Bình luận không tố giác tội phạm theo BLHS 2015

to-giac-toi-pham

Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) ra đời có nhiều thay đổi trong đó có điểm mới rất quan trong về chủ thể của “Không tố giác tội phạm” được quy định tại khoản 3 điều 19.

 

Điều 19. Không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

 

Nếu che dấu tội phạm chỉ được thực hiện sau khi một tội phạm đã được thực hiện trên thực tế thì hành vi không tố giác tội phạm xảy ra tại bất kỳ giai đoạn nào của tội phạm từ giai đoạn chuẩn bị cho đến đang thực hiện hoặc đã thực hiện. Để phân biệt được với đồng phạm, che dấu tội phạm thì hành vi cấu thành tội danh này hoàn toàn được biểu hiện dưới dạng không hành động.

Chủ thể: bất kỳ ai từ đủ 16 tuổi trở lên.

Chủ thể là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác tội phạm được qui định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Biểu hiện: ở dạng không hành động.

 

Ví dụ: mặc dù trước đó A đã được B thông báo rằng B sẽ giết C vào tối mai (A hoàn toàn có cơ sở để xác định lời nói của B là có thật, hành vi của B chắc chắn sẽ diễn ra vì trước đó giữa B và C đã có cuộc ẩu đã, tạo tư thù cộng với bản tính giang hồ của B), tuy nhiên A đã không thông báo cho cơ quan chức năng về hành động sắp diễn ra của B và hậu quả là B đã giết C.

 

Sự không hành động thể hiện sự phó mặc cho hậu quả xảy ra của người phạm tội, thể hiện sự vô tâm, hờ hững trước các quan hệ xã hội chuẩn bị bị hành vi phạm tội xâm hại. Không phải trong mọi trường hợp, việc không hành động của một người đều cấu thành và bị bị xem xét trách nhiệm hình sự ở tội danh không tố giác tội phạm theo Điều 390 Bộ luật hình sự. Chỉ cấu thành tội danh khi thỏa mãn đồng thời các yếu tố sau:

– Phải biết rõ tội phạm đang diễn ra: Việc biết không vẫn chưa đủ mà điều luật qui định một người phải biết rõ, nghĩa là họ hoàn toàn có cơ sở để xác định rằng có tội phạm nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ gây ra các hậu quả trên thực tế.

 

Ví dụ: A nghe thông tin từ B nói rằng hình như thằng C đang nhận vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Lào vào Việt Nam. Trong khi đó từ trước đến giờ, C là một thanh niên chăm chỉ, sống tình cảm với mọi người xung quanh, hiếu thảo với cha mẹ và đang có công việc ổn định với vị trí nhân viên văn phòng… thì không có lý do gì mà A lẫn B tin rằng C sẽ thực hiện công việc nguy hiểm này để đánh đổi cả mạng sống của mình. Nhưng trên thực tế C lại thực hiện theo đúng những gì mà A và B biết được, tuy nhiên trong trường hợp này hoàn toàn không có căn cứ để cho rằng A, B không tố giác tội phạm.

 

– Có điều kiện để thực hiện hành động tố giác tội phạm: Điều này có nghĩa việc tố giác tội phạm không bị cản trở, ngăn cản. Nếu một người sau khi nắm bắt chắc chắn thông tin hoặc có căn cứ xác đáng tội phạm đang diễn ra nhưng không có điều kiện, cơ hội.. để tố giác thì hành vi của họ cũng không đủ yếu tố cấu thành tội danh tại Điều 390.

 

Trở lại ví dụ trên, mặc dù C là con người như thế nhưng A và B đều có căn cứ chính xác cho hành vi sắp tới của C như nghe trộm được thông tin trao đổi của C với bên giao ma túy và biết được số lượng, địa điểm giao hàng…nhưng C lẫn bên giao hàng đe dọa sẽ giết A, B và người thân của họ nếu như A, B tố giác hành vi. Do vậy việc không hành động của A, B nếu có cũng không được xem xét là hành vi khách quan của tội phạm.

 

Điểm mới về “Không tố giác tội phạm” của Bộ luật hình sự 2015 so với Bộ luật hình sự 1999

Điểm mới của Bộ luật hình sự hiện hành so với Bộ luật hình sự 1999 là việc bổ sung thêm một đối tượng là chủ thể của hành vi không tố giác tội phạm. Chủ thể này có điểm đặc biệt chính là người bào chữa, pháp luật qui định trong quá trình thực hiện việc bào chữa mà phát hiện hoặc có căn cứ xác đáng cho rằng người được bào chữa chuẩn bị phạm tội, đang thực hiện hoặc đã thực hiện hành vi phạm tội tại chương III (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng mà người bào chữa không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên cũng cần xem xét qui định này đã thực sự phù hợp hay chưa? Việc các nhà làm luật viện dẫn qui định cho rằng mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, và dẫn chiếu đến vấn đề bình đẳng trong việc tố giác tội phạm là thật sự chưa phù hợp. Xuất phát từ đặc thù của luật sư với tư cách là người bào chữa cho thân chủ của mình và đây cũng chính là nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề luật nên việc buộc luật sư phải tố giác ngược lại thân chủ là một điểm thụt lùi trong chính sách cho dù tội danh của thân chủ được xem xét dưới khía cạnh nào, xâm phạm đến các mối quan hệ nào đi nữa. Có hay chăng chỉ qui định quyền được cung cấp, tiết lộ thông tin khi có căn cứ cho rằng thân chủ mình đang bào chữa chuẩn bị phạm tội, đang thực hiện hoặc đã thực hiện các hành vi phạm tội nêu trên. Luật sư chỉ có quyền mà không có nghĩa vụ và cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự cho các trường hợp này. Chúng ta chỉ đặt ra nghĩa vụ tố giác tội phạm của luật sư là bình đẳng với mọi công dân khác khi và chỉ khi đối tượng đó không phải là thân chủ/người được bào chữa của Luật sư.

 


Các tìm kiếm liên quan đến bình luận tội không tố giác tội phạm, tội không tố giác tội phạm 2015, không tố giác tội phạm là kiểu hành vi nào, xử lý hành chính hành vi không tố giác tội phạm, bình luận tội che giấu tội phạm, điều 389 bộ luật hình sự 2015, điều 313 bộ luật hình sự, tội không tố giác tội phạm 1999, không tố giác tội phạm đánh bạc
đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền