Bàn về “Người luật sư thành đạt”

Nghề luật

Mình đọc được một bài phỏng vấn rất hay của Hot job corner với Luật sư Nguyễn Tiến Lập. Một bức tranh tổng quát về việc học luật, nghề luật sư được phác họa rất đầy đủ trong bài phỏng vấn này, mình nghĩ các bạn sinh viên luật nên đọc bài viết này để hướng cho mình cách học, cách trang bị kỹ năng và hướng nghề nghiệp sau khi ra trường. Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

 

Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa trôi qua, và cũng như các năm tuyển sinh gần đây, chất lượng đầu vào của sinh viên ngành luật thường không cao, đồng thời những khoa có điểm chuẩn tuyển sinh cao nhất lại không thuộc những trường chuyên đào tạo cử nhân luật. Theo ông, điều đó có liên quan đến việc đội ngũ luật sư đông đảo hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội hay không?

 

Trước hết, hãy xem nước ta có đông đảo luật sư hay chưa. Theo thống kê, hiện thời cả nước có khoảng 7,200 người được cấp thẻ hành nghề luật sư. Chia trên dân số thì có chừng 1 luật sư/12,000 người dân, trong khi, tỷ lệ này ở Israel là 1/170 (cao nhất thế giới), Mỹ là 1/265, Nhật Bản là 1/400, Singapore là 1/1000 và Thái Lan là 1/1.526. Như vậy, nếu nhìn vào con số để so sánh thì ta có thể cho rằng rất ít, và như thế dễ dàng kết luận một cách chủ quan rằng nhu cầu xã hội đối với nghề luật sư vô cùng lớn.

 

Thực tế có phải vậy không? Dựa vào con số các tổ chức hành nghề luật sư đã đăng ký và theo ước tính của cá nhân tôi, chỉ có khoảng tối đa 60% số luật sư thực sự hành nghề, tức có công việc thường xuyên, và trong số đó, số luật sư cung cấp dịch vụ tốt, có uy tín và thu nhập tương đối cao chỉ chiếm khoảng một nửa là cùng.

 

Tại sao như vậy? Hãy so sánh với trường hợp bác sỹ, một nghề cũng chuyên nghiệp và tự do tương tự. Con người ai cũng ốm và nếu ốm là cần bác sỹ, bất kể sống trong một nước giàu hay nghèo và thuộc chế độ chính trị nào, do đó nhu cầu bác sỹ ở đâu và bao giờ thường cao. Nghề luật sư không chỉ gắn với một nhu cầu xã hội ban đầu mang tính hình thức là số lượng các vụ bị xâm phạm quyền hay tranh chấp pháp lý mà người dân vướng phải; nó có cấp thiết cho xã hội và người dân hay không còn phụ thuộc vào việc luật sư có thể giúp gì cho khách hàng của mình nếu được cần đến.

 

Có nghĩa rằng, để tiếp cận luật sư người dân trước hết phải tin vào pháp luật và khi được luật sư hỗ trợ, họ phải tìm kiếm được công lý mà mình đòi hỏi. Suy rộng ra, môi trường pháp lý là yếu tố quan trọng và căn bản nhất để xác định xem nhu cầu của xã hội đối với luật sư là cao hay thấp. Sau đó, đương nhiên là các yếu tố thói quen và văn hóa và khả năng chi trả phí dịch vụ. Khía cạnh sau cùng này không kém phần quan trọng, bởi chỉ đối với người nghèo khi có vụ việc rắc rối, họ thường không có lối thoát nào khác là trông cậy vào pháp luật, nhưng chính họ lại ít có khả năng trả tiền cho luật sư nhất.

 

Phân tích như vậy để thấy rằng việc số sinh viên học luật có xu hướng giảm trong bối cảnh kinh tế – xã hội đang có sự suy thoái như hiện nay là dễ hiểu. Khác với khoảng hơn mươi năm trước đây, với bùng nổ về kinh tế và sự kỳ vọng tràn trề vào tăng trưởng và việc đất nước hóa rồng hóa hổ, không chỉ là kỷ lục về số lượng mà còn có cả những học sinh tốt nghiệp phổ thông giỏi nhất, tất cả dường như đều muốn thi vào ngành luật. Rất có thể một hiện tượng như vậy lại có cơ hội tái diễn trong tương lai, và tôi nghĩ điều đó là bình thường.

 

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, không ít sinh viên luật khi tốt nghiệp rất khó để mưu sinh bằng chính nghề nghiệp được đào tạo. Bằng chứng là nhiều bạn trẻ đã phải từ bỏ giấc mơ theo đuổi nghề luật. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này và đôi lời khuyên dành cho những sinh viên mới tốt nghiệp thực sự muốn theo đuổi nghề luật sư nói riêng và nghề luật nói chung?

 

Về việc khó khăn trong tìm kiếm việc làm trong nghề luật, tôi cho rằng cần xét từ cả hai phía: thị trường lao động và bản thân người tìm việc. Thị trường lao động hiện nay đang xuống đáy, cả khu vực nhà nước và tư nhân, do kinh tế khủng hoảng. Và điều này đúng cho tất cả các ngành nghề, không chỉ lĩnh vực luật. Tuy nhiên, về bản chất, với tư cách là một người làm nghề luật hơn 20 năm, bao gồm cả làm cán bộ nhà nước, nghiên cứu, giảng dạy và làm luật sư, tôi coi trọng hơn các yếu tố chủ quan của những người đã qua đào tạo luật và muốn trở thành luật sư.

 

Luật sư luôn luôn là một nghề tự do và chuyên nghiệp, do đó những người đã hoặc muốn trở thành luật sư trước hết cần phải có năng lực tự tìm việc hoặc tạo việc cho mình. Nếu bạn tiếp cận một chủ doanh nghiệp và nói rằng hãy cho tôi một chỗ làm việc thì ở thời điểm như hiện nay, khi rất nhiều doanh nghiệp đang loay hoay để tránh đóng cửa hoặc phá sản, chí ít cũng là cắt giảm lao động thì đương nhiên câu trả lời sẽ là “Không”.

 

Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng nói rằng “Doanh nghiệp ông đang có vấn đề gì về pháp lý mà tôi có thể hỗ trợ giải quyết?”, thì 99,9% bạn sẽ được tiếp nhận. (Bởi trong bối cảnh “khủng hoảng” này các doanh nghiệp đang có quá nhiều rắc rối về tài chính, pháp lý cần giải quyết). Nói một cách khác, hãy chứng minh bạn là “nhà cung cấp dịch vụ” chứ không đơn giản là “người xin việc”.

 

Khủng hoảng kinh tế có thể là cơ hội tốt cho sinh viên Luật nếu họ đủ năng lực giải quyết vô số vấn đề về tài chính và pháp lý mà rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải. Tuy nhiên, trên thực tế, rất tiếc rằng các cử nhân luật của chúng ta lại không được đào tạo để có các kỹ năng cũng như khả năng nói trên. Lỗi thực sự ở chương trình đào tạo và phương pháp tư duy. Một nghề đòi hỏi sự chủ động, bởi anh sinh ra để giúp người khác giải quyết vấn đề kia mà, trong khi lại khởi đầu bằng một thái độ và thói quen thụ động thì làm sao thành công và kiếm được việc làm?

 

Như vậy, lời khuyên đối với các bạn học luật và có tâm huyết với nghề là hãy đừng nản chí, cần học thêm nữa cả về chuyên môn lẫn các vấn đề của cuộc sống hàng ngày, sau đó dẫn thân vào bất cứ công việc gì, có thể ở một doanh nghiệp hay nếu may mắn thì ở một văn phòng luật sư để kiếm sống và trau dồi nghề nghiệp. Bằng cách đó, bạn sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ mà xã hội luôn luôn cần đến.

 

Ngoài chuyên môn giỏi, một người luật sư chắc chắn cần phải có một tinh thần thép, một “bộ não” luôn tỉnh táo, tư duy logic, khả năng phân tích và nhìn nhận vấn đề sắc sảo?

 

Đương nhiên là vậy, bởi đó là các yêu cầu về năng lực và kỹ năng tối thiểu của việc hành nghề luật. Người ta vẫn hãy nói đùa rằng nếu bạn không có vấn đề gì mà gặp luật sư thì sau đó sẽ thấy có rất nhiều vấn đề để đau đầu (bởi luật sư là người có khả năng phát hiện ra vấn đề), còn nếu bạn đang có chuyện rắc rối mà gặp luật sư thì sau đó thấy chẳng còn chuyện gì nữa (bởi luật sư là người có khả năng giải quyết vấn đề). Nói thế để thấy rằng người nào có thói quen tư duy đơn giản và dễ thỏa mãn thì chắc chắn không thể làm nghề luật sư thành công được. Nhưng đó cũng vẫn là nguyên lý chung hay “lý thuyết”.

 

Thực tế thì để có khả năng tư duy nhiều chiều và sắc sảo trong công việc, không phải là câu chuyện năng khiếu có tính bẩm sinh của một người đâu mà chính là sự đào tạo cộng với quá trình rèn luyện, trải nghiệm và suy ngẫm về các vấn đề mình vấp phải, được nghe thấy hoặc chứng kiến. Óc quan sát của một luật sư cần phải như cái màn hình rada có khả năng quét rộng, để không bỏ sót bất cứ cái gì mà mình thấy cần quan tâm cho công việc. Ngoài ra, hãy cần học nhiều từ các chuyên ngành liên quan và từ cuộc sống.

 

Nếu bạn muốn là luật sư của doanh nghiệp mà không hiểu kinh doanh, ít nhất về nguyên lý, chưa nói là phải biết và “khôn” hơn cả người quản lý doanh nghiệp nữa, hay ít ra phải thể hiện được như vậy, thì ai sẽ sẵn lòng thuê bạn làm tư vấn và trả tiền ? Đáng tiếc rằng, hệ thống đào tạo luật của chúng ta đang bắt đầu bằng các học sinh tốt nghiệp phổ thông, vốn chưa từng trải nghiệm gì cả.

 

Tiếp sau đó, rất nhiều thày dạy luật lại cũng chưa từng làm gì khác ngoài học luật và sau đó đi dạy chính cái điều mình đã học chứ không phải cái mà mình biết, minh hiểu và mình tin. Nếu không hiểu cuộc sống, hiểu đời và hiểu người, bạn sẽ không thể hiểu được bản chất của các điều luật, để rồi sau đó có thể giúp gì nữa cho người và cho đời (!?).

 

Nói đến “cái Tâm” của người luật sư, nên chăng là một người xử lý các vấn đề của thân chủ mình ngay cả hậu quả của vấn đề đó hay thuyết phục được các khách hàng rằng họ đang có rủi ro về pháp lý, tìm ra được các rủi ro pháp lý có thể xảy ra với thân chủ mình?

 

Câu chuyện về “cái Tâm” luôn luôn hay vì nó cần cho tất cả ai muốn sống và làm việc tử tế. Cái Tâm trong nghề luật, như tôi đã từng chia sẻ với nhiều bạn luật sư trẻ, chính là lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn cần phải có trong bạn, hình thành từ tấm bé, rằng bạn luôn luôn quan tâm đến người khác, không phải là hạnh phúc mà là nỗi đau của họ, những rắc rối và phiền toái, và trên nữa là bất công mà họ phải gánh chịu. Chính vì sự trắc ẩn với con người và thân phận của họ, bạn sẽ tự nguyện lựa chọn nghề luật như là một giải pháp để đưa con người tiếp cận công lý, nếu đó là điều họ đòi hỏi.

 

Theo đuổi nghề luật là sự dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh cho lẽ phải và công bằng. Và đó, rất tiếc rằng, sẽ chính là nỗi khổ và sự thiệt thòi, nếu có mà bạn phải chịu đựng. Đơn giản nhất là bởi vì bạn không dứt được hay ngủ ngon giấc nếu các rắc rối của khách hàng vẫn chưa được giải quyết; phức tạp hơn là các phiền toái do bị gây sức ép bởi các đối tượng liên quan nào đó muốn bạn bóp méo sự thật và đi chệch con đường công lý.

 

Tôi không thấy có luật sư nào thành đạt và có uy tín xã hội mà không phải là người có tâm lớn. Đó cũng chính là niềm tự hào hay vinh quang của nghề luật. Bởi thế, luật sư cũng như bác sỹ, nhà giáo, xưa nay vốn là những nghề được người đời nể trọng.

 

Khi các vấn đề về dân chủ và quyền lợi cơ bản của con người ngày càng được người dân và giới trẻ nhận thức một cách sâu sắc, theo ông, nghề luật sư có thể giúp được họ những gì trong việc đảm bảo mọi người bình đẳng như nhau về mọi quyền lợi và nghĩa vụ?

 

Theo tôi, nghề luật sư dường như không thể tách rời chính trị, hiểu theo nghĩa không phải là đời sống chính quyền hay sự nghiệp quan trường, mà là bảo vệ các quyền công dân và con người. Cũng có nhiều luật sư thành đạt bằng việc kiếm tiền giỏi có quan điểm ngược lại, với tôi đó là tầm thường hóa nghề luật. Tuy nhiên, nghề luật sư lại cần sự tỉnh táo và sáng suốt để sử dụng các công cụ pháp lý cho mục tiêu công việc mà không sa vào các tình huống mà trong đó bản thân hay công việc của mình bị chính trị hóa. Ranh giới đó mỏng manh và nhiều khi cần tới cả nghệ thuật ứng xử.

 

Dù sao trên thực tế đất nước ta, đội ngũ luật sư hiện thời đã và đang đóng góp rất tích cực vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, xử lý các tranh chấp và vi phạm pháp luật, qua đó bảo vệ được kỷ cương pháp luật và các quyền cơ bản và lợi ích chính đáng của người dân. Cũng có thể nói một cách hình ảnh rằng, nhìn từ bình diện hội nhập hóa nền kinh tế với thế giới bên ngoài, nếu trong thời chiến, chúng ta cần bộ đội để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì trong thời bình, chính luật sư là các chiến sỹ bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế của đất nước.

 

Trong quá trình hội nhập hiện nay, nhiều người cho rằng ngoại ngữ là kỹ năng còn yếu nhất của phần lớn đội ngũ luật sư Việt Nam? Ông nhận thấy quan điểm này thế nào?

 

Tôi không có thông tin chính xác về số lượng các luật sư thành thạo ngoại ngữ (đặc biệt tiếng Anh) để sử dụng cho công việc của họ nhưng tin rằng con số đó là rất nhỏ. Thậm chí ở một hội thảo có người còn nói rằng số luật sư Việt Nam có khả năng tương tác quốc tế, tức có thể làm việc với đồng nghiệp nước ngoài, tham gia đàm phán hay tranh tụng quốc tế, ước chừng chỉ 20 người. Nói vậy, có thể hơi quá, nhưng có hàm ý đúng ở khía cạnh rằng giỏi ngoại ngữ không đồng nghĩa với khả năng tương tác nghề nghiệp quốc tế. Về cơ bản, có thể nói rằng Việt Nam đang rất thiếu các luật sư được đào tạo quốc tế và đạt tới trình độ được các đồng nghiệp nước ngoài công nhận. Ngoài việc được học ở nước ngoài, anh còn cần có thời gian cùng làm việc với các luật sư quốc tế nữa để xâm nhập sâu vào các kỹ năng nghề nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế. Và đó là một yêu cầu rất khó đối với số đông các luật sư hiện nay.

 

Tuy nhiên, học ngoại ngữ sẽ là bước đi đầu tiên, bởi trước hết, trong hoàn cảnh nền khoa học pháp lý kém phát triển như ở nước ta, nếu thiếu ngoại ngữ, các sinh viên luật sẽ không thể tiếp cận các tài liệu và giáo trình của các nền luật pháp tiên tiến vốn dễ kiếm được nhưng lại phải đọc bằng tiếng nước ngoài. Và như vậy, không chỉ khả năng giao tiếp mà kiến thức của bạn cũng sẽ bị giới hạn, thậm chí tụt hậu.

 

Rất tiếc rằng hạn chế này đối với các sinh viên luật dường như vẫn chưa có hướng khắc phục cơ bản. Phải chăng, có một lý do là chính các thầy dạy luật cũng đang còn yếu về ngoại ngữ, và như thế, học trò khó có điều kiện để khá hơn.

 

Trên thực tế, vì số lượng luật sư Việt Nam được “quốc tế hóa” còn ít, họ vẫn đã và đang tạo ra một nhóm “đặc quyền” có cương vị nghề nghiệp khá tốt với thu nhập cao, chủ yếu hoạt động trong khu vực đầu tư và doanh nghiệp. Trong khi đó, các luật sư khác giàu kinh nghiệm nhưng không thành thạo ngoại ngữ, thường hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tranh tụng hình sự hoặc dân sự.

 

Nguyễn Trường Thạch / Lawnet

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền