Áp dụng lẽ công bằng trong án lệ số 04/2016/AL và án lệ số 07/2016/AL

Áp dụng lẽ công bằng
Áp dụng lẽ công bằng (Ảnh: Hocluat.vn)

Một số vấn đề chung về Lẽ công bằng theo pháp luật Việt Nam. Phân tích Lẽ công bằng đã được áp dụng trong Án lệ số 04/2016/AL và Án 07/2016/AL.

“Áp dụng lẽ công bằng trong Án lệ số 04/2016/AL và Án lệ số 07/2016/AL” là bài viết của tác giả Nguyễn Thị Minh Huệ – Thạc sỹ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp đăng tải trên Tạp chí Nghề luật ngày 17/8/2020.

Tóm tắt: Áp dụng lẽ công bằng là một giải pháp giải quyết tranh chấp dân sự khi các bên trong quan hệ dân sự không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định, không có tập quán, không thể áp dụng tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ. Vậy lẽ công bằng là gì, việc áp dụng lẽ công bằng trên thực tế xét xử của Tòa án trong thời gian qua như thế nào và có thể xem là Lẽ công bằng đã được áp dụng trong Án lệ số 04/2016/ALÁn 07/2016/AL hay không là những nội dung được tác giả phân tích trong bài viết này.

Từ khóa: Lẽ công bằng, Án lệ, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật dân sự năm 2015.

Nhận bài: 20/07/2020; Hoàn thành biên tập: 24/07/2020; Duyệt đăng: 17/8/2020

Abstract: Applying Equity is a solution to settle civil disputes when parties of civil relation do not have agreement, legal regulations, practices and it is impossible to apply analogous law, basic legal principles, case-law. Therefore, in this article, the author will analyze what Equity is, how the application of Equity in trials recently is and whether Equity is applied in Case Law No. 04/2016/AL and No. 07/2016/AL.

Keywords: Equity, case law, Civil Procedure Code in 2015, Civil Code in 2015.

Date of receipt: 20/07/2020; Date of revision: 24/07/2020; Date of Approval: 17/8/2020

1. Một số vấn đề chung về Lẽ công bằng theo pháp luật Việt Nam

Một trong những khó khăn trong quá trình Tòa án thực hiện chức năng xét xử của mình là không có các quy định pháp luật để áp dụng khi xem xét giải quyết các vụ, việc cụ thể. Thực tế này đồng thời ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của các cá nhân, tổ chức khi muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại Tòa án. Tháo gỡ khó khăn đó và trên cơ sở kế thừa những điểm ưu điểm của hệ thống thông luật, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015) đã có quy định về việc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Theo Khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015, “Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định”. Khoản 1 Điều 6 Bộ luật dân sự năm 2015 (“BLDS năm 2015”) quy định: “1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. 2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. Như vậy có thể thấy, khái niệm lẽ công bằng lần đầu tiên xuất hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam và được ghi nhận là cơ sở để Tòa án giải quyết các vụ án, vụ việc theo các điều kiện nhất định. Các nhà nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam có những quan điểm nhìn nhận và đưa ra các định nghĩa khác nhau về lẽ công bằng nhưng theo Khoản 3, Điều 45 BLTTDS năm 2015: “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải, được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”. Theo quy định này, lẽ công bằng có một số đặc điểm chính như sau: Thứ nhất, lẽ công bằng phải là lẽ phải, những điều hợp lý, hợp tình, phù hợp với các quy tắc xử sử, các chuẩn mực đạo đức; là lẽ phải và có sự hợp lý.

Thứ hai, lẽ công bằng phải là những điều được xã hội thừa nhận – tức là được sự thừa nhận của số đông do những yếu tố được nêu trong mục thứ nhất.

Thứ ba, lẽ công bằng phải phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc – đặc điểm này của lẽ công bằng đảm bảo rằng lẽ công bằng là những giá trị tốt đẹp, nhân văn, được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan.

Để có thể áp dụng lẽ công bằng trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, Tòa án phải tuân theo các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 6 BLDS năm 2015 như sau: (i) Vụ việc được giải quyết là vụ việc phát sinh từ quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự; (ii) Các bên tranh chấp không có thỏa thuận; (iii) Pháp luật không có quy định; (iv) Không có tập quán được áp dụng; (v) Không thể áp dụng tương tự pháp luật; (vi) Không áp dụng được các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; (vii) Không có án lệ.

Có quan điểm cho rằng: “Khi áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự, trong phần nội dung vụ án và nhận định của Toà án phải ghi rõ những yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền, nghĩa vụ liên quan để qua đó căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã xem xét tại phiên toà, kết quả tranh tụng tại phiên toà để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án, những sự kiện để áp dụng lẽ công bằng. Căn cứ phán quyết của toà án là dựa trên lẽ công bằng, các yếu tố của lẽ công bằng được mô tả, viện dẫn áp dụng. Thay vì viện dẫn điều luật trong các vụ tranh chấp có luật để áp dụng hoặc có tập quán để áp dụng hoặc có luật để áp dụng tương tự hoặc có án lệ để áp dụng, thì trường hợp lẽ công bằng được áp dụng để giải quyết tranh chấp cũng phải được toà án xác định rõ”2 . Ý kiến này có những điểm hợp lý nhất định khi cho rằng Hội đồng xét xử cần xác định rõ ràng rằng căn cứ để Hội đồng xét xử ra bản án, quyết định là dựa trên lẽ công bằng và các yếu tố của lẽ công bằng được mô tả, viện dẫn cụ thể – đây là cơ sở quan trọng để các đương sự đưa ra các lập luận để thực hiện quyền kháng cáo, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở các cấp xét xử cao hơn.

Ý nghĩa của việc áp dụng lẽ công bằng khi giải quyết các vụ việc dân sự đã được thừa nhận rộng rãi tuy nhiên song hành với điều đó là những quan ngại về việc có thể có những sự tùy tiện khi áp dụng lẽ công bằng để xét xử khi chưa có những hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng lẽ công bằng trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự. Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng “Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có quy định (văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành điều luật) rõ các nội dung về lẽ công bằng làm căn cứ để Toa án áp ̀ dụng giải quyết các vụ, việc dân sự khi pháp luật chưa can thiệp kịp”3 .

Vậy trên thực tế, trong thời gian qua lẽ công bằng đã được áp dụng để giải quyết các vụ việc dân sự hay chưa? Đến thời điểm hiện nay, chưa có bất kỳ số liệu, thống kê nào về việc đã có bao nhiêu bản án, vụ việc đã áp dụng lẽ công bằng để giải vụ các vụ việc dân sự. Tuy nhiên, “Ở nước ta, trước khi BLDS năm 2015 ra đời, khái niệm “lẽ công bằng” chưa từng được nhắc đến trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng trong một chừng mực nào đó, nó vẫn được ghi nhận và thể hiện trong các quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC). Và, chính từ những quyết định Giám đốc thẩm này, sau đó đã được TANDTC tuyển chọn và phát triển thành các áÁn lệ hiện nay”4 . Phân tích Án lệ số 04/2016/ALÁn lệ 07/2016/AL thì có thể thấy lẽ công bằng đã được áp dụng khi Hội đồng thẩm phán TAND tối cao khi tuyển chọn, thông qua hai án lệ này.

2. Áp dụng lẽ công bằng trong Án lệ số 04/2016/AL và Án lệ số 07/2016/AL

2.1. Án lệ số 04/2016/AL5

Ngày 06 tháng 4 năm 2016, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua Án lệ số 04/2016/AL. Nguồn của Án lLệ xuất phát từ Quyết định giám đốc thẩm số 04/2010/QĐHĐTP ngày 03/3/2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại thành phố Hà Nội giữa nguyên đơn là bà Kiều Thị Tý, ông Chu Văn Tiến với bị đơn là ông Lê Văn Ngự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Quý, bà Trần Thị Phấn, anh Lê Văn Tám, chị Lê Thị Tường, anh Lê Đức Lợi, chị Lê Thị Đường, anh Lê Mạnh Hải, chị Lê Thị Nhâm.

Năm 1996, vợ chồng ông Chu Văn Tiến và bà Kiều Thị Tý có mua 02 căn nhà cấp 4 trên diện tích đất thổ cư giáp mặt đường Xuân La có chiều ngang 7m, chiều dài hết khổ đất của gia đình ông Lê Văn Ngự tại xã Xuân La, huyện Từ Liêm (nay là phường Xuân La, quận Tây Hồ). Hai bên có làm giấy viết tay mua bán chuyển nhượng nhà đất, nhưng sau đó không thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Sau khi mua, bà Tý đã phá cả hai căn nhà trên để làm lại, tôn nền, xây lại móng, tường lợp ngói như hiện nay. Cuối năm 2005, khi bà Tý đề nghị làm thủ tục xin cấp giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thì gia đình ông Ngự tranh chấp cho rằng bà Tý còn nợ 3,4 cây vàng và chỉ bán diện tích nhà đất phía trong, còn diện tích nhà đất giáp mặt đường Xuân La vẫn là nhà đất của gia đình ông. Cuối năm 2006, hai bên có xảy ra xô sát tranh chấp diện tích nhà đất 21m2 phía mặt đường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ngày 29/10/2007, bà Kiều Thị Tý và ông Chu Văn Tiến khởi kiện đòi quyền sở hữu nhà đất thông qua hợp đồng mua bán nhà đất được xác lập ngày 26/4/1996 giữa vợ chồng ông Lê Văn Ngự, bà Trần Thị Phấn với vợ chồng bà Kiều Thị Tý, ông Chu Văn Tiến. Hợp đồng mua bán nhà đất giữa bà Tý, ông Tiến với vợ chồng ông Ngự, bà Phấn chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật cả về hình thức và nội dung của hợp đồng; trong khi gia đình ông Ngự cho rằng vợ chồng ông Tiến, bà Tý còn nợ 3, 4 cây vàng và không bán diện tích nhà đất giáp mặt đường Xuân La; cho nên vợ chồng ông Ngự, bà Phấn không đồng ý cho vợ chồng ông Tiến, bà Tý làm thủ tục sang tên đăng ký quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Hiện nay toàn bộ diện tích nhà đất theo hợp đồng mua bán chuyển nhượng trên vẫn đứng tên vợ chồng ông Ngự, bà Phấn.

Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp quyền sở hữu nhà đất” và áp dụng các Điều 255 và Điều 256 của Bộ luật dân sự để chấp nhận yêu cầu đòi lại nhà đất của vợ chồng bà Kiều Thị Tý, ông Chu Văn Tiến đối với vợ chồng ông Lê Văn Ngự, bà Trần Thị Phấn. Tại Quyết định số 63/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 14/5/2009, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên và đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2008/DS-ST ngày 25/4/2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại.

Nhận định của Hội đồng thẩm phán TANDTC cho thấy lẽ công bằng đã được sử dụng là một trong những cơ sở để ra quyết định. Trong Án lệ này, lẽ phải, sự hợp lý cần được thừa nhận là tài sản chung của vợ chồng là nhà đất mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác nếu có đủ căn cứ xác định: (i) Bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận; (ii) Người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; (iii) Bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai thì phải xác định là người không ký tên trong hợp đồng đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất, cụ thể: Việc chuyển nhượng nhà, đất theo Hợp đồng mua bán nhà đất diễn ra vào ngày 26/4/1996. Sau khi mua nhà, đất, ông Tiến, bà Tý đã trả đủ tiền, nhận nhà đất, tôn nền đất, sửa lại nhà và cho các cháu đến ở. Trong khi đó gia đình ông Ngự, bà Phấn vẫn ở trên diện tích đất còn lại, liền kề với nhà ông Tiến, bà Tý. Theo lời khai của các người con ông Ngự, bà Phấn thì sau khi bán nhà, đất cho vợ chồng bà Tý, ông Ngự, bà Phấn đã phân chia vàng cho các người con. Sau khi chuyển nhượng và giao nhà đất cho ông Tiến, bà Tý thì ngày 26/4/1996, ông Ngự còn viết “giấy cam kết” có nội dung mượn lại phần nhà đất đã sang nhượng để ở khi xây dựng lại nhà trên phần đất còn lại và trong thực tế vợ chồng bà Phấn, ông Ngự đã sử dụng phần nhà đất của bà Tý, ông Tiến khi xây dựng nhà. Như vậy, có cơ sở xác định bà Phấn biết có việc chuyển nhượng nhà, đất giữa ông Ngự với vợ chồng ông Tiến và bà Tý, bà Phấn đã đồng ý, cùng thực hiện nên việc bà Phấn khiếu nại cho rằng ông Ngự chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng bà Tý bà không biết là không có căn cứ. Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật hiện hành không có quy định để giải quyết trường hợp ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng thì xử lý như thế nào. Bên cạnh đó pháp luật cũng không có quy định về việc nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng chuyển nhượng nhà đất là tài sản chung của vợ chồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai thì cần phải xác định như thế nào. Mặt khác, không có tập quán, không thể áp dụng tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ để giải quyết vụ việc này. Tuy nhiên, căn cứ vào bản chất pháp lý của sự việc, những diễn biến, sự kiện, hành vi và chứng cứ chứng minh việc đã có hành vi chuyển giao tiền; chuyển giao đối tượng của hợp đồng; cũng như việc sử dụng lợi ích tài chính của cá nhân không ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất là tài sản chung của vợ chồng, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã nhận định là cần phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất.

2.2. Án lệ số 07/2016/AL6

Ngày 17 tháng 10 năm 2016, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua Án lệ số 07/2016/AL. Nguồn của Án lệ xuất phát từ Quyết định giám đốc thẩm số 126/2013/DS-GĐT ngày 23/9/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng nhà” tại thành phố Hà Nội giữa nguyên đơn là các ông, bà Nguyễn Đình Sông, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Hương với bị đơn là các ông, bà Đỗ Trọng Thành, Đỗ Thị Nguyệt, Vương Chí Tường, Vương Chí Thắng, Vương Bích Vân, Vương Bích Hợp; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm các ông, bà Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Hay, Tô Thị Lâm, Nguyễn Đình Uân, Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trần Thị Bích, Vũ Đình Hậu”.

Theo hồ sơ vụ án thì căn nhà số 19 phố Thuốc Bắc, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thuộc quyền sở hữu của vợ chồng cụ Đỗ Huy Ngọc và cụ Lê Thị Hữu đã sang tên thừa kế cho các con là ông Đỗ Trọng Cao (chết năm 1972, không vợ con) được hưởng 8/12 phần, còn lại bà Đỗ Thị Ngà (tức Nga), bà Đỗ Thị Nguyệt, bà Đỗ Thị Song Toàn (chết năm 1963, không chồng con), ông Đỗ Trọng Thành hưởng chung 4/12 phần. Ngày 01/7/1971, ông Thành ký hợp đồng cho gia đình cụ Nguyễn Đình Nhuần (là bác ruột ông Nguyễn Đình Sông, chết năm 2000) và vợ chồng cụ Nguyễn Đình Chiện (là cha của ông Sông, chết năm 1998) thuê gian buồng tầng 2 nhà 19 phố Thuốc Bắc, diện tích 39,36m2 để lấy tiền chữa bệnh cho ông Cao, đã nhận trước 2000 đồng.

Theo “Giấy bán đứt một buồng ở” (không ghi ngày tháng năm nhưng ông Thành thừa nhận văn bản này viết khoảng năm 1971), ông Cao đã bán cho cụ Nhuần 01 gian buồng tầng 2 nhà 19 phố Thuốc Bắc (không ghi diện tích) giá 6.550 đồng, bên bán đã nhận đủ tiền, ghi là cụ Chiện đại diện mua bán và ký thay cụ Nhuần. Ông Thành cho rằng gian nhà bán này chính là gian nhà thuê nêu trên và bán cho cụ Nhuần, không phải bán cho cụ Chiện. Tuy nhiên, cụ Tô Thị Lâm và các ông, bà Nguyễn Đình Uân, Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Quỳnh Hợp, Nguyễn Thị Minh Nguyệt (là vợ, con cụ Nhuần) đều xác định cụ Chiện trực tiếp giao dịch và trả tiền, cụ Nhuần chỉ đứng tên hộ cụ Chiện trên hợp đồng mua nhà do ông Cao bán. Do đó, có cơ sở xác định cụ Chiện là người mua gian buồng này.

Ngày 09/9/1972, ông Cao viết giấy ủy quyền để ông Thành bán căn buồng phụ ông Cao đang ở. Ngày 05/11/1972, ông Cao chết không để lại di chúc. Cùng ngày 05/11/1972, ông Thành, bà Ngà, bà Nguyệt ký “Văn tự bán đứt tầng 2 số nhà 19 phố Thuốc Bắc” có nội dung bán cho vợ chồng cụ Chiện buồng chính 38,07m2 , buồng phụ 7,095m2 , tổng là 45,165m2 , giá 3.000 đồng, bên bán đã nhận đủ tiền, bên mua đã nhận sử dụng diện tích tầng 2 và đang ở; văn tự có đủ 3 người gồm ông Thành, bà Ngà, bà Nguyệt là bên bán ký tên, còn bên mua ghi tên cụ Chiện, cụ Mở nhưng không ký.

Khi tranh chấp, ông Sông xuất trình được 02 văn tự bán nhà nêu trên và cả giấy ông Cao ủy quyền cho ông Thành bán nhà. Thực tế, gia đình cụ Chiện đã quản lý cả 02 gian buồng tầng 2 nhà 19 phố Thuốc Bắc của gia đình ông Thành từ năm 1972 đến nay, gia đình ông Thành ở số nhà 17 phố Thuốc Bắc liền kề không tranh chấp đòi tiền thuê nhà hoặc tiền mua nhà. Nội dung “Văn tự bán đứt tầng 2 số nhà 19 phố Thuốc Bắc” đều ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền, không có việc hai bên thỏa thuận sẽ lập giấy trả tiền riêng.

Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm cho rằng bên mua chưa ký tên vào văn bản mua bán nhà và không chứng minh được đã trả tiền để bác yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán nhà của nguyên đơn là chưa đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn. Hội đồng thẩm phán TANDTC tuyên hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 86/2010/DS-PT ngày 18/5/2010. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Lẽ công bằng, sự hợp lý, lẽ phải ghi nhận qua các chứng cứ đã được Hội đồng thẩm phán TANDTC nhận diện và ghi nhận trong Án lệ này như sau: “Trường hợp này, hợp đồng có giá trị xác định bên mua đã trả đủ tiền cho bên bán và ý chí của bên mua đồng ý với hợp đồng mua bán nhà đó, hợp đồng mua bán nhà được công nhận”. Theo hồ sơ tranh chấp, ông Sông xuất trình được 02 văn tự bán nhà nêu trên và cả giấy ông Cao ủy quyền cho ông Thành bán nhà. Thực tế, gia đình cụ Chiện đã quản lý cả 02 gian buồng tầng 2 nhà 19 phố Thuốc Bắc của gia đình ông Thành từ năm 1972 đến nay, gia đình ông Thành ở số nhà 17 phố Thuốc Bắc liền kề không tranh chấp đòi tiền thuê nhà hoặc tiền mua nhà. Nội dung “Văn tự bán đứt tầng 2 số nhà 19 phố Thuốc Bắc” đều ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền, không có việc hai bên thỏa thuận sẽ lập giấy trả tiền riêng, đây chính là biên nhận mà bên bán xác nhận là bên mua đã trả tiền. Bên mua chưa ký vào văn bản mua bán, nhưng văn bản này bên mua là người giữ, nên vẫn có giá trị xác định nghĩa vụ của bên bán về việc đã nhận tiền.

Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật hiện hành không có quy định để giải quyết trường hợp hợp đồng mua bán nhà có chữ ký của bên bán, ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền, bên mua tuy chưa ký tên trên hợp đồng nhưng là người giữ hợp đồng và đã quản lý, sử dụng nhà ở ổn định trong thời gian dài mà bên bán không có tranh chấp đòi tiền mua nhà thì được giải quyết như thế nào. Bên cạnh đó, không có tập quán, không thể áp dụng tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ để giải quyết vụ việc này. Do vậy, căn cứ vào bản chất pháp lý của vụ việc, những diễn biến, sự kiện, hành vi và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra nhận định là cần phải công nhận hợp đồng mua bán đó./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phùng Trung Tập, Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01, tháng 01/2020.

2. Nguyễn Hương, Một số vấn đề về “Lẽ công bằng” theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, http://trungcapluatdonghoi.edu.vn/ vi/news/Nghien-cuu-trao-doi/Mot-so-van-de-veLe-cong-bang-theo-quy-dinh-cua-Bo-luat-Totung-dan-su-2015-1057.html, 2015.

3. Hồ Ngọc Điệp, Tòa án và nguyên tắc xét xử theo lẽ công bằng, https://tapchitoaan.vn/baiviet/phap-luat/toa-an-va-nguyen-tac-xet-xu-theole-cong-bang, 2019.

4. Tòa án nhân dân tối cao, Án lệ, https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/ chitietanle?dDocName=TAND014300, 2020.

5. Tòa án nhân dân tối cao, Án lệ, https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/ chitietanle?dDocName=TAND014305.


Tìm kiếm có liên quan: Tiểu luận về lẽ công bằng, Lẽ công bằng là gì, Ví dụ về lẽ công bằng, Lẽ công bằng tiếng Anh, Nguyên tắc công bằng trong pháp luật Việt Nam, Lẽ công bằng được xem là nguồn của luật dân sự, Lẽ công bằng trong Bộ luật dân sự 2015, Những bất cập của việc áp dụng án lệ ở Việt Nam hiện nay

Lẽ công bằng là gì?

Theo Khoản 3, Điều 45 BLTTDS 2015: “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải, được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”. Theo quy định này, lẽ công bằng có một số đặc điểm chính như sau:
– Thứ nhất, lẽ công bằng phải là lẽ phải, những điều hợp lý, hợp tình, phù hợp với các quy tắc xử sử, các chuẩn mực đạo đức; là lẽ phải và có sự hợp lý.
– Thứ hai, lẽ công bằng phải là những điều được xã hội thừa nhận – tức là được sự thừa nhận của số đông do những yếu tố được nêu trong mục thứ nhất.
– Thứ ba, lẽ công bằng phải phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc – đặc điểm này của lẽ công bằng đảm bảo rằng lẽ công bằng là những giá trị tốt đẹp, nhân văn, được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan.

Nguyên tắc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự?

Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự theo quy định tại Điều 3 BLDS 2015 có nội dung bao quát hầu như tất các quan hệ pháp luật dân sự và thể hiện bản chất của quan hệ pháp luật dân sự giữa các bên chủ thể trong xã hội. Tuy nhiên, nội dung các quy định trong BLDS luôn luôn tiếp cận phù hợp với các nguyên tắc cơ bản này, cuộc sống cũng luôn luôn phát sinh những sự kiện cần phải được giải quyết, nhưng pháp luật không thể hoàn thiện đến mức có thể điều chỉnh hết tất cả các quan hệ tài sản và nhân thân phát sinh trong xã hội ngày một đa dạng, phức tạp! Vì vậy, việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự vừa là nhu cầu vừa là một giải pháp linh hoạt để hóa giải những tranh chấp dân sự phát sinh trong xã hội để bảo vệ sự bình ổn trong giao lưu dân sự, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm tình đoàn kết trong nhân dân. Qua việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự phát sinh, là cơ sở sửa đổi, bổ sung pháp luật nhằm hoàn thiện pháp luật để giải quyết các quan hệ dân sự một cách có hiệu quả.
Như vậy, ta có thể hiểu Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong trường hợp xem xét, giải quyết tranh chấp thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự mà các bên trong quan hệ không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định hoặc có quy định nhưng quy định hiện có không thể điều chỉnh hết quan hệ đang được xem xét, giải quyết mà không có tập quán được áp dụng, không có quy định để áp dụng tương tự về luật và không có án lệ để áp dụng thì áp dụng lẽ công bằng”[1].
Việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự là nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm những tranh chấp dân sự phát sinh trong xã hội trong trường hợp chưa có quy phạm, không có tập quán, không có luật để áp dụng tương tự, không có án lệ để áp dụng. Áp dụng lẽ công bằng giải quyết các tranh chấp dân sự góp phần bảo đảm cho các quyền dân sự chính đáng của chủ thể được bảo đảm thực hiện, đồng thời giữ gìn mối đoàn kết trong nhân dân, bảo đảm cho các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, thương mại được bảo đảm thực hiện. Việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự là căn cứ để cơ quan lập pháp ban hành văn bản pháp luật nhằm khắc phục kịp thời những “lỗ hổng” của pháp luật cho phù hợp với quan hệ pháp luật dân sự, điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ trong xã hội về tài sản và nhân thân thuộc lĩnh vực pháp luật dân sự. Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự là một việc phức tạp và khó khăn đối với Tòa án. Tuy nhiên, việc áp dụng lẽ công bằng trong trường hợp chưa có luật điều chỉnh, chưa có tập quán, án lệ để áp dụng. Khi có bản án áp dụng lẽ công bằng để giải quyết các tranh chấp này, nếu bản án mẫu mực và đáp ứng các điều kiện để phát triển án lệ thì bản án này lại được xem xét để phát triển thành án lệ.

4.8/5 - (18 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.