Bàn về quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm

Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS)

Tạm ngừng phiên tòa là một chế định mới được quy định tại Điều 259 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS). Quy định này giúp cho Hội đồng xét xử khắc phục được những hạn chế về thời hạn so với việc hoãn phiên tòa. Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn về những khó khăn, vướng mắc trong việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS.

Khoản 2 Điều 259 BLTTDS quy định:

Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Hội đồng xét xử phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa.

Về thẩm quyền, Hội đồng xét xử ban hành Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Vấn đề pháp lý đặt ra là sau khi có Quyết định tạm ngừng phiên tòa, khi thời hạn tạm ngừng phiên tòa đã hết mà các lý do tạm ngừng chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử có cần mở phiên tòa, nghị án và công bố Quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 235 BLTTDS hay chỉ cần hết thời hạn tạm ngừng mà các căn cứ tạm ngừng chưa được khắc phục thì đương nhiên sẽ được ban hành Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án?

Xem:  Đối tượng của quyền hưởng dụng trong pháp luật Việt Nam

Điều 259 BLTTDS cũng chưa chỉ rõ, Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này có bị kháng cáo kháng nghị hay không, thời hạn kháng cáo kháng nghị là bao lâu và nếu có kháng cáo, kháng nghị thì thủ tục giải quyết như thế nào. Khi lý do để ngừng phiên tòa đã được khắc phục thì Hội đồng xét xử có phải mở lại phiên tòa để công bố việc tiếp tục giải quyết vụ án hay không? Để tiếp tục giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử có phải ban hành Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án hay không hay chỉ cần ghi vào biên bản phiên tòa?

Điều 235 BLTTDS quy định: “Quyết định tạm đình chỉ phải được Hội đồng xét xử thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và lập thành văn bản; quyết định các vấn đề khác được Hội đồng xét xử thảo luận, thông qua tại phòng xử án, không phải lập thành văn bản nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa”. Theo tinh thần của quy định này thì việc ban hành Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án hay Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án phải được Hội đồng xét xử mở phiên tòa. Như vậy, việc mở phiên tòa, triệu tập đương sự và mở phiên tòa chỉ để thông báo việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án hoặc tiếp tục giải quyết vụ án sẽ gây mất thời gian và chưa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp của nhà nước ta hiện nay.

Xem:  Phạm nhân có được chuyển tiền để làm từ thiện không?

Về mẫu biểu ban hành Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa cũng có nhiều vướng mắc, bất cập do không rõ ban hành Quyết định này sẽ theo mẫu biểu nào bởi mẫu số 42-DS ban hành theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP thì các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án không bao gồm khoản 2 Điều 259 BLTTDS. Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP cũng không có mẫu nào về việc tiếp tục giải quyết vụ án trong trường hợp này.

Về hậu quả khi tạm đình chỉ giải quyết vụ án sau khi tạm ngừng phiên tòa: Căn cứ khoản 1 Điều 203 BLTTDS khi tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì không còn sự hoạt động của phiên tòa, thời hạn xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật. Khi đó, Tòa án phải thực hiện các thủ tục để giải quyết vụ án chứ không phải tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án. Quy định này chưa chặt chẽ, có thể dẫn đến một số Thẩm phán ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử để tránh bị hết thời hạn chuẩn bị xét xử rồi sẽ tạm ngừng phiên tòa và hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa sẽ tiếp tục ra quyết định tạm đình chỉ. Điều này là nguyên nhân làm cho việc giải quyết các vụ án bị chậm, kéo dài.

Xem:  Một số vấn đề khúc mắc về pháp luật thừa kế

Từ những nghiên cứu trên, tác giả cho rằng việc Tòa án phải mở phiên tòa khi ban hành các quyết định trong và sau khi tạm ngừng phiên tòa là bắt buộc và cần thiết dựa trên nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số quy định tại Điều 14 BLTTDS. Khi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thấy các căn cứ tạm ngừng phiên tòa đã được khắc phục thì có quyền chủ động thay mặt Hội đồng xét xử mở lại phiên tòa bằng “Thông báo ngày xét xử”.

Ngoài ra, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về việc ban hành Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa mà các căn cứ tạm ngừng chưa được khắc phục bằng việc ban hành Quyết định tạm đình chỉ xét xử sơ thẩm hoặc Quyết định tạm đình chỉ phiên tòa sơ thẩm để phù hợp với hậu quả pháp lý của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 BLTTDS./.

3/5 - (2 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.