Nguyên đơn trong vụ án dân sự

Chuyên mụcLuật tố tụng dân sự, Thảo luận pháp luật Nguyên đơn
(Ảnh minh họa - Nguồn: tapchitoaan.vn)

Vụ án dân sự trong phạm vi bài viết này được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Ngoài ra, người viết xin giới hạn quy định nguyên đơn trong việc giải quyết vụ án dân sự theo hai cấp xét xử là sơ thẩm, phúc thẩm; không bao gồm việc xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; không áp dụng đối với vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài.

1. Khái niệm nguyên đơn

Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm[1].

Nguyên đơn còn là cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Nếu việc khởi kiện không nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình là người đại diện hợp pháp; cũng không thuộc trường hợp theo quy định của pháp luật có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước thì người khởi kiện sẽ không có quyền khởi kiện[2].

Trong nguyên đơn còn có đồng nguyên đơn và nhiều nguyên đơn cần phân biệt. Đồng nguyên đơn là trường hợp trong vụ án, có nhiều người khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức, ví dụ như nhiều người trong hàng thừa kế có cùng yêu cầu chia di sản thừa kế, vợ chồng khởi kiện yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng, vợ chồng cùng đòi nợ người khác…

Vụ án có nhiều nguyên đơn, theo quy định của BLTTDS năm 2015, đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án. Trường hợp này Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ ban hành Quyết định nhập vụ án và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật. Các nguyên đơn này độc lập về quyền lợi với nhau, nhưng đưa vào giải quyết trong cùng vụ án vì có cùng bị đơn[3].

Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi dân sự của nguyên đơn[4]:

Năng lực pháp luật tố tụng dân sự là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.

+ Về chủ thể:

Nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng. Cụ thể, cơ quan bao gồm các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân. Cơ quan tham gia tố tụng dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.

Vấn đề đặt ra đối với cơ quan có nhiều bộ phận cấu thành. Ví dụ theo Luật tổ chức Tòa án năm 2014, TANDTC bao gồm Hội đồng thẩm phán TANDTC, bộ máy giúp việc, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng – Học  viện Tòa án. Theo quan điểm người viết, chỉ có Học viện Tòa án mới có quyền tham gia tố tụng dân sự một cách độc lập. Vì Học viện Tòa án là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao; có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng[5].

Tổ chức bao gồm tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nhà nước.

Tổ chức còn bao gồm các loại hình doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tổ chức bao gồm tổ chức có tư cách pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân. Tổ chức có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.

Việc xác định tư cách tham gia tố tụng dân sự của Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân  có quy định riêng. Theo đó, chủ thể này tham gia tố tụng dân sự phải có người đại diện hợp pháp.

Về phạm vi, mức độ tham gia tố tụng dân sự:

Nguyên đơn là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.

Đối với nguyên đơn là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi tố tụng dân sự của họ được xác định theo quyết định của Tòa án và việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ được xác định theo quyết định của Tòa án.

Nguyên đơn là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của nguyên đơn, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

Nguyên đơn là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

Nguyên đơn là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Quy định này xuất phát từ Bộ luật Lao động năm 2012, theo đó, người đủ 15 tuổi có quyền giao kết hợp đồng lao động; và quy định của Bộ luật dân sự năm 2015,  người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

2. Quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn[6]

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, về nguyên tắc, nguyên đơn cần sử dụng quyền của mình một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác; trường hợp nguyên đơn không thực hiện nghĩa vụ thì phải chịu hậu quả do Bộ luật này quy định.

BLTTDS năm 2004, được sửa đổi bổ sung năm 2011, không có quy định nguyên đơn có quyền chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, bác bỏ toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn; không có quy định nguyên đơn có quyền chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; bác bỏ toàn bộ yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quy định này là không bình đẳng, vì bị đơn có quyền chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; bác bỏ toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; do đó, không đảm bảo được quyền lợi cho đương sự.

Khắc phục những thiếu sót nêu trên, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung quy định rằng nguyên đơn được quyền chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Điều này đảm bảo các đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng.

Xuất phát từ nguyên tắc quyết định và tự định đoạt của đương sự, nguyên đơn được quyền thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, từ giai đoạn nộp đơn khởi kiện, thụ lý vụ án, chuẩn bị xét xử sở thẩm, tại phiên tòa sơ thẩm, chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn có thể sử dụng quyền này bất cứ lúc nào. Tinh thần của Điều 244 BLTTDS năm 2015 quy định về việc xem xét, thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện thể hiện tại phiên tòa dân sự sơ thẩm là Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện. Trường hợp có nguyên đơn rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì HĐXX chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn đã rút.

Trong phạm vi bài viết này, người viết phân loại quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn theo từng giai đoạn giải quyết vụ kiện dân sự:

3.1.Trong giai đoạn nộp đơn khởi kiện và thụ lý vụ án:

Trước khi Tòa án thụ lý vụ kiện, nguyên đơn ở vị trí, vai trò của người khởi kiện. Sau khi Tòa án ban hành thông báo thụ lý vụ án, người khởi kiện tham gia vụ án với tư cách nguyên đơn. Khi đó, người khởi kiện – nguyên đơn có các quyền, nghĩa vụ sau:

– Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

– Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án. Điều đó có nghĩa, người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015.

– Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.

– Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.

– Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

– Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

3.2.Trong thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử: Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Do đó, trong giai đoạn này, nguyên đơn có những quyền, nghĩa vụ sau:

– Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.

– Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.

– Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.

Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ.

– Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

– Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành.

– Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật này. Quy định mới của BLTTDS  2015, vì trước đây, bộ luật cũ chỉ quy định quyền này đối với nguyên đơn, không quy định đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

– Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

– Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

3.3.Tại phiên tòa sơ thẩm: Nguyên đơn có các quyền, nghĩa vụ sau:

– Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.

– Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

– Tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật này.

– Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.

– Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.

– Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng.

– Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.

– Được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án.

– Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án;

– Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

– Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

– Đối với việc đăng bản án trên cổng thông tin điện tử: Khi phổ biến quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, trong đó có nguyên đơn, trong quá trình xét xử, Chủ tọa phiên tòa phải giải thích cho những người tham gia tố tụng biết về những bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và quyền của nguyên đơn về việc yêu cầu Tòa án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh[7].

Đây là quyền mới của nguyên đơn nói riêng, cũng như đương sự nói chung, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

Quy định này nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các thẩm phán, tăng tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cũng như tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử. Hơn nữa, nguyên đơn có quyền yêu cầu không đăng bản án trên cổng thông tin điện tử Tòa án. Việc công bố bản án, quyết định do tòa án quyết định dựa trên quy định pháp luật chứ không phụ thuộc ý kiến chủ quan của đương sự nói chung, nguyên đơn nói riêng.

3.4.Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn có các quyền, nghĩa vụ sau:

– Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này.

– Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

– Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

4. Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn và hệ quả pháp lý[8]

Khi nguyên đơn là cá nhân đang tham gia tố tụng chết; cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức, trường hợp này, đặt ra yêu cầu Tòa án trong việc xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng trong vụ án.

Trường hợp nguyên đơn là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng

Trường hợp nguyên đơn là cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức đó được xác định như sau:

+ Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng;

+ Trường hợp cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó hoặc đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức tiếp nhận các quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng;

+ Trường hợp tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì cá nhân, tổ chức tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó tham gia tố tụng.

Trường hợp thay đổi chủ sở hữu của tổ chức và có việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho chủ sở hữu mới thì chủ sở hữu mới kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.

Trường hợp tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự thì tổ chức đó kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.

Trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện đang tham gia tố tụng chết thì tổ chức đó phải cử người khác làm đại diện để tham gia tố tụng; nếu không cử được người đại diện hoặc tổ chức đó phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể thì các cá nhân là thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng.

+ Hệ quả pháp lý trong một số trường hợp:

* Trong vụ án hôn nhân gia đình mà nguyên đơn chết thì quan hệ hôn nhân chấm dứt, không có sự kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng, Tòa án ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015.

Nếu vụ án hôn nhân gia đình, trong đó quan hệ yêu cầu Tòa án giải quyết không phải là quan hệ nhân thân, mà là quan hệ tài sản (ví dụ: yêu cầu chia tài sản sau ly hôn) mà nguyên đơn chết thì tùy từng trường hợp; nếu chưa xác định được người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người chết thì Tòa án ban hành quyết định tạm đình chỉ vụ án (khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015); nếu có căn cứ xác định người đã chết không có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng thì Tòa án ban hành Quyết định đình chỉ vụ án (điểm a khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015).

* Trong vụ án có nhiều nguyên đơn, có nguyên đơn chết, nguyên đơn còn lại không cung cấp được họ tên, năm sinh, địa chỉ của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn đã chết theo yêu cầu của Tòa án thì người giải quyết vụ án cần phải phân biệt vụ án nhiều nguyên đơn theo Quyết định nhập vụ án hay vụ án có đồng nguyên đơn. Bởi vì mỗi một trường hợp, hệ quả pháp lý sẽ khác nhau, cụ thể là:

Trong trường hợp một nguyên đơn chết, mà chưa xác định được người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người chết thì Tòa án ban hành quyết định tạm đình chỉ đối với yêu cầu của nguyên đơn đã chết (khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015); nếu có căn cứ xác định nguyên đơn đã chết không có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng thì Thẩm phán ban hành Quyết định đình chỉ vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã chết (điểm a khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015). Tiền tạm ứng án phí mà nguyên đơn đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước theo quy định tại Khoản 2 Điều 218 BLTTDS năm 2015). Đối với các yêu cầu của các nguyên đơn còn lại thì Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung.

Về đồng nguyên đơn, nếu một trong các nguyên đơn chết thì Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung, Thẩm phán xác định người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng người chết tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

5. Kết luận

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, vị trí, vai trò, quyền lợi, nghĩa vụ nguyên đơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong mối quan hệ tố tụng với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Các đương sự này hiểu được quy định pháp luật về nguyên đơn để làm cơ sở phát huy quyền lợi của mình. Nhận thức rõ các quy định pháp luật có liên quan đến chủ thể này cũng giúp cho người làm công tác xét xử giải quyết vụ án nhanh chóng, khách quan, toàn diện. Hơn hết, người ở vị trí nguyên đơn hiểu được quy định pháp luật liên quan đến địa vị của mình thì họ sử dụng quyền, nghĩa vụ của mình một cách triệt để. Khi đó tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao, Nhà nước pháp quyền được xây dựng và hoàn thiện theo đúng nghĩa.


[1] Khoản 2 Điều 68 BLTTDS năm 2015.

[2] Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

[3] Khoản 1 Điều 42 BLTTDS năm 2015.

[4] Điều 69 BLTTDS năm 2015.

[5] Quyết định 1191 ngày 30/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ V/v thành lập Học viện Tòa án.

[6] Điều 70 BLTTDS năm 2015.

[7] Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

[8] Điều 74 BLTTDS năm 2015.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền