Cải cách để bảo đảm tính độc lập của thẩm phán, hội thẩm nhân dân

tham-phan-tai-phien -toa
Thẩm phán tòa án Đắk Nông (Ảnh: Tạp chí tòa án)

Mức độ của sự cải cách tỷ lệ thuận với mức độ bảo đảm tính độc lập của thẩm phán, hội thẩm trong hoạt động xét xử nói riêng, sự độc lập và hiệu quả hoạt động của hệ thống tòa án nói chung.

Các nội dung liên quan:

Cải cách để bảo đảm tính độc lập của thẩm phán, hội thẩm nhân dân

1. Tính độc lập của thẩm phán theo luật quốc tế

Một trong các đặc trưng cơ bản, đồng thời cũng là một điều kiện tiên quyết của nhà nước pháp quyền là “tư pháp độc lập” (hay còn gọi là “độc lập tư pháp” – Judicial Independence/Independence of Judiciary). Nếu không có tư pháp độc lập thì không thể nói đến nhà nước pháp quyền[1]. Nguyên tắc 1 của Các nguyên tắc Bangalore về hành xử tư pháp nêu rõ: “Độc lập tư pháp là điều kiện tiên quyết của nguyên tắc pháp quyền và là một sự đảm bảo cơ bản của nguyên tắc xét xử công bằng”[2]. Chỉ khi có độc lập thì tư pháp mới thực hiện được chức năng quan trọng là bảo vệ pháp luật, duy trì công lý, bảo đảm công bằng, các quyền và lợi ích hợp pháp của con người.

Tầm quan trọng của tư pháp độc lập từ lâu đã được ghi nhận trong luật quốc tế. Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 đã khẳng định quyết tâm của các quốc gia trong việc xây dựng các điều kiện để công lý có thể được duy trì – tức hàm ý về tính độc lập của tòa án. Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế năm 1948 (UDHR) ghi nhận, mọi người đều có “quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập và khách quan” (Điều 10). Công ước về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) không những ghi nhận mọi người có “quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật” (khoản 1 Điều 14), mà còn ghi nhận “quyền được xét xử ngay mà không bị trì hoãn vô lý” (khoản 3 Điều 14)[3].

Nội hàm của tư pháp độc lập bao gồm nhiều yếu tố như: thiết chế độc lập, thẩm phán độc lập, ra phán quyết độc lập, hành chính và ngân sách độc lập… Những yếu tố này có mối quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau. Sự thiếu vắng của một yếu tố sẽ có ảnh hưởng đến các yếu tố còn lại, cũng như đến tính độc lập của tư pháp nói chung. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung đề cập đến tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân (HTND) trong hoạt động xét xử.

Trong luật nhân quyền quốc tế, tư pháp độc lập là một nguyên tắc quan trọng nhằm để bảo vệ các quyền con người, được ghi nhận trong nhiều văn kiện[4], nhưng tập trung nhất là trong “Những nguyên tắc cơ bản về độc lập tư pháp” (Basic Principles on the Independence of the Judiciary)[5]. Văn kiện này xác định những yếu tố nhằm đảm bảo tính độc lập của toà án và thẩm phán như sau[6]:

Thứ nhất, tính độc lập của tòa án nói chung, của thẩm phán trong hoạt động xét xử nói riêng phải được nhà nước bảo đảm và được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp hay pháp luật quốc gia, và đòi hỏi phải được các nhà nước tôn trọng, phổ biến đến các thẩm phán, luật sư, nhân viên hành pháp, lập pháp và công chúng nói chung.

Thứ hai,thẩm phán cũng là công dân, cho nên cũng phải có các quyền công dân như những người khác, chẳng hạn như quyền được tự do biểu đạt, tín ngưỡng, kết giao, hội họp; quyền được tự do thành lập và tham gia hiệp hội của thẩm phán hay các tổ chức khác đại diện cho quyền lợi của mình để xúc tiến việc đào tạo chuyên môn và để bảo vệ quyền độc lập trong hoạt động nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong khi thực hiện các quyền của mình, thẩm phán phải luôn hành động phù hợp với phẩm giá của công chức cũng như sự vô tư và tính độc lập của tòa án[7].

Thứ ba, những người được chọn làm thẩm phán phải là các cá nhân liêm khiết, có khả năng, được đào tạo thích hợp và có chuyên môn về luật pháp. Các tiêu chuẩn sử dụng để lựa chọn và bổ nhiệm thẩm phán phải chính đáng, không mang tính chất phân biệt đối xử về bất kỳ yếu tố nào (chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị và các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, thành phần xuất thân), trừ một tiêu chuẩn thẩm phán phải là công dân của nước đó.

Thứ tư, thẩm phán, dù được bổ nhiệm hay bầu ra đều phải được bảo đảm thời gian làm việc cho đến tuổi về hưu hay hết nhiệm kỳ theo quy định; phải có các điều kiện bảo đảm độc lập, an ninh, được trả thù lao thích đáng và được hưởng các chế độ bảo hiểm và trợ cấp nghề nghiệp. Việc đề bạt thẩm phán phải dựa vào những yếu tố khách quan, đặc biệt là năng lực, tính liêm khiết và kinh nghiệm. Việc phân công thẩm phán xét xử các vụ việc là vấn đề nội bộ quản lý điều hành xét xử của tòa án.

Thứ năm, bí mật nghề nghiệp liên quan đến quan điểm và những thông tin mật mà thẩm phán thu thập trong quá trình thực thi nhiệm vụ mà không thuộc quá trình xét xử công khai phải được tòa án đảm bảo, và thẩm phán không bị bắt buộc phải làm chứng về những vấn đề đó. Thẩm phán được hưởng quyền miễn trừ những kiện tụng dân sự vì những thiệt hại gây ra do những sai sót trong khi thực hiện chức năng xét xử, nhưng quyền miễn trừ này không bao gồm các hình thức kỷ luật.

Thứ sáu, bất cứ cáo buộc hay khiếu nại nào về hoạt động chuyên môn của thẩm phán đều phải được xử lý nhanh chóng và công minh theo một thủ tục thích hợp. Thẩm phán có thể bị kỷ luật, đình chỉ hay cách chức do thiếu năng lực hoặc có những hành vi không phù hợp với vị thế của họ. Tuy nhiên, những thủ tục kỷ luật, đình chỉ hay cách chức phải được quyết định theo các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đã được quy định và phải được xem xét lại một cách độc lập.

Ngoài những quy định về tính độc lập của thẩm phán nêu trên, luật quốc tế còn có các quy định về vai trò của luật sư và công tố viên[8]. Tuy nhiên, chưa có quy định về sự độc lập của hội thẩm. Cho nên, ở phần tiếp theo, chúng tôi sẽ so sánh, phân tích quy định về tính độc lập của thẩm phán ở Việt Nam, tuy có đề cập đến một mức độ nhất định những quy định về tính độc lập của HTND.

2. Tính độc lập của thẩm phán, hội thẩm nhân dân ở nước ta hiện nay

Đối chiếu với các quy định nêu trên của luật quốc tế, có thể thấy thực trạng về tính độc lập của thẩm phán, HTND ở nước ta hiện nay như sau:

Thứ nhất, tính độc lập khi xét xử của thẩm phán và HTND từ lâu đã là một nguyên tắc hiến định[9]. Hiến pháp năm 2013 (tại khoản 2 Điều 103) quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. So sánh với quy định liên quan trong Hiến pháp năm 1992, có thể thấy Hiến pháp năm 2013 đề cập rõ ràng và mạnh mẽ hơn đến tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm (thể hiện qua việc bổ sung cụm từ “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”). Bổ sung này nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như thái độ dứt khoát của Nhà nước đối với việc can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án, là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập trên thực tế[10].

Quy định kể trên cũng mở rộng nội hàm về tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm khi sửa từ “khi xét xử” (trong Hiến pháp năm 1992) sang“việc xét xử”. Sự sửa đổi này hàm ý sự độc lập của thẩm phán và hội thẩm không chỉ được bảo đảm trong phiên tòa, mà trong suốt quá trình thụ lý vụ án. Dù vậy, các luật chuyên ngành sẽ cần cụ thể hóa các biện pháp đảm bảo thực hiện tính độc lập của thẩm phán và HTND trong việc xét xử, trong đó cần nhắc đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến họ bên ngoài quá trình xét xử[11], vì những yếu tố này có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí mang tính quyết định đến Tính độc lập của họ trong quá trình xét xử[12].

Bên cạnh đó, việc lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 khẳng định tòa án “thực hiện quyền tư pháp” (khoản 1 Điều 102) và có nhiệm vụ đầu tiên là “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” rồi mới đến nhiệm vụ “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước” (khoản 3 Điều 102) cũng có ý nghĩa tăng cường tính độc lập của tòa án và thẩm phán, bởi những quy định này đã khu biệt và nhấn mạnh vị trí, vai trò của tòa án là chủ thể duy nhất của quyền xét xử, được thực hiện quyền đó mà không phải chịu sự can thiệp của bất kỳ chủ thể nào khác trong xã hội – điều mà trước đây chưa được nhận thức và quy định rõ ràng ở nước ta.

Quy định trên của Hiến pháp năm 2013 đã được cụ thể hóa vào tại Điều 9 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014. Ngoài ra, tính độc lập của thẩm phán và HTND còn được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác[13]. Tuy nhiên, hiện tại, nhìn chung những quy định về vấn đề này mới nằm ở mức độ lý thuyết, việc thực hiện trên thực tế còn nhiều hạn chế. Hiện tượng can thiệp vào hoạt động xét xử của tòa án và của thẩm phán còn diễn ra ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức, khiến cho các tòa án và thẩm phán trong nhiều trường hợp không thể quyết định vụ việc một cách khách quan, vô tư, chỉ tuân theo pháp luật.

Thứ hai, hiện nay ở nước ta chưa có một hiệp hội nghề nghiệp riêng dành cho các thẩm phán, hội thẩm và các chức danh tư pháp khác. Mặc dù những người này đều có thể tham gia Hội Luật gia Việt Nam, nhưng tổ chức này bao trùm tất cả những người có chuyên môn và làm việc trong lĩnh vực pháp luật, không phải và thực tế chưa từng là thiết chế để đào tạo chuyên môn cũng như để bảo vệ quyền độc lập xét xử của thẩm phán theo như hướng dẫn của luật quốc tế.

Ngoài ra, ở nước ta cũng chưa có bộ “quy tắc về đạo đức nghề nghiệp” dành riêng cho thẩm phán, hội thẩm để làm cơ sở kiểm soát hành vi, chuẩn mực và lối sống, cũng như thái độ và sự cần mẫn của họ trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Với thẩm phán, mặc dù TAND tối cao đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành tòa án năm 2008 song đối tượng áp dụng và nội dung của nó quá rộng, chưa phải là bộ quy tắc đạo đức của thẩm phán.

Thứ ba, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của thẩm phán cũng có mối liên hệ chặt chẽ với tính độc lập của họ. Một thẩm phán yếu về chuyên môn và tư cách đạo đức thường không giữ được tính độc lập trong hoạt động nghề nghiệp, do đó, việc tuyển chọn thẩm phán cần nhấn mạnh các yếu tố này. Mặc dù vậy, khoản 1 Điều 67 Luật Tổ chức TAND năm 2014 vẫn đặt yêu cầu thẩm phán phải có “bản lĩnh chính trị vững vàng” trước yếu tố “có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực, có hiểu biết xã hội phong phú” và các yếu tố về trình độ chuyên môn (nêu ở các khoản 2,3,4,6 Điều này). Việc đề cao tiêu chuẩn chính trị, tư tưởng hơn so với tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng có thẩm phán được bổ nhiệm cho dù yếu kém về năng lực và phẩm chất, tư cách.

Việc tuyển chọn thẩm phán cũng tồn tại những vấn đề bất hợp lý, bằng chứng là số lượng sinh viên luật tốt nghiệp trong những năm gần đây rất nhiều song ngành tòa án hiện vẫn kêu thiếu thẩm phán. Hơn nữa, ở một số địa phương có người chỉ có trình độ đại học chuyên ngành luật hệ tại chức mà vẫn được bổ nhiệm thẩm phán, trong khi có hàng ngàn cử nhân luật chính quy tốt nghiệp loại khá, giỏi vẫn thất nghiệp[14].

Bên cạnh đó, việc tuyển chọn thẩm phán hiện nay vẫn có sự tham gia của nhiều chủ thể ngoài ngành. Cụ thể, khoản 1 Điều 66 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia bao gồm cả Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Về nguyên tắc, quá trình tuyển chọn càng có sự tham gia của nhiều chủ thể, đặc biệt là các chủ thể ngoài ngành, sẽ càng làm tăng áp lực lên các thẩm phán, khiến họ bị phụ thuộc và khó giữ được tính độc lập trong hoạt động nghề nghiệp[15].

Tương tự như thẩm phán, đối với hội thẩm, các quy định về tiêu chuẩn cũng nhấn mạnh yếu tố “bản lĩnh chính trị vững vàng” trước yêu cầu “có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực”[16]. Các tiêu chuẩn về chuyên môn vẫn chỉ được quy định một cách chung chung, bao gồm “có kiến thức pháp luật” và “có hiểu biết xã hội”[17]. Việc lựa chọn, giới thiệu hội thẩm được giao phó hoàn toàn cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, còn việc bầu hội thẩm được thực hiện bởi Hội đồng nhân dân các cấp; vai trò của tòa án trong những vấn đề quan trọng này rất mờ nhạt, chỉ là “đề xuất nhu cầu về số lượng, cơ cấu thành phần hội thẩm”[18] cho hai chủ thể đã nêu. Những điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến thực tế là trình độ của đội ngũ HTND hiện không đồng đều, chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ[19].

Thứ tư, về các điều kiện đãi ngộ và nhiệm kỳ, theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, nhiệm kỳ của Chánh án, Phó Chánh án các tòa và HTND là 5 năm. Riêng với thẩm phán, nhiệm kỳ đầu là 5 năm, và nếu được bổ nhiệm lại, nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm[20]. Đây là một bước tiến bộ so với những quy định trước đó (nhiệm kỳ của chánh án, thẩm phán và hội thẩm đều là 5 năm). Tuy nhiên, với quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm như hiện nay thì việc quy định nhiệm kỳ, cho dù dài hơn, vẫn có thể làm ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm.

Liên quan đến chế độ đãi ngộ, các thẩm phán hiện nay mặc dù có mức lương cao hơn so với mức lương chung của các ngành khác, song vẫn thấp so với nhu cầu bảo đảm đời sống và tích lũy cho họ và gia đình. Đối với hội thẩm, các chế độ hiện nay đối với họ rất thấp, chỉ được nhận tiền bồi dưỡng phiên tòa (90.000 đồng/ngày), không có lương, phụ cấp công vụ hay phụ cấp trách nhiệm giống như thẩm phán[21]. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, sự đãi ngộ hạn chế cũng có ảnh hưởng lớn đến tính độc lập và liêm chính của những người làm việc trong tòa án.

Việc phân công thẩm phán xét xử các vụ việc ở nước ta về nguyên tắc là vấn đề quản lý nội bộ của các tòa án, nhưng trên thực tế, nguyên tắc này không phải lúc nào cũng được tôn trọng. Hoạt động của các tòa án có một số quy tắc cả thành văn và bất thành văn như báo cáo án, thỉnh thị án, duyệt án… mà vẫn được áp dụng. Mặc dù thường được biện hộ như là sự “tham khảo” về chuyên môn, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Những quy tắc này rõ ràng mâu thuẫn với những nguyên tắc và yêu cầu về tính độc lập của tòa án nói chung và thẩm phán nói riêng, vì chúng tạo điều kiện cho các tòa án cấp trên can thiệp vào công việc xét xử của tòa án cấp dưới; cũng như cho lãnh đạo các tòa án can thiệp vào quyền quyết định độc lập của các thẩm phán.

Thứ năm, pháp luật hiện nay chưa có các quy định cụ thể về bí mật nghề nghiệp và quyền miễn trừ của thẩm phán. Ở nhiều quốc gia, vấn đề miễn trừ trách nhiệm đối với thẩm phán được quy định ngay trong Hiến pháp[22]. Đó là bởi sự thiếu vắng quy định này có thể gây rủi ro cho các thẩm phán trong hoạt động nghề nghiệp và vì vậy, ảnh hưởng đến việc xét xử độc lập của họ.

Thứ sáu, cơ chế kỷ luật thẩm phán còn thiếu hợp lý. Hiện nay, có hai cơ chế kỷ luật cùng được áp dụng đối với thẩm phán, đó là chế độ kỷ luật nghề nghiệp và chế độ kỷ luật công chức[23]. Chế độ kỷ luật nghề nghiệp được áp dụng khi một thẩm phán không còn xứng đáng với chức danh của mình thì sẽ bị tước chức vụ (cách chức) bởi người có thẩm quyền bổ nhiệm họ. Tuy nhiên, những căn cứ để áp dụng hình thức kỷ luật này chưa cụ thể, chủ yếu dựa vào sự xem xét của những người tham gia vào quy trình ra quyết định kỷ luật[24]. Còn chế độ kỷ luật công chức, các quy định của pháp luật hiện nay chỉ áp dụng đối với các công chức hành chính, chưa có quy định cụ thể áp dụng cho thẩm phán[25]. Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng không quy định đầy đủ về quy trình, thủ tục để thẩm phán có thể khiếu nại quyết định kỷ luật đối với mình.

3. Cải cách để bảo đảm tính độc lập của thẩm phán, hội thẩm nhân dân

Từ những phân tích trên, để đảm bảo hoạt động xét xử của thẩm phán, hội thẩm ở nước ta được thực sự độc lập, chúng ta nên xem xét các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, không nên chỉ giới hạn những đảm bảo cho tính độc lập của thẩm phán, hội thẩm trong việc xét xử, mà cần mở rộng những bảo đảm đó đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến họ bên ngoài quá trình xét xử, tức là cần lồng ghép vấn đề độc lập của thẩm phán vào toàn bộ cơ chế chính sách có liên quan đến thẩm phán[26]. Ví dụ, để bảo đảm cho tính độc lập của thẩm phán, tổ chức và hoạt động của tòa án cần tách ra khỏi tổ chức và hoạt động của các đơn vị hành chính. Tính độc lập của thẩm phán, HTND không những cần được đảm bảo trong hoạt động xét xử, mà cả trong những vấn đề khác liên quan đến cuộc sống của họ, có như vậy mới giúp họ chống lại được sự tác động tùy tiện của các chủ thể khác nắm giữ quyền lực. Theo nghĩa đó, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án và của thẩm phán, hội thẩm ở nước ta.

Thứ hai, cần sớm xây dựng bộ “quy tắc về đạo đức nghề nghiệp” cho thẩm phán để không những bảo đảm uy tín cho họ trong hoạt động nghề nghiệp mà còn cho phép thẩm phán được quyền xét xử theo lương tâm mà không trái pháp luật. Đó là bởi pháp luật thì cứng nhắc và chỉ mang tính chất định khung, nên sự đúng, sai, công bằng nhiều khi phải dựa vào lương tâm của người thẩm phán, nhưng lương tâm phải được ràng buộc bởi trách nhiệm, thể hiện ở các quy tắc đạo đức nghề nghiệp của thẩm phán. Tính trách nhiệm của thẩm phán ở đây chính là cơ chế giải trình trong hệ thống tư pháp. Các thẩm phán phải giải trình được cơ sở ra phán quyết của mình, mà trước hết và quan trọng nhất đó là nhận định về tình tiết của vụ việc và về cơ sở áp dụng pháp luật, qua đó khắc phục được tình trạng ra phán quyết tùy tiện, thiếu cơ sở[27].

Thứ ba, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi những quy định về tuyển chọn, bổ nhiệm và miễn nhiệm thẩm phán để loại bỏ những yếu tố không hoặc ít liên quan đến năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; bảo đảm không có sự phân biệt đối xử về bất cứ yếu tố gì bất hợp lý trong quá trình này, từ đó chọn ra được những thẩm phán có năng lực và đạo đức tốt; cũng như khuyến khích những người có năng lực và đạo đức tốt cống hiến cho hệ thống tòa án. Một quy trình bổ nhiệm thẩm phán phù hợp cần đảm bảo 03 yếu tố cơ bản[28]: (i) thành phần Hội đồng tuyển chọn thẩm phán cần đảm bảo phản ánh được ý kiến của giới thẩm phán, đồng thời các cơ quan đại diện và các tổ chức nghề nghiệp phải có khả năng giám sát và có tiếng nói trong việc tuyển chọn; (ii) quy trình tái bổ nhiệm thẩm phán cần được thay thế bởi quy trình bỏ phiếu tín nhiệm; (iii) các yếu tố để quyết định không bổ nhiệm lại cần phải được quy định rõ ràng trong pháp luật. Nếu xét kỹ, Luật Tổ chức TAND năm 2014 vẫn chưa đảm bảo được toàn bộ những yếu tố này.

Thứ tư, nhiệm kỳ của thẩm phán cần vững chắc và lâu dài hơn, vì nếu chỉ được bổ nhiệm trong một nhiệm kỳ ngắn thì dù quy trình thế nào cũng gây khó khăn cho các thẩm phán trong việc giữ gìn tính độc lập và cương quyết trong hoạt động nghề nghiệp[29]. Ngoài ra, nhiệm kỳ suốt đời hoặc nhiệm kỳ dài còn có tác dụng tăng cường chuyên môn nghiệp vụ của các thẩm phán, do làm cho họ yên tâm công tác[30]. Mặc dù Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã nâng nhiệm kỳ của thẩm phán lên 10 năm từ lần bổ nhiệm thứ hai, song vẫn cần nghiên cứu quy định nhiệm kỳ dài hơn và ngay từ lần bổ nhiệm đầu tiên. Cần thấy rằng nhiệm kỳ dài hoặc suốt đời có nhiều thuận lợi như đã nêu nhưng không ảnh hưởng đến việc quản lý (kỷ luật, miễn nhiệm, cách chức) thẩm phán.

Ngoài điều kiện về nhiệm kỳ, để góp phần duy trì tính độc lập của thẩm phán, cần nghiên cứu tăng cường chế độ đãi ngộ đối với họ. Như đã đề cập ở trên, mức lương của các thẩm phán hiện nay còn khá xa mức thu nhập cần thiết để chăm sóc chu đáo gia đình, khiến cho thẩm phán khó giữ được liêm chính trước những cám dỗ trong hoạt động nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, cần rà soát và sửa đổi quy chế hoạt động của các tòa án nhằm giảm thiểu khả năng thẩm phán phụ thuộc vào lãnh đạo của các tòa án trong công việc chuyên môn, trong đó bao gồm việc loại bỏ các quy tắc “bất thành văn” như báo cáo án, thỉnh thị án, duyệt án,…[31].

Thứ năm, cần ban hành các quy định của pháp luật cụ thể về việc giữ bí mật nghề nghiệp và quyền miễn trừ của thẩm phán nhằm bảo vệ họ khi gặp những rủi ro nghề nghiệp, qua đó gián tiếp tránh cho họ không bị phụ thuộc vào các chủ thể khác. Điều này không chỉ được hiểu rằng đó là một đặc quyền của thẩm phán, mà hơn nữa, nó là phương tiện để bảo vệ các lợi ích công trong hoạt động xét xử[32].

Thứ sáu, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế độc lập về xử lý kỷ luật thẩm phán, do các thẩm phán khác thực hiện một cách công khai, dân chủ, bao gồm quyền khiếu nại của người bị xử lý nhằm bảo đảm tính công bằng, chính xác trong hoạt động này, đồng thời loại trừ khả năng các chủ thể khác lợi dụng để chi phối hoặc gây áp lực đến thẩm phán.

Hiện nay, Luật Tổ chức TAND năm 2014 vẫn chỉ quy định một hình thức kỷ luật là cách chức (Điều 82), được thực hiện bởi Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia (Điều 71). Tuy nhiên, thủ tục áp dụng chưa thực sự mang tính dân chủ và khách quan để đảm bảo thẩm phán có tiếng nói của mình trong quy trình này, khi việc cách chức được xem xét theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao (khoản 1 Điều 83). Ngoài ra, các trường hợp có thể bị cách chức còn chưa rõ ràng (khoản 2 Điều 82) và chưa có các quy định về thủ tục khiếu nại của thẩm phán đối với quyết định cách chức. Bên cạnh đó, không có các hình thức kỷ luật nào khác ngoài cách chức (như cảnh cáo và khiển trách).

*

Độc lập tư pháp, mà cốt lõi của nó là độc lập của thẩm phán, là một yếu tố nền tảng của nhà nước pháp quyền, được nhấn mạnh trong luật quốc tế. Ở Việt Nam, mặc dù Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã xác lập những nguyên tắc nền tảng, nhưng để đảm bảo tính độc lập thực sự của thẩm phán, HTND trong hoạt động xét xử, vẫn cần có thêm những sửa đổi pháp luật về nhiều vấn đề, từ mối quan hệ của hệ thống tòa án với các thành tố khác của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước, đến nhiệm kỳ, chế độ đãi ngộ, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán và bầu hội thẩm… Trong bối cảnh hiện nay, những cải cách sâu rộng như vậy là không dễ dàng nhưng thực sự cần thiết ở nước ta. Mức độ của sự cải cách tỷ lệ thuận với mức độ bảo đảm tính độc lập của thẩm phán, hội thẩm trong hoạt động xét xử nói riêng, sự độc lập và hiệu quả hoạt động của hệ thống tòa án nói chung./.


* PGS, TS. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

**ThS. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1] Xem: Nguyễn Đăng Dung, Tòa án Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2012, tr. 117.
[2] Các nguyên tắc Bangalore về hành xử tư pháp (Bangalore Princilpes of Judicial Conduct) là một bộ quy tắc đạo đức tư pháp được dự thảo tại Bangalore năm 2001 bởi Nhóm Tư pháp về Tăng cường liêm chính tư pháp, sau đó được sửa đổi và thông qua tại Hội nghị bàn tròn của các Chánh án tổ chức tại cung điện Hòa bình, La Hay, Hà Lan, ngày 25-26/11/2002.
[3] Bình luận chung số 32 của Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee – HRC) cũng giải thích khá chi tiết các khía cạnh nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án và được xét xử công bằng được ghi nhận trong Điều 14 ICCPR.
[4] Như Hiến chương Liên hợp quốc, UDHR, ICCPR và một số văn kiện khác.
[5] Văn kiện này được thông qua tại Hội nghị lần thứ bảy của Liên hợp quốc về Phòng chống tội phạm và đối xử với người phạm tội tại Milan (Ý) ngày 26/8-6/9/1985, sau đó được thừa nhận trong hai Nghị quyết số 40/32 ngày 29/11/1985 và số 40/146 ngày 13/12/1985 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Xem bản gốc tiếng Anh tại http://www.ohchr.org/EN/ProfessionalInterest/Pages/IndependenceJudiciary.aspx.
[6] Xem: Khoa Luật – ĐHQGHN, Giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb. Lao động – Xã hội, Hà Nội, 2011, tr. 821-824.
[7] Ở đây, có thể thấy yêu cầu của luật nhân quyền quốc tế đối với thẩm phán có sự khác biệt so với một số chức danh khác trong bộ máy nhà nước. Chẳng hạn như đối với lực lượng cảnh sát, an ninh, phòng cháy chữa cháy, hay quân đội, theo luật nhân quyền quốc tế, các nhà nước có thể hạn chế hoặc không thừa nhận quyền tự do hiệp hội, biểu tình, bãi công của họ nhằm bảo đảm sự ổn định và lợi ích chung của toàn xã hội.
[8] Xem: Những nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư (Basic Principles on the Role of Lawyers, 1990) tại http://www.ohchr.org/EN/ProfessionalInterest/Pages/RoleOfLawyers.aspx; và Những hướng dẫn về vai trò của công tố viên (Guidelines on the Role of Prosecutors, 1990),
tại http://www.ohchr.org/EN/ProfessionalInterest/Pages/RoleOfProsecutors.aspx.
[9] Trước Hiến pháp năm 2013, các bản Hiến pháp khác của Việt Nam đều đã có những quy định về tính độc lập của tòa án nói chung, của thẩm phán nói riêng, cụ thể: Điều 69 Hiến pháp năm 1946; Điều 100 Hiến pháp năm 1959; Điều 131 Hiến pháp năm 1980; và Điều 130 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001).
[10] Xem: Trần Văn Độ, “TAND trong Hiến pháp năm 2013”, trong Bình luận khoa học Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, Viện Chính sách công và Pháp luật, Nxb. Lao động – Xã hội, Hà Nội, 2014, tr. 502.
[11] Cụm từ “việc xét xử” ở đây, theo chúng tôi, vẫn chỉ được hiểu là “trong quá trình” hoặc “trong hoạt động xét xử”, nó không bao hàm những yếu tố bên ngoài hoạt động xét xử, như quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, nhiệm kỳ, chế độ đãi ngộ, hay bí mật đời tư,… trong khi những yếu tố này có ảnh hưởng rất lớn đến tính độc lập của thẩm phán, hội thẩm.
[12] Xem: Nguyễn Đăng Dung (2012), tlđd, tr. 238-239.
[13] Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; Điều 12 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004; Điều 14 Luật Tố tụng hành chính năm 2010.
[14] Xem: Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Tư pháp độc lập: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, trong Hiến pháp: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội – Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2011, tr. 207.
[15] Xem: Báo cáo số 78/BC-TA Tổng kết thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002, Pháp lệnh Tổ chức Tòa án Quân sự năm 2002 ngày 19/12/2013 của UBTVQH.
[16] Khoản 1 Điều 85 Luật Tổ chức TAND năm 2014.
[17] Khoản 2,3 Điều 85 Luật Tổ chức TAND năm 2014.
[18] Khoản 1 Điều 81 Luật Tổ chức TAND năm 2014.
[19] Xem: Báo cáo số 78/BC-TA, tlđd.
[20] Điều 74 Luật Tổ chức TAND năm 2014.

[21] Xem: Báo cáo số 78/BC-TA, tlđd.

[22] Như: Hiến pháp Mỹ; Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức (Điều 98); Hiến pháp Liên bang Nga (Điều 16, 122); Hiến pháp Nhật Bản (Điều 78); Hiến pháp Cộng hòa Nam Phi (Điều 177); Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan (Điều 181).

[23] Xem: Nguyễn Đăng Dung (2012), tlđd, tr. 267-269.

[24] Điều 82 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định thẩm phán có thể bị cách chức nếu “vi phạm phẩm chất đạo đức; quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp”, hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, thực tế lại chưa có bộ quy tắc đạo đức hay quy tắc ứng xử nghề nghiệp cho thẩm phán. Cho nên, không có các căn cứ cụ thể để áp dụng hình thức kỷ luật nghề nghiệp với thẩm phán.
[25] Thực tế hiện nay, Chánh án TAND tối cao là người quyết định áp dụng kỷ luật đối với Thẩm phán TAND tối cao; còn Chánh án TAND tỉnh áp dụng hình thức kỷ luật đối với Thẩm phán của tòa án của mình và Tòa án cấp huyện. Quá trình ra quyết định kỷ luật thì vai trò của Chánh án hầu như là quyết định toàn bộ.
[26] Theo khuyến nghị của Liên hợp quốc, để đảm bảo tính độc lập của thẩm phán, Hiến pháp cần quy định thêm các yếu tố như: bảo đảm nhiệm kỳ của thẩm phán, phương thức bổ nhiệm thẩm phán, bảo đảm tài chính của tòa án và thu nhập của thẩm phán, quy định về những quyền và nghĩa vụ bảo đảm quá trình xét xử công bằng và đưa ra quyết định hợp lý.
[27] Xem: Nguyễn Đăng Dung (2012), tlđd, tr. 113.
[28] Xem: Nguyễn Đăng Dung (2012), tlđd, tr. 263.
[29] Xem: Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao (2011), tlđd, tr. 212.
[30] Quy định mới về nhiệm kỳ của thẩm phán trong Luật Tổ chức TAND năm 2014 (Điều 74) cũng có thể coi là một bước tiến bộ, nhưng nó cũng cần gắn với một quy trình bổ nhiệm khách quan, khoa học cùng với các tiêu chuẩn bổ nhiệm hợp lý.
[31] Xem: Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao (2011), tlđd, tr.212-213.

[32] Luật Tổ chức TAND năm 2014 không những không có quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán, mà còn quy định trách nhiệm bồi hoàn của thẩm phán trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (khoản 6 Điều 76). Quy định này chắc chắn có ảnh hưởng không tốt đến tính độc lập và quyết đoán của thẩm phán trong việc ra phán quyết, vì các thẩm phán sẽ có tâm lý “dè chừng” và “dựa dẫm” vào tập thể hay lãnh đạo tòa án để tránh hoặc giảm thiểu hậu quả của những rủi ro nghề nghiệp.

Nguồn: Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

5/5 - (26755 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền