Hoãn chấp hành hình phạt tù
- Hoãn chấp hành hình phạt tù tại Bộ luật hình sự 2015
Theo Từ điển Tiếng Việt: “Chính” là quan trọng hơn cả so với những cái khác cùng loại, còn “duy nhất” là chỉ có một mà thôi, không còn có cái khác. Theo đó “người lao động chính” được hiểu là “người lao động chủ yếu”, tạo nguồn thu nhập chính trong gia đình, bên cạnh đó cũng còn có người khác lao động nữa đóng góp vào khối thu nhập của gia đình. Còn “người lao động duy nhất” là chỉ có người này đem lại nguồn thu nhập, không có người lao động nào khác đóng góp vào thu nhập chung của gia đình.
Điểm c khoản 1 Điều 61 Bộ luật Hình sự năm 1999 (điểm c khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015) quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù: Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến một năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Theo quy định trên thì có những điều kiện ràng buộc như sau:
– Không được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
– Không được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
– Không được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người là lao động chính trong gia đình (vì điều luật không quy định trường hợp này).
– Chỉ cho hoãn chấp hình phạt tù đối với người là lao động duy nhất trong gia đình, trong trường hợp người đó nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt. Nghĩa là không phải trường hợp nào là lao động duy nhất trong gia đình cũng được hoãn chấp hành hình phạt tù, chỉ giải quyết hoãn chấp hành hình phạt tù trong trường hợp người đó nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, còn trường hợp khó khăn, rất khó khăn thì không giải quyết.
Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn: “… khó khăn đặc biệt trong cuộc sống (như không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm nom, nuôi dưỡng… những người thân thích của họ trong gia đình mà không có khả năng lao động”. Công văn số 330/TANDTC-V1 ngày 01/11/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, tại điểm 1.3.g có quy định: “Người bị kết án có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là người lao động duy nhất trong gia đình: Là trường hợp người bị kết án có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình”.
– Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù: Được hoãn đến một năm. Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tại điểm c khoàn 3 Điều 7 có quy định cụ thể hơn:“Người bị xử phạt tù là người lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ được hoãn một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được hoãn tối đa là một năm”.
Tuy nhiên trên thực tế, có trường hợp vẫn xét hoãn chấp hành hình phạt tù 1 năm đối với “lao động chính của gia đình”.
Nói chung, tâm lý tội phạm luôn né tránh sự trừng phạt của pháp luật, tìm mọi cách để không phải chấp hành hình phạt. Vì thế, các cơ quan có trách nhiệm nên phân biệt cho rõ “người lao động chính” và “người lao động duy nhất” trong trường hợp này.
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát (kiemsat.vn)
Để lại một phản hồi