Các căn cứ cho hưởng án treo theo quy định của BLHS 2015

Chuyên mụcLưu trữ Án treo

Tính chất pháp lý của án treo

Từ “treo” thông thường được hiểu là hoãn. Trong thực tế, chúng ta bắt gặp từ “treo” kết hợp với một số hoạt động khác ý muốn nói hoạt động đó bị hoãn lại. Ví dụ, “quy hoạch treo” ý muốn nói một dự án quy hoạch được duyệt trên giấy tờ nhưng trên thực tế nó chưa được triển khai; “treo bằng” nghĩa là một người sau khi đã hết thời gian học mà chưa hoàn thành hết các môn học quy định nên chưa được phát bằng. Án treo được hiểu theo một nghĩa gần giống như vậy.

Án treo là một chế định ra đời rất sớm, xuất hiện cùng với sự ra đời và phát triển của Luật hình sự Việt Nam. Nhưng tính chất pháp lý của án treo được hiểu khác nhau trong từng giai đoạn. Tại Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/12/1946, án treo được xác định là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.

Nhưng Thông tư số 19 của Toà án nhân dân Tối cao ngày 02/10/1974 lại giải thích: án treo phải được xem là một hình thức xử nhẹ hơn tù giam – tức án treo là một loại hình phạt. Ngày nay, theo giải thích của Toà án nhân dân Tối cao tại Nghị quyết số 02-HĐTP ngày 05/01/1986 thì án treo lại được coi là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Về mặt pháp lý, cách hiểu này được chấp nhận hiện nay.

Án treo là một chế định của Luật hình sự thể hiện tính nhân đạo, có tác dụng khuyến khích người bị kết án với sự giúp đỡ tích cực của xã hội, tự lao động và cải tạo trở thành người lương thiện, đồng thời cảnh cáo họ nếu trong thời gian thử thách mà phạm tội mới, thì buộc phải chấp hành hình phạt tù đã được hưởng án treo của bản án trước.

Các căn cứ cho hưởng án treo theo quy định của Bộ luật hình sự 2015

Án treo chỉ áp dụng đối với những người bị kết án phạt tù khi có những căn cứ sau đây:

Khoản 1 Điều 65 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.”.

Theo quy định trên của Bộ luật hình sự thì có ba căn cứ để cho người kết án phạt tù được hưởng án treo:

– Mức phạt tù không quá ba năm.

Những người bị Toà án phạt tù không quá ba năm, không kể về tội gì đều coi là thoả mãn đầu tiên để xem xét cho hưởng án treo. Đối với người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội hoặc có nhiều bản án mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không vượt quá ba năm tù thì có thể xem xét để cho hưởng án treo. Trong trường hợp này phải xem xét thận trọng và chặt chẽ trước khi quyết định cho hưởng án treo.

Người bị kết án tù chỉ được hưởng án treo khi chưa chấp hành hình phạt tù đó. Trước đây, một số Toà án đã áp dụng án treo ngay cả khi người này đã chấp hành xong hình phạt tù nhằm giải quyết chế độ, chính sách cho người bị kết án. Án treo không phải áp dụng nhằm giải quyết chế độ, chính sách cho người bị kết án mà để người này tự cải tạo, giáo dục dưới sự giám sát của chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác. Hơn nữa, nhiều trường hợp sau khi đã hết thời gian thử thách, người được hưởng án treo lại trở lại kiện đòi bồi thường thiệt hại trong thời gian chấp hành hình phạt tù thì rất phiền phức. Hiện nay, vấn đề này không còn xảy ra.

– Nhân thân tương đối tốt.

Người được hưởng án treo phải là người có nhân thân tương đối tốt. Nghĩa là người đó phải là người chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của bản thân, chưa có tiền án, tiền sự. Tuy nhiên, đối với những người có tiền án, tiền sự, nếu xét tính chất của tiền án, tiền sự cùng với tính chất của tội phạm mới thực hiện cũng như các căn cứ khác thấy không cần thiết bắt họ phải chấp hành hình phạt tù thì cũng có thể cho hưởng án treo, nhưng tinh thần chung là phải hạn chế và phải xem xét thật chặt chẽ.

Khi đánh giá nhân thân người bị kết án phải xem xét toàn diện tất cả các yếu tố thuộc về nhân thân kể cả thái độ của họ sau khi phạm tội và qua đó đối chiếu với yêu cầu phòng ngừa chung để xem xét có cần phải bắt họ chấp hành hình phạt tù hay cho họ hưởng án treo.

– Có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Mặc dù Bộ luật hình sự không quy định khi người bị kết án có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới được cho hưởng án treo, nhưng cụm từ “các tình tiết giảm nhẹ” cho thấy người bị kết án phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Các tình tiết giảm nhẹ đề cập ở đây có thể được quy định tại khoản 1,2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Các tình tiết giảm nhẹ của người phạm tội được xem xét trong mối quan hệ và cùng với các căn cứ khác để quyết định cho hoặc không cho hưởng án treo. Tuy nhiên, các tình tiết giảm nhẹ dùng làm căn cứ cho hưởng án treo phải là những tình tiết chưa được Toà án cân nhắc để quyết định hình phạt. Ví dụ, A có 2 tình tiết giảm nhẹ. Khi quyết định hình phạt, lẽ ra A phải chịu mức hình phạt là 5 năm tù. Tuy nhiên, do A có 2 tình tiết giảm nhẹ nên Toà án đã giảm hình phạt cho A xuống còn 3 năm tù. Sau
đó, Toà án lại dùng 2 tình tiết giảm nhẹ đó để cho A hưởng án treo là sai.

Ngoài ba căn cứ trên, việc người bị kết án đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng cũng được xem là một căn cứ quan trọng. Bởi vì, trong trường hợp cho hưởng án treo, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Nếu người bị kết án không đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng thì Toà án sẽ giao cho ai. Tuy nhiên, căn cứ này chưa được Bộ luật hình sự quy định. Bộ luật hình sự nên nghiên cứu để bổ sung căn cứ này.

Khi thoả mãn các căn cứ nêu trên, Toà án có thể cho người bị kết án phạt tù hưởng án treo. Đây là một chế định mang tính tuỳ nghi, bởi vì khi đủ các căn cứ nêu trên, nếu xét thấy không buộc người bị kết án phạt tù phải chấp hành hình phạt thì cho hưởng án treo. Ngược lại, dù có đủ các căn cứ nêu trên, nhưng xét thấy phải buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tù mới có thể mang lại mục đích của hình phạt thì Toà án không cho hưởng án treo.

 


Các tìm kiếm liên quan đến căn cứ cho hưởng án treo, án treo chỉ áp dụng cho tội ít nghiêm trọng, nghị quyết 01/2007 về án treo, nghị quyết 01/2013 về án treo, quy định về án treo, nghị quyết của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao 2014, án treo là gì, đơn xin hưởng án treo, ví dụ về án treo

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền