Chứng minh là hoạt động tố tụng cơ bản trong tố tụng dân sự, mang tính chất quyết định đến kết quả giải quyết vụ việc dân sự, làm cơ sở cho Tòa án giải quyết vụ việc dân sự được chính xác và đúng pháp luật. Chứng minh trong tố tụng dân sự không chỉ có ý nghĩa đối với Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự mà còn có ý nghĩa đối với các đương sự trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Các nội dung liên quan:
- So sánh chứng cứ trong tố tụng dân sự và tố tụng hình sự
- Bình luận về nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong BLTTDS 2015
- Các thuộc tính của chứng cứ trong tố tụng dân sự
Abstract: Proof is one of the basic procedural activities in civil procedure, which is a decisive matter to the results of settling civil cases, as a basis for the court to handle civil cases accurately and lawfully. Proof in civil procedure is not only meaningful to the court in settling civil cases but also makes sense to the involved parties in protecting their legitimate rights and interests.
Trong tố tụng dân sự (TTDS), quan hệ lợi ích cần được giải quyết trong các vụ việc dân sự là quan hệ giữa các đương sự, do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án thì các đương sự có quyền và nghĩa vụ chứng minh cho Tòa án và những người tham gia tố tụng khác thấy được sự đúng đắn trong yêu cầu của mình, đồng thời chứng minh rằng bị đơn phải có nghĩa vụ đối với yêu cầu của mình. Ngược lại, bị đơn cũng có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh sự phản đối yêu cầu của mình đối với đương sự phía bên kia là có căn cứ và hợp pháp. Ngoài ra, với quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh của các đương sự thì Tòa án có đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ việc dân sự khách quan, chính xác và đúng pháp luật. Vì vậy, cung cấp chứng cứ và chứng minh được coi là một trong các nguyên tắc cơ bản của TTDS được quy định tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS 2015).
1. Nội dung của nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
1.1 Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
– Đương sự đưa ra yêu cầu hay phản đối yêu cầu của người khác đối với mình có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu, phản đối yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Trước tiên, nguyên đơn là người khởi kiện nên nguyên đơn có quyền và nghĩa vụ chứng minh cho việc thực hiện quyền yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp (theo châm ngôn La tinh thì đó là nguyên tắc actori incumbit probatio[1]). Ngược lại, bị đơn nếu không chấp nhận toàn bộ hay một phần yêu cầu của nguyên đơn thì bị đơn phải đưa ra các chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó. Đó là nguyên tắc reus in exceptione fit actor[2]. Ngoài ra, khi bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đưa ra yêu cầu độc lập thì cũng có trách nhiệm chứng minh cho yêu cầu của mình là đúng và đương sự phải trả lời đối với yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm chứng minh cho sự phản đối đó. Tuy nhiên, “có những trường hợp các đương – tụng không phải dẫn chứng (không phải chứng minh), đây là những trường hợp có sự suy đoán được dữ liệu sẵn ở trong luật để bênh vực một vài đương sự”[3] hoặc “đương sự được miễn trừ sự dẫn chứng do trách nhiệm dẫn chứng chuyển qua đối phương – người này phải đưa ra bằng chứng rằng sự suy đoán không đúng với sự thật”[4]. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người yếu thế hoặc các trường hợp do pháp luật quy định thì Bộ luật TTDS 2015 quy định đương sự khi khởi kiện, họ không có nghĩa vụ phải chứng minh trong các trường hợp quy định tại các khoản 1 Điều 90 Bộ luật TTDS 2015. Đó là, (i) Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;(ii) Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án. Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động; (iii) Các trường hợp pháp luật có quy định khác về nghĩa vụ chứng minh như khoản 4 Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định bị đơn phải chứng minh sản phẩm của mình được sản xuất theo một quy trình khác với quy trình được bảo hộ trong một số trường hợp nhất định, khoản 3 Điều 295 Luật Thương mại năm 2005 quy định, bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình, khoản 3 Điều 351 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định, bên có nghĩa vụ dân sự không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền, Điều 584 BLDS năm 2015 quy định, người khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của người gây thiệt hại.
– So với Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (sau đây gọi là Bộ luật TTDS 2011) thì Bộ luật TTDS 2015 nhấn mạnh thêm quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập chứng cứ của đương sự, bởi để giao nộp được chứng cứ cho Tòa án thì các đương sự phải thu thập được chứng cứ. Do đó, để đương sự thực hiện được quyền và nghĩa vụ thu thập chứng cứ thì khoản 1 Điều 97 Bộ luật TTDS 2015 quy định các biện pháp thu thập chứng cứ mà đương sự được thực hiện nhằm đảm bảo các chứng cứ có được mang tính hợp pháp. Đó là, thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử; thu thập vật chứng; xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý; yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án nhằm buộc đương sự phải giao nộp tất cả các chứng cứ mà họ có cho Tòa án, tránh tình trạng họ giữ lại các chứng cứ để tại phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm họ mới giao nộp nhằm gây khó khăn cho Tòa án và các đương sự khác.
– Nếu như Bộ luật TTDS 2011 quy định quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh có thể được thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào của quá trình tố tụng thì Bộ luật TTDS năm 2015 đã bổ sung quy định thời hạn giao nộp chứng cứ nhằm hạn chế sự thiếu trung thực của một bên đương sự khi cung cấp chứng cứ, “đề cao trách nhiệm chứng minh của đương sự trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, đồng thời bảo đảm Tòa án căn cứ vào sự thật khách quan để giải quyết vụ án” [5]. Tuy nhiên, nếu vì lý do chính đáng quy định tại khoản 4 Điều 96, Điều 287 và Điều 330 Bộ luật TTDS năm 2015 thì chứng cứ được cung cấp khi đã hết thời hạn cung cấp chứng cứ hoặc đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định vẫn có thể được chấp nhận nhằm đảm bảo vụ việc có đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ việc cũng như bảo vệ quyền lợi của các đương sự. Ngoài ra, cùng với việc giao nộp chứng cứ, tài liệu cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật TTDS hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác (khoản 5 Điều 96). Quy định này nhằm đảm bảo các đương sự được biết đầy đủ chứng cứ của nhau để chuẩn bị cho việc tranh tụng công khai, bình đẳng và công bằng.
1.2 Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Mặc dù các cơ quan, tổ chức, cá nhân không có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hoặc tranh chấp nhưng các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó là chủ thể đưa ra yêu cầu nên họ cũng phải chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, đối với trường hợp khi mà cơ quan, tổ chức, cá nhân này không có khả năng để thực hiện nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình thì họ cũng được loại trừ nghĩa vụ chứng minh. Đó là, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (khoản 3 Điều 91 Bộ luật TTDS 2015).
1.3 Hậu quả của việc đương sự không cung cấp, giao nộp chứng cứ cho Tòa án
Về nguyên tắc, khi quy định về nghĩa vụ cung cấp, giao nộp chứng cứ của đương sự thì đồng thời phải quy định về hậu quả pháp lý khi đương sự không thực hiện nghĩa vụ đó nhằm đảm bảo cho nghĩa vụ của đương sự được thực hiện trên thực tế. Do đó, Bộ luật TTDS 2015 quy định rõ hậu quả pháp lý khi đương sự không cung cấp, giao nộp chứng cứ cho Tòa án. Đó là, đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc (khoản 4 Điều 91). Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 Bộ luật TTDS để giải quyết vụ việc dân sự (khoản 1 Điều 96).
1.4 Khoản 2 Điều 6 Bộ luật TTDS 2015 quy định rõ về trách nhiệm của Tòa án trong việc hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo đương sự có đủ chứng cứ để họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp của mình cũng như khắc phục tình trạng các cá nhân, cơ quan tổ chức gây khó khăn cho đương sự trong việc thu thập chứng cứ. Ngoài ra, để đảm bảo đủ cơ sở để giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án đã được bổ sung các biện pháp thu thập chứng cứ mà không cần phải có yêu cầu đương sự. Đó là, biện pháp trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết (khoản 2 Điều 102); yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án khi xét thấy cần thiết (khoản 3 Điều 106). Như vậy, khi không có yêu cầu của đương sự, Tòa án được tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ sau: Lấy lời khai của đương sự (khoản 1 Điều 98), lấy lời khai người làm chứng (khoản 1 Điều 99); Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng (khoản 1 Điều 100); Xem xét, thẩm định tại chỗ (khoản 1 Điều 101); Trưng cầu giám định (khoản 2 Điều 102); Định giá tài sản (điểm b, c khoản 3 Điều 104); Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ (Điều 105); Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ (khoản 3 Điều 106).
2. Thực trạng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh và một số kiến nghị
– Lần đầu tiên, Bộ luật TTDS 2015 quy định về các biện pháp thu thập chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhằm đảm bảo các đương sự có đầy đủ các chứng cứ để cung cấp cho Tòa án cũng như đảm bảo các chứng cứ đó có tính hợp pháp. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 97 Bộ luật TTDS 2015 mới chỉ quy định các biện pháp thu thập chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhưng lại chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp đó, trong khi các biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án được quy định tại khoản 2 Điều 97 Bộ luật TTDS 2015 lại được quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục thu thập. Thiết nghĩ, để các chứng cứ do cá nhân, cơ quan, tổ chức thu thập có giá trị chứng minh và được Tòa án sử dụng làm căn cứ cho việc giải quyết vụ việc dân sự thì các nhà làm luật cần bổ sung trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ đối với các biện pháp thu thập chứng cứ do cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện.
– Bộ luật TTDS năm 2015 bổ sung các quy định về thời hạn cung cấp chứng cứ nhằm nâng cao trách nhiệm chứng minh của đương sự. Theo đó, các đương sự phải cung cấp chứng cứ trong thời hạn do thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc dân sự ấn định, nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 96, Điều 287 và Điều 330 Bộ luật TTDS năm 2015.
Tuy nhiên, chứng cứ không được chấp nhận do đương sự cung cấp đã quá thời hạn cung cấp mà thẩm phán ấn định có thể lại được thẩm phán thu thập theo khoản 2 Điều 97 Bộ luật TTDS 2015 không? Vấn đề này cũng có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, do đã hết thời hạn cung cấp chứng cứ mà không có lý do chính đáng nên chứng cứ này sẽ không được thẩm phán thu thập kể cả trong trường hợp chứng cứ đó có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ việc. Ý kiến khác lại cho rằng, với các biện pháp thu thập chứng của Tòa án được quy định tại khoản 2 Điều 97 Bộ luật TTDS 2015 thì thẩm phán hoàn toàn có quyền thu thập chứng cứ này nhằm đảm bảo Tòa án có đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ việc dân sự chính xác.
Về nguyên tắc, tất cả các chứng cứ mà đương sự cung cấp khi đã quá thời hạn cung cấp do thẩm phán ấn định mà không có lý do chính đáng đều không được chấp nhận nhằm nâng cao trách nhiệm chứng minh của đương sự, tránh tình trạng các đương sự thiếu trung thực trong việc cung cấp chứng cứ. Tuy nhiên, với trách nhiệm hỗ trợ thu thập chứng cứ của Tòa án quy định trong Bộ luật TTDS 2015 thì Tòa án có thể thu thập các chứng cứ này để làm căn cứ cho việc giải quyết vụ việc dân sự. Điều này đã tự nhiên làm cho các quy định về thời hạn cung cấp chứng cứ trở thành không có ý nghĩa cũng như dẫn đến tình trạng Tòa án có thể thiếu công bằng, khách quan trong việc thu thập chứng cứ khi cố ý thiên vị cho một bên đương sự. Do đó, Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này theo hướng: Tòa án không được thu thập các chứng cứ mà đương sự đã cung cấp quá thời hạn cung cấp chứng cứ nhằm nâng cao trách nhiệm chứng minh của đương sự cũng như đảm bảo sự công bằng, khách quan trong việc thu thập chứng cứ của Tòa án.
– Quy định tại khoản 5 Điều 96 Bộ luật TTDS 2015 về nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ giữa các đương sự luôn là hình thức khi mà Bộ luật TTDS 2015 không quy định về thời hạn các đương sự có nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ cho nhauvà hậu quả pháp lý khi các bên đương sự không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao. Thực tế hiện nay ở tại các Tòa án, do không có quy định về hậu quả pháp lý nên gần như các đương sự không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ cho nhau. Tham khảo pháp luật TTDS nước ngoài cho thấy, pháp luật TTDS của nhiều nước trên thế giới đều quy định thời hạn thực hiện nghĩa vụ chuyển giao và hậu quả pháp lý khi các bên không thực hiện nghĩa vụ. Chẳng hạn từ các Điều 132 đến Điều 137 Bộ luật TTDS Pháp quy định các bên đương sự phải thực hiện ngay nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ. Các bên có thể yêu cầu thẩm phán buộc bên kia phải thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ mà đương sự chưa thực hiện trong thời hạn nhất định. Nếu không thực hiện thì có thể bị phạt tiền để cưỡng chế thực hiện, không xem xét tài liệu, chứng cứ không được trao đổi trong thời hạn đã ấn định[6]. Do đó, để phát huy vai trò của đương sự trong hoạt động tố tụng, đảm bảo quyền được biết thông tin của đương sự để có thể tổ chức việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như phù hợp pháp luật TTDS của các nước trên thế giới, cần thiết bổ sung vào Bộ luật TTDS 2015 quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ trao đổi chứng cứ, tài liệu của các bên đương sự cho nhau trước khi mở phiên toà và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó. Theo đó, khoản 5 Điều 96 Bộ luật TTDS 2015 nên bổ sung theo hướng: “Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải thực hiện ngay việc sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác.
Trong trường hợp đương sự cố tình không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho bên kia thì theo yêu cầu của đương sự, Tòa án buộc bên đương sự đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ phải cung cấp tài liệu, chứng cứ đó trong thời hạn do thẩm phán ấn định, nhưng không vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự. Nếu hết thời hạn này, đương sự vẫn không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ thì bị phạt tiền và thẩm phán sẽ không chấp nhận những tài liệu, chứng cứ không được các bên đương sự trao đổi trong thời hạn đã được thẩm phán ấn định”.
– Theo khoản 2 Điều 97 Bộ luật TTDS 2015, ngoài các biện pháp được quy định trong Bộ luật TTDS 2011, Bộ luật TTDS 2015 còn bổ sung biện pháp thu thập chứng cứ là xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú. Điều đáng tiếc là Bộ luật TTDS 2015 lại không quy định rõ biện pháp này Tòa án tiến hành khi có yêu cầu của đương sự hay Tòa án được tự thực hiện khi xét thấy cần thiết cũng như trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp này. Thiết nghĩ, Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để các Tòa án thống nhất trong việc thực hiện biện pháp thu thập chứng cứ này./.
Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10, kỳ 2 tháng 5/2018
[1] Trần Văn Liêm (1974), Dân luật nhập môn thể nhân (Quyển 1), tr. 195.
[2] Trần Văn Liêm (1974), Tlđd, tr. 196.
[3] Vũ Văn Mẫu (1961), Dân luật khái luận, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, tr. 370.
[4] Trần Văn Liêm (1974), Tlđd, tr. 198.
[5] Nguyễn Thị Thu Hà (2011), Phúc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam, Luận án TS Luật học, Hà Nội, tr. 178.
[6] Đề nghị tác giả bổ sung footnote.
Nguyễn Thị Thu Hà, TS. Trường Đại học Luật Hà Nội.
Các tìm kiếm liên quan đến nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cơ sở của nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự, nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự 2015, ý nghĩa của chứng minh trong tố tụng dân sự, tiểu luận chứng cứ trong tố tụng dân sự, nguyên tắc đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh, thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự 2015, các biện pháp thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự, chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự
Để lại một phản hồi