Bài tập môn kỹ năng nghiên cứu và lập luận

Chuyên mụcĐề cương ôn tập Kỹ năng nghiên cứu và lập luận

Tổng hợp các bài tập môn kỹ năng nghiên cứu và lập luận (không kèm theo đáp án) thường gặp trong các đề thi kết thúc học phần để bạn tham khảo, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

 

Các nội dung liên quan:

 

Câu 1: 

Hãy viết một văn bản lập luận với độ dài khoảng 600 từ để bày tỏ quan điểm của mình về việc “Nên hay không nên sống thử trước hôn nhân”?.

Câu 2: 

Hãy sắp xếp và liên kết các ý kiến sau đây để tạo thành một đoạn lập luận chặt chẽ, logic và mạch lạc nói về vai trò của văn hóa pháp luật đối với công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay:

Những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến để pháp luật đi vào đời sống, nhằm từng bước hình thành nếp sống và thói quen hành xử tôn trọng pháp luật.

Thói quen không tuân thủ pháp luật, coi thường pháp luật, lách luật, lối ứng xử tùy tiện với pháp luật… đang tồn tai và biểu hiện rất phổ biến, không chỉ với dân thường mà ngay cả đối với những cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền; thậm chí, cả với những người đang nắm giữ cán cân công lý của xã hội.

Công cuộc đổi mới đất nước hiện nay đặt chúng ta trước nhiều mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, trong đó có mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, lấy pháp luật làm nền móng điều tiết các hành vi cá nhân và các quan hệ xã hội,  hướng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Sự gia tăng đến mức báo động các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Đó cũng chính là những biểu hiện các một đời sống văn hóa pháp luật không lành mạnh, một thái độ ứng xử văn hóa không thượng tôn pháp luật.

Thực trạng ấy đang từng ngày làm ô nhiễm bầu không khí tinh thần của xã hội, làm suy giảm đáng kể lòng tin của người dân đối với tính nghiêm minh của pháp luật, dẫn đến coi thường kỷ cương phép nước.

Những biểu hiện xuống cấp và suy thoái đạo đức, đặc biệt là “ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức, có quyền” đang là nỗi bất bình của toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, văn hóa ứng xử với pháp luật trong xã hội ta hiện nay còn nhiều tiêu cực, biểu hiện từ các hành vi ứng xử với pháp luật của mỗi cá nhân trong đời sống hàng ngày cho đến trình độ vận dụng công cụ pháp luật của Nhà nước trong quản lý xã hội cũng như việc thực thi pháp luật trong thực tế.

Câu 3:

Khi con gái hỏi: “Câu châm ngôn mà cha yêu thích?” C.Mác trả lời: “Hoài nghi tất cả”. Hãy viết một bài luận thể hiện quan điểm của bạn về câu châm ngôn được C.Mác yêu thích này và củng cố lập luận của mình bằng các trải nghiệm mà bạn có được từ sách báo, từ các quan sát trong thực tế cuộc sống và kinh nghiệm cá nhân.

Câu 4: 

Hãy sắp xếp và liên kết các ý kiến sau đây để tạo thành một đoạn lập luận chặt chẽ, logic và mạch lạc nói về vai trò của văn hóa pháp luật đối với công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay:

Văn hóa pháp luật vừa là một lĩnh vực biểu hiện của văn hóa xã hội, nhưng cũng đồng thời là sản phẩm của văn hóa xã hội, chịu sự tác động của các yếu tố xã hội như phương thức sản xuất, các hệ tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống, phong tục tập quán…

Trong bối cảnh xã hội mà sự vi phạm pháp luật trở nên phổ biến và đáng báo động như hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền càng đặt ra cấp bách và khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Sự hình thành văn hóa pháp luật của một quốc gia, do vậy, không thể không bị chi phối bởi những đặc trưng văn hóa truyền thống.

Trong nhiều bước đi và giải pháp có tính chiến lược và đồng bộ, cần phải coi việc xây dựng một nền văn hóa pháp luật tích cực, lành mạnh như một nhiệm vụ có tính nền tảng cần được đưa lên vị trí ưu tiên trong chiến lược phát triển.

Quá trình hình thành nên một nền văn hóa pháp luật cũng như thái độ của con người trong việc sử dụng pháp luật đều có thể tìm thấy nguyên nhân sâu xa trong tập quán sản xuất, nếp sống và những thói quen sinh hoạt…

Việc nhận diện văn hóa pháp luật Việt Nam hiện nay nếu không chỉ ra được những căn nguyên sâu xa từ nền tảng văn hóa truyền thống đứng sau những hiện tượng tiêu cực trong những hành vi ứng xử với pháp luật thì khó có thể tìm ra những giải pháp có tính chiến lược để xây dựng một nền văn hóa pháp luật Việt Nam tích cực, lành mạnh, tạo nền tảng để thực hiện thành công công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay.

Đây chính là một lực cản rất lớn trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế và cao hơn là xây dựng một nhà nước pháp quyền.

Việt Nam là một quốc gia đã có lịch sử cả ngàn năm tồn tại và phát triển nên nền tảng của phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước tiểu nông và tư tưởng Nho giáo, nơi mà các chuẩn mực điều chỉnh hành vi của xã hội dựa trên cơ sở của luật tục hơn là luật pháp, đạo lý hơn là pháp lý, nay chuyển sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế thị trường.

Câu 5:

Hãy phân tích vai trò của tư duy phản biện đối với hoạt động ban hành pháp luật. Nêu dẫn chứng để chứng minh.

Câu 6:

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII, vấn đề nên hay không nên ban hành luật về “Quyền im lặng” đã được đưa ra bàn thảo và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Anh chị hãy lập luận để bảo vệ quan điểm của mình về vấn đề trên.

Câu 7:

Hãy phân tích đặc điểm và vai trò của lập luận pháp lý trong sự so sánh với lập luận trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Câu 8:

Để nâng cao chất lượng nhân sự của bộ máy nhân quyền, những năm gần đây một số tỉnh, thành (như Nam Định, Đà Nẵng, Hải Hưng… ) ban hành quy định không tuyển dụng những người có bằng cử nhân hệ tại chức, hoặc tốt nghiệp đại học từ các trường dân lập, tư thục vào cơ quan công quyền. Quy định này đã gây nên những tranh luận trái chiều trong xã hội.

Anh chị hãy viết một lập luận để thể hiện quan điểm của mình về vấn đề trên.

Câu 9:

Hãy phân tích vai trò của tư duy phản biện đối với lĩnh vực tổ chức, quản lý xã hội. Nêu dẫn chứng để chứng minh.

Câu 10:

Hãy lập luận để bảo vệ quan điểm của mình về việc nên hay không nên bãi bỏ án tử hình ở Việt Nam hiện nay.

Câu 11: 

Theo bạn, vì sao phải rèn luyện kỹ năng lập luận và làm thế nào để rèn luyện kỹ năng lập luận.

Câu 12:

Tại một cuộc họp ở UBND TP.HCM, lãnh đạo sở Giao thông vận tải đã kiến nghị với UBND TP về việc xây dựng quy định hạn chế xe ô tô cá nhân vào trung tâm thành phố với các lý do: a) Để giảm tình trạng kẹt xe ở khu vực trung tâm thành phố đang ngày càng nghiêm trọng; b) Để hạn chế lượng khí thải do các phương tiện thải ra môi trường đã đến mức báo động; c) Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xăng dầu.

Theo đề xuất của cơ quan này, những ô tô có biển số chẵn được lưu thông trong nội thành vào các ngày thứ 2,4,6 trong tuần; những xe có biển số lẻ được lưu thông vào các ngày 3,5,7. Riêng chủ nhật, tất cả các xe ô tô được lưu thông trong nội thành. Biển số chẵn, lẻ được xác định theo số cuối.

Hãy viết một văn bản lập luận thể hiện quan điểm của mình về việc nên (hay không nên) quy định xe ô tô được lưu thông trong nội thành vào các ngày trong tuần theo biển số chẵn/lẻ như đã đề xuất trên để hạn chế nạn kẹt xe và giảm thiểu ô nhiễm môi trường./.

Câu 13: 

Anh chị hãy phân tích vai trò của kỹ năng lập luận đối với việc hành nghề Luật.

Câu 14:

Ngày 30 tháng 9 năm 2008, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 33/2008/QĐ-BYT về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (xe mô tô 2 bánh và xe ô tô) gồm 83 tiêu chí.

Quyết định này đã bị nhiều ý kiến phản biện trong dư luận xã hội. Bằng tư duy phản biện và kỹ năng lập luận, anh chị hãy bày tỏ quan điểm của mình về việc ban hành quyết định trên.

Câu 15:

Có ý kiến cho rằng: “Để đạt được mục đích của mình và thành công trong cuộc sống, ta cần phải biết bảo vệ đến cùng quan điểm của mình và bác bỏ quan điểm của người khác”. Bạn hãy viết một bài luận để thể hiện quan điểm của mình về vấn đề này và củng cố lập luận bằng các trải nghiệm mà bạn có được từ sách báo, từ các quan sát trong thực tế cuộc sống và kinh nghiệm bản thân.

Câu 16: 

Hãy nêu các kỹ năng cần có để giành chiến thắng trong tranh luận.

Theo anh chị, làm thế nào để rèn luyện kỹ năng tranh luận?

Câu 17:

Anh chị hãy viết một đoạn văn bản lập luận với độ dài khoảng 600 từ để bày tỏ quan điểm của mình về việc “Nên hay không nên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới”.

Sinh viên không được sử dụng tài liệu khi làm bài thi. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

5/5 - (2 bình chọn)

Phản hồi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền