Áp dụng pháp luật theo quy trình tố tụng dân sự hay quy trình hành chính để giải quyết việc trao nhầm trẻ em

Trẻ em

Trong thực hiện nhiệm vụ, do sơ ý có một số trường hợp nhân viên y tế đã trao nhầm con giữa hai bà mẹ. Khi sự thật được sáng tỏ, các bên đã thống nhất việc giao, nhận con cho nhau với sự chứng kiến của cơ sở y tế (nơi đã xảy ra việc trao nhầm trẻ em) và cơ quan nhà nước (cơ quan tư pháp địa phương). Dưới góc độ pháp luật hiện hành, sự kiện này đặt ra một số vấn đề cần nhận thức thống nhất.

Theo Hiến pháp và pháp luật, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện, trong đó quyền nhân thân là một quyền cơ bản để “định danh” công dân. Pháp luật quy định quyền nhân thân và các quy trình pháp lý, để khi xảy ra sự kiện thì công dân có thể tự mình hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước bảo vệ. Việc áp dụng pháp luật để giải quyết các quan hệ phát sinh là một bước đưa pháp luật vào cuộc sống, là minh chứng cho thấy quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn; không những thế, áp dụng pháp luật còn là cơ sở để bổ sung quy định mới hoàn thiện pháp luật.

Về lý thuyết, quan hệ pháp luật hình thành khi có quy phạm pháp luật, sự kiện pháp lý và năng lực chủ thể. Mọi quan hệ bắt đầu từ sự kiện, trên thực tiễn đã xảy ra sự kiện như sau: Trong thực hiện nhiệm vụ, do sơ ý trong việc trao con cho mẹ, nhân viên y tế đã trao nhầm con giữa hai bà mẹ. Quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, linh cảm đối với đứa con mình đang nuôi dưỡng không cùng huyết thống, nên người mẹ đã nhờ cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động kỹ thuật cần thiết để xác minh nhận định trên. Qua giám định gen (ADN) cho thấy, đứa con đang nuôi dưỡng không cùng huyết thống như nhận định ban đầu và tiến hành tìm kiếm con đẻ. Sau khi đã xác định, đây là lỗi vô ý của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành đối chiếu hồ sơ và tìm ra được con đẻ (con ruột) của mình giao cho một người khác nuôi dưỡng, người đang nuôi dưỡng không biết sự trao nhầm của nhân viên y tế và chăm sóc đứa trẻ với cả tình thương của người sinh thành. Khi tiếp cận và giải thích trên cơ sở khoa học (kết quả ADN), các bên đã thống nhất việc giao, nhận con cho nhau với sự chứng kiến của cơ sở y tế (nơi đã xảy ra việc trao nhầm trẻ em) và cơ quan nhà nước (cơ quan tư pháp địa phương). Việc trao đổi trẻ em về cho cha đẻ, mẹ đẻ giữa hai gia đình đã thành công. Về mặt tình cảm, hai gia đình đã có “niềm vui nhân đôi”, nhận lại con đẻ và “được thêm” một người con – người con đã nuôi dưỡng, chăm sóc từ trước. Với hệ thống pháp luật hiện hành, sự kiện này đặt ra một số nội dung sau:

Một là, cơ sở xác lập quan hệ các bên

Một bên gia đình đưa kết quả giám định ADN cho gia đình kia và hai bên gia đình đã đi đến thống nhất sẽ giao, nhận con cho nhau. Trong quan hệ này, các gia đình xác lập trên cơ sở tình cảm của cha, mẹ với các con (tình người), phạm trù đạo đức chi phối quan hệ này. Có thể gọi việc hai gia đình giải quyết theo phương thức này là “trao đổi ngang giá”, phù hợp với tâm lý “vạn cái lý không bằng tí cái tình…”.

Hai là, địa vị pháp lý của các cơ quan nhà nước 

Trên cơ sở pháp luật, sự tham gia của cơ sở y tế (nơi thực hiện hành vi trao nhầm trẻ em) và cơ quan tư pháp (mang tính chứng kiến) không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật (không phải quan hệ pháp luật dân sự, không phải quan hệ pháp luật hành chính, cũng không phải quan hệ pháp luật hình sự); không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; sự tham gia này không phải quan hệ tình cảm. Pháp luật hiện hành không quy định phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước trong quan hệ giao, nhận con của hai gia đình, sự tham gia của cơ quan nhà nước trong trường hợp này “chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh”.

Ba là, kết quả giám định gen (ADN)

Trong mối quan hệ pháp luật, kết quả giám định ADN được xem là một chứng cứ (căn cứ) khoa học để chứng minh một nhận định của các bên liên quan, nhưng sự chứng minh của các gia đình trong quan hệ phải được cơ quan có thẩm quyền “phán quyết” công nhận mới có hiệu lực áp dụng với bên liên quan.
Hiện nay, sự kiện trao nhầm trẻ em tại cơ sở y tế đã được các gia đình “giải quyết”, đặt sự kiện trong hệ thống pháp luật hiện hành, thì “áp dụng pháp luật theo quy trình tố tụng dân sự hay quy trình hành chính để giải quyết việc trao nhầm trẻ em”?

Trên cơ sở pháp luật về quyền nhân thân và chế tài đảm bảo cho việc bảo vệ quyền nhân thân, hiện nay, có một số ý kiến áp dụng pháp luật trong việc giải quyết trao nhầm trẻ em tại cơ sở y tế như sau:

Ý kiến thứ nhất: Giải quyết theo quy trình hành chính. Ý kiến này thực hiện trên cơ sở pháp luật hiện hành đó là Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Hộ tịch năm 2014. Ý kiến này cho rằng, giải quyết việc trao nhầm trẻ em chỉ cần thực hiện theo quy trình hành chính, với kết quả ADN, có sự chứng kiến của cơ sở y tế (nơi thực hiện hành vi trao nhầm) và cơ quan tư pháp (đại diện chính quyền) là đảm bảo được quyền lợi của các bên. Kết quả giám định ADN và sự chứng kiến của cơ quan nhà nước là cơ sở để xác nhận hai gia đình đã giao, nhận trẻ em do nhân viên cơ sở y tế trao nhầm. Cuộc trao đổi thành công, các bên liên quan đến cơ quan nhà nước yêu cầu thực hiện các thủ tục hành chính để hoàn thiện thủ tục pháp lý về quyền nhân thân, như cải chính hộ tịch liên quan (xác định cha đẻ, mẹ đẻ; xác định họ; dân tộc; quê quán…).

Trên cơ sở pháp luật, áp dụng quy trình hành chính này chưa xác định được quan hệ pháp luật liên quan, như: Địa vị pháp lý của các gia đình trong quan hệ giải quyết sự kiện; địa vị pháp lý của các cơ quan nhà nước khi tham gia giải quyết sự việc; giá trị pháp lý của kết quả giám định ADN trong giải quyết sự việc. Về pháp luật dân sự, giải quyết việc trao nhầm trẻ em tại cơ sở y tế liên quan đến việc thực hiện các quyền nhân thân, như: Xác định họ, xác định dân tộc,…, nhìn xa hơn có thể liên quan đến các quyền thừa kế, sở hữu trí tuệ của công dân.

Ý kiến thứ hai: Giải quyết theo quy trình tố tụng dân sự. Căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, bản chất của sự kiện, ý kiến này khẳng định, đây là tranh chấp dân sự. Trong sự kiện này, một gia đình đang nuôi con và một người đến nói: “Đó không phải là con của anh, do nhân viên y tế trao nhầm”. Về mặt tâm lý, bất cứ ai trong tình huống đó cũng đều có phản ứng “chiếm hữu” đứa con mình đang nuôi dưỡng, dù có chứng cứ khoa học thì cũng khó chấp nhận. Về khái niệm tranh chấp, theo từ điển Tiếng Việt, thì tranh chấp là “giành nhau một vật không rõ ràng thuộc về bên nào” (Từ điển Tiếng Việt năm 2008 của Nxb. Đà Nẵng). Pháp luật tố tụng hiện hành có quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong giải quyết tranh chấp dân sự liên quan đến hôn nhân và gia đình, trong đó có việc “Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ” (khoản 4 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Ý kiến này xác định, đây là quan hệ pháp luật tố tụng thì phải theo quy trình tố tụng dân sự, có nghĩa là có khởi kiện, có xét xử và thi hành án theo quy trình tố tụng dân sự. Vậy thì chủ thể nào sẽ tiến hành khởi kiện để giao, nhận con về cho hai gia đình trong quan hệ này, trong khi các bên gia đình đều chấp nhận kết quả giám định ADN và xem nó là cơ sở để các cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục hành chính liên quan. Quy định pháp luật hiện hành có Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hộ tịch năm 2014, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong trường hợp trao nhầm trẻ em tại cơ sở y tế có thể đề cập đến Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Với hệ thống pháp luật hiện hành, có nhiều cơ quan, tổ chức có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong trường hợp này, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, với tư cách là chủ thể pháp luật quy định thực hiện khởi kiện các nội dung liên quan đến hôn nhân và gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình (khoản 1 Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), cũng có thể đề cập đến: Ủy ban nhân dân cấp xã, Đoàn Thanh niên (theo Luật Trẻ em năm 2016),… Trong trường hợp này, cơ sở y tế – nơi thực hiện hành vi trao nhầm trẻ em có thể tiến hành khởi kiện tại Tòa án nhân dân với tư cách là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em; các bên gia đình là đương sự trong vụ án. Hiện nay, có thể giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn (Chương XVIII Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em, sớm ổn định tâm lý của các bên.

Theo quy trình, Tòa án nhân dân ra phán quyết về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ; các bên gia đình giao, nhận con; tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết, như: Cải chính hộ tịch cho trẻ em (xác định cha đẻ, mẹ đẻ; xác định họ; dân tộc; quê quán…).

Ý kiến thứ ba: Xác định các quan hệ pháp luật phát sinh sau đó mới áp dụng quy trình pháp luật ở mỗi giai đoạn. Một sự kiện (hành vi hoặc sự biến) tương tác với các quan hệ xã hội (hoặc sự kiện khác) sẽ phát sinh các quan hệ liên quan, khi sự kiện được quy phạm pháp luật điều chỉnh thì đó là quan hệ pháp luật. Hành vi trao nhầm trẻ em tại cơ sở y tế đã chứng minh cho nhận định trên. Qua cách giải quyết của các bên gia đình; ý kiến áp dụng quy trình hành chính; ý kiến áp dụng quy trình tố tụng dân sự cho thấy, những cách giải quyết trên chưa xác định được quan hệ pháp luật phát sinh và địa vị pháp lý của các chủ thể trong quan hệ chưa được đặt ra. Ý kiến này đặt sự kiện trao nhầm trẻ em tại cơ sở y tế trong hệ thống pháp luật để thấy được những quan hệ pháp luật phát sinh và đưa ra quy trình áp dụng tổng hợp quy định pháp luật để giải quyết việc trao nhầm trẻ em.

Về hệ thống pháp luật, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các quyền nhân thân từ Điều 25 đến Điều 39. Trong đó, có thể đề cập các quyền liên quan như: Họ, tên; dân tộc; hộ tịch; quốc tịch; hình ảnh; danh dự, nhân phẩm, uy tín; hiến, nhận bộ phận cơ thể; giới tính; bí mật cá nhân; hôn nhân gia đình; sở hữu trí tuệ. Cùng với việc quy định các quyền nhân thân, pháp luật hoàn thiện các quy trình để bảo vệ và thực hiện các quyền nhân thân của công dân như: Quy trình tố tụng, quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; quy trình hành chính, quy định trong Luật Hộ tịch năm 2014. Trên cơ sở pháp luật, hành vi nhân viên y tế trao nhầm trẻ em cho hai gia đình có thể phát sinh các quan hệ pháp luật sau:

(i) Quan hệ pháp luật hình sự. Đối với hành vi trao nhầm trẻ em của nhân viên y tế có thể phát sinh quan hệ pháp luật hình sự, hành vi này có thể cấu thành “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017); nếu là lỗi cố ý có thể cấu thành “Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi” (Điều 152 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

(ii) Quan hệ pháp luật dân sự. Qua xác minh bằng kỹ thuật khoa học giám định gen (ADN), các gia đình công nhận kết quả ADN là căn cứ xác định con đẻ của mình; nhân viên y tế đã thừa nhận do sơ suất đã thực hiện trao nhầm con cho mẹ (lỗi vô ý). Về quy định pháp luật và bản chất của quan hệ thì đây là tranh chấp con giữa hai gia đình (như đã phân tích tại ý kiến thứ hai).

(iii) Quan hệ pháp luật hành chính. Trong quan hệ pháp luật hành chính xem xét trong hai mối quan hệ: Về mặt tổ chức hành chính, trong tổ chức hành chính phát sinh quan hệ xử lý hành chính và trách nhiệm kỷ luật công vụ của nhân viên y tế đã thực hiện hành vi trao nhầm trẻ em với cơ sở y tế;  quan hệ giữa cơ quan nhà nước với công dân khi các gia đình tiến hành cải chính hộ tịch (quan hệ hủ tục hành chính).

(iv) Về trách nhiệm pháp luật. Với mỗi quan hệ pháp luật sẽ có các chế tài áp dụng và có thể phát sinh các trách nhiệm pháp lý, như: Trách nhiệm hình sự của nhân viên y tế thực hiện hành vi trao nhầm trẻ em (nếu cấu thành tội phạm); trách nhiệm bồi thường của cơ sở y tế; trách nhiệm giao, nhận con giữa hai gia đình (theo quy trình tố tụng dân sự); trách nhiệm bồi hoàn của nhân viên y tế cho cơ sở y tế.

Trong các quan hệ pháp luật trên, trọng tâm là quan hệ pháp luật dân sự xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ. Về lý thuyết, có thể khẳng định, việc trao nhầm trẻ em tại cơ sở y tế là “sự kiện pháp lý phức hợp”. Trên cơ sở pháp luật hiện hành, để giải quyết việc trao nhầm trẻ em tại cơ sở y tế cần phải áp dụng tổng hợp các quy trình pháp luật (cả quy trình tố tụng, quy trình hành chính và hướng dẫn của cơ quan nhà nước do chưa có quy định pháp luật). Để bảo đảm được quyền lợi của các bên liên quan, ý kiến này đưa ra quy trình áp dụng pháp luật để giải quyết việc trao nhầm trẻ em như sau:

Một là, thẩm quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Khi phát hiện sự việc, các bên gia đình, cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật bảo vệ trẻ em hoặc các bên liên quan, như: Hội liên hiệp Phụ nữ, cơ sở y tế, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tổ chức liên quan đến trẻ em có thể tiến hành khởi kiện tại Tòa án nhân dân với tư cách bên bảo vệ quyền lợi cho trẻ em.

Hai là, việc trao nhầm trẻ em tại cơ sở y tế được xét xử theo quy trình tố tụng dân sự, kết quả giám định ADN được phát huy trong trường hợp này là chứng cứ khoa học để Tòa án nhân dân căn cứ ra phán quyết theo thẩm quyền pháp luật, phán quyết của Tòa án nhân dân có hiệu lực được các bên thực hiện.

Ba là, phán quyết của Tòa án nhân dân giải quyết việc trao nhầm trẻ em tại cơ sở y tế mới là “giấy tờ cần thiết” để các bên gia đình tiến hành cải chính hộ tịch (theo Luật Hộ tịch năm 2014) cho trẻ em trong vụ việc.

Giả thiết đặt ra, sau khi Tòa án nhân dân ra phán quyết, các gia đình tiến hành cải chính hộ tịch, trong trường hợp liên quan đến xác định lại dân tộc cho trẻ em, thì giải quyết trên cơ sở nào? Theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về “Quyền xác định, xác định lại dân tộc” thì không có trường hợp xác định lại dân tộc trong việc giải quyết trao nhầm trẻ em. Có ý kiến đề xuất áp dụng như quy định “con nuôi” hoặc “trẻ em bị bỏ rơi” trong điều luật, nhưng trẻ em trong trường hợp này không thuộc diện “con nuôi”, cũng không thuộc diện “bỏ rơi” nên chưa có cơ sở pháp lý giải quyết.

Trong thực tế quan hệ pháp luật có thể xảy ra với nhiều tình tiết tác động đến nhận định của các bên liên quan, cũng như của các cơ quan áp dụng pháp luật, sự kiện trao nhầm con cho mẹ tại cơ sở y tế là “hy hữu”, nhưng phải xác định được các quan hệ pháp luật phát sinh để áp dụng quy trình pháp luật mới bảo vệ được quyền lợi của công dân trong các quan hệ pháp luật trước mắt cũng như lâu dài.

Tác giả cho rằng, việc trao nhầm trẻ em tại cơ sở y tế là trường hợp “hy hữu” trong hoạt động y tế. Để áp dụng đúng quy trình pháp luật; tránh việc giải quyết theo phương thức “trao đổi ngang giá”; bảo vệ quyền lợi của công dân trong giải quyết việc trao nhầm trẻ em, tác giả có ý kiến như sau:

Thứ nhất, cơ quan chuyên môn cần có hướng dẫn về áp dụng quy trình. Việc trao nhầm trẻ em tại cơ sở y tế là “sự kiện pháp lý phức hợp”, trong đó các quy trình pháp luật liên quan với nhau để giải quyết việc trao nhầm trẻ em, bảo vệ các quyền nhân thân phát sinh. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền nhân thân và các văn bản pháp luật quy định quy trình để công dân có thể thực hiện bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước bảo vệ, để áp dụng đúng quy trình, cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn đối với việc áp dụng quy trình pháp luật giải quyết trao nhầm trẻ em, qua đó bảo vệ được các quyền nhân thân của công dân.

Thứ hai, đối với cải chính hộ tịch liên quan đến “xác định lại dân tộc”. Pháp luật hiện hành và Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa quy định cải chính hộ tịch trong trường hợp giải quyết trao nhầm trẻ em. Do vậy, cơ quan nhà nước cần có hướng dẫn trong trường hợp này, nhưng để áp dụng lâu dài thì cần xem xét bổ sung quy định “xác định lại dân tộc” đối với trường hợp giải quyết trao nhầm trẻ em tại Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trên cơ sở pháp luật và sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn áp dụng quy trình pháp luật giải quyết việc trao nhầm trẻ em, bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ pháp luật phát sinh trong thực tiễn là biểu hiện sự thống nhất giữa “cái lý” (pháp luật) và “cái tình” (tình cảm, đạo đức, cảm tính…) trong xử lý các mối quan hệ xã hội nói chung, quan hệ pháp luật nói riêng, như Đại Thi hào Nguyễn Du đã viết “ngoài thì là lý song trong là tình”, điều đó cũng phù hợp với tâm lý của người Á Đông.

Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (www.tcdcpl.moj.gov.vn) 

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.