Bộ quy tắc đạo đức của luật sư Liên minh châu Âu

Chuyên mụcLuật Luật sư, Thảo luận pháp luật Luật sư

Khi tìm hiểu về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp cho luật sư trên thế giới, sẽ thật thiếu sót nếu như không tìm hiểu về Bộ quy tắc này ở các quốc gia châu Âu – nơi được coi là cái nôi đầu tiên của nghề. Trong nỗ lực hài hòa hóa pháp luật và tạo nên một cộng đồng kinh tế chung nơi hàng hoá, dịch vụ được tự do cung cấp, di chuyển tại các quốc gia thành viên, Hiệp hội Luật sư châu Âu (CCBE) đã được thành lập vào tháng 9/1960, là cơ quan đại diện cho các Hiệp hội Luật sư của 06 quốc gia thành viên sáng lập của Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) bao gồm Tây Đức, Bỉ, Pháp, Ý, Hà Lan và Luc-xem-bua. Cho đến nay, CCBE bao gồm tất cả các đoàn luật sư quốc gia của 32 quốc gia thành viên đầy đủ của CCBE, 03 thành viên cộng sự và 10 thành viên quan sát [1]. Ngoài các thành viên đầy đủ, các thành viên cộng sự (các quốc gia của Hội đồng châu Âu đang đàm phán chính thức với mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu) hoặc “quan sát viên” (các quốc gia khác của Hội đồng châu Âu (EU)) phải tuân thủ các quy chế hoạt động của CCBE và được khuyến khích thông qua Quy tắc ứng xử của CCBE. Quy chế hoạt động của CCBE xác định mục tiêu là đại diện cho các Hiệp hội Luật sư của các thành viên (bao gồm thành viên đầy đủ, cộng sự hay quan sát viên) về tất cả các vấn đề liên quan đến việc hành nghề luật sư, sự phát triển của pháp luật, pháp quyền và quản lý tư pháp ở châu Âu và quốc tế.

Các nguyên tắc cơ bản trong Bộ quy tắc CCBE

Bộ quy tắc ứng xử cho luật sư châu Âu được CCBE thông qua vào năm 1988 và đã được sửa đổi ba lần vào các năm 1998, 2002 và 2006 (Bộ quy tắc ứng xử CCBE)[2] nhằm giải quyết các xung đột xuyên biên giới, giảm thiểu và nếu có thể loại bỏ hoàn toàn các vấn đề xung đột có thể nảy sinh từ việc “áp dụng hai lần” các bộ quy tắc ứng xử vào cùng một tình huống. Lần sửa đổi đầu tiên của Bộ quy tắc được thực hiện vào năm 1998, sau một thời gian dài tranh luận, Chỉ thị (EC) 98/5 đã được thông qua cho phép các luật sư của EU hoạt động ở một quốc gia thành viên khác, với điều kiện là họ được đăng ký và được quản lý bởi cơ quan chủ quản địa phương.

Năm 2006, CCBE đã thông qua Bộ quy tắc về các nguyên tắc cốt lõi của nghề luật sư châu Âu. Bộ quy tắc này chỉ được áp dụng trực tiếp cho các hoạt động xuyên biên giới của các luật sư trong EU, khu vực kinh tế châu Âu (EEA) và Tụy Sĩ cũng như các thành viên liên kết và quan sát viên của CCBE. Các hoạt động xuyên biên giới sẽ bao gồm các liên hệ mang tính nghề nghiệp với các luật sư của các quốc gia thành viên mà không phải là quốc gia của chính luật sư đó; các hoạt động của luật sư thực hiện tại một quốc gia khác, mà bất kể là họ có mặt hay không.[3] Tuy nhiên, Bộ quy tắc ứng xử này chỉ có giá trị ràng buộc khi được chấp nhận bởi một thành viên cụ thể. Nội dung Bộ quy tắc bao gồm các nguyên tắc liên quan đến tính độc lập, bí mật và tránh xung đột lợi ích của luật sư, về tính độc lập nghề nghiệp, tính bảo mật của khách hàng, quảng cáo dịch vụ pháp lý, và ứng xử đối với khách hàng, Tòa án và các luật sư khác. Do CCBE không phải là một tổ chức của EU, nên tổ chức này không có quyền lực chính thức để đưa ra các yêu cầu ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng trên thực tế, Bộ quy tắc ứng xử CCBE hiện có giá trị thi hành ở hầu hết các quốc gia thành viên và được Ủy ban châu Âu, các Tòa án châu Âu công nhận, và đang bắt đầu được các Tòa án quốc gia chấp nhận. Bộ quy tắc CCBE bao gồm các nguyên tắc cơ bản có thể được tìm thấy ở bất cứ Bộ quy tắc ứng xử nào ở các quốc gia thành viên như: 

Nguyên tắc bảo mật [4]

Việc giữ bí mật các vấn đề của khách hàng và tôn trọng bí mật nghề nghiệp, tuân thủ tính bảo mật không chỉ là nghĩa vụ của luật sư – đó là quyền cơ bản của luật sư đối với thân chủ. Các quy tắc về cấm sử dụng thông tin liên lạc giữa luật sư và khách hàng để chống lại thân chủ, nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng vẫn còn ngay cả sau khi luật sư đã hoàn thành công việc. Tậm chí là các cộng sự, nhân viên của luật sư, và bất kỳ ai tham gia trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cũng phải tuân theo nghĩa vụ bảo mật tương tự.

Nguyên tắc về tránh xung đột lợi ích [5]

Có thể thấy rằng nguyên tắc này được đặt trong mối tương quan gắn liền với các nguyên tắc bí mật, độc lập và trung thành với khách hàng. Dù là giữa các khách hàng khác nhau hay giữa khách hàng và luật sư thì luật sư không được bảo vệ cho hai khách hàng trong cùng một vấn đề nếu có mâu thuẫn, hoặc có nguy cơ xung đột lợi ích. Tương tự, một luật sư phải từ chối một khách hàng mới nếu luật sư đang sở hữu thông tin bí mật có được từ khách hàng hiện tại hoặc khách hàng cũ có thể gây xung đột lợi ích. Nếu phát sinh xung đột lợi ích trong quá trình làm việc cho khách hàng, luật sư phải ngừng tư vấn, đại diện cho khách hàng. Tuy nhiên, có thể có những trường hợp mà sự khác biệt nảy sinh giữa hai hoặc nhiều khách hàng mà luật sư đó có thể cố gắng giải quyết với vai trò như một người hòa giải. Trong những trường hợp như vậy, luật sư có thể đưa ra phán đoán của riêng mình về việc có hay không xung đột lợi ích giữa họ. Nếu không, luật sư có thể xem xét liệu có phù hợp để giải thích cho khách hàng và cố gắng đóng vai trò là người hòa giải để giải quyết, và chỉ khi nỗ lực hòa giải này không thành công, thì luật sư mới ngừng đại diện cho khách hàng.

Nguyên tắc về giữ gìn phẩm giá và danh dự của nghề luật sư [6]

Để được khách hàng, bên thứ ba, Tòa án và Nhà nước tin tưởng, luật sư phải thể hiện là người xứng đáng với điều đó, và hệ quả tất yếu là luật sư không được có những hành động, hành vi hay lời nói gây tổn hại đến uy tín của chính mình hoặc uy tín của nghề nghiệp nói chung và lòng tin của công chúng đối với nghề nghiệp luật sư. Điều này không có nghĩa là luật sư phải là một cá nhân hoàn hảo, nhưng trong hành nghề pháp lý hoặc trong các hoạt động kinh doanh khác, thậm chí trong cuộc sống riêng tư cần phải tránh những hành vi có khả năng làm mất uy tín nghề nghiệp.

Nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của khách hàng và sự trung thành với khách hàng [7]

Luật sư trong mọi hoạt động cần phải vì lợi ích tốt nhất của khách hàng, thậm chí đặt lợi ích của khách hàng lên trên lợi ích của bản thân và lợi ích của đồng nghiệp. Bản chất của nghề luật sư là phải trung thành với khách hàng của mình. Để trung thành với khách hàng, luật sư phải độc lập, tránh xung đột lợi ích, và phải giữ được bí mật cho khách hàng. Sự trung thành của luật sư cũng có giới hạn, khi giải quyết vấn đề cho khách hàng, luật sư cũng phải nói rõ cho khách hàng biết rằng luật sư không được vi phạm nghĩa vụ của mình đối với Tòa án và đối với cơ quan bảo vệ pháp luật khác.

Nguyên tắc đối xử công bằng với khách hàng.

Phí dịch vụ của luật sư phải được tính công bằng và hợp lý, đầy đủ cho khách hàng, đồng thời phải tuân thủ pháp luật và các quy tắc nghề nghiệp.[8] Trong một số tình huống, cơ sở để tính phí có thể phải tuân thủ cả quy định của nước sở tại và nước chủ nhà của luật sư. Đây là vấn đề thường ẩn chứa xung đột tiềm tàng, và từ đó đặt ra các yêu cầu về chuyên môn với luật sư để bảo đảm rằng luật sư cung cấp dịch vụ xứng đáng với mức phí mà khách hàng đã trả. Luật sư không được ký bất cứ thoả thuận hứa thưởng nào với khách hàng.[9] Điều khoản này phản ánh lập trường chung ở tất cả các quốc gia thành viên rằng một thỏa thuận không được kiểm soát về hứa thưởng là trái với lẽ công bằng vì nó khuyến khích kiện tụng gia tăng và có thể bị lạm dụng. Tuy nhiên, các quy định không nhằm mục đích ngăn cản việc thỏa thuận mà theo đó, luật sư được trả tiền theo kết quả hoặc chỉ khi vụ việc thành công, miễn là các thỏa thuận này được quy định và kiểm soát đầy đủ để bảo vệ thân chủ và lẽ công bằng.

Trong quá trình giải quyết vụ việc cho khách hàng, luật sư có thể nắm giữ các khoản tiền của họ, khi đó luật sư bắt buộc phải nộp khoản tiền này vào một tài khoản độc lập hoặc tổ chức có chức năng tương đương đặt dưới sự giám sát của cơ quan công quyền, trừ khi chủ sở hữu của các khoản tiền này đồng ý xử lý theo cách khác. Luật sư không được chuyển tiền từ tài khoản này về tài khoản của mình nhằm mục đích thanh toán phí mà không thông báo với khách hàng đó bằng văn bản, và không được dùng tài khoản này như một tài sản bảo đảm, đồng thời có trách nhiệm giữ đầy đủ các bản kê liên quan. Đây là một vấn đề khá phức tạp, vì vậy CCBE đã khuyến nghị các luật sư phải tuân thủ các quy tắc của Đoàn luật sư tại địa phương mình, đồng thời lưu ý khả năng quy tắc của các quốc gia thành viên khác cũng được áp dụng. [10]

Nguyên tắc về năng lực chuyên môn của luật sư [11]

Các quy tắc nghề nghiệp thường nhấn mạnh rằng một luật sư không được nhận một vụ việc mà họ không đủ năng lực để giải quyết. Với đặc thù ngành nghề, một luật sư được khuyến khích thường xuyên học tập, tiếp tục phát triển nghề nghiệp để theo kịp những thay đổi về luật pháp và thực tiễn, bao gồm cả những thay đổi trong môi trường kinh tế và công nghệ liên quan mà người đó làm việc, trong bối cảnh kinh tế, xã hội có những thay đổi nhanh chóng như hiện nay, các luật sư cần nhận thức được những lợi ích và rủi ro của việc sử dụng các công nghệ liên quan trong hành nghề của mình. 

Nguyên tắc trong quan hệ với đồng nghiệp [12]

Quan hệ giữa các luật sư cần được xây dựng trên cơ sở tin cậy và hợp tác, luật sư ở tất cả các quốc gia thành viên khác là đồng nghiệp và vì thế cần đối xử công bằng và nhã nhặn với nhau. Trong quá trình hành nghề khi đại diện cho khách hàng giải quyết công việc, luật sư thường gặp phải những vấn đề nhạy cảm và có tính tranh cãi cao, chính vì vậy khi tiếp xúc với các đồng nghiệp đại diện cho một khách hàng có lợi ích đối lập, luật sư phải cư xử tôn trọng lẫn nhau để giải quyết các vấn đề gây tranh cãi một cách văn minh.

Bộ quy tắc ứng xử CCBE đưa ra quy định về phí giới thiệu khách hàng, theo đó luật sư có thể không phải trả bất cứ khoản phí nào cho việc nhận giới thiệu khách hàng, mục đích của quy tắc này là chỉ ra luật sư không nên trả tiền hoặc nhận một khoản phí chỉ nhờ vào việc giới thiệu vụ việc, vốn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm sự tự do trong lựa chọn luật sư của khách hàng, hoặc ảnh hưởng tới lợi ích của khách hàng trong việc được giới thiệu đến dịch vụ tốt nhất. Việc này không ngăn cản các thỏa thuận chia sẻ phí giữa các luật sư trên cơ sở hợp lý. Ở một số quốc gia thành viên, luật sư được phép chấp nhận và giữ lại hoa hồng phí giới thiệu vụ việc trong một số trường hợp nhất định với điều kiện: (a) lợi ích tốt nhất của khách hàng được phục vụ, (b) việc này đã được thông báo đầy đủ cho khách hàng và (c) khách hàng đã đồng ý với việc luật sư giữ lại hoa hồng. Trong những trường hợp như vậy, việc luật sư giữ lại hoa hồng đại diện cho một phần thù lao của luật sư đối với dịch vụ được cung cấp cho khách hàng và không nằm trong phạm vi của lệnh cấm đối với phí giới thiệu nhằm ngăn cản việc luật sư kiếm lợi bí mật. Bộ quy tắc ứng xử CCBE cũng ghi nhận một nguyên tắc được chấp nhận chung và được thiết kế để thúc đẩy hoạt động hành nghề suôn sẻ giữa các luật sư và ngăn chặn mọi nỗ lực lợi dụng khách hàng của luật sư khác, ví dụ như luật sư không được liên lạc trực tiếp với bất cứ ai mà biết được người đó đã hoặc sẽ được đại diện bởi một luật sư khác mà không thông báo và không có sự đồng ý của luật sư kia.[13]

Trong trường hợp có tranh chấp cá nhân liên quan đến nghề luật sư phát sinh giữa các luật sư ở các quốc gia thành viên khác nhau, các luật sư được khuyến khích giải quyết theo hướng “thân thiện”, và được khuyến nghị nhờ đến sự hỗ trợ giải quyết tranh chấp của Hiệp hội nghề, không nên tiến hành bất kỳ hình thức tố tụng nào mà không thông báo trước cho Đoàn luật sư hoặc Hiệp hội Luật sư nơi mà họ là thành viên.

Nguyên tắc ứng xử với Tòa án và các cơ quan tài phán [14]

Luật sư trong quá trình làm việc tại Toà cần tuân thủ các quy tắc ứng xử được áp dụng tại Tòa án hoặc cơ quan tài phán đó, đồng thời có thái độ nhã nhặn, tôn trọng. Sự tôn trọng lẫn nhau giữa các đồng nghiệp, Tòa án và các cơ quan tài phán tạo nên môi trường làm việc chuyên nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư để hỗ trợ giải quyết xung đột bảo đảm cho lợi ích của khách hàng. Ngoài việc bảo vệ lợi ích hợp pháp cho khách hàng, luật sư còn có vai trò bảo vệ công lý. Luật sư không được cố ý cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm cho Tòa án, hay nói dối bên thứ ba dù những điều này đi ngược lại lợi ích trước mắt của khách hàng. Việc này không những thể hiện vai trò bảo vệ công lý của luật sư mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín nghề nghiệp của họ, luật sư chỉ có thể làm tốt công việc của mình nếu có được sự tin cậy của Tòa án và các bên thứ ba có liên quan.

Khi hành nghề xuyên biên giới, các luật sư từ quốc gia thành viên khác có thể bị ràng buộc phải tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp của quốc gia thành viên chủ nhà [15]. Luật sư có trách nhiệm và nhiệm vụ tìm hiểu về các quy tắc sẽ ảnh hưởng đến họ trong việc thực hiện bất kỳ hoạt động cụ thể nào ở quốc gia thành viên khác mà họ định nhắm tới. Các tổ chức thành viên của CCBE có nghĩa vụ lưu ký các quy tắc ứng xử của họ tại Ban Tư ký của CCBE để bất kỳ luật sư nào cũng có thể nhận được bản sao của quy tắc mới nhất từ Ban Tư ký của CCBE. Ví dụ như quốc gia thành viên chủ nhà có thể yêu cầu một luật sư thuộc quốc gia thành viên khác hành nghề tại nước mình tham gia bảo hiểm nghề nghiệp hoặc trở thành thành viên của quỹ bảo lãnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, luật sư sẽ được miễn yêu cầu đó nếu luật sư chứng minh được rằng họ được mua bảo hiểm hoặc bảo lãnh theo quy tắc của nước họ và bảo hiểm hoặc bảo lãnh đó là tương đương về điều kiện và mức độ. Trong trường hợp chỉ tương đương một phần, cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia thành viên chủ nhà có thể yêu cầu luật sư đó ký hợp đồng bảo hiểm hoặc bảo lãnh bổ sung. 


[1] 1 Tam khảo tại website của Hiệp hội luật sư châu Âu: https://www.ccbe.eu/structure/ members/;

[2] https://www.ccbe.eu/fleadmin/speciality_distribution/public/documents/DEONTOLOGY/ DEON_CoC/EN_DEON_CoC.pdf;

[3] Điều 1.5 Bộ quy tắc ứng xử CCBE;

[4] Điều 2.3 Bộ quy tắc ứng xử CCBE;

[5] Điều 2.3 Bộ quy tắc ứng xử CCBE;

[6] Điều 2.6 Bộ quy tắc ứng xử CCBE;

[7] Điều 2.7 Bộ quy tắc ứng xử CCBE;

[8] Điều 3.4; 3.7 Bộ quy tắc ứng xử CCBE;

[9] Điều 3.3 Bộ quy tắc ứng xử CCBE;

[10] Xem thêm Bình luận Bộ quy tắc đạo đức của CCBE;

[11] Điều 5.8 Bộ quy tắc ứng xử CCBE;

[12] Xem thêm Bình luận Bộ quy tắc đạo đức của CCBE;

[13] Điều 5.8 Bộ quy tắc ứng xử CCBE;

[14] Điều 4 Bộ quy tắc ứng xử CCBE;

[15] Điều 2.4 Bộ quy tắc ứng xử CCBE.

5/5 - (22110 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền